Tuần 116: TIN MỪNG GIOAN
(Chương 18-21)
CUỘC THƯƠNG KHÓ (18,1 – 19,42)
Trình thuật về cuộc thương khó của Chúa là trình thuật hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vì bài tường thuật quá dài, ta hãy tạm bằng lòng với việc nhìn lại lược đồ tổng quát và một vài nét đặc trưng trong trình thuật của Gioan.
1. Chúa Giêsu bị bắt (18,1-11)
2. Chúa Giêsu ra trước toà Anna và Caipha, Phêrô chối Thầy (18,12-27)
3. Chúa Giêsu trước toà Philatô (18,28 – 19,16)
4. Đóng đinh vào thập tự (19,16-22)
5. Chúa Giêsu bị lột áo (19,23-24)
6. Mẹ của Chúa Giêsu và người môn đệ Chúa yêu (19,25-27)
7. Chúa Giêsu tắt thở (19,28-30)
8. Lưỡi đòng đâm thâu (19,31-37)
9. Táng xác (19,38-42)
Mẹ của Chúa Giêsu và người môn đệ Chúa yêu (19,25-27)
Về mặt tự nhiên, đây là câu truyện cảm động về một người con trong giờ hấp hối vẫn ưu tư lo lắng cho mẹ già còn ở lại. Tuy nhiên, nếu câu truyện này được tác giả đặt vào thời điểm quan trọng nhất của Tin Mừng, thì ắt hẳn không chỉ là thế. Câu hỏi được đặt ra là: sự kiện này muốn diễn tả điều gì?
Đã có nhiều gợi ý và suy tư từ trình thuật quan trọng này. Ở đây xin đề nghị đặt trình thuật vào bối cảnh Chúa Giêsu trao ban Thần Khí (19,30) và máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu (19,34). Đặt mình vào bối cảnh trên, trình thuật này như muốn nói về sự sinh hạ cộng đoàn Kitô hữu. Đây là giờ Chúa Giêsu được tôn vinh – được giương cao – và khi Người chết, Người trao ban Thần Khí của Người. Dưới chân thập giá là hai người, cả hai đều không được gọi tên rõ ràng (là Maria và Gioan) như thể muốn nhấn mạnh tính biểu tượng. Người phụ nữ ở đây như hình ảnh của Mẹ Hội Thánh, và người môn đệ Chúa yêu là hình ảnh của tất cả các môn đệ được kêu gọi bước theo Chúa Giêsu. Thần Khí được trao ban cho Mẹ-Hội Thánh và người môn đệ Chúa yêu, máu cùng nước là dấu chỉ của Thánh Tẩy và Thánh Thể. Dĩ nhiên đây chỉ là một gợi ý suy nghĩ về trình thuật đặc biệt này của Gioan.
Cũng có một gợi ý khác về mối liên hệ giữa người phụ nữ trong trình thuật này với người phụ nữ trong Sáng Thế 3,15, cũng như mối thù nghịch giữa dòng giống người phụ nữ với dòng giống con rắn-ma quỷ. Thánh Gioan quan tâm đặc biệt đến sách Sáng Thế. Ngài bắt đầu Tin Mừng thứ tư bằng lời gợi nhớ câu đầu tiên trong sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1) và “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Ngài cũng trình bày cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và Satan: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài” (Ga 12,31). Và về con cái ma quỷ: “Cha các ông là ma quỷ và các ông muốn làm chứng về những gì cha các ông ham thích” (Ga 8,44). Nếu người phụ nữ trong trình thuật này ám chỉ về người phụ nữ trong St 3,15, thì phải nói là thánh sử Gioan đã tập hợp ở đây tất cả những yếu tố trong trình thuật của sách Sáng Thế: con rắn, dòng giống của nó, người phụ nữ, dòng giống của bà, và có lẽ cả chi tiết “khu vườn”. Câu chuyện sách Sáng Thế diễn ra ở vườn địa đàng, còn trình thuật thương khó của Gioan cũng bắt đầu từ một thửa vườn: “Sau khi nói những lời đó, Chúa Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Cypron. Ở đó có một thửa vườn. Người vào đó với các môn đệ” (Ga 18,1). Và kết thúc ở một thửa vườn: “Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Chúa Giêsu ở đó” (Ga 19,41-42).
Như thế, Tin Mừng Gioan trình bày Đức Maria dưới chân thập giá với hai vai trò:
– Đức Maria là hình ảnh của Mẹ Hội Thánh. Người mẹ này chăm sóc các môn đệ Chúa, các môn đệ trở nên con của Mẹ và là anh chị em của Chúa Giêsu. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu không chỉ là quan hệ cá nhân nhưng bao hàm một cộng đoàn, một gia đình của những người anh chị em.
– Đức Maria là hình ảnh người phụ nữ chiến thắng. Hình ảnh tiêu cực về người nữ nơi Eva đã được thay thế bằng hình ảnh tích cực của Đức Maria.
TIN MỪNG PHỤC SINH (20,1-31)
1. Các nhân vật
Thánh Gioan xây dựng trình thuật này rất công phu, và qua phản ứng của các nhân vật trong trình thuật, ngài gói ghém suy tư của ngài về Tin Mừng Phục sinh, tập trung vào câu hỏi: những nhân vật đó đã tiến đến niềm tin vào Đấng Phục sinh như thế nào?
Maria thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mồ và phản ứng của bà là “Người ta đã lấy xác Thầy rồi”. Bà chưa tin. Rồi trong cảnh kế tiếp (câu 11-18), bà vẫn giữ cách giải thích cũ (câu 13 và 15). Bà chỉ tin khi được nghe tiếng Chúa (câu 16) và thấy Chúa (câu 18). Chiên của Chúa nhận ra tiếng Chúa (x. Ga 10,4).
Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ. Họ thấy khăn liệm và khăn che đầu. Phêrô vẫn bối rối nhưng người môn đệ Chúa yêu thì tin: “Ông đã thấy và đã tin” (câu 8). Ông chỉ thấy một chút dấu chỉ nhưng ông tin. Ông lại là môn đệ được yêu và đang yêu. Phải chăng tình yêu ban tặng cho chúng ta cặp mắt mới?
Các môn đệ khác (câu 19-25): bắt đầu là sợ hãi rồi từ sợ hãi chuyển sang niềm vui khi thấy Chúa (câu 20). Đối với họ cũng thế, đức tin đến từ chỗ xem thấy.
Tôma là nhân vật nổi bật trong cảnh cuối (câu 19-25). Ông nhất định không tin cho đến khi tận mắt nhìn thấy và tận tay sờ được (câu 25). Và Chúa Giêsu đã thoả mãn yêu cầu của ông, nhưng Người mời gọi đi xa hơn (câu 27).
2. Niềm tin vào Chúa Phục sinh
Qua những nhân vật này, thánh Gioan muốn nói đến phản ứng và thái độ của những con người trong thời đại ngài trước niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta tra vấn niềm tin của chính mình: Tôi bối rối như Phêrô? Hay như người môn đệ Chúa yêu, chỉ cần chút dấu chỉ là đủ tin rồi? Hay như bà Maria và các môn đệ khác, phải tận mắt thấy và nghe rồi mới tin? Hay cực đoan như Tôma, đại diện của chủ thuyết thực nghiệm? Ước gì ta mang lấy tâm tình của người môn đệ Chúa yêu, vì “phúc cho những ai không thấy mà tin” (20,29).
ĐOẠN KẾT (chương 21)
Đoạn kết này gồm những trình thuật quan trọng:
– Mẻ lưới đặc biệt (21,1-14),
– Simon Phêrô, người mục tử (21,15-23)
– Kết thúc (21,14-25)
Rõ ràng chương 20 đã là phần kết sách Tin Mừng thứ tư, cho nên các học giả cho rằng chương 21 là phần được thêm vào sau này. Có thể là do một môn đệ thân tín của thánh Gioan. Tuy nhiên phần thêm vào này có giá trị quan trọng. Nếu 20 chương trước tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng Mặc khải và Đấng Cứu độ, thì chương 21 là một bước tiếp nối từ Chúa Giêsu đến Giáo Hội của Người. Để Chúa Giêsu có thể tiếp tục công trình cứu độ của Người thì cần có những trung gian : Tiệc Thánh Thể ở đó Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với Giáo Hội và trong Giáo Hội, nhiệm vụ mục tử của Phêrô và những người kế nhiệm, vai trò của người môn đệ Chúa yêu cũng như của Giáo Hội.
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
nguồn: Web TGPSG