TIẾN TRÌNH CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH THEO THÁNH I-NHÃ
WHĐ (20.12.2022) – Những ai đã từng tĩnh tâm theo hình thức Linh Thao, đều ít nhiều biết đến tiến trình cầu nguyện. Do đó, trong bài viết này tôi muốn chia sẻ với các bạn chưa quen với tiến trình cầu nguyện với Kinh Thánh. Hy vọng khi đi vào tiến trình của cầu nguyện, chúng ta được Thiên Chúa dẫn dắt vào bối cảnh của cầu nguyện. Nhờ đó, chúng ta có thể gặp được chính Thiên Chúa, Đấng đang đợi chờ bạn trong bản văn Tin Mừng.
- Giai đoạn chuẩn bị
Có lẽ bạn không cần lo lắng quá nhiều về giai đoạn này. Bạn tìm một bản văn Tin Mừng ngày hôm nay theo lịch phụng vụ. Chẳng hạn hôm nay Tin Mừng nói về biến cố Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38). Trên Internet cũng có nhiều trang đăng Tin Mừng hằng ngày. Bạn cũng có thể đọc qua đoạn Tin Mừng này và cả suy niệm của tác giả. Tuy vậy, đừng quá lệ thuộc vào suy niệm này, vì Thiên Chúa mới chính là thầy dạy của chúng ta trong cầu nguyện.
Kế đến là bạn tìm cho mình một nơi yên lặng. Nơi ấy cũng cần thoáng mát, sạch sẽ và bạn cảm thấy thoải mái. Có thể nơi ấy ở trong nhà của bạn, ở ngoài vườn, trong nhà thờ, hoặc nhà nguyện. Chuẩn bị nơi chốn cũng là lúc bạn đang cầu nguyện rồi.
- Bước vào giờ cầu nguyện
Thánh I-nhã đề nghị rất rõ với người cầu nguyện ba bước trước khi suy niệm Kinh Thánh[1]:
– Sau khi làm dấu, bạn từ từ hướng đến tâm hồn mình. Trong thinh lặng, bạn xin với Chúa cho mình bước vào giờ cầu nguyện này với “tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn.”[2] Chỉ có bạn với Thiên Chúa lúc này, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, bạn có thể trò chuyện được với Thiên Chúa.
– Sau đó, bạn mở Kinh Thánh và đọc đoạn bạn đã chuẩn bị (Lc 1,26-38). Trong khi đọc, bạn cũng có thể đặt mình vào khung cảnh, bối cảnh của Tin Mừng. Vì bạn đã chọn cầu nguyện theo phương pháp nhập cảnh, nên bước này quan trọng để bạn “xem nơi chốn”[3]. Thường thì đoạn Tin mừng nào cũng có nơi chốn, bối cảnh Đức Giêsu giảng dạy. Chẳng hạn ở đây là lấy con mắt tưởng tượng nhìn xem nhà của Đức Maria. Hoặc thánh I-nhã đề nghị bạn: “nhìn xem mặt địa cầu mênh mông, trên đó có biết bao dân tộc rất khác biệt nhau; rồi nhìn riêng ngôi nhà và căn phòng của Ðức Bà trong thành Nazareth, xứ Galilêa.” Nói chung bạn cứ mạnh dạn tưởng tượng ra nơi chốn, miễn là bạn thấy dễ cầu nguyện. Kế đến là bạn chú ý đến các nhân vật.
– Khi đọc Tin mừng xong, bạn ngồi trong tư thế thoải mái. Từ từ hướng lòng lên với Thiên Chúa để xin điều bạn muốn trong giờ cầu nguyện này. Từ bối cảnh của Kinh Thánh, bạn có thể biết mình xin gì. Hoặc từ tâm trạng của bạn lúc này, bạn đang khao khát điều gì. Hãy nói với Chúa! Chẳng hạn ở đây, thánh I-nhã đề nghị: “xin được sự hiểu biết bên trong về Chúa, Ðấng đã làm người vì tôi, để yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn.”[4]
Bạn không cần suy niệm với điều bạn đang khao khát. Thay vào đó, I-nhã chỉ cho chúng ta chú ý đến từng điểm của Kinh Thánh. Điểm hoặc ý cầu nguyện là những điều bạn nhận được khi đọc Kinh Thánh. Đừng suy niệm quá nhiều điểm, bởi chúng ta không có giờ và sẽ bị loãng. Hơn nữa, cầu nguyện không phải để lấy kiến thức, nhưng quan trọng là bạn cảm nhận và tâm hồn mình no thỏa. (Thánh Gioan Thánh Giá nói: Thiên Chúa nói với chúng ta qua tác động trong tâm hồn.) Thường thì thánh I-nhã đề nghị 3 điểm trong một giờ cầu nguyện. Nếu cầu nguyện 30 phút, bạn có thể chọn ra một hoặc hai điểm mà bạn thích. Chẳng hạn ở đây chúng ta thử chọn 2 điểm chính:
- Nhìn ngắm
Trong tưởng tượng, bạn đưa mắt nhìn bối cảnh nhà của Maria. Cô thiếu nữ Maria đang ở Nazaret, một làng quê hẻo lánh và nghèo nàn. Căn nhà cũng đơn sơ mộc mạc, đủ che nắng che mưa. Căn nhà rộng hay hẹp? Kế đến bạn nhìn chỗ Maria đang quỳ. Có thể Maria đang cầu nguyện. Thi thoảng Maria cũng đứng lên, đưa tay về phía Thiên Thần Gabriel. Theo hướng đó, bạn nhìn Thiên Thần trong hình hài một con người. Thiên Thần cách Maria mấy mét!? Chắc là không quá xa để họ trò chuyện. Thỉnh thoảng cả hai yên lặng, trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó. Bạn cứ nhìn từng động tác, cử chỉ của họ. Khi nhìn như thế, nghĩa là bạn cũng đang ở đó với họ.
Nhìn không chỉ là nhìn, nhưng thánh I-nhã đề nghị bạn: “Suy nghĩ để rút ích lợi từ những gì đã nhìn ngắm như vậy.” Từ con mắt tưởng tưởn đó, giờ bạn suy nghĩ những gì nhìn được. Có thể bạn đưa ra những nhận xét, hoặc cả những thắc mắc. Nói chung bạn cảm thấy trong lòng mình lúc này như thế nào, hãy để ý đến cảm xúc của bạn khi chiêm ngắm như thế.
- Lắng nghe
Trong Kinh Thánh luôn có đối thoại. Những câu nói ấy giúp bạn rất nhiều trong cầu nguyện. Khi chiêm ngắm cũng là lúc tai bạn lắng nghe họ nói gì. Theo tình tiết của câu chuyện, bạn nhận được những thông tin. Càng lắng nghe, bạn càng hiểu vấn đề. Chẳng hạn, sứ thần nói với Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Bạn cũng nghe được câu này! Kế đến là sứ thần nói Maria sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, Người là Con một của Thiên Chúa. Không chỉ Maria ngạc nhiên, chính bạn cũng lấy làm lạ về những lời ấy. Bạn cũng thông cảm với Maria khi Mẹ hỏi lại sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sau lời giải thích của sứ thần, bạn cũng nghe được lời xin vâng của Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Cũng như điểm một, bạn “suy nghĩ để rút ích lợi từ những lời ấy.”
Khi bạn đã cảm thấy đã suy niệm đủ hai điểm trên, giờ là lúc bạn tâm sự với Thiên Chúa. Hoặc bạn có thể nói với Đức Maria hoặc sứ thần. Cốt là bạn nói ra những cảm nhận, suy nghĩ và những khúc mắc của mình. Kể cả những ngạc nhiên hoặc tâm tình thờ phượng bạn cũng có thể trò chuyện với họ. Chẳng hạn thánh I-nhã để nghị: “tâm sự bằng cách nghĩ về điều tôi phải thưa với Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc với Ngôi Lời Hằng Sống đã nhập thể, hoặc với Ðức Mẹ cũng là Ðức Bà của chúng ta; cầu xin theo điều mình cảm thấy trong lòng, để được theo và noi gương Chúa chúng ta vừa mới nhập thể như vậy hơn.” Đừng quên lúc này là lúc bạn được Thiên Chúa dạy bảo, soi sáng và ban ơn. Cứ mở lòng để đón nhận những bài học của Thiên Chúa. Càng làm tốt điều này, bạn càng cảm thấy lòng mình bình an và phơi phới. Theo ngôn ngữ linh đạo Kitô giáo, bạn được an ủi thiêng liêng[5].
Với tâm tình trên bạn có thể kết thúc cầu nguyện với một lời nguyện ngắn. Hoặc bạn cũng có thể đọc một kinh Lạy Cha, hoặc một kinh Kính Mừng.
- Giai đoạn sau cầu nguyện
Đây là bước tương đối đặc biệt nếu ai theo cách cầu nguyện của thánh I-nhã. Sau cầu nguyện, bạn dành đôi phút để nhìn lại giờ cầu nguyện vừa rồi. Mục đích là để bạn nhận ra đâu là ơn mình nhận được từ Thiên Chúa.? Đâu là cảm xúc mình có trong suốt buổi cầu nguyện: Có thể là buồn, vui, khô khan, hạnh phúc hoặc trống rỗng? Có những khó khăn nào khiến tôi khó chiêm ngắm hoặc lắng nghe các nhân vật.?, v.v. Điều này giúp bạn có kinh nghiệm để bước vào giờ cầu nguyện tiếp theo một cách tốt hơn.
Nếu bạn chưa cảm thấy no thỏa, vì không đủ giờ, để cầu nguyện với điểm ở trên, bạn hoàn toàn có thể cầu nguyện lại vào giờ tiếp theo. Càng đi sâu, chìm đắm vào điểm của Kinh Thánh, tâm hồn bạn càng no thỏa.
Nếu được, hãy ghi ra vài điều mình vừa lượng giá.
Tạm kết
Bạn rất thân mến,
Thiên Chúa của chúng ta thì gần gũi (Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Ngài đang chờ gặp chúng ta nơi Kinh Thánh. Hẳn nhiên bạn có phương pháp riêng của mình để bước vào cuộc gặp gỡ ấy. Tuy nhiên, dù bất cứ lãnh vực nào, chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Chính họ có những phương pháp tốt để giúp hậu thế khỏi mất giờ, và đỡ mệt khi bước vào lãnh vực nào đó. Cũng vậy, trong Giáo hội Công giáo, những nền nhà linh đạo, những vị thánh đã chỉ cho chúng ta những con đường tiếp cận với Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta không mất giờ và ít gặp khó khăn hơn, nếu chúng ta theo những lời khuyên của họ.
Phương pháp chỉ là phương tiện, là công cụ để bạn gặp Chúa. Càng tập theo phương pháp, chẳng hạn cách cầu nguyện theo phương pháp nhập cảnh của thánh I-nhã, bạn càng có kinh nghiệm cầu nguyện. Khi đã quen, bạn không cần chú tâm đến các bước của tiến trình này, nhưng bạn có thể cầu nguyện một cách tự nhiên. Ước sao bạn cũng có thói quen cầu nguyện này.
Chúng ta tạm kết thúc bài chia sẻ này với lời cầu nguyện của thánh Têrêsa Avila, người đã sống cùng thời thánh Inhã (1491-1556): “Thiên Chúa chẳng có thân thể nào trừ thân thể bạn, không có đôi tay đôi chân nào trừ của bạn. Bạn chính là đôi mắt qua đó Ngài nhìn thế giới với lòng nhân từ. Bạn là đôi chân qua đó Ngài làm những điều tốt lành. Bạn là cánh tay qua đó Ngài chúc lành cho toàn thế giới. Bạn là đôi tay, đôi chân, đôi mắt. Bạn là chính thân thể Người.”[6]
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Ở đây chúng ta gọi là chiêm niệm cũng không sai. Tuy vậy hai từ này chúng ta sẽ bàn ở một chủ đề khác. Ở đây, chúng ta hiểu “suy niệm là việc dùng các khả năng suy tư, tưởng tưởng, cảm xúc và ước muốn để tìm hiểu các mầu nhiệm đức tin-các biệt các mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong tinh thần cầu nguyện.” (Từ Điển Công Giáo). Trong khi đó, “chiêm niệm là chiêm ngắm Chúa Giêsu trong đức tin, tham dự vào các mầu nhiệm của Người, lắng nghe Lời Chúa và yêu mến Người trong thầm lặng.” (GLHTCG 2724).
[2] Thánh I-nhã gọi điều này là Kinh Dọn Lòng (xem Linh Thao số 46).
[3] Đây là tiền nguyện 1. Bước này thánh I-nhã mời gọi bạn đặt khung cảnh.
[4] Đây là tiền nguyện 2. Xin ơn rất quan trọng để bạn biết mình đang khao khát điều gì. Càng khao khát, bạn càng nhiều động lực và lòng quảng đại để cầu nguyện.
[5] Sầu khổ thiêng liêng nghĩa là “sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mến; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa.”. Ngược lại, “an ủi thiêng liêng là an ủi khi trong linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Ðấng Tạo Hóa và Chúa mình, (…). Ðó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Ðức Kitô. (…). Sau cùng, an ủi mọi gia tăng của lòng tin- cậy- mến, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Ðấng Tạo Hóa và Chúa mình”. (Sách Linh Thao số 316 và 317)
[6] https://www.ignatianspirituality.com/what-is-ignatian-spirituality/the-ignatian-way/what-is-ignatian-prayer/