ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT CỦA NGƯỜI DO THÁI THỜI THÁNH KINH
Nhờ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước mà người ta có thể tái hiện cuộc sống của người Do Thái thời Cổ đại. Tạp chí Le Point của Pháp đã dành nguyên một chuyên đề cuối năm 12/2003 để nói về muôn mặt của Thánh Kinh. Chúng tôi giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của François Giron. Bùi Thiện chuyển ngữ.
Thế giới của người Ai Cập đã để lại cho chúng ta – nhất là trong các ngôi mộ, nơi con người có thể sống với thần linh sau khi khuất núi – rất nhiều hình ảnh, bức hoạ, hình khắc hay pho tượng, giúp chúng ta hiểu biết và “thấy” được những sinh hoạt thường ngày của cư dân vùng châu thổ sông Nil.
Ở xứ sở Thánh Kinh không có những di vật như của người Ai Cập, vì nhân danh Yahwé – Thiên Chúa duy nhất – các ngôn sứ lên án gay gắt việc tạc tượng hay vẽ hình người và thú vật. Kết quả: người Do Thái không hề có hình ảnh về đời sống thường nhật, không tranh vẽ, không tượng khắc, hoặc nếu có thì cũng vô cùng hiếm hoi. Ngược lại, như ông André Lemaire – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của trường Cao học thực hành (Pháp) – đã viết: “Bốn chục cuốn sách chưa đầy 2.000 trang (Thánh Kinh trọn bộ – ND) gần như là những kiến thức duy nhất giúp chúng ta hiểu biết về dân tộc Do Thái.” Chính vì vậy mà chúng ta phải rảo khắp toàn bộ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, để tìm kiếm và tập hợp từng chi tiết một về những khía cạnh khác nhau trong đời sống thường nhật của một dân tộc ban đầu là du mục, sau đó định cư trong thung lũng sông Jourdain, nơi khai sinh xã hội nông nghiệp và bán du mục.
Những sinh hoạt của dân cư
Ngủ. Người Do Thái thường ngủ trong lều hay trong nhà, thường nằm dưới nền nhà, trên tấm đệm bằng rơm hay lá cây. Giường, thường rất hiếm thấy, được ghi nhận lần đầu tiên trong Thánh Kinh trong đoạn nói về vua David. Đồ gia dụng ít nhiều xa hoa này gồm một giàn bằng gỗ (vạc giường) đặt trên bốn chân và cột dây thừng thay cho thanh giường. Người nghèo không hề biết đến chăn, vì họ chỉ đắp áo hoàng nằm ngủ.
Ăn. Đa số dân chúng dọn thức ăn trong một cái khay bằng da hay đan bằng vỏ cây. Khi ăn người ta thường ngồi bệt dưới đất. Ở những gia đình giàu có, người ta dọn những dĩa thức ăn này trên một chiếc bàn thấp, xung quanh có đặt ghế đẩu. Trong một ngôi mộ ở Jéricho, người ta tìm thấy một chiếc bàn kiểu này gồm ba chân khá vững chãi. Vào thời Đức Giê-su, bàn ghế còn đơn giản nhưng những đại gia cũng bắt đầu quan tâm đến kiểu cọ.
Bếp núc. Nhà ở của người Do Thái không có ống khói, bếp thường được đặt ngay giữa sân. (Bếp núc của người Do Thái gần giống với nông thôn Việt Nam). Bếp gồm một cái lò bao quanh bằng mấy hòn đá, bên trên đặt một cái nồi đất thường chỉ nấu rau quả, thỉnh thoảng mới có thêm ít thịt. “Nhà bếp” còn thêm chiếc lò nướng bánh là món ăn thường nhật của người Do Thái. Trên cái lò này luôn đặt chiếc bình ở giữa phình to còn phần chóp hình nón. Khi đã đốt than cho thành bình nóng lên, người ta bỏ bánh vào nướng chuẩn bị cho bữa ăn.
Trong căn phòng nhỏ gần đó, người ta tích trữ thực phẩm cho mùa đông trong những chiếc vại hay hũ nào bột, dầu, rượu, trái cây khô (nho, chà là, vả), cho đến muối, gia vị và cả men để ủ bột.
Nước hiếm và quý giá
Thời xưa, nước là một vấn đề rất hệ trọng đối với người Do Thái. Mùa mưa (trung bình mỗi năm khoảng 630 mm ở Jérusalem) chỉ kéo dài bốn tháng mùa đông. Còn lại nguồn nước chủ yếu dựa vào các dòng suối, giếng đào, sông Jourdain hay hồ Tibériade. Cũng may người ta biết đào bể chứa nước ngầm dưới đất quanh nhà từ rất sớm, những bể nước này thường được khoét trong đá và trát một lớp vữa đặc biệt để chống thấm. Vào mùa mưa, nước từ mái nhà chảy xuống được dẫn vào bể chứa để cất giữ nhưng nước này thường chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ. Nước dùng nấu nướng người ta phải ra giếng hay sông suối lấy mỗi ngày.
Tất cả các thành phố đều được xây dựng quanh những nơi có nhiều nước. Nhiều công việc rất cần đến nước mới thực hiện được. Nhờ có nước người ta mới có thể chống cự lại những cuộc vây hãm kéo dài như ở Gabaon, Lakish, Megiddo hay Haçor. Trong những thành phố miền Bắc Israel, giếng nước sâu đến 19 mét, miệng rộng, thành gồm nhiều bậc thang khoét trong đá dẫn đến một đường hầm ngoằn ngoèo dài 25 mét. Ở Meggido giếng còn sâu hơn nữa. Vào thế kỷ VIII trước CN, người ta đã đào một cái giếng sâu 25 mét có cầu thang dài và một đường hầm dài 70 mét dẫn vào một hang động có rất nhiều nước. Lối vào hang động được bít kín rất cẩn thận và khéo léo. Ở Jérusalem, giếng nước và việc dẫn nước có vai trò quan trọng như nhau: nước từ suối Guihôn (lưu lượng 50 mét khối mỗi giờ) sau khi chảy qua một kênh đào ngầm dưới đất dài 512 mét sẽ đổ vào hồ chứa Siloé nằm dưới chân thành phố.
Vào thời Đức Giê-su, lượng nước dùng trong sinh hoạt tăng lên rất nhiều. Có hai lý do: mốt tắm kiểu La Mã và dân cư thành thị tăng vọt. Ở Jérusalem, suối Guihôn cạn kiệt. Để cung cấp nước cho Đền thờ, người ta phải đào hai hồ chứa nước rất lớn sâu 13 mét ở những khu phố phía Bắc thành phố, ngày nay gần nhà thờ thánh Tê-pha-nô. Xung quanh Đền thờ, người ta đào không dưới 136 bồn chứa trong đá. Cách thành phố vài cây số về hướng Tây Nam, gần thành Bethléem, người ta còn xây dựng nhiều Bồn chứa nước của Salomon rất rộng lớn.
Nghề nghiệp: nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công
Dân cư thuộc vương quốc Israel (mười thị tộc ở miền Bắc) và Juda (miền Nam) phần lớn là những tiểu nông làm chủ một mảnh đất nhỏ hay những nông dân sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi – đôi khi cả hai – tùy theo từng địa phương.
Vào tháng 11, khi trời bắt đầu mưa, mùa màng cũng bắt đầu. Ở xứ sở đồng khô cỏ cháy này, mưa là một sự kiện rất quan trọng nên trong tiếng Hébreu có rất nhiều từ khác nhau để chỉ mưa: yoreh, mưa đầu mùa; matar, mưa nói chung; guéshem, mưa mùa đông, trong khi malqosh là mưa cuối mùa. Ngay khi giọt nước đầu tiên từ trời rơi xuống, nông dân Israel hay Canaan chuẩn bị cày bừa. Trong các đồng bằng, người ta dùng cày chìa vôi thắng vào một đôi bò, nếu không có bò, người ta có thể cày bằng một đôi lừa.
Ở miền trung du, nơi không thể dùng cày được, nông dân phải dùng cuốc chim để dở đất. Mùa gieo giống diễn ra theo một trật tự nhất định: lúa mạch và lanh gieo trước, sau đó đến lúa mì và lúa mì tẻ.
Thế nhưng cho đến lúc này việc đồng áng vẫn chưa kết thúc. Người ta còn lợi dụng những trận mưa mùa đông khi nhiệt độ xuống dưới 0oC để trồng rau quả (đậu Hà Lan, đậu tằm, đậu lăng), trước khi dọn vườn cây ăn trái và ruộng nho ở gần nhà. Đó là những nơi người ta bỏ nhiều công sức để tưới tiêu.
Trước nhà bao giờ cũng có cây vả. Không xa nhà bao nhiêu là một vườn nho nhỏ bé nằm trên triền dốc nhiều ánh nắng. Gốc nho không cao như ở châu Âu, chúng thường bò trên những phiến đá nhẵn dựng đứng để trái nho không bị chạm đất. Trái nho được chế biến bằng hai cách thức. Phơi khô sẽ thành nho khô – như vả khô – là thành phần không thể thiếu trong chiếc bánh ga-tô. Nho tươi người ta đạp nát để làm rượu vốn là thức uống được các nhân vật trong Thánh Kinh đánh giá cao. Rượu nho, đôi khi được làm từ nước ngoài (Liban, Syrie, rồi Rodes hay Cnide mà người ta đã tìm thấy những chiếc vò hai quai và những con dấu đóng thuế rượu), rất được ưa chuộng, đôi khi quá đáng. Đến nỗi ngôn sứ Isaia phải tố cáo “những kẻ say sưa của thị tộc Ephraim” hay “những tư tế và ngôn sứ lầm lạc vì rượu chè”.
Ở xứ sở Thánh Kinh, công việc không hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp. Chăn nuôi, cũng đóng một vai trò rất quan trọng, nhất là trong một vài vùng có khí hậu thích hợp với loại hình này. Ngoài những thung lũng miền núi có nhiều cây cỏ thuộc miền Bắc rất ẩm ướt (quanh núi Carmel, trong miền Bashân, ngày nay là vùng Golan), những ngọn đồi xứ Galilée và Samarie, người ta chăn thả nhiều đàn bò rất lớn.
Trong các vùng bán hoang mạc ở miền Nam và miền Đông, mưa mùa đông làm cỏ mọc tốt tươi nhưng thời gian này kéo dài không được bao lâu. Ở những miền này người ta thả những đàn súc vật nhỏ như dê và cừu. Đến mùa khô hạn, những nhóm mục đồng này dẫn đàn súc vật của họ đi từ Nam xuống Bắc, từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác và từ giếng nước này đến giếng nước nọ. “Bỉ cực thới lai”, chính công việc nặng nhọc này giúp họ trở thành những ông chủ giàu có. Cừu và dê – nhất là dê – rất được ưa chuộng vì thịt của nó mềm và ngon. Nhiều con còn được dùng để dâng lễ hiến sinh ở Đền thờ Jérusalem. Vào thời Đức Giêsu, cửa Bắc của Đền thờ được gọi là “cửa Chiên”.
Còn một công việc nữa không ngừng phát triển suốt thời kỳ Thánh Kinh: nghề thủ công gắn liền với sự tăng trưởng của các đô thị.
Giữ vị trí hàng đầu là thợ làm đồ gốm, những người sản xuất đủ loại bình phục vụ cho đời sống: chum đựng nước, nồi nấu thức ăn, vại có quai đựng rượu, tô, chén, dĩa, vại. Lò gốm nằm ngoài thành phố và làng mạc, gần những quặng đất sét.
Nghề thợ rèn cũng không kém phần quan trọng, họ sản xuất – và sửa chữa – nông cụ cho nông dân và vũ khí cho quân nhân. Thợ rèn Do Thái là những người rất đáng kính nên trong cuộc phát lưu những công dân ưu tú xứ Juda sang Babylone vào năm 597, các thợ rèn đều phải lên đường.
Thánh Kinh còn nói đến những công việc liên quan đến cây gỗ như tiều phu đốn củi, thợ mộc và thợ chạm trổ.
Nghề dệt – rất hiếm khi được nhắc đến trong Thánh Kinh – có lẽ là một nghề xa hoa. Họ chỉ dệt những loại vải đặc biệt bằng sợi lanh hay len, cho ra hai loại vải tùy theo từng chất liệu. Chính họ dệt tấm màn ở Đền thờ Jérusalem cũng như y phục của các tư tế và những người giàu có. Các loại vải khác, bằng sợi len hay sợi lanh đều do phụ nữ tự dệt lấy ở mỗi gia đình.
Ngoài ra còn có những “cần câu cơm” khác, dù được khoa khảo cổ học chứng thực nhưng không bao giờ hay hiếm khi được nhắc đến trong Thánh Kinh. Chẳng hạn như thợ kim hoàn, thợ làm gương, thợ thuộc da.
Nhiều năm trước khi Đức Giêsu giáng sinh, vua Do Thái là Hérode Cả phát động một kế hoạch lớn nhằm xây dựng và tái thiết nhiều công trình ở Jérusalem (gồm Đền thờ, cung điện hoàng gia, tháp canh và pháo đài Antonia) và ở Césarée, nơi ông cho xây dựng một hải cảng lớn trên bờ biển Địa Trung Hải. Đó là kết quả tất yếu – nhưng không phải bất kỳ nơi nào khác – của những kiến trúc sư tài hoa, của những người thợ đẽo đá lành nghề đã vận chuyển những khối đá khổng lồ và gọt đẽo đến mức hoàn hảo, những thợ chạm, thợ mộc nhiều không kể xiết. Và cả những người thợ mộc, nghề thủ công duy nhất được nhắc đến trong Tân Ước. Đó là nghề của thánh Giu-se và Đức Giê-su.
Hôn nhân và những hệ quả của nó: đa thê và ly dị.
“Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất…” – Thiên Chúa phán cùng con người trong sách Sáng thế sau khi sáng tạo nên thế giới. Đối với người Do Thái, hoạt động tình dục – với điều kiện hợp đạo đức – hoàn toàn mang tính tích cực và là một lệnh truyền cấp bách. Vì vậy, gia đình là hệ quả hợp pháp của hôn nhân.
Vào thời các vua, hôn nhân không chịu tác động của tôn giáo. Đó là một sinh hoạt dân sự thuần tuý chỉ liên quan đến gia đình. Bước đầu tiên của một cuộc hôn nhân là đám hỏi. Chú rể đến nhà cha mẹ cô gái, thường luôn được chọn trong số bà con họ hàng gần hoặc xa. Sau đó người ta thoả thuận những điều kiện của việc cưới xin. Bàn thảo xong, chàng rể tương lai sẽ trao mohar (vật đền bù, của hồi hôn) cho bố vợ, thường bằng tiền mặt. Kể từ lúc đó, cô gái được coi như đã có chồng. Nhưng trong những gia đình thế gia vọng tộc, người ta không chỉ lấy một vợ vì xã hội chấp nhận chuyện “trai năm thê bảy thiếp”. Vua Salomon, có lẽ là một người có cá tính đặc biệt, có một hậu cung tới cả ngàn thê thiếp. Nhưng phần lớn các nông dân và người chăn nuôi thường chỉ có một vợ một chồng vì thiếu phương tiện hoặc vì những lý do khác. Chắc chắn trách nhiệm của một người cha trong gia đình rất nặng nề. Gia đình bao gồm vợ lớn, vợ bé, hầu thiếp, mẹ, con trai, con dâu, cháu chắt, con gái độc thân hay goá chồng nhưng không có con cái phụng dưỡng, đó là chưa kể đến các gia nhân và nô lệ trong nhà.
Người ta lập gia đình rất sớm. Từ 18 tuổi đối với con trai và 12-13 tuổi đối với con gái. Người đàn ông được quyền chọn bạn đời tương lai cho mình nhưng thiếu nữ vẫn không hề cảm thấy bị áp đặt vì một cuộc hôn nhân không theo ý mình. Các đôi vợ chồng lấy nhau rất sớm như vậy nên thường rất đông con cái.
Lúc con cái còn nhỏ, chính người mẹ đảm nhận việc săn sóc và dạy dỗ chúng. Khi chúng lớn lên, người mẹ vẫn giữ nguyên vị trí của mình trong lãnh vực này, nhất là đối với con gái, nhưng vai trò của người cha ngày càng quan trọng hơn. Chính người cha truyền lại những hiểu biết của mình cho con cái, ông còn hướng dẫn và giám sát việc tôn trọng lề luật tôn giáo và phong tục của con cái.
Đối với con trai, nghi lễ quan trọng bậc nhất mang ý nghĩa đón nhận vào cộng đồng là lễ cắt bì, được thực hiện vào ngày thứ 8 sau khi sinh, bằng một con dao bằng đá mỏng (loại công cụ này nhấn mạnh tính cổ xưa của nghi thức cắt bì). Cũng vào ngày hôm đó đứa bé được đặt tên, do người mẹ chọn. Tên con trai thường đi kèm với tên của người cha (Ất ben Giáp).
Có lẽ vào thời xưa con trai thường được đến trường nơi các thầy tư tế dạy đọc và học Thánh Kinh. Đến thời La Mã, hoạt động này ít phổ biến hơn, và trong các gia đình thuộc tầng lớp trên của xã hội (giới tư tế, những người giàu có, v.v), con trai Do Thái còn được học đọc và viết.
Cũng như phần lớn các dân tộc khác, người Do Thái rất thích ca nhạc. Âm nhạc là nhịp độ hàng đầu của mọi sinh hoạt tập thể như cưới hỏi, lễ hội và những sự kiện lớn. Trong cuốn Đời sống thường nhật thời Thánh Kinh (NXB Bayard), Jaques Briend nhắc lại chuyện bà Maryam, em gái ông Moses, sau khi vượt qua biển Sậy (biển Đỏ) đã ôm trống cơm và lôi kéo tất cả mọi phụ nữ cùng tham gia một vũ điệu rất sôi nổi, vừa nhảy vừa ca hát: “Ca lên mừng Thiên Chúa, vì Người đã thực hiện biết bao kỳ công, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương”.
Về phần mình, David vào phục vụ vua Saul như một nhạc công chơi đàn lyre. Các nhạc cụ của người Ai Cập vốn rất thông dụng và được mô tả chính xác, trong khi đối với các nhạc cụ của người Do Thái, chúng ta chẳng biết gì ngoài tên gọi của chúng. Tuy vậy, người ta cũng biết đến hai loại đàn lyre, trong đó có một loại mười dây, rồi đàn cithare, sáo, trống cơm và chũm choẹ. Người ta còn biết đến chiếc tù và bằng sừng cừu đực (shofar), có lẽ bắt nguồn từ trong chiến tranh và trở thành một đồ vật dùng trong phụng tự.
Lướt qua đời sống thường nhật của người Do Thái thời Thánh Kinh, chúng ta không thể không nhắc đến chế độ nô lệ, một vấn nạn chung của xã hội thời Cổ đại. Thông thường, trong các cuộc xung đột quân sự, những kẻ chiến bại, dù họ là ai chăng nữa cũng đều bị làm nô lệ. Nhưng lề luật Do Thái còn dự kiến biến người Do Thái mắc nợ trở thành nô lệ, những con nợ không có khả năng chi trả phải bán con cái để trả nợ cho mình.
Trong thế giới của người Do Thái, đời sống tôn giáo chiếm vị trí hàng đầu. Ngay từ thời xa xưa, người ta đã có những ngày lễ hành hương và nhiều lễ hội tôn giáo. Lễ Vượt qua, lễ hội mùa xuân trở thành ngày lễ quan trọng nhất. Ban đầu lễ hội này được tổ chức trong các đền thánh ở địa phương cho đến khi vua Salomon xây dựng Đền thờ thứ nhất, nơi đặt Khám Giao ước. Sau khi vương quốc miền Bắc (Israel) và vương quốc miền Nam (Juda) đoạn giao với nhau, vua Israel (Jéroboam I) xây dựng ở Béthel và ở Dan những đền thờ để quy tụ thần dân của mình nhằm ngăn cản họ hành hương về Jérusalem. Khi vương quốc miền Bắc chấm dứt vào năm 722 trước CN, cuộc cải cách bắt buộc theo Đệ nhị luật tập trung vào một Đền thờ duy nhất ở Jérusalem (một bàn thờ và một nơi tôn thờ Thiên Chúa duy nhất). Đền thờ bị người Babylone phá huỷ vào năm 587 trước CN và được tái thiết sau khi người Do Thái đi lưu đày ở Babylone trở về. Trước kỷ nguyên chúng ta, Đền thờ lại được vua Hérodes trùng tu hoàn toàn.
Vào thời đó, việc cầu nguyện là hoạt động quan trọng nhất đánh dấu mọi thời khắc trong đời sống của người Do Thái. Việc cầu nguyện diễn ra ở Đền thờ vào những dịp lễ lớn (và vào những ngày khác nếu người ta có dịp đến Đền thờ). Cầu nguyện còn diễn ra ở hội đường, nhất là vào ngày Sabbat, bằng việc hát thánh thi, thánh vịnh và đọc Lời Chúa. Việc cầu nguyện thường diễn ra nhiều nhất là ở nhà, dưới sự chủ toạ của gia trưởng để khai tâm giáo lý cho con cái, nhất là con trai. Người Do Thái sùng đạo thuộc lòng nhiều đoạn Thánh Kinh mà họ truyền đạt lại cho con cái.
Thời sự Thần học – Số 36, tháng 6/2022, tr. 105-113 (Phiên bản 2022, tr. 119-128)
Nguồn: tsthdm.blogspot.com (14.01.2023)