Sứ điệp Mùa Chay 2013 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
“Tin trong đức Ái khơi lên tình bác ái”
“Chúng ta đã biết và đã tin vào tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (1 Ga 4, 16)
Anh chị em thân mến,
Việc cử hành Mùa Chay trong bối cảnh Năm Đức Tin cho chúng ta một cơ hội quý báu để suy niệm về mối tương quan giữa đức Tin và đức Ái: giữa việc tin vào Thiên Chúa –Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô–, và tình yêu, là hoa quả của Chúa Thánh Thần, và là điều hướng dẫn chúng ta trên con đường hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
1. Đức Tin là lời đáp lại tình Thiên Chúa yêu thương
Trong Thông điệp đầu tiên, tôi đã đưa ra một vài tư tưởng về mối liên hệ gần gũi giữa hai nhân đức đối thần là đức Tin và đức Ái. Dựa vào lời xác quyết cơ bản của Thánh Gioan: “Chúng ta đã biết và đã tin vào tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (1 Ga 4, 16), tôi cho rằng “Là Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn mang tính đạo đức hay một ý tưởng cao đẹp, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định … Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4, 10), nên tình yêu không còn chỉ là một “mệnh lệnh” nữa, nhưng là lời đáp lại món quà tình yêu mà nhờ đó Thiên Chúa đến gần chúng ta” (Thông điệp Deus Caritas Est, số 1). Đức Tin là sự gắn bó cá nhân ấy –vốn bao gồm mọi khả năng của chúng ta– với mặc khải về tình yêu nhưng không và “say mê” mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu đòi hỏi không chỉ tâm tư mà cả lý trí của chúng ta: “Việc nhận biết Thiên Chúa hằng sống là đường dẫn đến tình yêu, và tiếng thưa “vâng” của ý chí chúng ta đối với ý muốn của Người kết hợp lý trí, ý chí và tình cảm của chúng ta vào trong một hành động trọn vẹn của tình yêu. Nhưng tiến trình này vẫn luôn chuyển động: tình yêu chẳng bao giờ ‘kết thúc’ và hoàn tất” (nt., số 17). Vì thế, tất cả các Kitô hữu, nhất là “những người tham gia làm việc bác ái”, cần phải có đức Tin, vì “cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô đánh thức tình yêu của họ và mở lòng họ cho tha nhân. Kết quả là tình yêu thương người lân cận không còn là một mệnh lệnh áp đặt –có thể nói là từ bên ngoài– đối với họ, nhưng là một kết quả phát sinh từ đức Tin của họ, một đức Tin hoạt động qua đức Ái” (nt., số 31a). Các Kitô hữu là những người đã được tình yêu Chúa Kitô chinh phục và vì vậy khi được tình yêu ấy thúc đẩy – “Caritas Christi urget nos” [Tình yêu Chúa thúc bách chúng tôi] (2 Cr 5, 14) – họ mở rộng cõi lòng để yêu thương những người lân cận cách cụ thể (x. nt., số 33). Thái độ này phát sinh trước hết từ ý thức được Chúa yêu thương, tha thứ, kể cả phục vụ; Chúa là Đấng cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ và hiến mình trên Thánh Giá để dẫn đưa nhân loại vào trong tình yêu Thiên Chúa.
“Đức Tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã ban Con Ngài cho chúng ta và cho chúng ta hân hoan vững tin đây thực sự là sự thật: Thiên Chúa là tình yêu … Đức Tin, một khi nhận ra tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, sẽ làm phát sinh tình yêu. Tình yêu là ánh sáng –và rốt cuộc là ánh sáng duy nhất– có khả năng không ngừng soi chiếu một thế giới đang trở nên mờ tối và cho chúng ta lòng can đảm cần thiết để sống và hành động” (nt., số 39). Tất cả những điều này giúp chúng ta hiểu rằng dấu hiệu chủ yếu để phân biệt các Kitô hữu chính là “tình yêu đặt nền tảng trên đức Tin và định hình bởi đức Tin” (nt., số 7).
2. Đức Ái là đời sống trong đức Tin
Toàn bộ đời sống Kitô hữu là một lời đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Lời đáp đầu tiên chính là đức Tin, như sự đón nhận –đầy ngỡ ngàng và biết ơn– sáng kiến chưa từng thấy của Thiên Chúa, vốn vượt trên chúng ta và chất vấn chúng ta. Và lời thưa “vâng” của đức Tin đánh dấu khởi đầu một câu chuyện sáng ngời về tình bằng hữu với Chúa, sẽ lấp đầy và đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho toàn thể cuộc đời chúng ta. Nhưng Thiên Chúa chưa thỏa mãn với việc chúng ta chỉ đón nhận tình yêu nhưng không của Ngài. Ngài không chỉ yêu thương chúng ta, nhưng còn muốn kéo chúng ta đến với Ngài, biến đổi chúng ta một cách sâu xa đến nỗi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2, 20).
Khi chúng ta dành chỗ cho tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên giống Ngài, chia sẻ chính đức Ái của Ngài. Khi mở lòng ra cho tình yêu của Ngài, là chúng ta để cho Ngài sống trong chúng ta, và dẫn chúng ta đến chỗ yêu thương với Ngài, trong Ngài và như Ngài; chỉ khi ấy đức Tin của chúng ta mới thực sự “hoạt động qua đức Ái” (Gl 5, 6); chỉ khi ấy Ngài mới ở trong chúng ta (x. 1 Ga 4, 12).
Tin là nhận biết chân lý và gắn bó với chân lý ấy (x. 1 Tm 2, 4); yêu thương là “bước đi” trong chân lý (x. Ep 4,15). Nhờ đức Tin, chúng ta đi vào tình bằng hữu với Chúa; nhờ đức Ái, chúng ta sống và nuôi dưỡng tình bằng hữu ấy (x. Ga 15, 14tt). Đức Tin làm cho chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa và Thầy chúng ta, đức Ái làm cho chúng ta vui sướng thi hành mệnh lệnh ấy (x. Ga 13, 13-17). Trong đức Tin, chúng ta được sinh làm con cái Thiên Chúa (x. Ga 1, 12tt); đức Ái làm cho chúng ta bền chí làm con cái Thiên Chúa cách cụ thể, trổ sinh hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 22). Đức Tin giúp chúng ta nhận ra những quà tặng mà Thiên Chúa nhân lành và rộng lượng đã trao phó cho chúng ta; đức Ái làm cho những món quà ấy sinh hoa kết quả (x. Mt 25, 14-30).
3. Mối tương quan không thể tách rời giữa đức Tin và đức Ái
Từ những gì vừa đề cập, rõ ràng chúng ta không bao giờ có thể tách rời, kể cả đối lập, đức Tin và đức Ái. Hai nhân đức đối thần này liên kết nhau mật thiết, và sẽ rơi vào hiểu lầm nếu đặt hai nhân đức này đối lập hoặc “biện chứng” với nhau. Một mặt, sẽ rất phiến diện nếu quá nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên và có ý nghĩa quyết định của đức Tin, đồng thời đánh giá thấp và gần như xem thường những việc làm bác ái cụ thể, đại loại như những hoạt động nhân đạo thông thường. Nhưng mặt khác, cũng chẳng ích lợi gì nếu chỉ đề cao bác ái và những việc từ thiện, lấy những hoạt động này thay thế đức Tin. Để có một đời sống thiêng liêng lành mạnh, cần tránh cả hai, hoặc quá đề cao đức tin – duy tín chủ nghĩa, hoặc quá chú trọng việc làm đạo đức – khuyến thiện chủ nghĩa. Cuộc sống của người Kitô hữu bao gồm việc không ngừng lên núi để gặp gỡ Chúa, rồi xuống núi, mang tình yêu và sức mạnh nhận được từ Ngài, để phục vụ anh chị em bằng chính tình yêu của Chúa. Đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy lòng nhiệt thành của các tông đồ loan báo Tin Mừng và khơi dậy đức Tin nơi dân chúng có mối liên hệ mật thiết với mối quan tâm bác ái phục vụ người nghèo (x. Cv 6, 1-4). Trong Giáo hội, chiêm niệm và hoạt động, một cách nào đó, được biểu tượng nơi hai gương mặt trong Tin Mừng là Maria và Marta, sóng đôi và bổ túc cho nhau (x. Lc 10, 38-42). Mối tương quan với Chúa luôn luôn phải chiếm ưu tiên, và mọi chia sẻ của cải đích thực nào, theo tinh thần Phúc âm, cũng phải bén rễ trong đức Tin (x. Huấn từ Tiếp kiến chung, ngày 25 tháng Tư 2012). Quả thực, đôi khi chúng ta có khuynh hướng hiểu từ “bác ái” chỉ là tình liên đới hoặc hành động viện trợ nhân đạo đơn thuần. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc bác ái cao cả nhất chính là Phúc âm hóa, là “sứ vụ của Lời”. Không hoạt động nào sinh ơn ích hơn –do đó bác ái hơn– đối với tha nhân bằng việc bẻ tấm bánh Lời Chúa, chia sẻ cho họ Tin Mừng Phúc âm, đưa họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa: Phúc âm hóa là việc thăng tiến nhân vị cao nhất và toàn diện nhất. Như vị Tôi tớ Chúa–Đức cố giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong Sứ điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc), việc loan báo Chúa Kitô là đóng góp đầu tiên và chính yếu vào công cuộc phát triển (x. số 16). Đó là sự thật trước hết về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, đã được trải nghiệm và loan báo, mở hướng cho cuộc sống chúng ta biết lãnh nhận tình yêu này và làm cho công cuộc phát triển toàn diện của nhân loại và mỗi người trở nên khả thi (x. Thông điệp Caritas in Veritate, số 8).
Tóm lại, mọi sự đều phát xuất từ Tình yêu và hướng đến Tình yêu. Chúng ta được nhận biết tình yêu nhưng không của Thiên Chúa là nhờ được loan báo Tin Mừng. Nếu lấy đức Tin đón nhận Tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận được cuộc tiếp xúc đầu tiên và quan trọng với Đấng Linh Thánh, có thể khiến chúng ta “phải lòng Tình yêu”, rồi ở lại trong Tình yêu này, ở đó chúng ta được lớn lên và hân hoan thông truyền Tình yêu ấy cho người khác.
Về mối tương quan giữa tình yêu và việc bác ái, một đoạn trong Thư gửi tín hữu Êphêsô có lẽ đã đúc kết rõ rệt nhất về sự liên kết: “Do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải do anh em làm được, mà là ân huệ Thiên Chúa ban cho; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Vì chúng ta là công trình của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Ðức Kitô Giêsu để làm những việc tốt lành vốn đã được Thiên Chúa chuẩn bị trước cho chúng ta” (Ep 2, 8-10). Ở đây có thể thấy, toàn thể sáng kiến cứu độ đều phát xuất từ Thiên Chúa, từ ân sủng của Ngài, từ ơn tha thứ chúng ta nhận lãnh trong đức Tin; còn sáng kiến này của Chúa –không giới hạn tự do và trách nhiệm của chúng ta– đã làm cho tự do và trách nhiệm của chúng ta trở nên chính đáng và biết hướng đến làm việc bác ái. Đó không phải trước tiên do nỗ lực của con người, mà vì thế lấy làm tự hào, nhưng phát xuất từ đức Tin và tuôn trào từ ân sủng Chúa ban xuống tràn trề. Đức tin không có việc làm cũng giống như cây không sinh hoa kết quả: hai nhân đức phải bao hàm nhau.
Mùa Chay mời gọi chúng ta, qua những thực hành trong đời sống Kitô hữu theo truyền thống lâu đời, hãy nuôi dưỡng đức Tin của chúng ta bằng việc chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, tăng trưởng đức Ái và lòng mến Chúa yêu người qua những việc làm cụ thể là ăn chay, thống hối và giúp đỡ người nghèo.
4. Đức Tin trên hết, đức Ái trước hết
Như mọi ơn Chúa ban, đức Tin và đức Ái đều bắt nguồn nơi hành động của cùng một Thánh Thần duy nhất (x. 1 Cr 13), Thần Khí trong chúng ta đang cất tiếng kêu lên “Abba – Lạy Cha” (Gl 4, 6), giúp chúng ta nói “Chúa Giêsu là Chúa!” (1 Cr 12, 3) và “Maranatha” (1 Cr 16, 22; Kh 22, 20). Đức Tin, là ân sủng và lời đáp lại, giúp chúng ta nhận biết sự thật Đức Kitô chính là Tình yêu đã nhập thể và chịu đóng đinh, là sự vâng phục hoàn toàn và hoàn hảo theo ý Chúa Cha muốn, và là lòng thương xót vô biên của Chúa đối với tha nhân; đức Tin gieo vào cõi lòng và tinh thần niềm tin tưởng vững vàng chỉ có Tình yêu này mới có thể khuất phục được sự dữ và sự chết. Đức Tin mời gọi chúng ta hãy biết nhờ đức Cậy mà hướng đến tương lai, tin tưởng chờ đợi Tình yêu của Chúa Kitô sẽ toàn thắng. Về phần mình, đức Ái đưa chúng ta đi vào tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Kitô, đồng thời tháp nhập con người và hiện hữu của chúng ta vào của lễ Chúa Giêsu tự nguyện tận hiến cho Chúa Cha và cho anh chị em mình. Khi làm cho tâm hồn chúng ta được tràn đầy tình yêu của Ngài, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở nên những người được tham dự vào ơn được làm con Thiên Chúa và làm anh em với mọi người (x. Rm 5, 5).
Mối tương quan giữa hai nhân đức đối thần này giống như tương quan giữa hai bí tích nền tảng của Giáo hội: bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh tẩy (sacramentum fidei – bí tích đức Tin) đến trước bí tích Thánh Thể (sacramentum caritatis – bí tích đức Ái) nhưng lại hướng đến bí tích này. Bí tích Thánh Thể giúp cho hành trình cuộc sống người Kitô hữu được nên trọn. Cũng vậy, đức Tin đến trước đức Ái, nhưng đức Tin chỉ tinh ròng khi được thể hiện trong đức Ái. Mọi sự bắt đầu từ việc khiêm nhường nhận lấy đức Tin (“nhận biết mình đã được Thiên Chúa yêu thương”) nhưng phải đạt đến sự thật về đức Ái (“nhận ra mình phải mến Chúa yêu người”) vốn tồn tại mãi mãi như sự kiện toàn của mọi nhân đức (1 Cr 13, 13).
Anh chị em thân mến,
Trong Mùa Chay này, khi chúng ta chuẩn bị cử hành biến cố Thập giá và Phục sinh –biến cố Tình yêu Thiên Chúa cứu chuộc trần gian và tỏa chiếu ánh quang Tình yêu vào lịch sử– tôi ước mong tất cả anh chị em dành thời gian quý báu này để nhen lại ngọn lửa đức Tin của anh chị em vào Chúa Giêsu, để cùng Người đi vào tình yêu năng động đối với Chúa Cha và mọi anh chị em chúng ta gặp trong cuộc sống. Với tâm tình này, tôi dâng lời cầu nguyện lên Chúa, xin Chúa ban phúc lành cho từng người và từng cộng đoàn!
Vatican, ngày 15 tháng Mười 2012
Bênêđictô XVI, giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ;
nguồn: Libreria Editrice Vaticana)