ĐỨC KITÔ TỰ ĐỒNG HÓA MÌNH VỚI NGƯỜI NGHÈO THEO TIN MỪNG LUCA
Khi nhắc đến nhân vật Giêsu, chúng ta nghĩ ngay đến một Đức Giêsu đầy quyền năng, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, nhưng một Đức Giêsu xuất thân từ ngôi làng Nadarét nghèo lại không được để ý. Vì lẽ, chúng ta quá chú trọng đến thần tính mà quên đi nhân tính nơi con người Giêsu. Với nhãn quan về Đức Giêsu như một con người đích thực, chúng ta thấy Ngài cùng sống, ăn uống và làm việc như chúng ta. Nhưng điều đặc biệt chúng ta thấy được qua con người Giêsu là sự nghèo khó. Điều này được thể hiện rõ qua việc xuất thân và đời sống nghèo khó của Đức Giêsu. Đó là cách Ngài đã chọn, để cảm nghiệm được kiếp sống nghèo của con người.
Và để hiểu rõ hơn về một Đức Giêsu khó nghèo, chúng ta cần một câu trả lời mang tính học thuật dựa trên nền tảng Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội, từ đó đưa ra một kết luận có tính thuyết phục. Và cũng để cho độc giả hiểu được phần nào về sự đồng tự hạ của Đức Giêsu, Đấng không nhất thiết phải sống trong cảnh nghèo khó. Những vấn đề chúng ta vừa đề cập trên tuy không có gì đặc biệt, nhưng những vấn liên hệ đến Đức Giêsu thành Nazaret luôn là một chủ đề mang tính thời sự. Chính vì thế, tôi xin trình bày chủ đề: “Đức Giêsu Tự Đồng Hóa Mình Với Người Nghèo Theo Tin Mừng Luca”.
Chủ đề đã cho thấy tài liệu chính trong bài viết của tôi dựa trên Tin Mừng Luca, vì vậy Tin Mừng này là cơ sở để tôi trích dẫn và phân tích xuyên suốt trong bài tiểu luận. Thêm vào đó, tôi cũng sử dụng các nguồn tài liệu có liên quan khác: các sách chú giải Tin Mừng Luca, các sách Kitô học. Đối với Luca, ngài muốn khắc họa chân dung với một Đức Giêsu của lịch sử. Bởi vậy, Tin mừng Luca trình bày các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu luôn gắn kết với dòng lịch sử Do Thái. Nói chung người ta đồng ý Đức Giêsu sinh ra trong khoảng giữa năm 6 đến năm 4 TCN và Ngài sống tại Nazarét như một người Do Thái bình thường và sùng đạo[1].
Mặt khác khi đọc Tin Mừng Luca, chúng ta sẽ nhận ra Đức Giêsu không chỉ mang trọn vẹn thân phận con người, nhưng Ngài còn muốn đi xa hơn qua việc đồng hóa mình với người nghèo cách đặc biệt. Bởi lẽ, Tin Mừng Luca được mệnh danh là Tin Mừng cho người nghèo (x. Lc 4,18; 6,20; 7,22). Thật vậy, một Đức Giêsu có sự gắn kết với dòng chảy lịch sử sẽ giúp chúng ta hiểu được chân dung đích thật nơi con người Đức Giêsu, vì Ngài thật sự xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại[2].
Tuy nhiên, chủ đề này cũng là một chủ đề lớn của môn Kitô học. Vì thế, tôi chỉ giới hạn đề tài của mình trong Tin Mừng Luca, nhằm trình bày một Đức Giêsu nghèo khó cụ thể về mặt nhân tính của Ngài.
Bằng phương pháp chứng minh và phân tích, tôi sẽ cố gắng để làm nổi bật lên sự đồng hóa của Đức Giêsu với người nghèo qua các phương thế khác nhau. Đồng thời, yếu tố lịch sử cũng sẽ được tôi chú trọng, vì đây là yếu tố dẫn đưa chúng ta đến với con người lịch sử của Đức Giêsu. Việc nghiên cứu này khởi đi từ biến cố Giáng Sinh cho đến cuộc tử nạn. Song song đó, chúng ta cũng sẽ đối chiếu đến các đoạn Kinh Thánh có liên quan đến sự nghèo khó của Đức Giêsu: các hình ảnh tiên trưng, đối trưng có trong Kinh Thánh. Và mục đích của việc đối chiếu này, giúp chúng ta củng cố các luận cứ thêm chắc chắn. Vì vậy, bài viết của tôi bao gồm bốn phần chính như sau: Phần đầu thứ nhất, chúng ta cũng khảo sát về cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu: từ lúc sinh ra nơi hang bò lừa nghèo hèn đến việc được dâng vào trong Đền Thánh. Phần tiếp theo, chúng ta cùng phân tích đời sống của Đức Giêsu và việc rao giảng như một người nghèo sống với những người nghèo. Tiếp đến, chúng ta tìm hiểu cách thức phục vụ của Đức Giêsu trong tư cách là người phục vụ các Tông đồ và những người khác. Sau cùng, chúng ta ngắm nhìn Đức Giêsu chịu xử án và chết như một người nghèo.
Qua bài viết này, tôi hy vọng có thể giúp cho người đọc hiểu được sự khó nghèo của Đức Giêsu qua nhãn quan Tin Mừng Luca. Đồng thời cũng giúp mọi người chúng ta nhận ra một Đức Giêsu khác nơi những con người bé nhỏ nghèo hèn. Bài viết này là một cố gắng nghiên cứu cách xác thực về Đức Giêsu nghèo khó dựa trên Tin Mừng Luca. Qua đó tôi mong rằng chủ đề về Đức Giêsu nghèo khó sẽ tiếp tục được nhiều người khai triển thêm. Bên cạnh đó, bài viết này cũng giúp chúng ta có cách nhìn đổi mới hơn về con người Đức Giêsu.
- ĐỨC GIÊSU SINH RA NHƯ MỘT NGƯỜI NGHÈO
Khi khảo sát về cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta nhận thấy có hai giai đoạn: giai đoạn sống ẩn dật đến việc công khai đi rao giảng. Trong phần này, chúng ta bắt đầu khảo sát về đời sống ẩn dật của Đức Giêsu với biến cố giáng sinh.
Khi sinh vào trần gian, Đức Giêsu đã hòa mình với dòng chảy của lịch sử nhân loại để trở nên một con người bình thường. Không chỉ dừng lại nơi con người bình thường, Ngài càng muốn đi xa hơn nữa bằng việc đồng hóa mình với những người nghèo khó. Để được như thế, Ngài đã chọn cho mình những phương thế phù hợp với lối sống của một người nghèo.
- Xuất thân từ gia đình nghèo
Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu được sinh ra tại Bêlem (x. Lc 2,7) từ làng Nazarét (x. Lc 2,51), có cha là ông Giuse thuộc dòng họ Đavít (x. Lc 3,23; 4,22b). Như thế, Đức Giêsu đã chọn cho mình một gia cảnh nghèo, để tự đồng hóa mình với thân phận người nghèo. Theo trình thuật Tin Mừng Luca, hai ông bà sinh sống tại Nazarét (x. Lc 2,39; 2,51) và Đức Giêsu cũng lớn lên từ nơi này. Đây là dữ kiện đầu tiên xác định rõ Đức Giêsu đi vào lịch sử nhân loại với một gia đình và người cha người mẹ cụ thể[3], đồng thời cùng nói lên quê hương của Ngài không có gì nổi bật, không đáng bận tâm, thậm chí bị xem thường (x. Ga 1,46).
Đối với thánh Giuse, ngài là một bác thợ mộc sống tại làng Nazarét (x. Mt 13,55). Một số học giả cho rằng, thánh Giuse không hẳn chỉ làm thợ mộc, “hạn từ Tekton thường được dịch là thợ mộc, nhưng nghĩa rộng hơn (tek là nguồn gốc các từ technical, technology chỉ kĩ thuật, công nghệ) có thể bao gồm những người chế tạo vật dụng từ nhiều vật liệu khác nhau không chỉ là gỗ, thậm chí có thể chỉ cả thợ xây”[4]. Theo cách diễn giải trên, thánh Giuse là một người thợ lành nghề. Mặt khác, một số tác giả cho rằng thánh Giuse cũng không đến nỗi túng quẫn so với một số người Israel đương thời, nhưng Ngài đã chọn những phương tiện với tư cách là người nghèo để phù hợp với cách thế của Đức Giêsu[5]. Như chúng ta thấy biến cố giáng sinh và biến cố dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ phần nào minh chứng sự nghèo khó của gia đình Thánh gia (x. Lc 2,22). Vấn đề này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau.
1.1. Thân mẫu của Ngài là người nghèo
Đức Maria, cũng là một thiếu nữ Do Thái bình thường, xuất thân từ thành Nazarét miền Galilê (x. Lc 1,26). Trình thuật Tin Mừng Luca không minh nhiên xác định Đức Maria là người nghèo khó. Tuy nhiên, trong bài ca Magnificat, Đức Maria đã nhận mình là “Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48) và trong câu “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,53). Đức Maria nhận mình là kẻ nghèo hèn được Chúa thương nhìn đến. Bởi đó, “Đức Maria là mẫu gương điển hình của Thiên Chúa, những kẻ đã tìm kiếm duy nhất nơi mọi phúc lành, ân huệ. Tình trạng nghèo khó trong tâm hồn của ngài đã được ân thưởng bằng thứ hoa quả mang trong cung lòng mình”[6].
Thật vậy, Đức Maria cũng là một người mẹ nghèo để phần nào phù hợp với lối sống của Đức Giêsu: Vì nghèo, Mẹ đã không có đủ tiền thuê quán trọ, do đó mới sinh con trong hang bò lừa (x.Lc 2,7). Vì nghèo nên chỉ có thể mua được một cặp bồ câu tơ để làm lễ chuộc con (x.Lc 2,24). Bởi đó, Đức Maria là người phụ nữ đặc biệt, là hình ảnh thu nhỏ của tình trạng những người nghèo trong Cựu Ước sẽ được Chúa ân thưởng[7].
Theo Cha Phạm Xuân Uyển, “Thiên Chúa có cánh tay hùng mạnh (x. Lc 1,51) đã tạo nên một cuộc xuất hành mới và đã tỏ ra sự ưa thích hơn cho kẻ bị chà đạp, một sự ưa thích sẽ được biểu lộ trong Đức Giêsu. Vì thế, nghèo là điều kiện để tiếp nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, điều này nói đến tính chất tuyệt đối của ơn cứu độ. Từ ý tưởng này, hoàn cảnh của những người nghèo hèn, như Đức Maria sẽ được đảo ngược.”[8] Vì nghèo khó và Nước Thiên Chúa có liên hệ với nhau[9].
Thêm vào đó, Tin Mừng Luca cũng cho chúng ta thấy có một số phụ nữ đã rộng tay giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ (x. Lc 8,2-3) nhưng không thấy nói đến sự trợ giúp của Đức Maria về vật chất.
Hơn nữa, sự nghèo khó nơi Đức Maria còn được thể hiện trong việc an táng Đức Giêsu. Trong Tin Mừng Lc 23,50-56, trình thuật lại việc an táng cho Đức Giêsu. Ở đây, chúng ta nhận thấy mọi sự đều do ông Giôxếp thành viên của Thượng Hội Đồng đảm nhận công việc này, từ vải gai đến ngay cả ngôi mộ. Các bản văn Nhất Lãm chỉ nói đến các bà, không nói đến thân mẫu của Chúa Giêsu (x. Lc 24,10; Mt 27,57-61; Mc 15,42-47). Vì thế, thánh Ephrem Syria diễn tả tuyệt vời về viễn ảnh Đức Maria như sau: “Người có phúc là ai, hỡi Maria, con gái của người nghèo, người là Mẹ sinh ra Chúa của các vua”[10]. Và mẹ không chỉ nghèo về vật chất, mà cả tinh thần của Mẹ cũng thể hiện trọn vẹn[11].
1.2. Không có tiền nên không tìm được nhà trọ
Tác giả Tin Mừng Luca trình thuật lại như sau: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được nhà trọ” (Lc 2,6-7). Theo Cha Vũ Phan Long, nếu dịch sát: “không có chỗ cho ông bà trong nhà trọ. Hẳn là Maria và Giuse đã đi tìm chỗ trú qua đêm nơi một cái lán, chung quanh có vách và chỉ có một lối ra vào”[12]. Vì nghèo nên không tìm được nơi nào để trọ, nói đúng hơn là các ngài không đủ tiền trả cho những ngày có nhiều người cũng về để khai tên tuổi vào sổ. Thực tế, khi họ tiếp rước những người giàu, chủ quán sẽ có nhiều tiền hơn những người nghèo.
Giải thích thêm, theo William Barclay: “Quán trọ bên Đông phương thời bấy giờ giống như từng dãy chuồng ngựa có cửa ra một cái sân chung, với những tiện nghi cho khách trọ rất sơ sài”. Nếu thiếu phòng trọ, chắc chắn người ta sẽ tăng giá. Thêm vào đó, “Có đông người quá nên không còn chỗ cho Giuse và Đức Maria, thế nên con trai của Maria đã sinh ra nơi khoảng sân chung đó”[13]. Trong bối cảnh không đủ tiền và không có phòng trọ qua đêm, cả hai không tìm được nơi nào khác ngoài đồng không mông quạnh. Và sau cùng chuồng bò lừa là nơi được cả hai lựa chọn.
1.3. Dâng Con trong Đền Thánh chỉ với đôi chim gáy
Theo truyền thống của người Do Thái: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Thiên Chúa” (Lc 2,23; Xh 13,2). Trong ý nghĩa này, chúng ta hiểu được câu: “sinh ra dưới lề luật” (Gl 4,4). Vì mặc lấy thân phận con người, Đức Giêsu cũng phải thuận theo những qui luật nhân sinh. Vì vậy, thánh Giuse và Mẹ Maria mới dâng Ngài vào trong Đền Thờ theo luật đã định.
Theo William Barclay, luật quy định mỗi khi dâng con đầu lòng cần có tiền chuộc lại người con là năm shekel (x. Xh 13,13; 34,20), cha mẹ có thể chuộc lại đứa con từ Thiên Chúa.[14] Và để chấm dứt thời kỳ ô uế sau khi sinh, người mẹ phải dâng của lễ. Theo luật, gia đình nào giàu có thì dâng chiên hay bò, còn đối với những gia đình nghèo, luật chỉ buộc dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (x. Lv 5,7-8). Trong trường hợp của thánh Giuse và Mẹ Maria, cả hai không có tiền mua cừu hay chiên, thì phải đổi bằng một đôi chim gáy (x. Lc 2,24), đây là lễ vật của người nghèo. Vì vậy, chúng ta có thể tái khẳng định: Đức Giêsu sinh ra trong một gia đình nghèo. Đức giáo Hoàng Bênêđictô VI nhận định về vấn đề này như sau: “Đức Maria đã dâng lễ vật của người nghèo, thánh Luca viết Phúc Âm đầy dấu ấn thần học về người nghèo và về sự nghèo khó, cũng cho chúng ta biết gia đình Đức Giêsu thuộc vào những người nghèo của Israel; chính ngay giữa những người nghèo này mà Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của mình”[15].
- Sinh ra trong máng cỏ
Cả Đức Maria và Thánh Giuse không thể chọn thời gian cho mình, cũng không thể chờ đợi một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, chính Đức Maria phải bọc Hài Nhi trong các tấm tã và đặt con nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7). Đức Giêsu đã khởi sự cuộc hành trình trần thế trong một cái máng cỏ. Mẹ Người và chính Người đã không tìm được những con đường được dọn cho bằng phẳng và những nơi trú ngụ được đăng ký trước. Các ngài là những người nghèo, các ngài không có cao vọng gì; các ngài phải đi tìm và tìm ra chỗ dành cho các ngài, cả ba người bằng lòng với sự khó nghèo. Qua chi tiết Đức Giêsu chấp nhận những giới hạn của thực tại càng làm rõ nét sự tự đồng hóa của Ngài với những con người bất hạnh. Ngài đã tự đồng hóa mình với kẻ đói khát, với khách lạ, với những kẻ trần truồng, bệnh hoạn và tù đày, đây là tất cả sự đau khổ của nhân loại[16].
Chúng ta cũng nhận thấy sự đối nghịch giữa hai cuộc hạ sinh: Gioan Tẩy Giả và Hài Nhi Giêsu, “Gioan sinh ra trong cảnh êm ấm và xung quanh có nhiều người chúc mừng, còn Chúa Giêsu lại sinh trong máng cỏ”[17]. Phải chăng đây là sự thách thức, nhưng đồng thời lại là cơ hội cho những người nghèo và những người hèn mọn đến viếng thăm Đức Giêsu. Mặt khác, đây còn là phương cách Đức Giêsu đã chọn, Ngài xuống tới cái sâu nhất của vực thẳm để học được ý nghĩa của kiếp sống nghèo. Đức Giêsu trở nên bé nhỏ để cho chúng ta lớn mạnh, người xuống tới đến sự tận cùng của đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài đã trở nên nghèo để chúng ta giàu có[18].
Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những thiếu thốn của con người để Ngài hiểu rõ những đói khổ, bệnh tật của con người. Đồng thời đây lại là nơi thích hợp cho những người nghèo và người hèn mọn như các mục đồng đến gặp Chúa[19]. Qua hình ảnh đơn sơ của chiếc máng cỏ bằng gỗ xù xì, nó như lời tiên báo về thập giá. Từ máng cỏ đến chân thập giá, Đức Giêsu đã cho ta hiểu được ý nghĩa mầu nhiệm sâu thẳm về sự vâng phục trong sự khó nghèo.
Ngoài ra, Đức Giêsu sinh ra trong máng cỏ mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng, Ngài đến với nhân loại bằng một con người cụ thể, xuất hiện trong dòng thời gian. Chính trong ý nghĩa này, không ai có thể quan niệm Đức Giêsu sinh ra trong không-thời gian với tính cách huyền thoại. Thật vậy, “Ngài thuộc vào thời gian cụ thể và một không gian địa lý rõ ràng: tính cách phổ quát và cụ thể hòa lẫn hỗ tương lẫn nhau”[20].
- Được viếng thăm đầu tiên bởi những người nghèo
Theo tác giả William Barclay, những người mục đồng thời bấy giờ bị những người Chính Thống khinh bỉ. Họ không có đủ khả năng để tuân giữ luật lệ và các chi tiết của nghi lễ tôn giáo[21]. Thế nhưng, sự nghèo khó lại là cơ hội để họ được nghe Tin Mừng của Chúa đầu tiên.
Vì vậy, việc những người chăn chiên được Sứ thần báo tin sự ra đời của Đức Giêsu thể hiện một ý định của Thiên Chúa, là muốn làm đảo lộn những suy tính duy thực, duy ích lợi của con người ở mọi thời đại. Những người nghèo thường không ai muốn qua lại với họ vì người ta sợ người nghèo làm phiền, liên lụy đến lợi ích kinh tế. Việc Thiên Chúa ưu tiên cho những người bị gạt ra bên lề của xã hội, điều này như một thông điệp Chúa muốn nói với nhân loại: giàu hay nghèo trước mặt Thiên Chúa vẫn có một giá trị nhất định. Đồng thời minh chứng rằng, những người chăn chiên thuộc về những người nghèo hèn nhưng tấm lòng của họ lại đơn sơ, giàu lòng quản đại đối với người khác, vì vậy họ là những người nghèo được nghe biết Tin Mừng đầu tiên (x. Lc 7,22).
Thế nên, Đức Giêsu tự đồng hóa mình với người nghèo để xóa bỏ những định kiến của con người về sự nghèo khó. Vì vậy những người chăn chiên, “họ đại diện cho những kẻ nghèo hèn của Israel, những người nghèo nói cách chung: những con người nhận được sự ưu ái của tình thương Thiên Chúa”[22]. Bên cạnh đó, “dấu chỉ này không cho thấy một sự khác thường nhưng là thấy một Hài Nhi bình thường, giống như những đứa con của họ, cũng mang thân phận như họ. Khi sinh vào đời Đức Giêsu đã trương cờ hiệu khiêm tốn và khó nghèo”[23].
Đây quả là một chuyện hy hữu, những người đến viếng thăm Đức Giêsu lại là những người bị xã hội đương thời xem là ô uế. Nhưng phải chăng đây lại là sáng kiến của Thiên Chúa! Như trong bài Thánh Ca Tin Mừng có lời: Phận nữ tỳ hẹn mọn người đoái thương nhìn đến” (Lc 1,48). Điều này không chỉ đúng với Đức Maria nhưng còn đúng với cả những người khác và như thế, các mục đồng là những người thuộc trường hợp này. Tác giả Luca có ý khi đưa họ vào trong bối cảnh này, để làm nổi bật sự ưu tiên của những con người bị xã hội đương thời bỏ rơi nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương. Quả thật, Đức Giêsu là bạn đích thực của những con người nghèo khó, như lời Ngài khẳng định: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).
Đây phải chăng là trọng tâm trong Tin Mừng Luca, Tin Mừng cho người nghèo. Đối với Luca, người nghèo có một vị trí đặc biệt, tư tưởng này phần nào đối nghịch với Cựu Ước, vì “Trong Cựu Ước sự nghèo khó bị xem là dấu chỉ sự bất bình của Thiên Chúa, nhưng Luca truyền đạt chắc chắn hai cách tin của mình, đó là nghèo khó có thể làm người ta tự do hơn để tận hưởng phúc lành của Thiên Chúa trong Đức Kitô, vẫn đang xoa dịu thân phận của kẻ nghèo khó”[24].
Vậy, chúng ta có thể nói rằng, Đức Giêsu là một con người nghèo, xuất thân từ một gia đình bình thường, sinh ra trong nơi máng cỏ. Cuộc sống ẩn dật của Ngài cũng không có gì đặc biệt, lớn lên tại một vùng quê nhỏ bé hẻo lánh và sống đời làm thợ[25].
Mặt khác, chúng ta không thấy một lời than phiền nào của Thánh Giuse và Đức Maria[26]. Phải chăng hai người cũng muốn chấp nhận phương cách của Đức Giêsu hay cả hai thấy mình không làm được gì hơn trước sự túng nghèo.
Đây là những bước đầu cho các chuỗi những sự kiện về cuộc đời của Đức Giêsu. Ngài đi vào cuộc đời với một cách thức thấp hèn để nhóm lên niềm hy vọng cho những người nghèo đói, bị đàn áp.[27] Trong phần tiếp theo, chúng ta cùng phân tích sự nghèo khó về đời sống và phương thức rao giảng của Ngài.
- ĐỨC GIÊSU SINH SỐNG VÀ RAO GIẢNG NHƯ MỘT NGƯỜI NGHÈO
Trong phần này, chúng ta khảo sát về cuộc đời và sứ mạng rao giảng của Đức Giêsu. Ngài sống ẩn dật ba mươi năm tại Nazarét, “khi Ngài bắt đầu rao giảng Ngài trạc ba mươi tuổi” (Lc 3,23). Đức Giêsu không chỉ sinh ra trong cảnh khó nghèo mà Ngài còn thể hiện cái nghèo ấy trong cả cách sống và phương thức rao giảng.
- Không có chỗ tựa đầu (Lc 9,58)
Trong bối cảnh Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, có một người đến thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chổ tựa đầu” (Lc 9,58). Câu trả lời của Đức Giêsu thể hiện tình trạng thiếu thốn, cụm từ “Không có chỗ tựa đầu” còn thể hiện Đức Giêsu không có một nơi nương náu ở trần gian, dù chỉ một điểm tựa để nghỉ ngơi[28]. Mặt khác, Đức Giêsu không có chỗ tựa đầu, vì Ngài không cậy dựa vào bất cứ một thế lực nào, cả về mặt chính trị và tôn giáo. Vì vậy, chúng ta hiểu được lý do tại sao trong phiên tòa kết án Đức Giêsu, Ngài ở thế cô lập (x. Lc 22,66-71). Thế nhưng, qua việc không cậy nhờ vào bất cứ thế lực nào, Đức Giêsu đã hiểu được sự cô thế cô thân khi đồng hóa mình với thân phận những con người hèn mọn[29].
Bên cạnh đó, Đức Giêsu có cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó, một cuộc sống không có sự ổn định về mọi mặt. Với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu thường xuyên lên đường, Ngài không thể tạo lập cho mình một ngôi nhà để trú ngụ, như ông bà ta thường nói: “An cư lạc nghiệp”, không nhà cửa làm sao có chỗ để thầy trò nghỉ ngơi ít là nghỉ đêm. Trong ý nghĩa này, Đức Giêsu sống đúng với những gì Ngài đã nói với các Tông đồ: “làm thợ thì đáng được trả công” (Lc 10,7). Vì vậy, Đức Giêsu trông chờ vào sự hiếu khách của một vài người quý mến để trọ lại (x. Lc 10,38-42).
Ngoài ra, câu trả lời của Chúa Giêsu: “Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58) có vẻ thách đố con người ở mọi thời khi phải quyết định đi theo Đức Giêsu. “Trong xã hội Do Thái, người học trò chọn một thầy mình muốn theo học, bỏ gia đình hoặc nhiều năm trú ngụ ở nhà thầy, câu trả lời của Đức Giêsu không giống với những kinh sư khác: cuộc sống của Ngài luôn luôn có sự lưu động”[30]. Chúng ta thấy những người thầy dạy võ thường có võ đường để chiêu sinh và các học viên có nơi tập luyện. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại trả lời cho những người muốn theo mình với những lời lẽ không một chút hy vọng cho tương lai. Vì vậy, những ai muốn đi theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, hãy sẵn sàng san sẻ cuộc đời của một kẻ vô gia cư, không chắc có một mái nhà để nghỉ đêm[31]. Theo Jung Young Lee: “Cuộc đời công khai rao giảng của Đức Giêsu có thể coi như là một cảnh sống bên lề: Ngài là người vô gia cư giữa nhóm người quanh Ngài cũng vô gia cư”[32].
Quả thật, nếu Đức Giêsu không có sự trải nghiệm nỗi niềm của kẻ không nhà, Ngài thật khó để nói lên sự đồng cảm với họ (x. Lc 21,37). Thật vậy, Đức Giêsu đã chọn phương thế không nhà, không điểm tựa để có được sự đồng cảm với những nghèo, người vô gia cư. Thêm vào đó, chúng ta đừng quên, gia đình Đức Giêsu đã có thời gian sống lưu vong bên Ai Cập (x. Mt 2,14). Ngài đã nếm trải những âu lo và bất ổn với cuộc sống của những người tỵ nạn.
Vậy có thể nói, Đức Giêsu sống cảnh màn trời chiếu đất, đến nỗi không có chỗ để tựa đầu, trở nên một kẻ vô gia cư. Chúng ta thấy rằng, nơi ăn chốn ở là những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống con người, nhưng Đức Giêsu không có đủ Ngài phải tiếp nhận mọi sự từ người khác. Điều này càng chứng minh Đức Giêsu đã tự hạ mình để trở nên một người nghèo thật sự và sống giữa chúng ta.
- Thiếu phương tiện di chuyển
Tin Mừng Luca không minh nhiên nói đến Đức Giêsu thiếu phương tiện di chuyển. Tuy nhiên dựa vào các đoạn trích sau, chúng ta phần nào có thể hiểu được cách thức di chuyển của Đức Giêsu:
Thứ nhất, Đức Giêsu thường xuyên đi bộ trên hành trình rao giảng của mình, Ngài rảo qua các thành phố, làng mạc (x. Lc 8,1); Đức Giêsu đi đến một thành kia gọi là Nain (x. Lc 7,11); Đức Giêsu cùng đi đường với nhiều người (x.Lc 14,25); Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc (x. Lc 13,22); Đức Giêsu đi lên Giêrusalem (x. Lc 9,51; 17,11). Các đoạn trích trên phần nào cho chúng ta thấy Đức Giêsu thường hay đi bộ để rao giảng Tin Mừng.
Tiếp đến, Ngài vào thành Giêrusalem với tư thế của một vị vua hòa bình, Ngài lại cưỡi một con lừa con vẫn còn theo mẹ: “Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa và giúp Người cưỡi lên” (Lc 19,35). Trong đoạn trích này, tác giả gợi về hình ảnh tiên trưng trong sách Cựu Ước về Vị Vua Công Chính, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa (x. Dcr 9,9; Gr 13,1-13). Bởi lẽ “việc Đức Giêsu cưỡi lừa vào thành là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Dacaria, đây là hình ảnh của một vị vua khiêm nhu”[33]. Đức Giêsu đã chọn lựa phương tiện di chuyển khiêm tốn, bối cảnh được dân chúng tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Lc 19,39). Thêm vào đó, con lừa Ngài cưỡi cũng không phải là sở hữu của Ngài (x. Lc 19,31). Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn kiên vững trên con đường mà Ngài đã chọn để có thể tự đồng hóa mình với người nghèo. Điều này giúp chúng ta ý thức rằng, hãy sống khó nghèo trong những lúc thuật tiện và kể cả không thuận tiện (x. 2Tt 4,1). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô VI nhận định như sau: “ Đức Giêsu đi vào thành với con lừa được vay mượn, sau đó, Người đã trả lại cho người chủ”[34]. Qua đó, Đức Giêsu cho chúng ta thấy của cải, vật chất là phương tiện[35]. Chính vì lẽ này, Đức Giêsu đã chọn cho mình một các thức thấp hèn nhất để từ nơi cùng khổ đó, Đức Giêsu đã trở nên kiểu mẫu cho chúng ta về đời sống thanh bần.
Cuối cùng, ngoài việc đi bộ, Đức Giêsu còn sử dụng một loại phương tiện khác để di chuyển qua lại giữa các vùng đó là thuyền, vì nó là một phương tiện thông dụng trong thời điểm này. Tuy nhiên, Đức Giêsu không sở hữu cho mình thứ gì. Chiếc thuyền Ngài sử dụng cũng là thuyền của những người khác: “Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn” (Lc 5,3). Nếu cuộc sống hằng ngày của Đức Giêsu trông chờ vào sự rộng lòng của nhiều người (x. Lc 8,1-3), thì việc đi lại của Ngài nhờ vào sự giúp đỡ của những người khác cũng là điều hợp lý.
Qua việc chọn cho mình một cách thế không theo cách suy nghĩ hay dự tính của con người, Đức Giêsu chứng thực cho con người mọi thời thấy được rằng vật chất chỉ là phương tiện để giúp con người đạt đến cứu cánh. Quả thật, Ngài không phải muốn chọn lựa những cách thứ khác thường nhưng Ngài muốn sống cùng với những người dưới đáy xã hội, những người thiếu cả những phương tiện tối thiểu để có thể mưu sinh. Vì vậy, Ngài là con người nghèo thật sự nên có thể rao giảng cho mọi người về lối sống nghèo của chính mình cách hiệu quả[36].
- Ngài và các môn đệ không có của cải (Lc 8,1)
Hằng ngày Đức Giêsu dùng hoàn toàn thời gian của mình để rao giảng Lời Chúa, các môn đệ cũng theo Thầy Đức Giêsu để rao giảng Tin Mừng(x. Lc 18,28). Cuộc đời của Ngài không chú trọng đến của cải vật chất, do đó Ngài đã bị các Pharisêu cười nhạo về thái độ dửng dưng với tiền bạc (x. Lc 16,14). Vì vậy, Đức Giêsu một lần nữa dạy chúng ta đừng quá bám vào của cải, trong mọi sự, chúng ta hãy hướng tới ơn cứu rỗi. Vì lẽ, Đức Giêsu không nhất thiết phải sống trong cảnh cơ cực, khó nghèo[37], nhưng Ngài đã tự nguyện chọn cách thức nghèo như một phương thế hữu hiệu để đến cư ngụ giữa chúng ta.
Phần khác, Đức Giêsu trở nên vô sản không chỉ để có cuộc sống nghèo nhưng còn là một lối sống triệt để vì Tin Mừng. Đây chính là điều Ngài đã và đang rao giảng. Công cuộc rao giảng Tin Mừng là mệnh lệnh có tính cấp bách (x. Lc 10,4b). Khi ra đi rao giảng, Người truyền cho các ông: “Đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc” (Lc 9,2) và “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép” (Lc 10,4a). Đây thật sự là tinh thần khó nghèo mà Đức Giêsu mong muốn các môn đệ của Ngài hãy luôn sống tinh thần này.
Trong cuộc đời của mình, Ngài không lo tích trữ cho mình thứ gì (x. Lc 12,22): Ngài thiếu phương tiện (Lc 5,3), không sở hữu tài sản. Tin Mừng Luca trình thuật cho chúng ta rõ điều này: “Khi ấy, Đức Giêsu rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ, bà Gioanna vợ của Chúa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Người (Lc 8,13). Qua việc cần sự giúp đỡ của nhiều người chứng tỏ Đức Giêsu không phải là người giàu có.
Nếu thánh Mátthêu trình bày lời giảng dạy của Đức Giêsu về sự nghèo khó với tính cách tinh thần “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của của họ” (Mt 5,3), thì thánh Luca lại hiện thực hóa bằng việc từ bỏ của cải vật chất “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20). Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chú giải như sau: “Nghèo khó ở đây trước hết là nghèo tiền nghèo của, khác với Tin Mừng Mátthiêu nghèo trong lòng. Đức Giêsu thường tỏ ra lưu tâm đến những người này vì Ngài cũng sinh ra trong điều kiện như họ”[38]. Đức Giêsu sử dụng từ “anh em” là các môn đệ đang ở gần với Ngài, chính các môn đệ được là những người được nghe Lời Thiên Chúa đầu tiên. Bên cạnh đó: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” được Đức Cha Vũ Văn Thiên diễn giải như sau: “Đức Giêsu nghèo khó để đến với người nghèo. Đối tượng quan tâm của Người trước hết là những người nghèo về vật chất như những người ăn xin, những người bệnh tật. Đó cũng là những người nghèo vì nỗi khổ đau đang cắn rứt lương tâm, như các tội nhân, những cô gái điếm và người thu thuế. Họ còn là người nghèo vì đang oằn lưng đau đớn trước gánh nặng cuộc đời, như người mù bẩm sinh hay người đàn bà góa có con trai duy nhất vừa chết. Sau cùng, họ là những người nghèo do đời sống ích kỷ, khô cằn, khép kín lòng từ tâm đối với anh chị em mình như những người biệt phái, luật sĩ. Đức Giêsu gặp gỡ mọi người để nói với họ về triết lý sống nghèo”[39].
- Sống gần gũi với những người nghèo ( Lc 2,41; 9,10)
Sứ vụ của Đức Giêsu theo Tin Mừng Luca là: loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn… Công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18). Đây là bài giảng đầu tiên cho sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Từ đó, chúng ta thấy sứ điệp lời rao giảng của Đức Giêsu chú ý nhiều đến người nghèo và những người bị bỏ rơi và bị loại trừ.[40] Ngài có lối sống khác với những người lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, họ luôn có những khoảng cách với những người nghèo. Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư ngày 19/08/2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Đây không phải là một lựa chọn chính trị; cũng không phải là lựa chọn lý tưởng, hay lựa chọn đảng phái. Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo nằm ở trung tâm của Tin Mừng. Và người đầu tiên thực hiện lựa chọn này chính là Chúa Giê-su; chúng ta đã nghe về điều này trong đoạn thư gửi các tín hữu Côrintô (x. 2Cr 8,9). Chính ngài, Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có. Ngài làm vì mỗi người chúng ta và do đó, ở trung tâm của Tin Mừng, ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giê-su, có chọn lựa này”[41]. Quả thật, Đức Giêsu có một lối sống bình dị với hết mọi người: Ngài chưa bao giờ tỏ ra mình hơn người, tỏ thái độ khinh thường những người nghèo khổ (x. Lc 21,1-3) hay những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Lc 7,36). Trong công cuộc đi rao giảng Ngài đã tìm mọi dịp gần gũi, trở nên bạn hữu với những người nghèo khổ và những người bị xã hội xem là những kẻ sống ngoài lề [42]. Đã nhiều lần trong các bài giảng, các phép lạ Ngài lên tiếng bênh vực những người thấp cổ bé họng trong xã hội Do Thái (x. Lc 18,14; Lc 5,31-32).
Đồng hóa mình với người khác là trở nên giống như họ và phải bắt đầu bằng việc quên đi chính mình. Thêm vào đó, chúng ta cần có việc xóa bỏ định kiến những người chúng ta đang tiếp xúc là ai và họ sẽ như thế nào. Nhờ có những trải nghiệm về sự nghèo khó, Đức Giêsu đã thành công trong việc xây dựng các mối tương quan với những người nghèo. Ngài kết thân với họ nhất là những người bên lề[43], thông cảm với những nỗi thấp hèn của họ. Chính vì thế, lời rao giảng của Đức Giêsu mang tính cách thực nghiệm hơn là những lời nói từ sự suy lý. Qua đó, Ngài có sự đồng cảm với những khó nhọc nơi thân phận của những người nghèo khổ. Vì vậy, mỗi lần chúng ta thực thi bác ái với những người nghèo khổ, người cần sự giúp đỡ, là chúng ta đang làm cho Đức Kitô (x. Lc 10,37). Thánh Vinh Sơn Phaolô, sau khi đã một đời phục vụ những người nghèo đã nói với các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo rằng: “Bằng cách phục vụ người nghèo, chúng ta phục vụ Đức Giêsu Kitô” (SV. IX, 199)[44]. Trong Tin Mừng Mátthêu cũng có đoạn tương tự diễn tả chủ đề này: “Ðể đáp lại, Ðức Chúa sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25,40).
- Đức Giêsu suy nghĩ và hành động như người nghèo
Chủ đề về sự nghèo khó luôn được Đức Giêsu nói đến, Ngài xem đó là một mối phúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Nghèo khó là yếu tố nền tảng cho những công dân Nước Trời mà Đức Giêsu đã trở thành kiểu mẫu, những công dân Nước Trời là những người nghèo của ân sủng[45]. Vì đã trở nên một con người của sự nghèo khó đích thực, nên những hành động và suy tư của Đức Giêsu mang dáng vẻ của một người nghèo.
5.1. Thường dùng những hình ảnh bình dân khi kể dụ ngôn (Lc 6,43; 8,4; 13,6)
Đức Giêsu là một người có khả năng sư phạm, Ngài hiểu rõ thính giả của mình là những người nghèo, ít học. Chính vì thế, bài giảng của Ngài luôn rất bình dân và luôn có những hình ảnh cụ thể để minh họa cho mọi người dễ hiểu. Chúng ta biết rằng, thính giả của Đức Giêsu phần đông là những nông dân, tầng lớp ít học. Theo cha Nguyễn Quang Thanh: “Thời Đức Giêsu, dân chúng đa số là nông dân, thợ thủ công hay tiểu thương. Có nghề bị coi là ô uế như: nghề thuộc da, nghề thu thuế”[46]. Chính vì vậy, lời giảng dạy của Đức Giêsu cần có sự gần gũi, đồng cảm với những con người thời đó. Chúng ta hãy điểm qua một vài dụ ngôn, để thấy Người đã dùng những hình ảnh rất thực tế, bình dân khi diễn tả một dụ ngôn cho dân chúng.
Khi Ngài nói với dân chúng về những quy luật của cuộc sống, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh so sánh rất cụ thể: “Mù mà lại dắt mù được sao, lẽ nào cả hai không sa xuống hố” (Lc 6,39); hay câu khác: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt” (Lc 6,43).
Còn khi dạy dân chúng đừng xét đoán người khác, Ngài lại nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt mình thì lại không để ý tới, Sao anh lại có thể nói với người anh em: Này anh hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt mình” (Lc 6,41- 42).
Khi giảng dạy cho các môn đệ hiểu về người môn đệ chân thực, Ngài đã nói: “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy được ví như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã được vững chắc. Còn ai nghe mà không chịu thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá hủy tan tành” (Lc 6,47-49). Một dụ ngôn khác, cũng để nói về những người lắng nghe Lời của Chúa: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm” (Lc 8,5-8).
Khi Đức Giêsu dạy các môn đệ phải có đời sống gương mẫu Ngài dùng hình ảnh cái đèn: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi” (Lc 8,16-18).
Khi nâng đỡ những người tội lỗi, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” ( Lc 5,31-32).
Qua các dụ ngôn trên, Luca trình bày một chuỗi những lời dạy bảo của Đức Giêsu cho những ai đi theo Ngài. Các lời dạy bảo đều hướng đến những vấn đề thiết thực cho cuộc sống.
Mỗi dụ ngôn Đức Giêsu sử dụng luôn gắn liền với cuộc sống con người và kinh nghiệm thực tế của Ngài đã trải qua. Cha Phó Đức Giang có lời nhận định như sau: “Đức Giêsu là con người bình thường đã từng bước đi trên những ngọn đồi chập chùng, thung lũng quanh co và sa mạc nóng cháy. Ngài đã quá quen thuộc với từng ngọn cây, lá cỏ, chim muông, thú vật đang cấu thành nên quê cha đất tổ của mình. Từ lúc được hạ sinh đến khi lìa thế, Ngài được khuôn đúc bởi hoa trái, khí trời, suối nguồn của quê hương và chúng sẽ xuất hiện trong sứ vụ rao giảng của mình”[47]. Việc rao giảng của Đức Giêsu phản ảnh chân thực về cuộc đời của Ngài với những hình ảnh cụ thể, và bằng phương thế trực quan sinh động dựa trên những hình ảnh của thiên nhiên: như hạt giống, bụi cây, cái xà, cái đèn…Vì vậy, việc Đức Giêsu không sống trong cung điện giàu sang, cho phép Ngài hòa mình với vạn vật để lắng nghe những chuyện động của thiên nhiên vũ trụ, mọi thứ xung quanh đều được Ngài nói đến trong các bài giảng. “Thế giới vạn vật với tất cả vẻ đẹp rực rỡ huy hoàng của chúng xuất hiện cách tự nhiên và quy tụ hài hòa trong lời rao giảng nước trời của Đức Giêsu”[48].
Chỉ khi chọn cho mình một cách sống đơn giản, Đức Giêsu mới có thể hòa mình với thiên nhiên vũ trụ. Qua cách sống nghèo-giản dị, Ngài không chỉ có sự hòa nhịp với đất trời mà còn hòa nhịp với cuộc sống nơi những con người sớm hôm với vườn nho, với đàn gia súc. Cuộc sống của Đức Giêsu luôn có sự khiêm nhường và tâm hồn thanh khiết với những người Ngài tiếp xúc[49].
5.2. Hành xử theo cách thức người nghèo
Trong việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn giảng dạy tại những nơi rất bình thường. Khi giảng dạy cho dân chúng nghe về Tám Mối Phúc Ngài đã chọn một nơi đất bằng, “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chổ đất bằng” (Lc 6,17). Ngài có thể giảng ở bất cứ nói đâu mà Ngài cho là thuận tiện với người nghe, Ngài không chủ động để chọn nơi giảng. Từ việc giảng dạy trong hội đường, trên thuyền, trên núi, trên đường đi…, đây là những cách thức khác biệt của Đức Giêsu với các kinh sư. Thời Đức Giêsu, các Rapbi thường đọc Kinh Thánh, giảng dạy trong hội đường[50]. Đối với Đức Giêsu, Ngài chọn lựa mọi phương thế để dễ dàng rao giảng Tin Mừng cho mọi người, để Tin Mừng được phát sinh hiệu quả tốt nhất.
Ngài chọn lựa những người đồng hành với mình là những con người bình thường trong xã hội (Lc 6,12-16). Khi Ngài kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, họ là những người làm nghề đánh cá (Lc 5,1-11), một nghề bình thường, thậm chí Ngài còn gọi Lê-vi, một người làm nghề thu thuế, một nghề bị xã hội coi thường. Phương cách mà Ngài chọn các môn đệ cho thấy Ngài luôn lựa chọn những con người nghèo. Qua việc kêu gọi các môn đệ để họ sống theo phương thế nghèo, Ngài đã nêu gương trước để chính họ cũng biết từ bỏ của cải[51].
Người nghèo là hệ quả của hệ thống xã hội giai cấp, “vào thời Babylon chiếm Giuđa, có tới chín mươi phần trăm người Giuđa thuộc thành phần nghèo khổ”[52]. Họ là nạn nhân của các hình thức: bị bóc lột về mặt kinh tế, bị áp bức bởi các chủ nghĩa văn hóa hay bị tôn giáo loại bỏ. Chính khi Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những con người đó, Ngài cũng bị xã hội đương thời liệt vào những kẻ bị loại trừ, bị mang tiếng xấu[53]. Chung Hyun Kyung còn đi sâu hơn khi ông phác họa bức chân dung của Đức Giêsu được đồng hóa với một tiện dân sống giữa các tiện dân khác[54]. Ngài muốn trải nghiệm cuộc sống của con người, để hiểu rõ những vất vả, vấn nạn của con người. Chính vì thế, Ngài đã trải qua cuộc sống ở thế gian này ba mươi ba năm để sống và rao giảng giữa chúng ta[55].
Khi nhìn tổng quan về đời sống của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng Ngài đã tự đồng hóa chính mình với những người nghèo ngang qua cách sống và cách rao giảng Tin Mừng. Cuộc đời của Đức Giêsu luôn chứng thực những gì Ngài đã rao giảng. Và những người đi theo Đức Giêsu đầu tiên đã hiểu rõ về sự nghèo khó như là điều kiện cần cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa[56].
Đức Giêsu đã chọn lối sống bình dị để có thể đến với những người bần cùng của xã hội. Các mối tương quan thân mật gần gũi của Đức Giêsu thể hiện nơi sự dấn thân của Ngài với những người xung quanh. Các phép lạ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh tật và những người đau khổ. Tất cả đã hình thành một ý hướng mới tích cực cho những người tiếp cận Ngài, một sự thân thiện, cảm thông, hoàn toàn khác biệt so với các vị lãnh đạo tôn giáo thời đó. Với nhãn quan Châu Á, nhà thần học Aloysius Pieris đã nhận định: “Đức Giêsu là một nhà tu hành khó nghèo”[57]. Khi những người đau khổ tiếp xúc với Đức Giêsu, dường như họ cảm nhận được Ngài đang đau với nỗi đau của họ. Đức Giêsu không chỉ ban phép lạ nhưng còn ban cho họ con người của Ngài. Qua sự hòa mình với những nỗi thống khổ đó, chính Ngài cũng học được bài học về sự vâng phục. Đồng thời qua sự đồng hóa mình với người nghèo, Đức Giêsu đã công bố cho nhân loại sự đảo ngược những quan điểm của con người.[58]
III. ĐỨC GIÊSU HẠ MÌNH PHỤC VỤ NHƯ MỘT NGƯỜI NGHÈO
Trong phần trước, chúng ta đã nhìn thấy khuôn mặt nơi Đức Giêsu, một con người tự đồng hóa chính mình bằng lối sống và cách thức rao giảng của người nghèo. Phần này, chúng ta cùng tìm hiểu con người Đức Giêsu qua cách thức hạ mình để phục vụ người khác như một người nghèo. Quả thật, Đức Giêsu không chỉ dừng lại bằng lời nói nhưng còn thể hiện qua hành động cụ thể.
- Tự nhận mình là người phục vụ ( Lc 22,27)
Trong lúc các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Trong xã hội Do Thái những người được gọi là Rapbi có địa vị nhất định, và thường được mọi người xem trọng (x. Lc 18,18; 8,41). Mặt khác “Phúc Âm trình bày Đức Giêsu như là một Rapbbi rất thông thạo Kinh Thánh”[59]. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã từ bỏ những vinh dự đó để đến với những con người bé nhỏ.
Mặt khác, dù được mọi người kính trọng nhưng Đức Giêsu không xem đó là điều cần thiết cho sứ vụ của mình. Đức Giêsu không đến với các môn đệ trong tư cách là người để được phục vụ nhưng đến trong tư thế là người phục vụ kẻ khác (x. Mt 20,26-28). Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người phục vụ xuất phát từ sự tự do của Ngài. Qua việc đồng hóa mình như một người tôi tớ, Đức Giêsu không chỉ làm thay đổi quan niệm của người đương thời về tinh thần phục vụ của người làm lớn nhưng đồng thời Ngài cũng muốn nâng địa vị của con người lên một vị thế mới. Vì lẽ đó, việc Đức Giêsu tự đồng hóa mình với người nghèo không phải là một hình thức làm giảm vị thế của một người thầy nhưng Ngài muốn cho mọi người có sự bình đẳng về nhân vị.
Việc Đức Giêsu tự nhận mình là người phục vụ không chỉ để nêu gương nhưng đồng thời đây còn là một quy luật cho cuộc đời phục vụ. William Barclay chú thích như sau: “Chỉ người nào bằng lòng phục vụ nhiều hơn kẻ khác mới thực sự ở chỗ cao trọng. Một quy luật của đời sống là phục vụ dẫn đến vinh quang. Người nào càng lên cao thì càng phải phục vụ nhiều”[60]. Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã khẳng định: “Không có cách nào tốt hơn to đảm bảo hạnh phúc đời đời của chúng ta hơn là sống và chết trong việc phục vụ người nghèo, trong vòng tay của Chúa quan phòng, và từ bỏ mình thực sự bằng việc bước theo Đức Kitô” (CED III, 392)[61]. Cha Robert P. Maloney nói thêm trong một bài viết của mình rằng: “Chúa Giêsu rạng ngời niềm vui như một tôi tớ. Người nói với chúng ta rằng “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 10,35)[62]. Qua việc Đức Giêsu có được niềm vui trong việc phục vụ, chứng tỏ Ngài đã tự nguyện nhận mình là một tôi tớ (x. Is 42,1-4).
Qua sự hạ mình như một người nghèo, Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ nhận ra con đường đi đến với Thiên Chúa. Quả thực “Tình yêu phục vụ của Đức Giêsu giúp chúng ta bước ra khỏi tính tự kiêu và làm cho chúng ta thanh sạch trước mặt Thiên Chúa”[63]. Đấng không muốn duy trì uy quyền trên người khác nhưng Ngài đã tự nhận mình là người phục vụ. Đấng được nhiều người đương thời xem trọng (x.Lc 8,41; 10, 25) nhưng nay vì muốn nâng những con người thấp cổ bé họng lên địa vị mới nên đã tự hạ mình.
- Phục vụ các môn đệ (Lc 9,48; 22,24-26)
Trong lúc, các môn đệ con đang tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Ngài mang một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Lc 9,47-48a). Hành trình dương thế của các Tông đồ không tránh khỏi những tranh dành quyền lực. Vì vậy, Đức Giêsu đã nêu gương cho các ông về tinh thần hạ mình để phục vụ người khác. Như chúng ta được biết trẻ nhỏ trong xã hội Do Thái được xem là người có vị thế không đang kể, nhưng Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình như một em nhỏ.
Sau lời giáo huấn trên, Đức Giêsu còn nói tiếp: “Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9, 48b). Khi dạy các môn đệ về tình thần tự hiến trong phục vụ, Đức Giêsu thay đổi cái nhìn nơi các Tông đồ về người thầy trong truyền thống. Đối với quan điểm của Đức Giêsu, quyền bính là phục vụ kẻ khác.
Dường như các môn đệ không hiểu được những gì Đức Giêsu đã nói trước đó về sứ vụ của Ngài. Các ông vẫn còn thích quyền lực, danh dự. Chúng ta thấy rõ nhất qua việc “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giê-su bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,24-26). Đức Giêsu tiếp tục làm sáng tỏ sứ vụ của mình cho các môn đệ hiểu: Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng Ngài đến với tư cách người phục vụ mọi người (x. Mc 10,44-45).
Quả thật, Đức Giêsu đã xuống đến nơi sâu nhất của nhân loại để có thể đến với con người. Chính qua cách hành xử của Đức Giêsu giúp chúng ta nhận ra mối tương quan của Đức Giêsu với các Tông đồ, đó cũng chính là mối tương quan cá vị của chính chúng ta với Đức Giêsu.
Đỉnh cao của việc phục vụ là việc Đức Giêsu đã tự hiến chính mình vì chúng ta “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19; 1Cr 11,24), hành động tự hiến đó của Đức Giêsu thể hiện tinh thần phục vụ cho kẻ khác đến cùng.
- Chữa trị cho các bệnh nhân theo cách người nghèo
Khác với những vị lương y thời bấy giờ, Đức Giêsu chữa bệnh với một cách thức hoàn toàn khác biệt. Chúng ta cũng lượt qua một vài cách thức Đức Giêsu đã sử dụng: “Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà” (Lc 4,39) “Anh giơ tay ra” (Lc 6,10) với suy nghĩ đơn sơ để chữa trị cách thức thật đơn giản, Đức Giêsu không cần phải bắt mạch hay kê toa thuốc, nhưng hiệu quả tức thì. Ngài cũng không cần gặp bệnh nhân (Lc 7,4) hay chỉ cần đụng hay đặt tay trên các bệnh nhân (Lc 7,14; 13,12) một cách thức khác Ngài chỉ dùng lời nói (Lc 17,11).
Trong một xã hội người ta dễ dàng tin có sự liên hệ giữa tội lỗi với bệnh tật nghèo đói. Đức Giêsu chữa cho họ phần nào giải thoát họ khỏi sự giam cầm[64]. Ngài chữa lành cho họ theo cách thức người nghèo, Ngài không đòi hỏi họ điều gì về vật chất, họ không cần phải làm gì. Vì xuất thân từ gia đình nghèo, nên Đức Giêsu có sự đồng cảm với những con người có hoàn cảnh giống như Ngài.
Chúng ta nhận thấy Đức Giêsu chữa bệnh với cách thức của một người nghèo: Ngài không có cơ sở, không có bản hiệu đặc biệt Ngài cũng không có dụng cụ y tế, Ngài chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, Ngài không chỉ chữa cho những người nghèo khổ mà còn chữa bệnh cho những người giàu có. Chúng ta thấy cuộc sống của “Ngài gần gũi với dân chúng khá hiển nhiên cách đặc biệt trong nhiều câu chuyện chữa lành”[65]. Ngài đã đến với những con người bệnh tật với một sự ân cần.
Chúa Giêsu đã muốn sống sự nghèo khó triệt để, từ đó Ngài chứng thực sự cho mọi người biết thân phận phàm nhân của mình. Đồng thời Ngài đã chọn lựa như thế vì yêu thương và muốn liên đới với đời sống con người. Theo trình thuật trong sách Kinh Thánh thuật, Đức Giêsu không thuộc giai cấp bần cùng nhất của xã hội thời Người, không là người cùng khốn và chưa bao giờ được gọi là một người khốn khổ về phương diện xã hội. Ngài thuộc một gia đình làm nghề thủ công, con của một bác thợ mộc (x. Mt 13,55) có khả năng với nghề nghiệp, bảo đảm nuôi sống gia đình ở mức sống trung bình[66].
Để tóm kết chúng ta tự hỏi, Đức Giêsu có cần phải hạ mình phục vụ như một người nghèo hay không? Quả thực Đức Giêsu không có sự giả vờ để hạ mình phục vụ với tư cách là người nghèo. Khi Đức Giêsu hạ mình để phục vụ, Ngài mong muốn nâng phẩm giá của con người lên. Đặc biệt nơi những người nghèo, những người bị xem thường: những người thu thuế, tội lỗi, những cô gái điếm… Khi đồng bàn với ai là chúng ta ngang hàng với những người đó. Nhưng Đức Giêsu đi xa hơn những gì chúng ta nghĩ, Ngài đã xuống thấp nhất để nâng nhân vị của chúng ta cũng ngang bằng với Ngài. Đây là một cuộc cách mạng, với tư cách là người thầy trong xã hội Do Thái, Đức Giêsu đã hạ mình không chỉ với các môn đệ nhưng còn tỏ ra khiêm hạ với những người khác. Quả thực chính trong sự khác biệt về lới nói và hành động của Đức Giêsu, Ngài chứng thực mình là bạn của những kẻ nghèo để sẵn sàng phục vụ họ.
- ĐỨC GIÊSU BỊ KẾT ÁN VÀ CHỊU CHẾT NHƯ MỘT NGƯỜI NGHÈO
Trong phần trước chúng ta đã khảo sát khuôn mặt của Đức Giêsu, Người đã tự nhận mình là người phục vụ kẻ khác theo cách thức nghèo khó. Trong phần cuối này, chúng ta cũng chiêm ngắm Đấng đã tự động hóa mình với những con người nghèo khổ đã bị kết án, bị loại trừ và Ngài chết không khác chi một kẻ nghèo hèn.
- Không ai đứng ra bênh đỡ
Tin Mừng Luca trình thuật lại việc xét xử Đức Giêsu như sau: “Toàn thể cử tọa đứng lên, điệu Đức Giêsu đến ông Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa”. Ông Philatô hỏi Người: “Ông là Vua dân Do Thái sao?” Người trả lời: “Chính Ngài nói đó”. Ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì”. Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây”. Nghe nói thế, ông Philatô liền hỏi xem đương sự có phải là người Galilê không. Và khi biết Người thuôc thẩm quyền vua Hêrôđê, ông liền cho gửi Người đến vua Hêrôđê, lúc ấy đang có mặt tại Giêrusalem” (Lc 23,1-6).
Trong phiên tòa xét xử Đức Giêsu, Ngài bị các thế lực chống đối tứ phía bủa vây, không một ai đứng ra biện hộ cho Ngài trước mặt Philatô (x. Tv 21,17). Dân chúng tố cáo Đức Giêsu với hai tội danh: Thứ nhất, trước mặt thượng hội đồng họ tố cáo Ngài tội phạm thượng (x. Lc 22,70-71); nhưng trước mặt Philatô, Đức Giêsu bị vu cáo tội nổi loạn (x. Lc 23,2). Đây là cuộc xét xử bất công: những lời tố cáo Đức Giêsu không có sự đồng nhất; không nghe lời biện hộ của Đức Giêsu (x. Lc 23,9). Bên cạnh đó, Đức Giêsu không phải con người chống lại Đế Quốc[67], khác với những gì các thủ lãnh tố cáo Ngài trước mặt Philatô. Ngài luôn chấp hành luật của Đế Quốc trong việc đóng thuế (x. Lc 20,20-26).
Về điều này Phaolô đã cảm nghiệm được sự cực hình của Đức Giêsu phải chịu, thánh nhân thấy mình bị đặt vào hàng chót, bị kết án tử và trở thành trò cười cho thế gian, vô gia cư, bị chửi rủa, bị khinh khi (x. 1Cr 4,9-12). Qua kinh nghiệm của mình, ông nhận ra sự khốn cùng nơi Đức Giêusu trước tòa xét xử như một kẻ bị gạt ra bệnh lề, một kẻ cần bị loại trừ (Ga 11,50), bị “ mọi người đều chống lại Đức Giêsu và không ai lên tiếng để bênh vực Người”[68].
Khi đồng hàng với những con người cô độc, Đức Giêsu đã hiểu được sự cô thế cô thân trong thân phận kẻ thấp hèn[69]. Đức Giáo hoàng Bênêđictô VI nhận định vấn đề này như sau: “Những người nhiệt thành với Đức Giêsu không có mặt nơi xử án, vì sợ. Họ vắng mặt, vì không xuất hiện như quần chúng”[70]. Người nghèo luôn là những người bị thế cô lập về mọi phương diện, họ không có sự giúp sức của một ai, đúng hơn không người nào đứng ra bênh đỡ cho quyền lợi của họ. Điều này lại càng chứng minh Ngài không cậy nhờ vào bất cứ thế lực nào ở trần gian này để tôn vinh chính minh hay để củng cố cho Lời giảng dạy của Ngài.
- Bị bán như một tên nô lệ, bị xem như tên phạm pháp (22,3)
Đức Giêsu biết rõ một người trong nhóm Mười Hai phản bội, Tin Mừng Luca trình thuật“Xa-tan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông” (Lc 22,3-6). Đây là điều đau khổ nhất của Đức Giêsu, đúng như lời vịnh gia “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con” (Tv 41,10).
Giuđa kẻ phản bội biết rõ nơi ở của Đức Giêsu và các môn đệ vì vậy: “Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn:“Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,47-48). Đức Giêsu bị ngay chính người trong nhóm Mười Hai phản bội, một sự thất vọng. Ngài đã đồng hóa mình với một người nô lệ bị người khác trao đổi chỉ với ba mươi đồng bạc (x. Mt 26,15). Theo như chú giải ba mươi đồng bạc là giá của một tên nô lệ theo luật đã định (Xh 21,32). Các thủ lãnh Do Thái khó có thể xác định chính xác nơi chốn của Đức Giêsu, nhưng họ đã thực hiện được âm mưu này nhờ vào sự chỉ điểm của Giuđa (x. Lc 22,47). Tuy nhiên, sự chọn lựa của Đức Giêsu minh chứng tình yêu của Ngài trên những kẻ khốn cùng qua việc Ngài tự hạ chính mình xuống hàng nô lệ.
Không chỉ bị bán như tên nô lệ, Đức Giêsu còn bị liệt vào số những kẻ phạm pháp như lời Kinh Thánh đã chép:“Người bị liệt vào hàng phạm pháp” (Lc 22,37). Đức Giêsu là hình ảnh của Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa (Is 53,12) bị liệt vào hàng phạm pháp. Đức Giêsu nói với những kẻ đến bắt Ngài: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo, gậy gộc đến?” (Lc 22,52b). Quả thực Ngài đã bị đối xử như thế: “Ngài bị kết án và bị đóng đinh trên thập giá cùng với hai tên trộm cướp. Ngài bị liệt vào hàng phạm pháp”[71]. Qua việc bị đồng hàng với bọn cướp, Đức Giêsu đã đi xuống đến mức tận cùng thân phận con người phải chịu. Một tên tù nhân, mất hết quyền tự do, quyền lợi phải có nơi một con người được thường hưởng. Nhưng “Bấy giờ Người ở trong tay chúng, Người trở thành trò chơi để chế nhạo, để cho Người thấy sức lực của họ; có thể họ trút lên đầu Người tất cả những cơn giận dữ đối với những người nắm quyền hành”[72].
Vậy khi bị bán như một tên nộ lệ, Đức Giêsu biểu lộ sự khiêm hạ và nghèo hèn nơi chính mình. Vì Ngài đã tự xem mình như một tên nô lệ nên mới bị người khác bán rẻ.
- Chết trận trụi trên thánh giá
Trình thuật Tin Mừng Luca kể lại sự kiện này như sau:“Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm” (Lc 23,33-34). Ngài chết để minh chứng cho con người thấy không có tình yêu nào vĩ đại hơn tình yêu chết vì những người mình yêu mến.
Cái chết của Đức Giêsu chứng thực sự đồng hòa của Ngài với thân phận những người nghèo đi đến cái chóp đỉnh của nó. Ngài chết trong thân phận của một người nghèo, không một tấm vải che thân. Mặc khác, cái chết của Đức Giêsu không chỉ chứng minh Ngài là con người thật nhưng đồng thời cũng làm rõ nét sự đồng hóa của chính Ngài với những nỗi khổ đau của kiếp người. Cái chết của như một sự dữ khốn cùng sau hết mà mỗi con người phải trải qua, điều đó nói lên tính nhân loại của Đức Giêsu.
Bênh cạnh đó, cái chết trận trụi trên cây thập giá còn nói lên Đức Giêsu cùng bị đồng hàng với lớp người chịu đóng đinh, vì vậy có thể nói Đức Giêsu. Một số nhà thần học châu Á có nhận định về vấn đề này như sau: “Đức Giêsu là lớp người bị đóng đinh, Giêsu có nghĩa là dân chúng bị đóng đinh. Biết về Đức Giêsu là biết về lớp người bị đóng đinh…Dân chúng tôi muốn nói ở đây là những người nam, người nữ, những trẻ em bị bóc lột về mặt kinh tế, bị áp bức về mặt chính trị, bị xa lánh ghét bỏ về mặt văn hóa và tôn giáo, bị kỳ thị về mặt giới tính, chủng tộc hoặc giai cấp xã hội, trong thời Đức Giêsu cũng như hiện nay và trong tương lai”[73].
Trên thập giá, Đức Giêsu được giới thiệu mình như một người nghèo đúng nghĩa: Người không mảnh vải che thân, người thân kẻ nghĩa xa lánh và chạy trốn. Phêrô, người được đặt làm tông đồ trưởng cũng chối Thầy vì sợ hãi. Người-Nghèo-Giêsu trên thập giá còn mất hết cả danh dự, bị sỉ nhục phỉ báng chê bai, chết như phường trộm cắp. “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn. Dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53,2). Trên cây thập giá, Đức Giêsu đã đọc lời cầu nguyện của người đau khổ được ghi, như Thánh vịnh 21: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” Điều này diễn tả tâm trạng của một người bất hạnh, con người cảm thấy ngay cả Thiên Chúa cũng bỏ rơi mình trong lúc cô đơn[74].
Cái chết trần trụi của Ngài thể hiện sự từ bỏ tận cùng và phục vụ kẻ khác quên mình đến hy sinh tính mạng vì bạn hữu. Điều này đã được Phaolô cảm nhận khi nói: “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Quả thật, Đức Giêsu không nhất thiết phải sống và chết theo cách thức như thế nhưng Ngài muốn nên giống chúng ta về mọi phương diện, và “Như thế, Đức Giêsu ngay trong cuộc khổ nạn vẫn là hình ảnh của hy vọng: Thiên Chúa bên những kẻ khổ đau”[75]. Quả thực, Thiên Chúa không bỏ rơi kẻ nghèo hèn, và qua sự đau khổ của Đức Giêsu, những người nghèo có thêm niềm hy vọng về một vị Thiên Chúa không bỏ rơi những người nghèo khó có lòng trông cậy.
Nơi Thập Giá, Đức Giêsu không chỉ bị chết nhục nhã như một tội phạm, bị đồng hàng với bọn thứ dân. Đồng thời trên thập giá Ngài còn chịu sự sỉ nhục đến từ giới lãnh đạo: “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi” (Lc 23,35); lính tráng cũng chế giễu: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi” (Lc 23,35). Bên cạnh đó, nơi thập giá Đức Giêsu hoài niệm lại những gì trong vườn cây dầu: “Đức Giêsu cảm nghiệm lần cuối sự cô đơn của mình, sự khổ đau trọn vẹn của con người. Nơi đây, người bị khủng hoảng trước cái chết gần kề. Nơi đây, Người bị kẻ phản bộ hôn trên trên mặt. Nơi đây, Người bị các môn đệ bỏ rơi”[76].
Một nghịch lý xảy đến là: hai tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu được đồng hóa với Người. Luca trình thuật lại như sau: “Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Đức Giêsu” (Lc 23,32). Chúng ta nhận thấy, Đức Giêsu đã bị coi là kẻ bị loại trừ, bị kinh khi. “Họ cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu, bởi vì họ bị xem là tội phạm: chống lại quyền lực La Mã”[77]. Điều này chứng tỏ, Đức Giêsu đồng liệt vào hàng bị loại trừ và những người bị kết án chúng với Ngài cũng bị đồng hóa là kẻ bị loại trừ. Thật ngạc nhiên, Đấng đã từng làm nhiều điều hữu ích cho dân chúng nhưng lại bị trở nên mẫu số chung cho những kẻ đáng bị khinh dễ, bị nhạo cười.
Thế nhưng “chính trong sự cười nhạo mà mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô xuất hiện trong sự thật của mình”[78], Đức Giêsu không muốn một cuộc đời đau khổ cho nhân loại, bởi lẽ Ngài hiểu rõ sự nghèo khổ bị khinh dễ là như thế nào? Nhưng con người vẫn muốn loại trừ muốn bỏ đi những kẻ không thuộc về mình, những kẻ không thế lực ủng hộ.
Vậy, qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đi đến tận cùng sự đau khổ của thân phận nơi những con người bần cùng bị xã hội loại bỏ. Qua đó, Ngài đã chứng thực sự đồng hóa của chính mình với người nghèo một cách tuyệt đối. Ngài sinh ra lớn lên như một kẻ nhập cư đi và cảm nghiệm bi hất hủi và ruồng bỏ, hạ nhục.[79] Ngài rao giảng chữa bệnh như người nghèo, phục vụ như một người nghèo. Hôm nay, Ngài đã chết trên cây thập giá như một kẻ nghèo thực sự. Vì vậy, thần học gia Jung Young Lee đã nói về Đức Giêsu như sau: “Cảnh sống bên lề của Đức Giêsu đã lộ hiện đến tột bậc khi Ngài chịu chết trên thập giá, bởi thập giá là khổ hình phải chịu trong thân phận bị ruồng bỏ, nhục nhã và cô đơn”[80].
Tuy nhiên, từ việc đảm nhận mọi sự nơi thân phận con người, “Đức Giêsu bẻ gãy xiềng xích của hết mọi thành kiến văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, kinh tế, xã hội hay địa phương, đã từng hất hủi Ngài ra bên lề và rốt cuộc đã xô Ngài vào thập giá”[81], một cuộc biến đổi đảo ngược của Đức Giêsu đối với con người ở mọi thời đại.
- Không có ngôi mộ cho chính mình
Theo trình thật Tin Mừng Luca, Đức Giêsu “Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng” (Lc 24,50-54). Dựa theo trình thuật trên, Đức Giêsu không có ngôi mộ cho chính mình. Đức Giêsu được Giuse A-ri-ma-thê thành viên của thượng hồi đồng tặng cho Ngài ngôi mộ[82]. Đức Giêsu quả là một con người nghèo đích thực, Ngài không chỉ sinh ra một cách nghèo khó nhưng ngai đến cái chết của Ngài cũng thể hiện Ngài là con người sống triệt để cho sự khó nghèo.
Qua sự kiện, Đức Giêsu không có ngôi mộ cho chính mình, càng chứng minh sự khó nghèo của Ngài đã đi đến cái cùng tận. Khi tự đồng hóa mình với thân phận người nghèo, Đức Giêsu luôn đảm nhận mọi sự nơi thân phận người nghèo. Chính vì muốn không ngừng liên kết với thân phận nghèo khó của con người, Đức Giêsu không khước từ điều gì ? Không chỉ sinh ra lớn lên trong phương cách nghèo nhưng còn kết thúc cuộc đời mình bằng phương cách nghèo. Cuộc sống hằng ngày, Ngài đã sống nhờ vào sự quảng đại của nhiều người, giờ đây trong những giấy phút cuối đời, thân xác của Ngài cũng được nhờ vào lòng quảng đại của mọi người như thế (Lc 24, 50-55).
Mặt khác, việc Đức Giêsu không có được ngôi mộ cho chính mình, đã minh chứng cho nhân loại nhận ra Ngài sống sự nghèo khó triệt để. Khi vào trần gian, Ngài đã không sở hữu điều gì cho riêng mình và giờ đây, đến kết thúc cuộc đời, Ngài lại khẳng định sự khó nghèo của mình như thế.
Để tóm kết phần này chúng ta có thể nhận định rằng: sự chết là điều hiên nhiên đối với cuộc sống trần gian. Thế nhưng phải chết trong sự đau khổ, bị sỉ nhục, mọi sự trở nên quá nặng nề cho một thân phận con người của Đức Giêsu, Đấng có thể trốn chạy sự kiện này. Tuy nhiên, bằng việc muốn đi đến cùng đích của kiếp sống nghèo, Đức Giêsu vẫn lựa chọn con đường tự hạ. Qua việc tự hạ này Đức Giêsu kéo những con người thấp hèn lên tầm cao mới. Qua thập giá sẽ dẫn đến vinh quang.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã cùng tìm hiểu về một Đức Giêsu Nazarét, một Đức Giêsu lịch sử. Qua cuộc sống của Ngài, chúng ta nhận ra sự một Đức Giêsu tự đồng hóa mình với người nghèo. Sự nghèo khó của Ngài được diễn tả bằng mọi góc cạnh cuộc sống của Đức Giêsu. Để bắt đầu một cách thức sống nghèo, Ngài sinh ra trong một gia đình bình thường trong xã hội. Vì gia đình nghèo, Ngài phải chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn, phải sinh ra trong hang bò lừa. Không chỉ vậy, Ngài con chấp nhập kiếp sống bấp bênh như một người vô gia cư. Đời sống giảng dạy của Ngài cũng có sự khác biệt với các thầy dạy thời bấy giờ, Ngài luôn tìm một phương cách thích hợp và ngôn ngữ giàu hình ảnh trong việc giảng dạy. Bên cạnh đó, Ngài còn cứu chữa nhiều bệnh nhân bằng những cách thức đơn sơ phù hợp với người nghèo.
Qua việc tận tâm vì cuộc sống của người nghèo, Đức Giêsu đã hạ mình phục vụ cho lợi ích của những người khác, đồng thời Ngài tự nhận mình là người phục vụ. Tuy nhiên, cả cuộc đời của Ngài đã thi ân giáng phúc cho nhiều người, nhưng lại không một ai đứng ra bênh đỡ trong lúc Ngài bị xử án bất công. Cuối cùng, Ngài đã chết và được mai táng như là một người nghèo đích thực: Phải chết trần trên thập giá và không có ngôi mộ cho chính mình.
Cả cuộc đời của Đức Giêsu luôn gắn kết với đời sống khó nghèo. Như đã nói ở những phần trước, Đức Giêsu không nhất thiết phải chọn phương cách nghèo. Thế nhưng, bằng việc sống nghèo, Ngài đã cho nhân loại thấy rằng nghèo cũng là phương thế, đồng thời qua cách sống nghèo, Ngài đã nâng địa vị những người nghèo lên tầm cao mới.
Chúng ta nhận thấy rằng, nghèo khó không phải là cứu cánh nhưng nó là phương thế để Đức Giêsu có thể đến với con người và đồng hành với họ. Khi chung chia với nhân loại cuộc sống dương thế, Đức Giêsu đã trải nghiệm được cuộc sống dưới thế với những khó khăn và thử thách. Cuộc sống của Người ở giữa những người bệnh tật, người nghèo và những người bị loại trừ, Ngài chứng tỏ tình yêu thương xót của Thiên Chúa[83]. Vậy chúng ta có thể nói cả cuộc đời Ngài “như một người nghèo, Chúa Giêsu đón tiếp những người bạn nghèo, đơn sơ, bệnh tật, và Người chết như một người nghèo không ai bảo vệ: cả bằng cách đó Người đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa”[84]. Quan trọng hơn, Đức Giêsu bằng sự khó nghèo của mình đã thắp lên niềm hy vọng cho những người nghèo khổ một khát vọng vươn lên.
Thêm vào đó, khi trình bày về một Đức Giêsu gắn liền với dòng chảy của lịch sử, thánh Luca muốn khẳng định bản tính nhân loại nơi Đức Giêsu. Tuy nhiên, Luca không chỉ trình bày về một con người Giêsu với các yếu tố nhân loại nhưng Luca con đi xa hơn thế, ông trình bày một Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những nỗi thấp hèn của nhân loại. Quả thật, như đã nói ở phần dẫn nhập trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu là người đứng về phía người nghèo[85]. Đồng thời, Luca xác nhận sứ vụ của Đức Giêsu cho những người nghèo, người bị áp bức, bị bỏ rơi (x. Lc 4,18; 6,20-21; 10,29-37; 17,11-19).
Mặc khác, khi nói tổng quan về Đức Giêsu, người ta luôn đặt ra những vấn đề liên quan đến tính xác thực về sự hiện hữu đích thực của Ngài trên trần gian: Ngài sinh ra ở đâu? Ngài hiện diện vào thời gian nào? Đối với một vài tác giả ngoài Kitô giáo, Đức Giêsu đích thực là một con người sống trong thời gian. Sử gia ngoại giáo Cornelius Tacius nói đến tên Đức Giêsu như sau: “Các Kitô hữu đón nhận tên của mình từ Kitô kẻ bị hành hình bởi sự kết án của tổng trấn Phongxiô Philatô dưới thời của Tiberius”[86]. Bên cạnh đó, khi nói về Đức Giêsu, các nhà thần học phân biệt giữa Đức Giêsu của lịch sử và Đức Giêsu của niềm tin, cả hai chiều kích này không thể tách biệt nhau. Bởi lẽ, một Kitô học toàn diện cần phải liên kết tính cách cá biệt con người lịch sử của Đức Giêsu với mầu nhiệm Đấng Kitô[87].
Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta thường quan niệm về một Đức Giêsu với phẩm tính Con Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại quên rằng Ngài cũng là một con người như chúng ta (x. Lc 3,23; 4,16; Mt 1,1). Dưới góc độ lịch sử Đức Giêsu cũng bị chi phối bởi các yêu tố vật lý, Ngài cũng bị giới hạn trong không thời gian. Flavius Josephus[88] một sử gia đã viết về Đức Giêsu khoảng năm 93-94 như sau: “Giêsu, một con người khôn ngoan, sống trong khoảng thời gian này; không biết có được phép gọi ông là một con người, vì ông làm được nhiều phép lạ. Một thầy dạy của những kẻ đón nhận sự thật với lòng vui sướng”[89]. Ngài không chỉ cảm thông với những người nghèo khổ, nhưng Ngài con trở nên giống như họ, để qua những đau khổ đó, Ngài có sự đồng cảm trước nỗi đau của nhân loại. Sự nghèo khó không là cứu cánh nhưng đó là phương thế Đức Giêsu đã chọn để có thể đến được với mọi lớp người trong xã hội.
Với những gì đã trình bày, tôi đã làm rõ phần nào về một Đức Giêsu nghèo khó về mặt nhân tính. Một Giêsu Nazaret mang trọn vẹn yếu tính con người. Chúng ta chỉ dừng lại nơi Đức Giêsu lịch sử chọn lựa cách sống khó nghèo. Tuy nhiên, một Đức Giêsu nghèo khó về mặt thần tính của Ngài là một vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu. Phải chăng một Ngôi Vị Thiên Chúa nghèo khó tự bản chất thật không dễ được chấp nhận hơn là một Ngôi Vị Thiên Chúa mang lấy sự nghèo khó của con người. Vì từ bản chất Thiên Chúa không nghèo khó. Đây chính là vấn đề chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu về một Đức Giêsu nghèo khó về mặt thần tính. Qua việc tiếp tục mở rộng chủ đề này sẽ giúp chúng ta càng hiểu hơn về một Đức Giêsu Nazaret.
Tác giả: Anrê Lê Huy Cường
Nguồn: vinhson.net
[1] Cha Phạm Hữu Quang, PSS. Dẫn Nhập Kinh Thánh. Nxb Tôn Giáo, 2018. 786.
[2] X. Fudolf Schnackenburg, Đức Giêsu trong các Tin Mừng Kitô học Kinh Thánh. Phaolô Nguyễn Luật Khoa, OFM dịch. 150.
[3] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập III. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 92.
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_Giuse, truy cập ngày 13/11/2020.
[5] Jean Galot, S.J. Thần học Thánh Giuse. Thiên Hựu và Kim Ngân, dịch. Tp HCM, Nxb Phương Đông, 2016. 136.
[6] Patrick J. Bearsley. “Đức Maria Môn Đệ Hoàn Hảo” trích trong Tuyển Tập Thần Học số 46 năm 2009, Nxb Tôn Giáo. 104.
[7]x. Patrick J. Bearsley. “Đức Maria Môn Đệ Hoàn Hảo” trích trong Tuyển Tập Thần Học số 46 năm 2009, Nxb Tôn Giáo. 106.
[8] Cha Đaminh Phạm Xuân Uyên, SDB. Tin Mừng Theo Luca. Học Viện Thần Học Philip Rinaldi Donbosco Xuân Hiệp. 46.
[9] x. Hợp Tuyển Thần Học, số 27 và 28, Nxb Tôn Giáo. 279.
[10] x. https://daminhtamhiep.net/2016/07/tu-nguyen-song-ngheo/, truy cập ngày 17/12/2020.
[11] Jean Galot, SJ. Thần học Thánh Giuse. Thiên Hựu và Kim Ngân dịch. Tp. HCM, Nxb Phương Đông, 2016. 136.
[12] https://catechesis.net/lc-21-20-mang-co-va-vinh-quang-thien-quoc/, truy cập ngày 17/12/2020.
[13] William Barclay. Tin Mừng Theo Thánh Luca. dòng Phaolô Thiện Bản, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2008. 20.
[14] William Barclay. Tin Mừng Theo Thánh Luca. Dòng Phaolô Thiện Bản, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2008. 22.
[15] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập III. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 116.
[16] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 434.
[17] Giáo Phận Cần Thơ Ban Kinh Thánh. Tin Mừng Luca. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2015. 41.
[18] X. Cha Phạm Xuân Uyên, SDB. Tin Mừng Luca. Học Viện Thần Học Philip Rinaldi Donbosco Xuân Hiệp. 56.
[19] Giáo Phận Cần Thơ Ban Kinh Thánh. Tin Mừng Luca. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2015. 41.
[20] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập III. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 93.
[21] William Barclay. Tin Mừng Theo Thánh Luca. Dòng Phaolô Thiện Bản, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2008. 21.
[22] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập III, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 103
[23] Nguyễn Công Đoan, SJ. Phúc Âm Hóa Người Rao Giảng Phúc Âm. Antôn và Đuốc Sáng, 2016. 74.
[24] Gerard. H. Luttenberger, CM. Dẫn vào Kitô học trong các Tin Mừng và Hội Thánh tiên khởi. Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông C.Ss.R, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2011. 69-70.
[25] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28 năm 2000. 279.
[26] Jean Galot, SJ. Thần học Thánh Giuse. Thiên Hưu và Kim Ngân, dịch. Tp HCM, Nxb Phương Đông, 2016. 136.
[27] x. Cha Phạm Xuân Uyên, SDB. Tin Mừng Luca. Học Viện Thần Học Philip Rinaldi Donbosco Xuân Hiệp. 118.
[28] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 115.
[29] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28 năm 2000. 282.
[30] Hugues Cousin, Tin mừng Luca, tài liệu nội bộ. 235.
[31] Hugues Cousin, Tin mừng Luca, tài liệu nội bộ. 236.
[32] Jung Young Lee, “Đức Kitô con người bên lề tiêu biểu nhất” trong Hợp Tuyển Thần Học số 23, năm 2000. 41.
[33] Giáo Phận Cần Thơ, ban Kinh Thánh. Tin Mừng Luca. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2015. 360.
[34] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 14.
[35] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 120.
[36] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 115.
[37] X. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28 năm 2000. 278.
[38] NPDCKPV, Kinh Thánh Trọn Bộ, ấn bản 2011 Hà Nội, Nxb Tôn Giáo. 2280.
[39] Gm Vũ Văn Thiên. http://conggiao.info/nguoi-ngheo-tren-thap-gia-d-6476. Truy cập ngày 21/01/2021.
[40] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28 năm 2000. 278 – 279.
[41] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-08/tiep-kien-chung-dai-dich-chon-lua-uu-tien-vi-nguoi-ngheo-duc-ai.html. Cập nhật 6/1/2021.
[42] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28 năm 2000. 279.
[43] x. Jung Young Lee, “Đức Kitô con người bên lề tiêu biểu nhất” trong Hợp Tuyển Thần Học số 23, năm 2000. 41.
[44] Trích từ tuyển tập các bút tích của Thánh Vinh Sơn, tài liệu nội bộ.
[45] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 116.
[46] Cha Nguyễn Quang Thanh, CM. Kinh Thánh Nhập Môn. Học Viện Vinh Sơn. 14.
[47]Cha Phó Đức Giang, OFM. Môi Sinh Giữa Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Học Viện Phanxicô. 41-42.
[48]Cha Phó Đức Giang, OFM. Môi Sinh Giữa Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Học Viện Phanxicô. 47.
[49] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 117.
[50] x.Cha Nguyễn Quang Thanh, CM. Kinh Thánh Nhập Môn. Học Viện Vinh Sơn. 21.
[51] x. Hợp Tuyển Thần Học, số 27 và 28 năm 2000. 279.
[52] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập I. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 117.
[53] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28 năm 2000. 279.
[54] x. Chung Hyun Kyung “Chân Dung Đức Giêsu theo Chung Hyun Kyung” trong Hợp Tuyền Thần Học, sô 23 năm 1999. 53.
[55]William Barclay, Tin Mừng Theo Thánh Luca, dòng Phaolô Thiện Bản dịch. 37.
[56] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazarét tập I, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 117.
[57] Aloysius Pieris “Chân Dung Đức Giêsu” trong Hợp Tuyền Thần Học, số 23, năm 1999. 21.
[58] Hugues Cousin, Tin Mừng Luca, tài liệu nội bộ. 148.
[59] Hợp Tuyển Thần Học, số 27 vầ 28, năm 2000, tr 299.
[60] William Barclay. Tin Mừng Theo Thánh Luca. Dòng Phaolô Thiện Bản, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2008. 254.
[61] Tuyển tập các bút tích của Thánh Vinh Sơn, quyển số 3.
[62] https://vinhson.net/quy-luat-phuc-vu-o-noi-lam-viec.html. Truy cập ngày 07/01/2021.
[63] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô VI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 76.
[64] x Hugues Cousin. Tin Mừng Luca. Tài Liệu Nội Bộ. 113.
[65] Fudolf Schnackenburg, Đức Giêsu trong các Tin Mừng Kitô học Kinh Thánh. Phaolô Nguyễn Luật Khoa, OFM dịch. 202.
[66]https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/buoc-theo-chua-giesu-ngheo-kho-tinh-cach-tien-tri-cua-nguoi-tu-si-trong-the-gioi. Cập nhật ngày 07/01/2021.
[67] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28, năm 2000. 275-276.
[68] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 274.
[69] x. Hợp Tuyển Thần Học số 27 và 28, năm 2000. 275-284.
[70] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 240.
[71] Giáo Phận Cần Thơ Ban Kinh Thánh. Tin Mừng Luca. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2015. 415.
[72] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 241.
[73] Hợp Tuyển Thần Học số 23 năm 1999. 50.
[74] Gm. Vũ Văn Thiên, http://conggiao.info/nguoi-ngheo-tren-thap-gia-d-6476, truy cập ngày 21/01/2021
[75] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 243.
[76] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 183-184
[77] Đức Giáo Hoàng BênêđictôX VI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 255.
[78] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Đức Giêsu thành Nazarét tập II. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2013. 255.
[79] x. Hợp Tuyển Thần Học số 23, năm 1999. 40.
[80] x. Hợp Tuyển Thần Học số 23, năm 1999. 41.
[81] x. Hợp Tuyển Thần Học số 23, năm 1999. 42.
[82] William Barclay. Tin Mừng Theo Thánh Luca. Dòng Phaolô Thiện Bản, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2008. 275.
[83]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-08/tiep-kien-chung-dai-dich-chon-lua-uu-tien-vi-nguoi-ngheo-duc-ai.html.
[84]https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/buoc-theo-chua-giesu-ngheo-kho-tinh-cach-tien-tri-cua-nguoi-tu-si-trong-the-gioi-28228.
[85] Gerard. H. Luttenberger, CM. Dẫn vào Kitô học trong các Tin Mừng và Hội Thánh tiên khởi. Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông C.Ss.R, dịch. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2011. 69.
[86] Cha Phạm Hữu Quang, PSS. Dẫn Nhập Kinh Thánh. Nxb Tôn Giáo, 2018. 847.
[87] x Norbrto Nguyễn Văn Khanh, OFM. Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Nhập Thể. Nxb Tổng Hợp Tp. HCM. 31.
[88] Titus Flavius Josephus (37-100), có lẽ là một Pharisiêu đã can dự vào cuộc nổi loạn chống lại Rôma và năm 66 và bị bỏ tù. Tuy nhiên, ông đã quy hàng và ca tụng Rôma, bị dân Do Thái xem là kẻ phản bội (trích Dẫn Nhập Kinh Thánh của Cha Phạm Hữu Quang, PSS. Tr. 848)
[89] Cha Phạm Hữu Quang, PSS. Dẫn Nhập Kinh Thánh. Nxb Tôn Giáo, 2018. 848.