NGƯỜI MÀ ĐỨC GIÊSU THÁN PHỤC
Đức Giêsu chữa lành người đầy tớ viên bách quan- Tranh của Paolo Veronese (1528-1588)
WGPQN (05.7.2021) – Tin Mừng Matthêô chủ yếu được gởi cho các Kitô hữu xuất phát từ Do Thái giáo, đã khiến các độc giả của mình ngạc nhiên khi làm bật lên đức tin của một người ngoại quốc. Ngay cả Đức Giêsu cũng thán phục đức tin của viên sĩ quan quân đội Rôma đang thống trị người Do Thái! Phân tích bản văn cho thấy đây không đơn thuần chỉ là một cuộc chữa lành từ xa nhưng còn nhấn mạnh đến sự nhận biết Đức Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa. Nhận xét này mời gọi chúng ta suy tư về tình trạng của những người khách lạ và về những cách thế sống đức tin khác nhau của họ.
Trình thuật về viên bách quan đến xin Đức Giêsu chữa lành là nguyên bản hơn phần lớn những trình thuật chữa lành khác. Được thuật lại trong Tin Mừng Matthêô và Luca, biến cố này khá nổi để có thể đi vào trong Tin Mừng Gioan. Sự chữa lành duy nhất mà Gioan chia sẻ với các Tin Mừng khác được thuật lại khá khác biệt ở đây: bệnh nhân là con trai của một viên chức triều đình ở Cana, và sức nặng của trình thuật dựa trên quyền năng chữa bệnh từ xa của Đức Giêsu (Ga 4,46-54). Khía cạnh này đọng lại trong ký ức của nhiều người. Người ta thường quên hết mọi lời nói, trừ câu nổi tiếng nhất vì được lấy lại trong phụng vụ: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8, 8). Nhất là người ta quên đi điểm đặc biệt của trình thuật này: nó làm nổi bật lên người duy nhất mà Đức Giêsu thán phục. Đây chính là điều đáng quan tâm! Ông ấy đã làm gì để được điều đó?
Trong Mt 8, 5-13 và Lc 7, 1-10, ông ấy là viên bách quan, như vậy là một người ngoại quốc, một sĩ quan trong quân đội Rôma chiếm đóng. Đây là hai dấu vết nhận dạng đã truất đi quyền xin xỏ của ông ngay từ đầu. Trình thuật của Luca đã làm nhẹ đi hình ảnh của ông như là kẻ đối nghịch của dân tộc. Ở đây, ta chú trọng đến trình thuật của Matthêô, chính xác hơn.
Ông quân nhân ấy đã nói gì để biểu lộ niềm tin khiến Đức Giêsu lay động? Những lời của ông ấy vượt quá niềm tin chắc rằng Đức Giêsu có thể chữa bệnh từ xa cho người đầy tớ của ông. Ông gợi lên kinh nghiệm về người lính của mình trong chuỗi quyền lực: quyền lực của ông trên những người của mình là có thực vì ông nhận được nó từ cấp trên. Lệnh của ông là lời có tính hiệu năng: lời của ông làm hoàn thành điều nó nói. Ông nhìn thấy trong Đức Giêsu còn hơn là một người chữa lành – một danh tiếng đôi khi khiến Đức Giêsu bực mình như trong trình thuật Ga 4, 48 (“Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!”). Viên bách quan ngầm nhìn nhận một quyền bính thật sự trong Đức Giêsu, quyền mà Ngài nhận từ một người ở bên trên, tức là Thiên Chúa. Như vậy, cái nhìn của ông về Đức Giêsu tiết lộ một căn tính thâm sâu hơn: một đấng thiên sai chiến đấu vì con người bị tê liệt và đau đớn, theo như hai tính từ mà Matthêô sử dụng để diễn tả căn bệnh của người đầy tớ (Mt 8, 6: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”). Trước người của Thiên Chúa này, một người tuy có quyền bính nhưng cũng phải thú nhận về sự thiếu phương tiện của mình và cầu xin được giúp đỡ về điều mà những người ngoại quốc như ông không có quyền xin.
Có thể nào vì sự không hiểu biết của mình về những truyền thống tôn giáo đã khiến cho người ngoại quốc này mở lòng ra với sự bất ngờ của Thiên Chúa hay với những hành động không tuân theo khuôn mẫu nào của Đức Giêsu?
Giáo lý của Matthêô chương 8
Sự bén rễ sâu xa của Tin Mừng Matthêô trong đức tin Do thái giáo đã rộ lên khắp nơi: Lề luật Môisê được xét lại, sự hoàn tất Sách Thánh, bút chiến ác liệt chống lại Do thái giáo chính thức mà vào thời tác giả đã không nhìn nhận Đức Giêsu phục sinh là đấng cứu thế được hứa. Matthêô là tác giả tin mừng duy nhất đã khẳng định sự ưu tiên của người Do Thái trong sứ mệnh của Đức Giêsu “được sai đến với các chiên lạc của nhà Israël” (Mt 10, 6; 15, 24). Như vậy, sự thán phục của Đức Giêsu đối với viên bách quan ngoại quốc còn âm vang hơn trong sách của mình như là một cú sét, một khiêu khích lớn!
Trên bình diện lịch sử, người ta không biết đến một quân nhân không phải là người Do Thái có thể hiểu về Thiên Chúa độc nhất mà người tôi tớ của Ngài đã “mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Trích đoạn sách Isaia 53, 4 (“chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta”) mà Matthêô đưa vào cách đoạn này không xa lắm đã dâng tặng ý nghĩa mà chúng ta phải đọc: lời giải thoát của Đức Giêsu hiện thực ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhân vật viên bách quan đã nhận ra điều ở bên kia một người chữa lành, điều mà dân Israël từ chối nhìn nhận: quyền bính của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu.
Matthêô nối dài ý nghĩa này trong phản ứng của Đức Giêsu: những người lạ đến từ khắp nơi sẽ có chỗ trong yến tiệc Nước Trời, vì họ có lòng tin lớn hơn các con cái của Abraham. Câu nghiêm khắc này đã hằn lên sự chối từ của dân Israël và được đưa vào khá sớm trong Matthêô vì Đức Giêsu chưa gặp phải bất kỳ sự chống đối nào.[1] Nhưng viên bách quan đã hiện thân điều mà Gioan Làm phép rửa đã loan báo: “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham!” (Mt 3,9)
Trong chương 8 này, nối tiếp bài thuyết giảng dài trên núi (Mt 5-7), Matthêô trình bày cho độc giả ba trình thuật chữa lành đầu tiên của mình. Hãy tin chắc rằng ngài đã cẩn thận chọn lựa chúng!
Chúng ta có câu chuyện người phong cùi, viên bách quan của chúng ta và bà mẹ vợ của Phêrô. Tiếp theo là tổng kết nhiều cuộc chữa lành và câu trích dẫn về sự ứng nghiệm đã được ghi chú ở phần bên trên đây (Mt 8, 17). Ở đây, Matthêô đã thay đổi trật tự các bản văn được tìm thấy trong Mc 1, 40-45 ; 1, 29-31 và 1, 38-39, và ngài đã nhét trình thuật viên bách quan vào giữa, một trình thuật không có trong Tin Mừng Marcô. Ngài đã xây dựng giáo lý nào với loạt trình thuật này?
Trong thế giới Do Thái, phung cùi là bệnh nặng nhất. Người phung cùi bị loại khỏi dân vì sự ô uế của mình. Người ta nghi ngờ rằng đó là một tội nhân bị phạt mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể cứu chữa ông thật sự. Ta có thể nói rằng người phung cùi là một “khách lạ trong nội bộ”. Sự hiện diện ở đây của ông ấy trong đám đông đi theo Đức Giêsu (Mt 8, 1) dường như ít có thật xét theo lịch sử.
Về phần những người đàn bà, họ là những người tin hạng hai mà Matthêô ít quan tâm đến. Thật ngạc nhiên khi thấy xuất hiện việc chữa lành bà mẹ vợ của Phêrô ở đây, ở đúng chỗ này! Nhất là trình thuật này xem ra có vẻ tầm thường hơn là gây ấn tượng.
Dù không phải là một khách lạ, song bà cũng là một người ở bên lề xét theo bình diện tôn giáo cũng như xã hội, vì vai trò người mẹ của bà đã chấm dứt. Tuy nhiên, khi thay đổi đoạn kết của trình thuật Marcô, Matthêô đã biến bà thành một hình bóng của Giáo Hội bắt đầu phục vụ Đức Giêsu.[2]
Ta thấy cấu trúc kể chuyện của Matthêô khi chọn lựa ba nhân vật bên lề này, những nhân vật mạnh nhất mà ta có thể tìm thấy: người cùi, người ngoại quốc thù địch, người đàn bà cao tuổi. Giống như phim ảnh, ta có thể nhìn thấy ở đây cách dàn dựng của ông đạo diễn đã chọn lựa cách xâu chuỗi những cảnh quay. Để làm nên một tổng thể, ông đã cẩn thận đóng khung bộ phim bằng sự lập lại làm thành một liên hệ bao hàm (inclusion) trong Mt 8,1 và Mt 8,18: “đám đông đi theo ngài” (c. 1) và “thấy xung quanh có đám đông” (c. 18). Đoạn tiếp theo của chương này cho thấy rằng để trở nên môn đệ, phải nhìn thấy (nghĩa là phải đọc thấy) ở đây còn hơn là những cuộc chữa lành, nhưng là hành động của người được Thiên Chúa sai đến được ngôn sứ Isaia loan báo (Mt 8, 17). Khi ấy, ta mới có thể bước ra khỏi đám đông, chọn lựa đi theo Đức Giêsu và lên thuyền cùng với Ngài, theo như các trình thuật được đặt trong Mt 8, 18-23.
Những người tin ngoại thường
Đức Giêsu thán phục đức tin – lòng tin tưởng của viên bách quan và cái nhìn thâm sâu khiến ông phân định được sự hiện diện của Thiên Chúa trong Ngài. Trong những trình thuật hiếm hoi khác nhấn mạnh rõ ràng đức tin của một ai đó, ông ấy hay bà ấy cũng phải vượt qua những chướng ngại, được dựng lên qua những thiên kiến đối với họ, hay bởi những người đi theo Đức Giêsu.[3]
Matthêô không nói rằng người phung cùi được chữa lành, viên bách quan và bà mẹ vợ bắt đầu đi theo Đức Giêsu. Tuy nhiên ngài là tác giả quan tâm nhất đến Giáo Hội, được biểu trưng qua nhóm các môn đệ. Nhưng mặc cho giáo lý này về Giáo Hội, vẫn có những cách khác để sống sự quyết chắc và niềm tin của mình! Ba “người khách lạ” này minh họa cho đức tin – niềm tin tưởng và mời gọi biện phân trong Đức Giêsu là Thiên Chúa đồng cảm với đau khổ của chúng ta. Điều này đủ để gợi lên sự thán phục và chuẩn nhận của Đức Giêsu. Trong những nhân vật này của các tín hữu bên lề và ngoại thường, đặc biệt là trong hình ảnh của viên bách quan không thuộc về dân Chúa, ta tìm thấy một âm vang của niềm tin phổ quát của Tin Mừng Matthêô: Thiên Chúa đón nhận bất kỳ ai hướng về Ngài, là thành viên trong nhóm hay không, ở trong Giáo Hội hay không. Viên bách quan này nhắc lại các Đạo Sĩ đã mở đầu cho Tin Mừng Matthêô: bước ra từ nơi nào đó, không chính thức thuộc về và không biết đến những truyền thống, họ đã đến để tỏ lòng tôn kính với “vua dân Do Thái” và ra đi sống niềm tin của mình trên những con đường khác (Mt 2, 1-12).
Tác giả: Francine Robert
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: Parabole, Décembre 2017, Vol. XXXIII, no 4, tr. 10-12
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Tin Mừng Luca đặt câu này xa hơn, trong Lc 13,28-29, khi mà sứ mệnh của Đức Giêsu đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi.
[2] Trong Mc 1,29-31, bà “phục vụ CÁC NGÀI”, nghĩa là bà đảm nhận việc phục vụ bàn ăn. Nhưng trong Mt 8,15, “bà phục vụ NGÀI”.
[3] Xem Mt 15, 28; Mc 2, 5; 5, 34; 10, 52; Lc 7, 50; 17, 19.