CON ĐƯỜNG: HÀNH HƯƠNG THEO QUAN ĐIỂM KINH THÁNH
Một phương cách tạ ơn và hiệp thông với Thiên Chúa qua nhiều thời đại
WGPQN (24/01/2025) – Mặc dù điều quan tâm nhất ở đây là nền tảng Kinh thánh của những cuộc hành hương, song phải thừa nhận rằng thực hành này không chỉ giới hạn trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo. Thời cổ đại, đã có nhiều cuộc hành hương nổi tiếng. Người Ai Cập hành hương đến các đền thờ khác nhau để xin lời khuyên từ thần thánh hoặc để thực hiện lời thề. Ở Hy Lạp cổ đại, một số điểm hành hương được biết đến, trong đó nổi tiếng nhất là đền Delphi. Những người đạo đức đã đến đó để tham khảo “lời sấm” – thường là những dự đoán rất mơ hồ – để đoán về tương lai. Các địa điểm ở Hy Lạp, chẳng hạn như thánh địa Epidaurus hoặc núi Olympas, liên quan đến các cầu xin chữa lành hoặc tìm kiếm sự khôn ngoan từ các thần linh. Trên thực tế, một cách nào đó hầu hết các tôn giáo có tổ chức đều cổ vũ những cuộc hành hương. Ngay cả ngày nay, người Hồi giáo ngoan đạo vẫn thực hiện Hajj (hành hương) hàng năm đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Xê Út khi có thể. Tóm lại, cuộc hành hương có tính phổ quát nơi con người.
Nguồn gốc Kinh Thánh
Nhưng nguồn gốc Kinh thánh của những cuộc hành hương thì như thế nào? Kinh thánh nhiều lần đề cập đến các cuộc hành hương. Sớm nhất là những hành trình đến các đền thờ liên quan đến Đức Chúa (Yahweh/Elohim) hoặc các sự kiện mặc khải đặc biệt. Vì thế, có những cuộc hành hương đến Bethel (Stk 35,1), Shiloh (1 Sm 1, 3), Gilgal (Gs 4, 20-22), và những “nơi cao”, được coi là ngự trị của thần linh (1 Sm 9, 12-19). Tất nhiên, những cuộc hành hương sau này đã bị lên án vì liên quan đến ngoại giáo (2 V 23, 5).
Theo thời gian, khi độc thần giáo đã được thiết lập vững chắc, trọng tâm của các cuộc hành hương đã thay đổi. Sau khi Solomon xây dựng Đền thờ Giêrusalem trên Núi Xion, nơi này đã trở thành trung tâm của tôn giáo hiến lễ Do Thái giáo. Đền thờ, đặc biệt là Nơi Cực Thánh (Holy of Holies), được coi là nơi ngự trị của Đức Chúa. Sự hiện diện của Đức Chúa (Shekinah) đã được xác định ở đây. Sau này, truyền thống Do Thái thậm chí còn coi Núi Đền thờ là “rốn của vũ trụ”, như một địa điểm hành hương. Tất nhiên, sau khi Giêrusalem và Đền thờ bị người Rôma phá hủy hoàn toàn vào năm 70 sau Công nguyên, không còn một cuộc hành hương đích thực như vậy nữa. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, những người Do Thái thuần thành vẫn đến thăm Giêrusalem và đi bộ quanh nó, cầu nguyện và hát thánh ca. Ngày nay, dấu tích của tập tục cổ xưa này có thể được nhìn thấy trong chuyến viếng thăm cầu nguyện đến tất cả những di tích của Đền thờ, Bức tường Than khóc (hoặc Bức tường phía Tây), nơi nhiều người Do Thái sùng đạo vẫn họp nhau cầu nguyện.
Gắn liền với Lễ hội
Cựu Ước kết nối ba cuộc hành hương chính đến Giêrusalem với các lễ hội tôn giáo cụ thể xoay quanh chu kỳ nông nghiệp. Quan trọng nhất là Lễ Vượt Qua (Pesach hoặc lễ Bánh không men), diễn ra vào mùa xuân và gắn liền với vụ thu hoạch lúa mạch. Sau đó là Lễ Ngũ Tuần (Shavuot hoặc Các tuần), diễn ra vào đầu mùa hè và cử hành vụ thu hoạch lúa mì. Cuối cùng, có Lễ lều tạm (Sukkot), diễn ra vào mùa thu vào thời điểm thu hoạch hoa quả, đặc biệt là nho và ôliu.
Mỗi ngày lễ này đều kêu gọi những người Do Thái ngoan đạo hành hương “lên” Giêrusalem – nằm trên một ngọn núi cao – để tạ ơn Đức Chúa, Đấng đã ban tặng mọi sự tốt đẹp của trái đất vì lợi ích của Dân được chọn. Ba cuộc hành hương lễ hội này đã trở thành tiêu chuẩn cho đàn ông con trai Israel (xem Xh 23, 17: “Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai phải đến trước nhan Chúa Tể là Đức Chúa”), những người được mong đợi sẽ tham gia, nếu có thể, để xứng đáng cử hành các nghi lễ tế tự của Đền thờ. Tuy nhiên, như ta thấy trong Tân Ước, đôi khi cả gia đình cùng nhau hành hương, chẳng hạn như Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse (Lc 2, 41-45). Ngay cả những người Do Thái kiều (Diaspora) sống bên ngoài Palestine cũng sẽ đi đến Giêrusalem để tham dự các lễ trọng, chẳng hạn như Lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 5-11), hoặc những người ngoại đạo có thể đến, như trường hợp những người Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu trong ngày lễ hội (Ga 12, 20). Lượng du khách đông đảo đến thành thánh thường có nghĩa là thiếu nơi tạm trú – vì không có khách sạn – khiến cho sự bấp bênh của một cuộc hành hương càng trở nên thách thức hơn.
Nói cách khác, hành hương là một phần bổn phận của Do Thái giáo, đồng thời cũng hình thành nền tảng cho các hoạt động Kitô giáo sau này.
Các Ca Khúc Lên Đền
Cảm xúc rõ ràng nhất đi cùng những người hành hương là Các Ca Khúc Lên Đền (Tv 120-134). Bộ sưu tập này trong sách Thánh Vịnh thể hiện cả niềm vui lẫn sự nhiệt thành đi cùng với những người hành hương trên con đường đến Giêrusalem. Các thánh vịnh mang tính vừa cá nhân vừa cộng đồng. Thật vậy, các cuộc hành hương thường được thực hiện vì lý do cá nhân nhưng có sự đồng hành của những người khác. Hai ví dụ từ các thánh vịnh này cho thấy cảm xúc đi kèm với cuộc hành hương.
Chẳng hạn, Thánh vịnh 122: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: / “Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! ” / Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, / cửa nội thành, ta đã dừng chân. / Giêrusalem khác nào đô thị / được xây nên một khối vẹn toàn” (câu 1-2).
Thánh vịnh 125 nói lên lòng tin tưởng tuyệt đối của những người trung thành nơi Đức Chúa khi họ lên Giêrusalem: “Ai tin tưởng vào CHÚA, khác nào núi Xion / chẳng bao giờ lay chuyển, muôn thuở vẫn trường tồn. / Như núi đồi bao bọc thành Giêrusalem, / CHÚA bao bọc dân Người bây giờ và mãi mãi” (câu 1-2). Thánh vịnh này toát lên lòng tin cậy.
Sự bày tỏ sâu sắc lòng tạ ơn cũng được thể hiện rõ trong những thánh vịnh này, cất lên tiếng nói của niềm vui và lòng biết ơn đối với Đức Chúa đã cứu dân Israel khỏi cảnh lưu đày, bảo vệ họ khỏi hiểm nguy và giải cứu họ khỏi quân thù. Chúng ta có thể tưởng tượng những bài thánh ca này được hát lên khi họ đi qua con đường lên thành thánh, reo hò (và có thể là nhảy múa) trong niềm vui khi bước vào những cánh cổng đồ sộ. Họ đang trở về nhà. Họ đang trở về với mẹ mình, Núi Xion, nơi cư ngự của Đức Chúa Tối Cao. Khi ca hát trên đường đi, hẳn đã khiến cho thời gian trôi qua nhanh hơn, nhưng cũng thúc đẩy tinh thần đoàn kết. Những thánh vịnh này đã củng cố trọng tâm: Hành hương là để cảm tạ Chúa.
Tân Ước và xa hơn nữa
Nếu cội nguồn hành hương nằm sâu trong Cựu Ước, thì chúng cũng hiện diện trong Tân Ước. Đức Giêsu và các môn đệ mình, với tư cách là những người Do Thái trung thành và ngoan đạo, được miêu tả là tham gia trọn vẹn vào truyền thống hành hương. Tin Mừng Gioan nói riêng, đã thuật lại Đức Giêsu nhiều lần lên Giêrusalem dự lễ (so sánh Ga 2, 23; 5,1), mặc dù các Tin Mừng Nhất Lãm dường như nói Ngài tham dự chỉ một Lễ Vượt Qua và đón nhận cái chết của mình. Tuy nhiên, cách hiểu về các cuộc hành hương của Chúa Giêsu đã dần phát triển ít theo nghĩa đen và theo nghĩa bóng nhiều hơn, như chúng ta sẽ thấy.
Một khía cạnh thú vị của dữ liệu Kinh thánh về các cuộc hành hương là từ vựng (vocabulary). Từ ngữ Kinh thánh nói người hành hương thực sự có nghĩa là “người khách lạ” (stranger) hoặc “người tạm trú” (sojourner) – tiếng Do Thái là gēr; tiếng Hy Lạp là xenos hoặc paroikos; và tiếng La tinh là peregrinus. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng việc thực hiện một cuộc hành hương đưa chúng ta ra xa, dẫn ta ra khỏi môi trường quen thuộc và đặt chúng ta “trên đường”. Không phải ngẫu nhiên mà các Kitô hữu sơ thời tự cho mình là “đạo” hay “con đường” (Cv 9, 2: “Ông Saolô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem”; Cv 19, 9: “Nhưng có một số người cứng lòng, không chịu tin, lại còn nói xấu Đạo trước mặt cộng đoàn, nên ông tuyệt giao với họ”). Nhận thức về bản thân của các Kitô hữu sơ thời nhấn mạnh đến khái niệm mình đang trên một cuộc hành trình. Như Thánh Phaolô khẳng định, quyền công dân của chúng ta không phải dưới đất mà là “ở trên trời” (Pl 3, 20). Do đó, chính cuộc sống cuối cùng là cuộc hành hương, một hành trình nhất quán để trở về nhà, trở về với cội nguồn của chúng ta và đoàn tụ với Đấng Tạo Dựng chúng ta.
Khi thần học Kitô giáo phát triển, thực tại những cuộc hành hương mang tính biểu tượng hơn nữa. Bản thân đời sống Kitô hữu bắt đầu được xem là một cuộc hành hương thiêng liêng dẫn đến thiên đàng và hạnh phúc đích thực (x. Dt 11, 13-16; 1 Pr 2, 11-12). Gần đây hơn, Đức Giáo hoàng Phanxicô tái nhấn mạnh về tính hiệp hành gắn liền với bản chất của Giáo hội như một cộng đồng tín hữu đi cùng nhau tiến về Nước Chúa. Việc Công đồng Vatican II tái khám phá ra khái niệm Giáo hội như một dân tộc “lữ hành” (x. Lumen Gentium, số 48, 50) cũng là một phần của sự triển khai này.
Tại sao mọi người thực hiện các cuộc hành hương, vốn gian khổ, tốn kém và thậm chí nguy hiểm? Như đã nhắc ở trên, các cuộc hành hương ban đầu trong Kinh thánh liên quan đến một số hình thức hiệp thông với Thiên Chúa. Các cuộc hành hương là những dịp để thể hiện lòng sùng kính của một người đối với Chúa và tôn vinh Chúa bằng các hy lễ và cử chỉ tạ ơn. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi người qua nhiều thời đại đã tham gia các cuộc hành hương vì nhiều lý do, như có thể thấy trong sự gia tăng các cuộc hành hương từ thời Trung cổ cho đến ngày nay. Một trong những khía cạnh rõ ràng nhất của các cuộc hành hương là chúng không đơn thuần chỉ là những kỳ nghỉ. Đi hành hương không bao giờ đơn thuần là một cách để ngắm nhìn thế giới hoặc tham quan nhưng luôn có những lý do sâu sắc hơn. Người ta không bắt đầu chúng cách tình cờ.
Những lý do đầu tiên để bắt đầu một cuộc hành hương là thực hiện lời thề hoặc lời khấn, tuân theo một mệnh lệnh thiêng liêng cảm nhận được, sám hối vì một số lỗi lầm hoặc tội lỗi, tìm kiếm ơn chữa lành khỏi một số đau khổ hay bệnh tật, tạ ơn vì một số ước nguyện đã được ban cho, hoặc xuất phát từ mong muốn được đích thân trải nghiệm một số địa điểm linh thiêng liên quan đến Chúa. Nhiều người Công giáo ngày nay liên kết các cuộc hành hương với các đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng, chẳng hạn như Lộ Đức hoặc Fatima. Nhưng cũng có nhiều đền thánh địa phương khác thu hút sự chú ý ở nhiều quốc gia khác nhau (chẳng hạn như đền thánh Đức Mẹ Czestochowa ở Ba Lan). Ngay cả các giám mục cũng thực hiện một loại hành hương khi, khoảng năm năm một lần, họ đến Rôma để viếng thăm ad limina apostolorum (“đến ngưỡng cửa các tông đồ”) để báo cáo với Đức Giáo hoàng về tình hình giáo phận của mình. Một chuyến viếng thăm như vậy luôn bao gồm việc cử hành Thánh lễ tại mộ Thánh Phêrô như một phương cách cụ thể nói lên sự tiếp nối với quá khứ trong cộng đoàn các tông đồ.
Nhưng nếu ai đó không thể thực hiện chuyến hành hương đến một nơi xa xôi thì sao? Không hẳn đây là một trở ngại không thể vượt qua. (Hãy nghĩ đến những chuyến hành hương của các bệnh nhân đến Lộ Đức do các Hiệp sĩ và Quý bà Dòng Malta tài trợ hàng năm!) Nhờ có Internet và phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể trải nghiệm những chuyến hành hương trên ghế bành, một chuyến hành hương có thể truyền cảm hứng cho lòng sùng kính hoặc đáp ứng các nhu cầu tâm linh. Ngay cả khi xem bộ phim như “The Way” (2010) của Emilio Estevez, kể lại một chuyến hành hương như vậy đến Compostela, cũng có thể mang đến cho ai đó cơ hội để suy ngẫm gián tiếp. Cũng có những nguồn khác, chẳng hạn như trên YouTube, mô tả các chuyến tham quan Thánh Địa, hoặc hành trình đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ “theo dấu chân của Thánh Phaolô”, hoặc đến Rôma và nhiều địa điểm tôn giáo của thành phố này. Có thể đây không phải là những lựa chọn hấp dẫn, nhưng chúng vẫn là những chuyến tham gia mở rộng vào ước muốn cơ bản của con người là tìm cách vượt ra ngoài bản thân, bước vào một không gian linh thiêng nào đó, nơi chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ:thepriest.com (16/06/2024)
Nguồn: gpquinhon.net (24/01/2025)