Một triều đại Giáo Hoàng rạng ngời
J.B. Đặng Minh An2/11/2013
Mặc dù là một cố vấn gần gũi với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và là người đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và cũng là một nhà thần học sung mãn, tác giả của hàng chục cuốn sách về thần học và các bài tiểu luận, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là một người khiêm nhường đến mức ít ai biết đến ngài cho đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời.
Cho đến cuối những năm bảy mươi, chúng ta không biết nhiều về Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Mãi đến ngày sinh nhật thứ 50 của ngài, một chút ánh sáng về cuộc đời của ngài mới được hé lộ trong cuốn hồi ký của ngài là cuốn Milestones.
Sinh ngày ngày 16 tháng 4 năm 1927, tại Bavaria, Đức quốc, Joseph là con út trong gia đình có ba người con. Được rửa tội vào Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, ngài xem thời điểm đó là rất có ý nghĩa với ngài vì đó là một biểu tượng của niềm hy vọng Phục Sinh.
Mới 12 tuổi, nhưng được sự khuyến khích của cha xứ, ngài đã theo bước chân của anh trai mình và gia nhập chủng viện. Đó là năm 1939. Ngay sau đó, Hitler đã tuyên bố chiến tranh và Đế chế thứ ba đã bắt đầu tuyển dụng những người trẻ tuổi. Joseph Ratzinger chịu chung số phận với hàng triệu thanh niên Đức.
Nhưng tháng Năm năm 1945, ngài đào ngũ và trở về nhà, một quyết định đã khiến ngài phải chịu giam cầm trong một trại tù nhân chiến tranh. Tuy nhiên, một tháng sau đó, khi chiến tranh kết thúc, Joseph đã có thể để trở lại chủng viện và được thụ phong linh mục vào năm 1951. Sau đó, ngài đã trình bày luận án tiến sĩ về Thánh Augustinô và từ thời điểm đó, ngài đã phát triển một sự cống hiến tuyệt vời cho thần học Công Giáo.
Một trong số những vị Thánh thường được ngài nhắc đến là Thánh Bênêđíctô mà người Việt thường gọi là Thánh Biển Đức, một trong những vị thánh bảo trợ của châu Âu.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cho biết:
“Tôi muốn được gọi là Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 để được kết hợp một cách lý tưởng với vị Giáo Hoàng khả kính là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, một vị tiên tri đích thật của hòa bình”.
Năm 1977, Đức Phaolô VI chọn ngài là Tổng Giám Mục Munich và Frisinga. Sau khi được tấn phong Hồng Y, năm 1978 ngài đã tham gia trong hai Mật Nghị bầu Giáo Hoàng để bầu Đức Gioan Phaolô I và Đức Gioan Phaolô II. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi ngài sang tới Rôma.
Ở khu phố Rôma cạnh bên Vatican, mọi người thường nói về sự đơn giản của ngài và mặc dù là người Đức, ngài không bao giờ chạm đến một ly bia.
Một chủ quán giải khát gần Vatican nói
“Một cái gì đó hài hước mà tôi nhớ là ngài luôn luôn chỉ gọi nước sôđa cam. Khi ngài ghé đến đây, tôi luôn luôn hỏi, Thưa Đức Cha, nước sôđa cam như thường lệ phải không ạ? Và ngài gật đầu với một nụ cười. ”
Trong diễn văn khai mạc Cơ Mật Viện, hôm 18 tháng Tư 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã tổng kết một cách sâu sắc tình hình của một thế giới đang bị thống trị bởi một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối với những lời như sau:
“Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình ‘bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý’ dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”
Trong khi chính nhiều người Công Giáo “mặc cảm tầm bậy” về đức tin của mình coi đó như một điều gì đó “phản khoa học và đi ngược lại với lý trí”, một trong những chủ đề chính trong triều Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí trong Kitô Giáo.
Đức Thánh Cha đã từng nói:
“Đức tin là kinh nghiệm nhân bản giúp mở lòng con người ra với Thiên Chúa, chẳng có gì mâu thuẫn với khoa học. Ngược lại, chính khoa học đòi hỏi nơi con người một chiều kích cao hơn để họ thực sự hiểu được bản chất của mình. ”
Vì tuổi già sức yếu, Đức Thánh Cha thoái vị nhưng có thể khẳng định như Đức Hồng Y Angelo Sodano niên trưởng Hồng Y Đoàn, đây là một triều Giáo Hoàng rạng ngời.
Đức Hồng Y Angelo Sodano nói:
”Kính Thưa Đức Thánh Cha, Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô,
”Sứ điệp cảm động của Đức Thánh Cha vang lên trong dinh Tông Tòa này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. Trong những lời của Đức Thánh Cha, chúng con nhận thấy lòng yêu mến nồng nhiệt của Đức Thánh Cha đối với Hội Thánh Chúa, đối với Giáo Hội mà Đức Thánh Cha đã thiết tha yêu mến dường nào. Giờ đây, xin cho phép con nhân danh cộng đoàn tông đồ này, Hồng y đoàn, nhân danh tất cả những cộng sự viên quí mến của Đức Thánh Cha, để nói rằng chúng con gần gũi với Đức Thánh Cha hơn bao giờ hết, cũng như chúng con đã gần gũi với Đức Thánh Cha trong 8 năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, nếu con nhớ rõ, vào cuối Mật Nghị, với giọng hồi hộp cảm động con đã hỏi Đức Thánh Cha: ”Ngài có nhận việc bầu cử hợp pháp để lên ngôi Giáo Hoàng hay không?”, và cũng với sự hồi hộp, ngài đã không trì hoãn trả lời chấp nhận, với niềm tín thác nơi ơn Chúa và trong sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội. Như Mẹ Maria, ngày hôm ấy, Đức Thánh Cha đã thưa ”xin vâng” và đã khởi đầu một triều đại Giáo Hoàng sáng ngời, trong sự kế tục với 265 vị tiền nhiệm của Ngài trên ngai tòa thánh Phêrô, xuyên suốt lịch sử Giáo Hội qua hơn haingàn năm lịch sử, từ Thánh Phêrô người ngư phủ khiêm hạ miền Galilêa, cho đến các vị đại Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua, từ thánh Piô 10 cho đến chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.
Kính thưa Đức Thánh Cha, trước ngày 28 tháng 2, như Ngài đã nói, ngày mà Ngài muốn chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng được chu toàn với tất cả lòng yêu mến, lòng khiêm nhường, chúng con sẽ có dịp biểu lộ rõ hơn tâm tình của chúng con. Cũng như bao nhiêu vị mục tử và tín hữu trên thế giới, cũng như bao nhiều người thiện chí cùng với chính quyền của các nước. Rồi trong tháng này, chúng con còn được niềm vui nghe tiếng vị chủ chăn, ngay trong ngày thứ Tư lễ tro tới đây, rồi ngày thứ năm, với hàng giáo sĩ Rôma, trong những buổi đọc kinh Truyền Tin những ngày Chúa nhật, trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hàng tuần. Vì thế còn bao nhiêu dịp để nghe tiếng nói hiền phụ của Đức Thánh Cha. Nhưng sứ vụ của Ngài sẽ tiếp tục. Ngài đã nói rằng sẽ luôn gần gũi chúng con với chứng tá và lời cầu nguyện của Ngài. Dĩ nhiên, những ngôi sao trên trời sẽ tiếp tục chiếu sáng và sẽ luôn chiếu sáng giữa chúng con ngôi sao triều đại giáo hoàng của Ngài. Chúng con gần gũi Đức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con.
Nguồn: Vietcatholic.net