CÂU KHỞI ĐẦU VÀ KẾT THÚC THÁNH KINH
WHĐ (10.04.2024) – Bạn có bao giờ tự hỏi câu đầu tiên và câu cuối cùng trong sách Thánh là gì chưa? Có thể đây là câu hỏi ngây ngô, nhưng lại rất thú vị. Nó hấp dẫn bởi vì Kinh Thánh là một bộ sách khác nhau, nhưng có kết cấu rất hệ thống và chặt chẽ. Chúng ta thử tìm hiểu sự kết nối giữa câu đầu và câu cuối trong bài viết dưới đây! Câu đầu tiên trong sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1); và câu cuối cùng trong sách Khải Huyền của thánh Gioan: “Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu” (Kh 22,21). Cả hai đều nhắc tới một Thiên Chúa, nhưng với hai chức năng khác nhau: Thiên Chúa sáng tạo và Thiên Chúa (Giêsu) cứu độ.
- Câu chuyện cứu độ
Với hai câu trên, chúng ta đang đứng trước một lịch sử cứu độ uy hùng của Thiên Chúa; hoặc nói đúng hơn, chúng ta đang ở trong dòng lịch sử này. Kinh Thánh đã bắt đầu bằng một câu đề cập đến trình thuật sáng tạo (בָּרָא) vốn đòi buộc chúng ta hướng về Đấng Tạo Hoá (אֱלֹהִים – Elohim) là nguồn gốc phúc lộc mà từ đó muôn vật được diễm phúc hình thành; và kết thúc bằng một lời chúc dư tràn ân sủng của Chúa Giêsu (Ἡ χάρις τοῦ κυρίου Ἰησοῦ). Cả hai trình thuật này đều mang dấu ấn của lời chúc phúc[1].
Mọi sự trên đời này không tự nhiên mà hiện hữu, nhưng đều do bàn tay của Thiên Chúa. Lịch sử cũng thế. Thiên Chúa bắt đầu công trình sáng tạo khi dựng nên trời đất; sau đó, Thiên Chúa đặt để trong đó muôn loài, mà con người là đỉnh cao. Câu chuyện chẳng có gì đáng kể nếu không có sự kiện con rắn cám dỗ con người phạm tội và hệ quả là con người đã bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Điểm tuyệt vời là Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng hứa sẽ cứu độ họ. Bằng cách nào?
Để trả lời cho câu hỏi vắn gọn này, chúng ta cần phải đọc toàn bộ Kinh Thánh. Đây là câu chuyện cứu độ dài đằng đẵng mà đỉnh cao là Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Nhờ Chúa Giêsu mà con người được cứu độ. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thánh Gioan kết thúc sách Khải Huyền với “ân sủng của Chúa Giêsu”. Ai nhận được ân sủng này, người ấy được cứu độ: “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,4-5).
Bản Tiếng Việt dịch là chúc “mọi người”, nhưng dịch giả cũng chú thích rằng có bản dịch khác thêm “các thánh” nữa. Điều này đúng với bản Hy-lạp, thánh Gioan viết “ἅγιος – thánh”. Các thánh là những ai được tách khỏi phàm tục, dành riêng cho Chúa, thuộc về thế giới của Chúa. Nghĩa gốc tiếng Do Thái קָדַשׁ = thánh: cắt đứt, tách biệt theo nghĩa văn hóa, tách khỏi những gì không trong sạch, tầm thường, và để dành riêng cho Chúa. Bản tiếng Anh cũng dùng chữ “all-the saints”. Như vậy mọi người đều được hưởng ân sủng này của Thiên Chúa. Vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,38-48). Hoặc hiểu theo nghĩa rộng hơn của nhà thần học Tin lành, Thomas Robertson: “Đây là một lời chúc tuyệt vời để đóng lại một bức tranh với nhiều ân sủng của Thiên Chúa dành cho dân Người ở dưới đất cũng như ở trên trời”[2].
Nếu lấy ống kính trên nhìn về câu đầu tiên, chúng ta thấy một Thiên Chúa luôn chăm sóc muôn loài, nhất là con người. Ngài nhất định không bỏ dở công trình sáng tạo, dù con người có là chi đi nữa. Viết đến đây tôi nhớ đến Thánh vịnh: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (x. Dt 2, 6-8; Tv 8,5-7). Đây chẳng phải là lời chúc phúc nhiều ân sủng của Thiên Chúa dành cho công trình sáng tạo của Ngài sao?…
- Cảnh vực thần linh
Khi phân tích sự gắn kết giữa hai câu Kinh Thánh này, chúng ta sẽ ngạc nhiên với tư tưởng thần học của Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955). Dù không phân tích trực tiếp hai câu này, nhưng cha Teilhard đã viết cả một cuốn sách để nói về điều này: Cảnh Vực Thần Linh[3]. Lý do?
Có thể sách này còn xa lại với nhiều người, nhưng ai đã học thần học, hẳn là biết đến tựa sách này: Cảnh Vực Thần Linh[4] (Le Divin Milieu). Trong đó, Teilhard lập lại ý tưởng then chốt của mình rằng Thiên Chúa là điểm đầu (Alpha) và là điểm cuối (Omega) của dòng lịch sử. Điểm khởi đầu này, sách Sáng Thế đã viết về câu chuyện sáng tạo muôn loài. Kinh Thánh đưa độc giả từ ngày này qua ngày khác để thấy công trình sáng tạo. Trong khi đó, nhiều nhà sinh vật học sau này thì cho rằng mọi thứ trên mặt đất này đều do tiến hóa[5]. Thuyết tiến hóa đã gây hỗn loạn trong giới học thuật trước và trong thời của Teilhard. Thuyết này cũng đánh thẳng vào điểm mấu chốt của niềm tin về Thiên Chúa Sáng Tạo. Là người bảo vệ Giáo hội, là một trong những thần học gia lèo lái con thuyền công đồng Vaticano II, Teilhard đã dung hòa được hai điểm đối chọi này khi cha tin rằng: “Thiên Chúa vẫn đang đưa con người về với điểm khởi đầu là Alpha và cũng là điểm cuối là Omega” Đây là: “Một nền thần học tiến hoá cho rằng vũ trụ được tạo dựng theo chiều hướng phát triển qui hướng về điểm Omega là Đức Kitô, trong Ngài, tất cả vũ trụ được cứu độ” hoặc nói như nhà thần học Tin Lành Karl Barth: “Đức Kitô vừa là khởi đầu, vừa là trung tâm và cùng tận”[6].
Thực vậy, Teilhard đã nhấn mạnh trong “Bài Ca Vũ Trụ” rất đẹp của ngài rằng thế giới vật chất không phải là một mớ hỗn độn những sức mạnh phàm tục, nhưng là một cảnh vực thần linh, được vận hành với một năng lực sáng tạo và “được thấm nhuần cuộc sống bởi Ngôi Lời Nhập Thể” (Bài Ca Vũ Trụ, trang 69-70). Nếu sáng tạo trong Kinh Thánh được hiểu rộng hơn thì những việc làm, những dấn thân của con người cũng dự phần vào tiến trình sáng tạo của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, đúng là Thiên Chúa không tách rời cuộc sống con người. Hoặc nói như lời của Teilhard: “Ngay đôi bàn tay nhào trộn bột, cũng là đôi bàn tay thánh hiến bánh, Tấm Bánh vĩ đại và mang tầm vóc vũ trụ cần phải được chuẩn bị và cầm lấy trong tinh thần thờ phượng” (The Divine Milieu, trang 67). Nói cách khác, sáng tạo hoặc lao động cũng xứng đáng nhận được lời chúc phúc nhiều ân sủng của Thiên Chúa. Ở đây, Teilhard muốn nói đến Bánh Thánh vốn được dệt từ muôn tấm bánh do lao công của con người.
Lấy viễn cảnh của hai câu Kinh Thánh trên đây, cộng với lời giải thích của Teilhard, rõ ràng chúng ta không lao động đơn độc nhưng luôn cộng tác với Thiên Chúa, trong ân sủng của Chúa Giêsu. Đừng quên câu cuối của Kinh Thánh nằm trong sách Khải Huyền, điều “biểu lộ những gì được ẩn giấu” Theo nghĩa này, trong khi làm việc, chúng ta khám phá “sự liên kết chặt chẽ giữa Thiên Chúa và thế giới”. Do đó Teilhard mời gọi dân Chúa, những người được chúc phúc: “Hãy nỗ lực để trung thành chu toàn những bổn phận trần thế, và luôn luôn hành động theo tinh thần Tin Mừng” (Hiến Chế Mục Vụ, Gaudium et Spes, số 43).
Như vậy, dường như cha Teilhard có lý khi cho rằng: “Trong vũ trụ chúng ta, mọi tâm hồn đều qui về Thiên Chúa trong Đức Kitô”. Nhờ sự cộng tác với Thiên Chúa sáng tạo, do Chúa Giêsu thúc đẩy, công cuộc sáng tạo vẫn còn tiếp diễn mỗi ngày mỗi hơn và trong những khu vực thượng đẳng nhất của vũ trụ: “Mọi tạo vật tới nay vẫn còn rên rỉ và sắp sinh nở” (ommis cratura adhuc ingemiscit et parturit).
- Tập nhìn đời bằng cặp kính thần linh
Có thể ví von hai câu lời Chúa trên đây như cặp mắt kính để chúng ta nhìn đời. Sẽ là lệnh lạc nếu chúng ta nhìn đời chỉ bằng sự kiện vật chất, bằng công việc hằng ngày (Thiên Chúa sáng tạo). Cũng là thiếu xót nếu chỉ ngồi chờ ân sủng của Thiên Chúa mà không chịu làm việc. Thiên Chúa cứu độ con người nhờ ân sủng của Chúa và qua công việc ta làm (x. Mt 25,31-46). Lý do là việc ta làm hòa vào chuỗi công trình sáng tạo của Thiên Chúa (câu đầu Kinh Thánh); đồng thời, ân sủng của Chúa giúp chúng ta nhận ra mình không thể tự cứu độ, nhưng cần được Thiên Chúa chúc phúc và ban cho ân huệ sự sống thần linh này (cấu cuối Kinh Thánh).
Nếu thủ đắc được điều trên, tôi tin rằng chúng ta có lý do để tham gia vào tiến trình hiệp hành. Tham gia nghĩa là chu toàn bổn phận của mình trong đời sống đức tin. Thiên Chúa luôn sáng tạo thì chúng ta cũng cần làm việc. Nếu nhìn bằng cặp mắt thiêng liêng, công việc của chúng ta sẽ thú vị hơn nhiều. Thú vị vì chúng ta không đơn thuần làm việc chỉ vì làm việc, nhưng chúng ta lao động để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và qua đó tôn vinh Ngài! Chúa chúc phúc, ban cho chúng ta ân sủng, chẳng lẽ chúng ta lại ngồi chơi xơi nước? Thay vào đó, lời mời gọi của Kinh Thánh thôi thúc chúng ta bước vào đời và làm cho cuộc đời thêm phần ý nghĩa thiêng liêng. Hoặc nói theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu: “Nước Trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men” Hoặc, “Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình” (Mt 13,31-35). Cả hai đều nhắc chúng ta phải làm việc. Với cặp kính thiêng liêng, chúng ta dễ thấy được những điều vĩ đại đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Để kết thúc, tôi trích lại đây lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng dành cho mọi người: “Hãy trỗi dậy và làm chứng cho cách nhìn mới khiến các con nhìn thấy thụ tạo bằng đôi mắt đầy kinh ngạc, khiến các con nhận ra trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta và cho các con lòng can đảm để bảo vệ hệ sinh thái toàn diện”[7].
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Sau mỗi ngày tạo dựng, Thiên Chúa chúc phúc cho công trình sáng tạo của Ngài.
[2] https://enduringword.com/bible-commentary/revelation-22/
[3] Đọc thêm: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/pierre-teilhard-de-chardin-1881-1955-va-canh-vuc-than-linh-42544
[4] Có thể mua sách này: https://ducbahoabinhbooks-osp.com/canh-vuc-than-linh-tieu-luan-ve-doi-song-noi-tam/
[5] Xem: thuyết tiến hóa (https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_cu%E1%BB%99c_ch%E1%BB%91ng_%C4%91%E1%BB%91i_thuy%E1%BA%BFt_ti%E1%BA%BFn_h%C3%B3a)
[6] Phêrô Trần Ngọc Anh, Thần Học Căn Bản, Tôn Giáo, 2026, tr.306.
[7] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/su-diep-dtc-phanxico-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-36.html