BỐN CHÂN DUNG CỦA ĐỨC MARIA
(Parabole, Juin 2018, Vol. XXXIV NO 2, tr. 12-14)
WGPQN (11.12.2020) – Có sự lo sợ và run rẩy khi ta mạo hiểm thêm lời của mình vào vô số những bản văn nói về Đức Maria. Vì thế, đây không phải là những tìm kiếm về thân thế của người phụ nữ ngoại thường này, mà đơn thuần chỉ để ta được dẫn dắt bởi những bản văn nói về Mẹ. Suốt bài viết, chúng ta khám phá nhiều khuôn mặt của Đức Maria mà không tìm cách làm chúng ăn khớp với nhau. Ta cứ để cho mỗi người tìm thấy sự hài hòa của riêng mình.
Một sự hiện diện ngấm ngầm
Chúng ta hãy lướt nhanh qua những đề cập cổ xưa nhất về Mẹ của Đức Giêsu. Thật vậy Thánh Phaolô, chỉ nói ít oi bằng câu “người sinh bởi một người nữ” (Gl 4, 4) mà từ nay đưa Con Thiên Chúa đi vào trong nhân loại. Chúng ta cũng đi nhanh về Đức Maria của Tin Mừng Marcô. Trong Tin Mừng thinh lặng về thời thơ ấu của Đức Giêsu này, Mẹ của Ngài hoàn toàn ở về phía nhân loại. Cùng với những phụ nữ khác trong gia đình, bà cũng thấy sốc và ngạc nhiên khi gặp thấy thái độ kỳ lạ và khó hiểu của con ông Giuse người Nadarét (xem Mc 3, 31-35; 6, 3).
Mẹ của Emmanuel
Như Luca, Matthêô dành hai chương đầu cho các trình thuật về thời thơ ấu. Ông nhìn việc thụ thai Đức Giêsu từ quan điểm của Thánh Giuse, nhưng đánh dấu tường thuật của mình bằng một sự cắt đứt quan trọng. Bảng gia phả kết thúc với câu “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, mà từ bà đã sinh ra Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Ta có thể nói thêm rằng, “chỉ” từ mình bà, vì Giuse không được bao hàm trong đó. Sau đó, Đức Maria là người mà Sứ thần của Thiên Chúa nói về bà với Thánh Giuse: bà là vị hôn thê trinh khiết được Thánh Thần thăm viếng và người mà ông phải đưa về nhà, là người mẹ sẽ sinh ra đấng Emmanuel (Mt 1, 20-23) và là người mà ông phải bảo vệ khi dẫn bà sang Ai Cập (Mt 2, 14). Phần còn lại Matthêô theo gần sát với Marcô.
Người đàn bà với Lời trong tâm hồn
Chúng ta nợ ngòi bút của Thánh Luca những trang tin mừng đẹp nhất về Đức Maria: Truyền tin, Thăm viếng, cuộc hạ sinh Đức Giêsu, Dâng Đức Giêsu vào Đền thờ, “cơn điên rồ” của Ngài vào năm 12 tuổi. Dù rằng nhân vật chính vẫn luôn là Đức Giêsu, song Đức Maria vẫn đóng vai trò hàng đầu.
Trước hết là cuộc Truyền tin (Lc 1, 26-38). Đức Maria, hoàn toàn là một thiếu nữ trẻ, một vị hôn thê, đã có cuộc gặp gỡ rất kỳ lạ. Một tiếng nói đến từ nơi đâu đó, vang đến tận nơi thẳm sâu nhất của mình, làm cô bị xáo trộn hoàn toàn. Gabrien, vị thiên sứ, đã chào cô, báo cho cô một chương trình bất ngờ, điên rồ, một ý định của Thiên Chúa. Mang thai một Người Con, Đấng sẽ được gọi là “Con của Đấng Tối Cao” (c. 32)? Sứ giả của Thiên Chúa nói thế! Thế nhưng “Việc ấy xảy ra như thế nào?” (c. 34). “Như thế nào” chứ không phải “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” (Lc 1, 18), như Zacharia đã hỏi, ông cũng nhận được cuộc thăm viếng của sứ thần Gabrien. Ông muốn những bằng chứng trước khi tin rằng một người con trai có thể được ban cho ông vào lúc tuổi đã già. Nhưng Đức Maria thì không thế. Cô thấy câu trả lời của thiên thần rất bí nhiệm song vẫn tin toàn bộ ý định của Thiên Chúa khi nói rằng mình là tớ nữ của Ngài (c. 38). Làm sao từ chối công việc khôn tả của Chúa Thánh Thần trong cô?
Ngay sau đó Đức Maria lên đường. Cô viếng thăm bà chị già của mình, chào bà (Lc 1, 39-45). Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai thân xác, hai người con, tất cả được Chúa Thánh Thần bao phủ. Êlisabét đã nghe tận bên trong tâm hồn lời chúc tụng mà đối tượng là người em họ của mình, sự dễ bảo của cô trước Lời. Bà nhận biết Thiên Chúa cư ngụ trong cung lòng Đức Maria, như thể Thiên Chúa hiện diện trong Hòm Bia ngày xưa.[1]
Khi ấy, tâm hồn Đức Maria hát lên, cô cất tiếng hát bài ca Magnificat (Lc 1, 46-55). Cô không nói gì về việc mình có thai. Cô hét lên vì vui! Thiên Chúa đã đoái nhìn đến cô, người tớ nữ hèn mọn của Ngài, đã ân cần bao bọc lấy cô. Tất cả những ký ức của Israël đổ về trong những lời ngợi khen khi cô nhắc lại những sự kiện cao trọng mà Thiên Chúa làm cho dân mình. Ơn cứu rỗi của Ngài dành cho mọi người song tùy biến theo những cách thức phù hợp với mọi người, người bị bỏ rơi sẽ được kể đến, người bên lề sẽ được ở chỗ nhất. Về phần người giàu có sẽ nhận ân huệ được ra trống không, được làm cho thích hợp để mở mình ra với một Đấng Khác (un Autre), trong sự tự do mới.[2]
Chương 1 của Luca kết thúc bằng bài ca Benedictus của ông Zacharia. Thật đáng dừng lại chậm rãi ở các câu cuối cùng (cc. 77-79). Dịch đúng với bản văn Hy Lạp sẽ như thế này: “Này con, đứa con nhỏ (nói về Gioan làm phép rửa) […] thật con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết ơn cứu rỗi dành cho dân mình qua sự tha thứ tội lỗi của họ, qua lòng dạ thương xót của Chúa chúng ta mà trong đó Vầng Đông từ trên cao sẽ viếng thăm chúng ta để soi sáng cho những ai ngồi trong âm u và bóng tối sự chết, để dẫn đưa chúng ta đến con đường bình an”. Rồi Đức Giêsu sinh ra (Lc 2,1-7).
Như thế, ơn cứu rỗi chuyển từ lòng dạ thương xót đến bụng dạ Đức Maria. Một thiếu nữ trẻ đơn sơ, qua ân sủng của sự sẵn sàng hoàn toàn đối với Thiên Chúa, cho phép ánh sáng cứu rỗi đi vào những uẩn khúc tối tăm nhất của tâm hồn nhân loại và những cảnh khốn cùng. Ơn gọi làm mẹ Đấng Cứu Thế chắc chắn là độc nhất, nhưng chẳng phải là tất cả chúng ta được mời gọi để biểu lộ trong đời sống chúng ta cũng một ơn cứu rỗi ấy, vì Thiên Chúa vui lòng biết bao khi được nói qua những khuôn mặt, bàn tay và từ ngữ nhân loại sao?
Sau khi các mục đồng thăm viếng, bản văn ghi chú lần đầu tiên – đây không phải là lần duy nhất – Đức Maria làm thế nào để “ghi nhớ tất cả những sự việc ấy trong lòng”, những lời những biến cố về người con của mình (Lc 2, 19). Mẹ đã gìn giữ Ngôi Lời ở trung tâm hữu thể của mình (mang thai), như người ta gìn giữ ở nơi bí mật những gì quý giá nhất trong kho tàng. Mẹ làm điều đó cách tự nguyện, không phản đối những gì xem ra tăm tối đối với mình, cũng không thờ ơ như những người khác, như Phêrô chẳng hạn, ông đã không chịu nhận lãnh lời loan báo về sự từ chối của mình (Lc 22, 31-33). Và rồi … bốn mươi ngày sau đó, ông Simêon, trong Đền thờ, đã khâu lại toàn bộ ánh sáng, ơn cứu rỗi, vinh quang và đau khổ. Maria đã đón nhận sự xâu xé sắp đến, lưỡi gươm đâm thâu Mẹ như những chiếc đinh đâm thâu vào thân xác con mình sau này (Lc 2, 22-35).
Mười hai năm trôi qua. Giữa Maria và Giuse có một người con, con của họ. Nhưng từ khi trở về từ cuộc hành hương lên Giêrusalem, họ không còn nhận ra đứa con ấy nữa! Bồi hồi, lo lắng, tìm kiếm, trách mắng. Đối với Đức Maria, phải đón nhận một Lời mới, những lời đầu tiên của Đức Giêsu trong tin mừng này. Ngài gọi Cha của mình. Vào thời điểm mà Đức Giêsu đến tuổi trưởng thành tôn giáo, Ngài đã neo cuộc đời mình trong tư thế này và chẳng bao giờ rời xa nữa, tư thế người Con của Chúa Cha. Đức Maria phải tuân theo, phải nhường con mình cho một Đấng Khác (un Autre). Mẹ không hiểu gì nhưng đã giữ những lời này trong tâm hồn mình (Lc 2, 41-52). Con đường này cũng được đề nghị cho chúng ta, khi chân trời trở nên u ám. Ta tìm thấy Đức Maria ở đây, ở đó, và giữa các môn đệ tụ họp lại sau ngày phục sinh (Cv 1, 14).[3] Con đường của mẹ là con đường của người đàn bà có Lời trong tâm hồn, được làm cho vững mạnh trong sự trung thành, qua những niềm vui và tăm tối, đau khổ và đôi khi chẳng hiểu gì cả.
Người Mẹ phổ quát
Với Tin Mừng Gioan, giọng điệu đã đổi khác, có một chút gây hoang mang. Chiều kích có tính tiểu sử đã biến mất để nhường chỗ cho sự thẳm sâu đi vào mầu nhiệm. Đức Maria không bao giờ được gọi bằng tên, dù rằng Mẹ chiếm một vị trí có tính chiến lược. Bản văn gọi Mẹ là “Mẹ Đức Giêsu”, trong khi Đức Giêsu gọi Mẹ là “Bà”. Có rất nhiều độc giả cảm thấy sốc, nhất là trong bản văn đầu tiên trong hai bản văn có Đức Maria xuất hiện, tiệc cưới ở Cana (Ga 2, 1-12), Đức Giêsu dường như đã hoàn toàn phủ nhận Mẹ mình.
Chúng ta đã nhắc đến vị trí chiến lược phải không? Điều này đòi hỏi phải giải thích và quay trở lại một chút để hiểu kiến trúc khác thường của Tin Mừng Gioan. Một chuyên viên Kinh Thánh về tin mừng này[4] đã chứng minh rằng những dấu hiệu trong tin mừng thứ tư này được sắp xếp theo một trật tự phong phú lạ thường. Sáu trong bảy dấu hiệu phân tán trong trình thuật Gioan tương ứng từng cặp với nhau như để đưa vào trung tâm một dấu hiệu quý giá nhất, dấu hiệu thứ tư, nói về bánh. Mẹ của Đức Giêsu được kết hợp với dấu hiệu đầu tiên và dấu hiệu thứ bảy. Rượu tiệc cưới Cana, thứ rượu ngon đã được đưa ra nếm “bây giờ”[5] (“anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” – Ga 2,10) là nói về máu được đổ ra trên thập giá (Ga 19, 34). Cấu trúc xếp đặt các dấu hiệu như thế này đã mạc khải về thánh thể; nó đặt bánh và rượu ở những nơi quan trọng. Và ai nói “thánh thể” cũng là nói về “mầu nhiệm phục sinh”.
Nơi Tin Mừng Gioan, thập giá có nghĩa là sự trở về của người Con với Cha mình (Ga 13, 1), sự lên ngôi trong vinh quang trên chiếc ngai thập giá, nhưng cũng là nơi thực hiện sự sinh hạ từ trên cao được loan báo cho Nicôđêmô (Ga 3, 3). Đức Maria hầu như được kết hợp với tất cả những điều này. Ở Cana, không nói gì với Đức Giêsu, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào “tất cả những gì ông ấy nói”, Mẹ đã mở ra dấu hiệu đầu tiên (Ga 2, 5).
Suốt Tin Mừng của mình, Gioan đã gieo những viên đá sỏi, như những viên sỏi của “Petit Poucet”,[6] dẫn đến ngôi nhà mình: sự sinh hạ từ trên cao, Thánh Thần và nước (Nicôđêmô, Ga 3, 3.5); nước hằng sống được hứa với người phụ nữ Samari (Ga 4, 14), không là ai khác ngoài Thánh Thần (Ga 7, 37-39); những đau đớn khi sinh nở gợi lên điều sắp xảy ra (Ga 16, 21). Tất cả những điều này dẫn đưa đến thập giá (Ga 19, 25-37). Dưới chân thập giá có một người đàn bà. Người Con của mình đã trối bà làm mẹ của người môn đệ yêu dấu và người môn đệ làm con bà. Trong người môn đệ làm con ấy, tất cả nhân loại nhận lãnh một người mẹ. Người đã sinh Ngôi Lời thành xác phàm (Ga 1, 14) từ nay trở đi là người mẹ phổ quát và trở nên hình ảnh của Giáo Hội. Một người mẹ, một người con được sinh ra, từ nước, từ máu, và Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đã phó mình: đó chính là sự sinh ra bởi Thánh Thần và nước![7] Ngôi nhà – thập giá đã trở thành ngôi nhà – sinh hạ. Và những lời trong phần Tựa ngôn đã được hiện thực: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1, 12-13).
Trong biến cố thập giá, có một Người đàn ông bị Philatô phó nộp cho dân chúng (Ga 19, 5) và một Người đàn bà (Ga 19, 26), những nhân vật nhắc lại thảm họa vườn Êden và là những nhân vật làm biến đổi thảm họa ấy.[8] Người đàn ông và Người đàn bà của vết thương đầu tiên trở thành Người đàn ông và Người đàn bà mới; công cuộc Tạo dựng đã đi đến hoàn thành.
Đức Maria hẳn nhiên là một nhân vật có tính thần học rất cao nơi Tin Mừng Gioan. Nhưng cũng chắc chắn rằng không phải do tình cờ mà trình thuật của Gioan đưa những dấu vết của mẹ Đức Giêsu vào trong bức tranh vĩ đại này. Cộng đoàn Gioan, nơi mà truyền thống đã kết hợp cộng đoàn này với Đức Maria, đã gìn giữ kỷ niệm về một người đàn bà hoàn toàn kết hôn với sứ mệnh của con mình. Và vì thế bà ngay bây giờ bà là mẹ của tất cả chúng ta.
BỐ CỤC CẤU TRÚC 7 “DẤU HIỆU” TRONG TIN MỪNG THỨ TƯ
- Dấu hiệu 1: nước và rượu (Ga 2,1-12)
- Dấu hiệu 2: chữa lành người hấp hối (Ga 4,46-54)
- Dấu hiệu 3: chữa lành người tàn tật (Ga 5,1-18)
- Dấu hiệu 4: hóa bánh ra nhiều (Ga 6,1-15)
C’. Dấu hiệu 5: chữa lành người tàn tật (Ga 9,1-6)
B’. Dấu hiệu 6: phục sinh người chết (Ga 11,1-4)
A’. Dấu hiệu 7: giấm chua, nước và máu (Ga 19,17-37)
Tác giả: Anne-Marie Chapleau
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Trình thuật Thăm Viếng được đặt song song với đoạn này nói về vua Đavít chuyển Hòm bia Giao Ước về thành đô Giêrusalem mới (2 S 6, 1-15). Nhiều điểm tương đồng giữa hai bản văn này bộc lộ ý hướng của tác giả tin mừng.
[2] Bản văn Hy Lạp viết rằng “Ngài làm cho người giàu có nên trống rỗng” chứ không phải “làm cho tay người giàu trở nên trống rỗng” (người giàu có trở về tay không). Tuy nhiên, gần như tất cả các bản dịch đều thêm từ “tay”, điều này làm giảm thiểu đi tính tận căn của sự biến đổi được thực hiện. Để đọc rõ hơn về bản văn này, xem Jean Delorme, Au risque de la parole: lire les évangiles, Paris, Seuil, 1991, tr. 190-201.
[3] Sách Tông đồ công vụ cũng được tác giả Tin Mừng Luca viết và là phần tiếp theo của Tin Mừng này.
[4] Marc Girard, “La composition structurelle des sept “signes” dans le quatrième évangile”, Studies in Religion / Sciences Religieuses, 9 (1980), tr. 315-324; Marc Girard, Évangile selon Jean. Structure et symboles Jean 1-9, Vol. 1, Montréal, Médiaspaul, 2017, tr. 27-38.
[5] Động từ “nếm” được chia ở thì parfait, trong tiếng Hy Lạp, để chỉ một hành động được bắt đầu và hiệu quả của nó kéo dài trong thời gian.
[6] “Le Petit Poucet”, chú bé tí hon hay “Ngón tay cái nhỏ bé”, là câu chuyện cổ tích dân gian được Charles Perrault (1628-1703) kể lại. Một người tiều phu nghèo không còn gì để nuôi sống 7 người con. Một đêm kia, khi những đứa con đi ngủ, hai vợ chồng bàn với nhau đem bỏ chúng trong rừng. May thay, đứa con út thường được gọi “Petit Poucet” vì nó nhỏ thó như ngón tay út, đã nghe được cuộc bàn luận. Nó chuẩn bị một túi nhỏ đầy những viên sỏi trắng. Khi các anh em bị đưa vào rừng, nó bỏ những viên sỏi dọc theo đường đi để rồi sau đó các anh em có thể lần theo mà trở về nhà, trong sự vui mừng của mọi người, cả cha mẹ chúng nữa bởi vì ông lãnh chúa vùng ấy đã tha nợ cho tất cả những tiều phu trong vùng khi chúng còn ở trong rừng (chú thích của người dịch).
[7] Xem Pierre Létourneau, “Le double don de l’esprit et la christologie du quatrième évangile”, Science et esprit, 44/3 (octobre – décembre 1992), tr. 281-306.
[8] Marc Girard, “La structure heptapartite du quatrième évangile”, Sciences religieuses 5 (1976), tr. 353.