LỜI CHÚA
Lời mở
1. Những thời kỳ khác nhau trong dòng lịch sử nhân loại 3. Thiên Chúa nói với con người 4. Làm sao để tiếp cận, học hỏi, sống theo và loan báo Lời Chúa? |
Lời mở
Lời Chúa là yếu tố căn bản cho đời sống đạo của Kitô hữu. Nhưng qua dòng lịch sử và được nghe giảng dạy theo những trường phái khác nhau, nên càng ngày người ta càng không biết Lời Chúa thật sự là gì. Hơn nữa, do ảnh hưởng của các hệ tư tưởng duy vật và vô thần, người tín hữu Kitô càng ngày càng ít quan tâm đến Lời Chúa mà chỉ chú ý đến các nghi lễ phụng tự. Để có thể sống Lời Chúa, tiếp cận, học hiểu, và rao giảng Lời Chúa, chúng tôi nghĩ rằng cần phải giải đáp được 3 câu hỏi căn bản sau đây:
- Chúa có thật không? Chúa có nói với ta không và nói như thế nào?
- Nếu Chúa nói bằng lời của Ngài thì lời đó là gì? Có phải là những câu chữ ghi lại Lời Chúa trong cuốn Thánh Kinh như người ta thường hiểu hay là một con người sống động: Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người?
- Nếu Đức Giêsu thật sự là người con của Thiên Chúa đến nói với ta, thì ta phải làm gì để hiểu được Lời Chúa để yêu mến và sống Lời Chúa?
Lúc đó ta vượt qua câu hỏi Lời Chúa là gì để đưa đến câu hỏi Lời Chúa là ai. Chỉ khi trả lời được các câu hỏi trên đây, ta mới có thể biết cách sống, tiếp cận, học hiểu, và rao giảng Lời Chúa cho mọi người, mọi vật quanh ta.
1. Những thời kỳ khác nhau trong dòng lịch sử nhân loại
Sống trong thời đại văn minh với nền khoa học tiên tiến và phải lao động thật sự để sống còn, con người thời nay ít quan tâm đến tôn giáo và xem Kitô giáo cũng chỉ là một tôn giáo như bao tôn giáo khác, dù Kitô giáo có số đông tín đồ nhất. Dù con người xuất hiện cách nay 195.000 năm, nhưng chỉ trong khoảng 10.000 năm trở lại đây, con người tinh khôn (homo sapiens) mới biết suy tư để tìm kiếm câu trả lời về nguồn gốc của mình, về chỗ đứng và vai trò của mình trong xã hội và vũ trụ, về cùng đích của mình và của muôn loài. Trong quá trình suy tư, con người gặp không ít những sai lầm. Ta có thể chia thành 4 thời kỳ sau đây:
Con người đã trải qua thời kỳ bái vật (từ thời Tiền sử đến khoảng 5700 TCN), bái thờ các sức mạnh thiên nhiên làm thần linh như thần mặt trời, sông núi, hổ báo, sấm sét…
Tiếp đến là thời kỳ bái thần (5000 TCN – Thế kỷ XV)
Con người tạo ra các thần linh tưởng tượng, coi họ là chủ của các giá trị tinh thần cũng như của những tai hoạ để tôn thờ, như thần tình yêu, sắc đẹp, nghệ thuật, khôn ngoan, hạnh phúc, sinh sản, chiến tranh, ôn dịch. Từ đó xuất hiện các tôn giáo đủ loại với những giáo thuyết, nghi lễ, tổ chức cộng đồng khác nhau như chúng ta thấy trong các tôn giáo đa thần của người Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, các dân tộc ở hầu hết châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ.
Thời kỳ bái nhân (Thế kỷ XVI – nay)
Nhờ phát triển các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, con người thấy mình sai lầm khi tôn thờ các thần tượng do mình tạo ra, nên nhiều người đã loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống để quay sang tôn thờ con người và tôn thờ khoa học, vì nghĩ rằng khoa học có thể giải quyết được tất cả các vấn nạn của đời sống. Đây là thời kỳ bái nhân. Người ta tôn phong những người có quyền lực, có tài năng là những vị thần, những diva, idol trong lĩnh vực văn nghệ thể thao, và xây dựng cả đền thờ, tượng đài cho họ. Thời kỳ này bắt đầu từ thế kỷ XVI và kéo dài cho đến ngày nay trong các dân tộc văn minh và phát triển. Đó là hệ tư tưởng lấy con người làm gốc, làm trung tâm cho mọi hoạt động và giá trị, nên gọi là nhân bản, nhân văn vì tập trung vào những giá trị văn hóa do con người sáng tạo nên. Hệ tư tưởng này công khai loại bỏ các thần linh hay Thiên Chúa và mọi tôn giáo ra khỏi đời sống, và tự xưng là vô thần.
Điểm đáng ghi nhận là nhiều dân tộc đi theo hai hệ tư tưởng, đồng thời cũng là hai chủ nghĩa này, đều lấy con người làm trung tâm, nhưng theo hai góc nhìn khác nhau. Hệ tư tưởng Cộng sản nhìn con người theo ý nghĩa tập thể xã hội và hệ tư tưởng tư bản nhìn con người theo ý nghĩa cá nhân. Cả hai hệ tư tưởng này được hỗ trợ bởi những khám phá của khoa học như thuyết Big Bang về nguồn gốc của vũ trụ, giả thuyết tiến hóa của C. Darwin (1859). Người ta cho rằng nguồn gốc của vũ trụ, của sự sống và sự đa dạng của muôn loài đều do vật chất tiến hóa ngẫu nhiên mà có, chứ không phải là do Chúa Trời hay thần linh nào tạo nên. Hệ tư tưởng này dẫn đến thái độ vô thần và duy vật và được phổ biến rộng cho đến cuối thế kỷ XX.
Thời kỳ nhân bản tâm linh
Một hệ tư tưởng mới xuất hiện bắt đầu từ thế kỷ XXI trở đi, tuy vẫn lấy con người là nền tảng nhưng bác bỏ thái độ vô thần và duy vật, nhờ những khám phá mới nhất về con người trong khoảng 20 năm gần đây. Nhờ đó giúp cho con người hiểu được sự thật toàn diện về chính mình, về vạn vật và những giá trị nền tảng của đời sống cá nhân cũng như tập thể và đem lại hạnh phúc thật sự, vĩnh hằng cho con người.
2. Thiên Chúa Tạo Hóa có thật
Những khám phá mới trong ngành cổ sinh vật với phương pháp so sánh protein và ADN của các loài vào năm 2005 giúp cho các nhà khoa học xây dựng cây gia hệ và phân tích các di tích hóa thạch của loài người cách chính xác hơn. Nhờ đó người ta khám phá ra con người tinh khôn xuất hiện ở Đông Phi cách đây khoảng 195.000 năm – thay vì 40.000 năm như vẫn thường nghĩ – do nhà nhân chủng học nổi tiếng người Kenya là Richard Leakey và nhóm của ông tìm thấy ở miền Nam Ethiopia[1].
Hơn nữa, dù bên ngoài khác nhau về màu da, màu tóc, hình thể nhưng cấu trúc căn bản ADN (Acid Deoxyribonucleic) của chúng ta lại đồng nhất, vì chúng ta thuộc giống Người. Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN và được tập trung thành những cấu trúc dày đặc gọi là nhiễm sắc thể. Chúng được xếp chặt lại để có thể chứa hết bên trong nhân của một tế bào nhỏ xíu với đường kính chỉ khoảng 0,01mm. Mỗi tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, một bộ từ mẹ và một bộ từ cha. Ngày 1/4/2022, các nhà khoa học đã giải mã được khoảng 20.000 gen mã hóa protein trong bộ gen người, phần còn lại khoảng 97% không có chức năng rõ rệt gọi là ADN rác.
Chính nhờ phân tích và giải mã được cấu trúc gen của các sinh vật, người ta thấy mỗi vật, mỗi loài là những cấu trúc vô cùng kỳ diệu không phải ngẫu nhiên mà thành. Giả thuyết tiến hóa ngẫu nhiên của Darwin từ nay bị coi là sai lầm và phi lý. Tuy nhiên, do không theo dõi tiến bộ của khoa học, nên nhiều người vẫn tin tưởng vào giả thuyết này. Hệ thống giáo dục công dân của nhiều nước theo hệ tư tưởng duy vật như ở Việt Nam vẫn coi giả thuyết này là nền tảng khoa học.
Giả thuyết này phối hợp với thuyết Big Bang (Vụ nổ lớn) để củng cố cho hệ tư tưởng duy khoa học, duy vật, vô thần mà hầu hết người trẻ hiện nay, và cả người lớn, sống dưới chế độ XHCN trong các nước trên thế giới vẫn lầm tưởng thuyết này mô tả giai đoạn sơ khai khi vũ trụ hình thành.
Vụ nổ lớn này xảy ra cách nay khoảng 13,8 tỉ năm. Người nêu lý thuyết này là linh mục George Le Maitre đề xuất vào năm 1949 cho đó xảy ra vào 15 tỉ năm trước, do chưa có những dữ liệu đo lường chính xác. Vũ trụ khởi đầu là một khối vật chất ở trạng thái cực nóng và cô đặc đã phát nổ và các hạt bụi của nó hình thành nên các thiên hà. Tất cả đều đang lao nhanh về một hướng với vận tốc khủng khiếp. Mỗi thiên hà có hàng trăm triệu ngôi sao và kính thiên văn Hubble của Hoa Kỳ đã chụp ảnh được hàng trăm ngàn thiên hà.
Khoảng 12 tỉ năm trước, mặt trời là một ngôi sao xuất hiện trong thiên hà của chúng ta. Có nhiều vụ nổ đã xảy ra trong khối vật chất gọi là mặt trời này tạo nên những hành tinh xoay quanh mặt trời. Trong đó có một hành tinh gọi là Trái đất của chúng ta, xảy ra vào khoảng 8 tỉ năm trước. Khởi đầu khối plasma là thành phần của mặt trời nóng bỏng đó gồm các chất như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ và các nguyên tố chính phối hợp với nhau. Hydro phối hợp với Oxy thành nước. Nước bao phủ bên ngoài làm nguội dần trái đất. Các chất vô cơ phối hợp với nhau càng ngày càng nhiều và càng phức tạp tạo thành chất hữu cơ.
Khoảng 1 tỉ năm trước, tế bào có sự sống đầu tiên xuất hiện. Rồi chúng phối hợp thành những đa bào như các loài rong, tảo ở biển, các sinh vật hạ đẳng là các loài phiêu sinh xuất hiện. Tiếp theo là các loài tôm cá. Những loài này do sự thay đổi của môi trường, chúng tiến hóa để sống trên cạn như các con nòng nọc lớn thành con ếch. Các sinh vật cũng tiến hóa chia thành những loài động vật khác nhau. Trong đó có loài linh trưởng là loài có vú, có bộ não lớn hơn các loài khác, cách nay khoảng từ 65-85 triệu năm. Những loài khỉ dạng người xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi cách nay 20 triệu năm.
Con người được xếp vào loài linh trưởng đặc biệt.
Khoa học đã cho ta thấy rằng người và tinh tinh có chung tổ tiên cách nay khoảng 5-8 triệu năm, nhưng con người có những nét độc đáo riêng, đó là đi thẳng đứng trên hai chân, bộ não lớn (từ 12002000 cm3) và chỉ con người mới là loài duy nhất biết truyền đạt các suy nghĩ và ý tưởng của mình qua các hệ thống ngôn ngữ phức tạp.
Hệ thần kinh gồm bộ não trung ương và tuỷ sống còn kỳ diệu hơn nữa. Não có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh gọi là neuron và chúng liên lạc với nhau qua các tín hiệu thần kinh gọi là xung động điện. Phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh, người ta thấy các neuron không hoàn toàn chạm vào nhau tại các điểm tiếp giáp, gọi là sinap. Các túi chứa chất dẫn truyền từ thân tế bào của neuron gửi đến màng khớp thần kinh một xung động điện đến giải phóng các chất hóa học chứa trong túi, các chất này vượt qua khe khớp thần kinh (sinap) lại tạo nên xung điện ở neuron tiếp theo[2].
Phân tích bộ não, người ta thấy các vùng vỏ não phụ trách một số chức năng nhất định: như vùng vỏ não thị giác ở phía sau mắt nhận và lưu trữ các tín hiệu đến từ hai mắt; vùng Broca, Wernicke và Geschwind về ngôn ngữ như các từ, các nghĩa của từ và nối kết chúng khớp với nhau; vùng thính giác, vùng cảm giác, vùng vận động thân thể, vùng cảm xúc trên đầu và vùng điều hành tổng hợp các tín hiệu ở phía trán để lập nên kế hoạch hành động.
Đó là chúng ta chưa nói đến tiểu não chỉ chiếm khoảng 10% dung tích não, nhưng số neuron mà nó chứa đựng lại nhiều gấp đôi tổng số neuron của 90% còn lại. Nhân tiểu não là trung tâm phối hợp cho một số lượng khổng lồ các thông tin thần kinh vận động đến và đi. Chính vùng tiểu não này điều chỉnh các lệnh hành động qua việc liên kết với các phần não trắng liên quan đến trí nhớ con người: như nhân đuôi, hồi đai, hành khứu giác, tuyến yên, thể núm, hạch hạnh nhân, thể tam giác, đồi thị, hồi hải mã…[3].
Nhờ bộ não phát triển, con người suy nghĩ biết bao điều kỳ diệu, sáng tạo nên các khoa học, làm nên công trình văn học, nghệ thuật, chế tạo nên các sản phẩm hết sức tiện dụng để giúp loài người sống an vui, sung túc và hạnh phúc.
Tất cả những dẫn chứng về khoa học trên đây chỉ muốn dẫn chúng ta đến một yêu cầu: đó là ta phải thay đổi nhiều hiểu biết lỗi thời trước kia để nhận ra vị thế trung tâm của con người.
Nhiều tín hữu Công giáo cảm thấy mình bị xúc phạm khi nghe luận điệu tuyên truyền của một số người duy khoa học: “Con người bởi khỉ mà ra!”. Thật ra, người ta thấy có những nét tương đồng giữa loài khỉ và loài người, nhưng khi tìm hiểu điều kỳ diệu trong từng loài, nhất là loài người, thì loài sau không thể do loài trước tiến hóa mà thành. Khoa học dạy ta rằng “mỗi hậu quả đều phải có nguyên nhân và không ai hay vật nào có thể tự cho mình cái mà mình không có”.
Nhiều người tìm cách giải thích “theo kiểu khoa học”: nhiều con khỉ ở các nơi khác nhau cùng tiến hóa thành con người nên con người có những màu da khác nhau. Người ta còn chứng minh sự vô lý của việc Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật trong 6 ngày thay vì hàng tỉ năm, cũng không có chuyện Adam-Eva là nguyên tổ duy nhất của loài người, như Thánh Kinh của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo đã kể chuyện.
Khi biết rằng vũ trụ bao la đang vận hành theo những nguyên lý kỳ diệu mà khoa thiên văn học mới chỉ khám phá được một phần nhỏ, cũng như con người vô cùng kỳ diệu, thì tất cả các kiểu tuyên truyền sai lạc chối bỏ Thiên Chúa Tạo Hóa đều vô nghĩa và mâu thuẫn với chính khoa học. Việc dựng nên trời đất, muôn loài và con người không thể và không bao giờ là một kết hợp ngẫu nhiên trong cuộc tiến hóa của vật chất. Từ nhiều triệu năm nay, chưa có một con khỉ nào tiến hóa thành người, dù cấu trúc gen của chúng giống với con người đến 80%. Tất cả đòi phải có hành động sáng tạo có chủ ý của Đấng Tạo Hoá.
Ta có thể đưa ra một thí dụ cụ thể: tháo rời từng bộ phận của một cây viết bi ra, rồi bỏ tất cả các bộ phận đó vào chai nhựa rỗng. Ta thử lắc xem bao lâu thì chúng kết hợp ngẫu nhiên thành cây viết như trước khi bị tháo rời. Mọi người đều bảo: “lắc cả đời cũng không thể có được cây viết, vì phải có người sáng tạo, làm ra các bộ phận và lắp ráp chúng theo một nguyên lý nhất định”. Dù không thấy người đó, lý trí ta vẫn biết phải có người đó.
Nếu cây viết chỉ có 5,6 thành phần mà đòi phải có nguồn gốc như thế, thì vũ trụ vạn vật, nhất là con người vô cùng phức tạp và kỳ diệu, càng đòi lý trí phải tìm hiểu để giải thích về nguồn gốc, lý do hiện hữu và cùng đích hiện hữu của mình. Chỉ khi nào con người gặp được Đấng tạo dựng nên mình, hiểu được lý do tại sao mình có mặt trên trái đất và trong vũ trụ này, con người mới tìm được sự thật về mình, tìm được chỗ đứng trọng tâm của mình trên trái đất này cũng như trong lòng Đấng Tạo Hoá. Chính vì thế mà các nhà khoa học hàng đầu của thế giới vẫn một lòng tin tưởng và tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá.
Điểm cần ta xác tín trước tất cả các bằng chứng này: đó là Thiên Chúa Tạo Hóa có thật vì con người chúng ta và cả vũ trụ này đang thật sự hiện hữu.
3. Thiên Chúa nói với con người
Sau khi xác tín rằng Thiên Chúa có thật để giải đáp cho sự hiện hữu của con người và vũ trụ, chúng ta phải trả lời cho câu hỏi trực tiếp liên quan đến Lời Chúa. Đó là Chúa có thật sự nói với con người không và nói như thế nào?
Thật ra, từng giây phút Chúa vẫn nói với con người qua các công trình Ngài thực hiện trong vũ trụ vạn vật. Ngài nói về quyền năng vô biên, sự khôn ngoan vô tận của Ngài qua trời cao, biển rộng, sông dài. Ngài nói về tình yêu trong sáng và quảng đại của Ngài qua những làn khí ta thở, lương thực ta dùng. Ngài nói về vẻ đẹp của Ngài qua từng bông hoa, cánh bướm khoe sắc toả hương. Các chức sắc tôn giáo cũng như bao nhà văn, nhà thơ đã nghe được tiếng Chúa và diễn tả lời Ngài trong các lễ nghi, tác phẩm của họ.
Nhưng con người thời nay muốn tìm hiểu Lời Chúa nói với họ dưới ánh sáng của khoa học hiện đại để họ có thể tin rằng Chúa đang nói với mình. Đây là một yêu cầu chính đáng cần đáp ứng, nhưng ít ai quan tâm. Quả thật, những khám phá mới của khoa học gần đây giúp cho con người hiểu về chính mình để từ đó khám phá ra Thiên Chúa thật sự là ai, trước khi biết Ngài nói với mình.
Phân tích cơ thể con người với khoảng 75 ngàn tỉ tế bào là tổng hợp của các chất hữu cơ. Nhưng nếu phân tích sâu xa hơn, cấu trúc vật chất của con người và vũ trụ vạn vật chỉ gồm những nguyên tố vật chất vô cơ như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ mà cấu trúc lại là các phân tử, nguyên tử, điện tử liên kết với nhau và biến đổi không ngừng. Năm 1911, Ernest Rutheford khám phá cấu trúc proton và electron của hạt nhân (nguyên tử). Năm 1932, James Chadwick khám phá thêm một hạt khác gần bằng proton, nhưng không mang điện tích, gọi là neutron. Năm 1960, Murray Gell-Mam khám phá ra các hạt Quark cực nhỏ tạo thành proton và neutron. Hàng triệu hạt này được mặt trời gửi đi mỗi ngày, xuyên qua cơ thể của chúng ta như thể chúng ta không tồn tại.
Nếu chúng ta phóng đại 1 hạt nhân để nó có đường kính là 195m, thì hạt proton ở trung tâm có kích thước bằng một hạt cát và đám mây hạt âm điện tử (electron) xoay quanh hạt nhân ở khoảng cách khoảng 100m-195m. Nói như thế để ta biết rằng thân xác vật chất của ta phần lớn là không gian trống rỗng trong khi ta tưởng mình là một khối vật chất đặc và kín!
Trong đời sống hằng ngày, ta hít khí Oxy vào và thở khí Carbonic ra. Ta nhận được các chất khác từ đồ ăn thức uống rồi bài tiết chất bã. Hàng triệu tế bào mới cũng thay đổi trong thể xác ta. Vậy mà ta vẫn ý thức là mình đang nghĩ, đang sống, đang yêu trong suốt cuộc đời.
Vì thế, cái giữ cho ta là con người không phải là đám vật chất vô cơ hay hữu cơ kia, cũng không phải là khuôn mặt đẹp, làn da trắng, bộ quần áo hàng hiệu hay tấm bằng bác sĩ, kỹ sư. Cái định hình cho khối vật chất làm nên thể xác ấy chính là tư tưởng, lời nói, hành động, tình yêu, nhân cách, tự do, hạnh phúc… hay nói chung là tinh thần của con người. Đó cũng là những giá trị văn hóa của con người. Chỉ có tinh thần mới định hình cho vật chất, mới vượt qua tất cả những biến đổi theo không gian và thời gian để làm cho ta thật sự là người.
Dù khoa học hiện đại tiến bộ vượt bậc, nhưng cho đến nay vẫn không thể xác định được những giá trị văn hóa đó của tinh thần nằm ở đâu trong con người. Dù con người lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu, nhưng giải phẫu tim người, ta chỉ thấy các sớ thịt, không thấy tình yêu trong sáng hay vẩn đục ở đó. Dù con người ca tụng những nhà khoa học có bộ óc vĩ đại, nhưng giải phẫu bộ não và đo điện não của họ, ta chỉ thấy những dòng xung điện mạnh hay nhẹ trong các tế bào thần kinh, không thấy chỗ nào chứa tư tưởng cao thượng hay thấp kém. Dù con người có làm ra các robot với trí tuệ nhân tạo có chứa dữ liệu lớn thế nào đi nữa, các con robot ấy vẫn cần có con người điều khiển, lập trình. Tình yêu, tư tưởng, chân thiện mỹ không phải là vật chất, nên không phải là đối tượng của khoa học và không thể cân đo đong đếm.
Giả thuyết tiến hóa cho chúng ta thấy con người là sinh vật thượng đẳng trong cuộc tiến hóa của vật chất, nhưng đồng thời cũng hòa nhập với muôn loài trong cuộc tiến hóa của toàn thể vũ trụ vì cấu trúc CHON chiếm đến 96% trong thể xác. Đó chính là ý nghĩa của việc Thiên Chúa Tạo Hóa dùng bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật (x. St 2,7). Nếu con người tinh khôn ở vào bậc thang cao nhất của cuộc tiến hóa, thì đó cũng là ý nghĩa việc Tạo Hóa dựng nên con người vào ngày cuối cùng, trong tuần lễ bảy ngày, trước khi nghỉ ngày thứ bảy (x. St 1,26-31). Đó là những điểm ghi trong sách Thánh Kinh Cựu
Ước được hơn nửa nhân loại tin theo, gồm những người theo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Trong khi đó nhiều người trẻ và người tự nhận mình là văn minh, theo khoa học lại không đọc nó và không hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa nói với con người.
Lời Chúa nói mang lại niềm hy vọng và giá trị vô cùng cao quý cho con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (x. St 1,26-27). Nhờ làn khí thiêng là tinh thần được Chúa ban tặng, nên con người là trung tâm và thay quyền Chúa bá chủ vạn vật. Cấu trúc vật chất của con người và vũ trụ giống nhau, giúp con người mở rộng những tài năng và giá trị của tinh thần để hòa nhập với muôn loài, đón nhận tất cả là anh chị em và là con cái của cùng một Cha Trên Trời. Từ đó tầm nhìn của con người mở rộng ra vũ trụ bao la để tạo nên hòa bình giữa các vì sao thay vì chiến tranh với những người của các hành tinh khác. Người Cha Trên Trời đó chỉ được biết đến sau này nhờ Con của Ngài là Đức Giêsu Nazareth.
Chính khi con người khám phá ra những giá trị và tài năng của tinh thần, là hình ảnh của Thiên Chúa, họ mới thấy được Đấng mà mình là hình ảnh. Điều này đòi hỏi thời gian và các điều kiện mà bước vào thiên niên kỷ thứ ba này, con người mới có tạm đủ dù đã xuất hiện gần 200.000 năm. Con người là hình ảnh tương đối của tinh thần tuyệt đối. Vậy tinh thần con người có những khả năng và giá trị gì?
Tinh thần, theo định nghĩa, “là tổng thể nói chung ý nghĩ, tình cảm, hoạt động thuộc về đời sống nội tâm của con người”[4].
Từ điển Bách khoa Việt Nam, do Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn gồm hơn 300 các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, đã trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng: “Tinh thần là chức năng của loại vật chất đặc biệt, có tổ chức cao, là kết quả của hoạt động vật chất, lịch sử xã hội con người. Đời sống tinh thần của xã hội phản ánh điều kiện sinh sống vật chất của xã hội và có tác động trở lại đời sống xã hội và hoạt động thực tiễn của con người”[5].
Sau thời kỳ bái vật, con người đã khám phá ra những giá trị của tinh thần như tình yêu, tự do, sự sống, hòa bình, chân thiện mỹ… và cả những “phản giá trị” của tinh thần như hận thù, sự chết, chiến tranh, tai hoạ… Chúng đều vượt quá sự hiểu biết và quyền kiểm soát của con người. Vì thế con người tin chúng là các sản phẩm do các thần linh làm ra và người ta tôn thờ những vị thần đã ban phát hay thực hiện chúng cho con người. Chúng ta thấy có nữ thần sắc đẹp Venus, Minerva (Thi ca), Athena, Cupidus, Mars (Chiến tranh), Hades (Thần chết) của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cũng như các thần tương tự của các tôn giáo khác.
Chỉ có một dân tộc duy nhất cách nay khoảng 4.000 năm được Thiên Chúa chọn lựa và “nói” cho họ rõ Đấng Tạo Hóa thật sự là ai và các thần linh mà các dân tộc khác đang tôn thờ là gì. Đó là dân tộc Do Thái và những điều Thiên Chúa nói với họ được ghi lại thành bản Thánh Kinh được cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đón nhận.
Thật ra khi tinh thần của con người nhận ra các giá trị ấy đều ở trong tinh thần của mình, đều bắt nguồn từ tinh thần của mình, thì họ cũng nhận ra rằng: có tinh thần tuyệt đối là nguồn của mọi giá trị ấy. Họ vượt qua những loại tôn giáo “phiếm thần” để khám phá ra tôn giáo “độc thần” và vị thần độc nhất ấy chứa đựng tất cả những giá trị cao cả, tốt đẹp một cách vô lượng, vô biên. Điều này con người không thể tự mình khám phá vì họ chỉ là tinh thần tương đối, nhưng được Đấng đó “nói” cho con người biết về mình. Chúng ta gọi đó là việc “mách bảo”, nói cho biết điều cần biết, hay nói theo tôn giáo là “mạc khải”, mở ra những điều bí ẩn.
Cách nay khoảng 3.800 năm (1.800 năm TCN), Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người. Ngài đã kêu gọi ông Abraham. Ông sinh trưởng ở thành Ur, thuộc đế quốc Babylon (hiện nay thuộc phía Nam Iraq, gần giáp nước Kuwait). Ông được kêu gọi bỏ xứ sở, họ hàng, thần linh của dân tộc để đi tới đất Israel. Chúa sẽ làm cho ông thành một dân lớn, thành tổ phụ nhiều dân tộc để nhờ ông mà mọi dân tộc được chúc phúc (x. St 12,1-4 và tt).
Tiếp theo, người được Thiên Chúa mạc khải cho biết tên của Ngài, là ông Môsê. Ông là con cháu ông Abraham. Ông sinh tại xứ Goshen, phần lãnh thổ phía Đông sông Nile, vào đời vua Pharaoh IV của Ai Cập, nghĩa là vào khoảng năm 1.400 TCN. Ông được Chúa cho biết tên Ngài là YHWH (Giavê), nghĩa là Đấng Hiện Hữu, nghĩa là tự mình hiện hữu và là nguồn của mọi hiện hữu (x. Xh 3,13-15). Chính ông đã được Chúa kêu gọi và trao sứ mệnh dẫn dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Ông được nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa, mặt đối mặt và Thiên Chúa đã nói với ông cũng như nói với dân Do Thái, và qua ông, Chúa nói với loài người rất nhiều điều để loài người xác tín rằng: Thiên Chúa thật sự yêu thương con người và ngỏ lời với họ.
Động lực thúc đẩy Thiên Chúa nói với con người chính là tình yêu. Sau này chúng ta sẽ được mạc khải cho biết bản tính của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Tình yêu luôn thúc đẩy người yêu hướng đến đối tượng mình yêu để tỏ lộ mình cho họ. Đó là hành động “nói” của Thiên Chúa hay của tình yêu. Vì thế, “Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hoà, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và đến sống với họ (sau này qua Đức Giêsu Kitô) để mời gọi và chấp nhận họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (Hiến chế Mạc khải, số 2).
Giống như con người, không chỉ nói bằng lời, cũng không chỉ diễn tả tình yêu bằng những câu nói hay lời văn, mà còn bằng những hành động và bằng cả ngôn ngữ thể xác của mình như nắm tay, ôm hôn… thì Thiên Chúa cũng “nói” bằng đủ cách thức khác nhau. Tiến trình mạc khải này được thực hiện bằng những hành động và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, đến độ các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố những lời dạy bảo của Thiên Chúa cũng như các thực tại được diễn tả bằng lời nói; còn lời nói được dùng để công bố và làm sáng tỏ các mầu nhiệm ẩn chứa trong các hành động[6].
Chỉ cần đọc lại lịch sử cứu độ qua bản Thánh Kinh Cựu Ước của dân Do Thái, chúng ta cũng thấy Thiên Chúa nói bằng lời và hành động như thế nào. Ngài đã dùng ông Môsê và các ngôn sứ (tiên tri) để dạy dỗ cho con người biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật. Ngài cũng truyền cho họ các giới răn, huấn lệnh, luật lệ, nhất là 10 điều răn được chính Ngài viết thành 2 bia đá, để giúp họ sống tốt đẹp, xứng đáng với tình yêu của Ngài, nhờ đó họ được an lành, thịnh vượng và hạnh phúc.
Như thế, chúng ta có thể thấy Thiên Chúa nói với con người bằng nhiều cách khác nhau: qua các công trình sáng tạo (x. GLHTCG, số 282-289), qua tiếng lương tâm mà mỗi người với tinh thần của mình có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong lòng mình[7], qua những biến cố trong lịch sử của từng người và của cả dân tộc, nhất là qua lịch sử cứu độ được diễn tả trong các sách Thánh Kinh.
Tuy nhiên, vì Thiên Chúa vô hình và lời nói của Ngài không phải là thanh âm của con người, nhất là khi con người bị tác động bởi ma quỷ (x. Mc 4,14), tội lỗi do tham vọng và dục vọng chi phối (x. Mc 4,16-19), họ không dễ dàng nghe được tiếng Ngài. Vì thế, con người dần dần có khuynh hướng định vị Lời Chúa thành các bản luật, điều răn với những chữ viết cụ thể rõ ràng và sống theo những lời đó cho chắc chắn. Từ đó phát sinh tâm thức bám chặt vào các chữ viết của lề luật và giải thích cặn kẽ Lời Chúa theo từng con chữ. Người ta dần dần đánh mất tinh thần của Lời Chúa, của lề luật và không còn cảm thấy Lời Chúa hết sức sống động, phóng khoáng, tự do trong các công trình sáng tạo, trong tiếng lương tâm, trong đời sống thực tế của mỗi con người, mỗi dân tộc và ngay cả trong Thánh Kinh. Người ta rơi vào thái độ hẹp hòi, nghiêm khắc, câu nệ của những biệt phái “tiến sĩ luật” thời Chúa Giêsu và kéo dài thái độ đó mãi tới thời nay.
Cuối cùng, Thiên Chúa muốn nói trực tiếp với con người để diễn tả tình yêu trọn vẹn dành cho con người và vạn vật, nhất là để cứu độ muôn loài khỏi ách nô lệ của tội lỗi. “Sau khi phán dạy nhiều lần nhiều cách qua các tiên tri, vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Người Con” (Dt 1,1-2). Người Con đó là Ngôi Lời vĩnh hằng và nhờ Người mà Thiên Chúa dựng nên vũ trụ. Ngôi Lời Thiên Chúa đó đã trở thành người phàm, giống con người chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi, đến sống giữa loài người và nói cho loài người biết những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18). Người đó là Đức Giêsu Kitô, là Lời cụ thể của Thiên Chúa, “nói những lời của Thiên Chúa vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần, vô hạn” (Ga 3,34).
Lời vô hình của Thiên Chúa từ nay trở thành hữu hình, qua con người bằng xương bằng thịt là Đức Giêsu Kitô để ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). “Người đã đến bổ túc và hoàn tất mạc khải bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc cử Thánh Thần Chân Lý đến. Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời”[8]. Cùng với Đức Giêsu, Thiên Chúa thiết lập giao ước mới và vĩnh viễn, hoàn tất trọn vẹn công trình mạc khải cũng là công trình nói cho con người và muôn loài biết mình là ai và yêu thương họ như thế nào (x. 1Tm 6,14; Tt 2,13).
Khi gắn bó với Đức Giêsu, là lời sống động của Thiên Chúa, các tông đồ và các môn đệ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ sống theo Lời Chúa dạy bằng cách nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu Kitô và thực hành những mệnh lệnh của Người. Họ loan báo Lời Chúa cho mọi người và làm chứng lời mình rao giảng bằng muôn vàn ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho họ để cứu độ thế giới. Họ trở thành hiện thân của Lời Chúa cho muôn loài.
Tuy nhiên trong suốt dòng lịch sử phát triển của Giáo hội Công giáo, nhiều tín hữu, nhất là các người lãnh đạo, đã bỏ quên việc gắn bó mật thiết với lời sống động là Chúa Giêsu và việc thở hít được thần khí của Người, mà dần dần chỉ tập trung vào các lễ nghi phụng tự và các bản văn Lời Chúa. Do đó Lời Chúa không còn sống động, linh nghiệm, tươi sáng và tràn đầy sức mạnh cứu độ kỳ diệu của Chúa Giêsu, vì như xưa Người chỉ cần nói một lời là gió yên biển lặng, bánh cá hóa nhiều, bệnh tật được chữa lành, ma quỷ bị xua trừ, kẻ chết trỗi dậy, tội nhân được tha thứ.
Người ta tập trung cho việc học hỏi và giải thích Lời Chúa một cách cặn kẽ và chính xác theo từng con chữ, mà quên việc “hội nhập văn hoá” của Ngôi Lời nhập thể và nhập thế để khám phá ra các loại ý nghĩa của văn tự, ẩn dụ, luận lý và dẫn đường của Lời Chúa (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 115-119). Người ta căn cứ vào bằng cấp của các “thầy dạy Thánh Kinh” và quên vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành và giải thích Lời Chúa. Người ta quên mất lời văn con chữ trong Thánh Kinh chỉ là một trong nhiều cách nói chuyện của Thiên Chúa với con người, nhưng các thầy dạy Thánh Kinh đã khiến cho người tín hữu hiểu lầm đó là cách nói độc nhất của Thiên Chúa. Người ta quên ý nghĩa “đời sống” để thích nghi Lời Chúa, như “Đức Giêsu luôn nói với dân chúng bằng dụ ngôn tuỳ theo mức họ có thể nghe” (x. Mc 4,33-34), trong khi những bài giảng, bài giáo lý dành cho tín hữu chỉ chứa đầy những lời hô hào, đòi hỏi luân lý khiến cho người nghe mệt mỏi, nhàm chán.
4. Làm sao để tiếp cận, học hỏi, sống theo và loan báo Lời Chúa?
Sau khi đã hiểu được Đức Giêsu chính là Lời Chúa sống động đang ở giữa chúng ta, đang cùng đồng hành với chúng ta trên con đường loan báo Tin Mừng cứu độ để mang lại niềm vui, bình an và tình yêu cho muôn loài trong vũ trụ này, chúng ta sẽ định hướng được câu trả lời cho việc tiếp cận, học hỏi, sống theo và loan báo Lời Chúa.
Giáo hội Công giáo năm 2012 đã tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục với chủ để “Tân Phúc Âm hóa để truyền đạt đức tin” để đổi mới chính mình, thay vì chỉ nhằm mục đích dự định là tái rao giảng Phúc Âm cho các nước châu Âu đã bỏ đức tin Kitô giáo. 10 năm sau, năm 2023 này, công cuộc tái rao giảng không phải chỉ dành cho châu Âu mà cho tất cả các châu lục, nhất là sau cơn đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ucraina giữa Nga và nhiều nước trên thế giới bị lôi kéo vào.
Hiện tượng tục hóa, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống, nhất là của người trẻ, lạm phát và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tin tưởng tuyệt đối vào khoa học của nhiều nhà trí thức, việc lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong đời sống đã khiến cho nhiều người không còn tin Chúa có thật, không còn hiểu được Thiên Chúa đang nói và đang yêu thương con người, không còn tin Đức Giêsu là Lời Chúa sống động đang ở giữa con người và cứu độ muôn loài. Tất cả như đang thôi thúc người tín hữu chúng ta hãy trở về với Đức Giêsu Kitô để loan báo Tin Mừng của Người.
Tuy nhiên, bản Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục 2012 cũng nhắc nhở rất rõ ràng: “Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay là một tập hợp các lời giáo huấn – Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa đã làm người. Tin Mừng là tin mừng của Đức Giêsu Kitô.
Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Tin Mừng. Do đó, mục tiêu của việc truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta”[9].
Khi gợi ý về một cuộc gặp gỡ cá nhân giữa từng người chúng ta với một con người sống động là Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội dường như đề nghị chúng ta phải dùng những phương thế tiếp cận, gặp gỡ khác với những cách ta đang dùng hiện nay khi hiểu Lời Chúa chỉ là cuốn Thánh Kinh hay các bài học giáo thuyết. Hơn nữa, khi biết Đức Giêsu Kitô hòa nhập vào muôn người, muôn vật quanh ta, nhất là trong những người nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bị tù tội, bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Mt 25,31-46), thì cách tiếp cận của ta sẽ mang nhiều hình thức và đòi hỏi ta phải có những dấn thân khác nhau trong đời sống thực tế.
Việc học hỏi Lời Chúa cũng đặt ra cho ta nhiều vấn đề và nhiều hành động phải thực hiện trong việc thay đổi cách giảng dạy các môn Thánh Kinh và Kitô học nơi các chủng viện, học viện của Công giáo cũng như của cả Kitô giáo. Trong chương trình đào tạo các chức sắc tôn giáo, linh mục, tu sĩ, người ta dành cho các môn Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước số giờ khá lớn: khoảng vài trăm tiết học cho các môn như Lịch sử hình thành Thánh Kinh, Ngũ Thư, các sách Lịch sử, các sách văn chương, các tiên tri, bốn Phúc Âm, Công vụ, các thư thánh Phaolô, các thư mục vụ, Khải Huyền. Trong khi đó chỉ dành khoảng vài chục tiết cho môn Kitô học, dù Đức Giêsu Kitô là Đấng sáng lập Kitô giáo!
Hơn nữa, vì những dòng tu và các hệ phái còn có những quan điểm khác nhau về Đức Giêsu, nên người ta ít dám viết hay dám dạy một cách trọn vẹn về Đức Giêsu, nếu không muốn bị loại trừ. Ví dụ: Đức Giêsu có sai lầm không? Sự hiểu biết của Người có bị giới hạn không? Người có biết lái xe hơi, sử dụng máy vi tính không? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 474-477 đã giải thích ví dụ này. Hậu quả là phần đông tín hữu chỉ biết rất hời hợt về Đức Giêsu và những hiểu biết sơ sài đó không thể hướng dẫn họ trong đời sống.
Một nguyên nhân khác giới hạn tầm hiểu biết về Đức Giêsu đó là cần phải đổi mới phương pháp nghiên cứu Kitô học. Đức Giêsu không phải chỉ là Ngôi Lời làm người để ta áp dụng các nguồn như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn quyền của Giáo Hội và suy tư của các nhà thần học Công giáo để xác định các điều hiểu biết về Người. “Người còn là một con người giống chúng ta về mọi phương diện, đã chịu thử thách mọi bề như ta nhưng không phạm tội” (x. Dt 2,16-17). Vì thế các khoa học tự nhiên, các khoa học xã hội nhân văn đều có thể giúp ta khám phá về Đức Giêsu để chia sẻ cho con người trong cộng đồng xã hội hôm nay. Có như thế ta mới có thể đáp ứng những đòi hỏi của thời đại trong việc giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhất là cho người trẻ[10].
Muốn sống theo Lời Chúa, chúng ta có gương mẫu của rất nhiều vị thánh trong dòng lịch sử, đặc biệt là Đức Mẹ Maria và thánh Giuse. Cả hai đã lắng nghe Lời Chúa do sứ thần chuyển đến, đã đáp lại bằng việc hiến dâng trọn vẹn đời mình và kết hợp với Chúa Thánh Thần để hình thành nên Đức Giêsu trong lòng mình như Mẹ Maria và sinh ra Người cho thế giới. Cả hai đã cộng tác để nuôi dưỡng Đức Giêsu lớn lên, đã truyền dạy nghề nghiệp cho Đức Giêsu như thánh Giuse và đưa Đức Giêsu hòa nhập vào cộng đồng xã hội con người. Tiến trình theo Đức Giêsu còn tiếp tục trải dài trong suốt đời người như Đức Maria trong những năm Đức Giêsu giảng dạy công khai cho đến khi đứng dưới chân thập giá để cùng với Người hiến tế đời mình. Mẹ đã vui mừng khi thấy Chúa sống lại. Mẹ Maria tiếp tục nhận lãnh sứ mệnh chia sẻ Lời Chúa và những kỷ niệm về Chúa Giêsu cho các tông đồ và các môn đệ khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần và tiếp tục sứ mệnh loan báo về Chúa cho đến khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Đó là phần thưởng cho tất cả những ai sống theo Lời Chúa.
Sứ mệnh loan báo Lời Chúa hay rao giảng Tin Mừng Nước Trời là điểm cao nhất trong nhiệm vụ của người tín hữu Kitô. Đó là sứ mệnh được Đức Giêsu giao phó cho từng người chúng ta để tiếp tục kế hoạch cứu độ của Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (x. Mc 16,15-20). Muốn cho sứ mệnh này đạt được hiệu quả, cần có 2 yêu cầu cần thiết, đó là chúng ta phải kết hợp mật thiết với Đức Giêsu để Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng của Người và phải thở hít thật nhiều thần khí của Người, để lời ta loan báo không còn là lời của người phàm, nhưng là lời của chính Chúa Giêsu. Lúc đó ta mới thấy những dấu lạ như bánh cá hóa nhiều, bệnh nhân được chữa lành, người bị quỷ ma ám ảnh được giải thoát… trở thành những dấu chỉ chứng thực cho Lời Chúa.
Chúng tôi đã cảm nhận được điều đó và xác tín rằng Đức Giêsu chính là lời sống động của Thiên Chúa, Người đang ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta để mỗi người chúng ta trở thành hiện thân của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Chúng tôi xin chia sẻ một ví dụ cụ thể để minh chứng cho niềm xác tín đó: ngày Chủ Nhật 11/12/2022 mới đây, chúng tôi tổ chức khám sức khoẻ tổng quát, khám chữa bệnh, chữa răng, chữa mắt, chữa cơ xương khớp, phát thuốc cho 1.748 người khuyết tật, trẻ mồ côi, đồng bào nghèo và sinh viên nghèo của vài trường đại học trong TP.HCM. Đoàn Y tế khoảng 200 người, gồm 45 bác sĩ, 35 nha sĩ với 8 ghế nha, 14 dược sĩ, 29 điều dưỡng và chuyên viên cơ xương khớp, 14 chuyên viên đo khúc xạ và 30 tình nguyện viên lo các phần việc khác. Ngoài ra còn 158 tình nguyện viên đến từ các trường đại học và các tài xế của đoàn xe 33 chiếc chuyên chở người đến khám. Tất cả tổng cộng khoảng 2.175 người cùng tham gia trong đợt thiện nguyện này.
Mọi người tham dự đều được ăn sáng, uống nước giải khát. Nhiều tổ chức gửi quà đến giúp người nghèo. Lúc đó chúng tôi cảm nghiệm được Đức Giêsu đang làm phép lạ cho bánh cá hóa nhiều, chữa lành bệnh nhân, tha thứ tội lỗi và liên kết chúng tôi trong tình yêu cứu độ của Người. Đây không phải là công trình cứu độ lớn lao gì, nhưng những việc đó đang được thực hiện hằng ngày, hằng giờ giữa cộng đồng nhân loại để giúp ta vững tin vào Lời Chúa và loan báo lời Ngài.
Lời kết
Qua những dòng chia sẻ Lời Chúa trên đây cho con người của thời đại khoa học này, nhất là ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi chỉ mong đồng bào mình cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Đức Giêsu. Dù là Con Chúa Trời, nhưng Người đã hóa thân làm người như chúng ta để làm cho đời sống của ta được tràn đầy niềm vui, bình an, hạnh phúc. Nếu chúng ta tin vào Người, chúng ta sẽ nghe được Người nói với ta và giúp ta nói về Người.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)
WHĐ (28.06.2023)
[1] x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, tr.12-15.
[2] x. Bs Alice Roberts, Altas Giải phẫu Cơ thể Người, tr.300.
[3] x. Bs Alice Roberts, Altas Giải phẫu Cơ thể Người, tr.306; 309.
[4] x. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, tr.1281.
[5] x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, q.IV, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005, tr.419.
[6] x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Mạc khải Dei Verbum, số 2.
[7] CĐ Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 16; GLHTCG, số 1776.
[8] CĐ Vat. II, Dei Verbum, số 4.
[9] x. “Đề cương THĐGM 2012, số 11”, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hóa, NXB Tôn giáo, 2014, tr.45
[10] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hóa, NXB Tôn giáo, 2014, tr.141-142.