Tuần 110 – KHẢI HUYỀN
(Chương 12-22)
NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ CON MÃNG XÀ (12,1-18)
1. Người phụ nữ
Từ lâu, hình ảnh người phụ nữ trong chương 12 đã được các Kitô hữu đồng hoá với Đức Maria, tuy nhiên nên hiểu là Gíao Hội, Dân Chúa, “những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu” (câu 17). Những chi tiết trong thị kiến như mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, triều thiên 12 ngôi sao… là những chi tiết được tác giả rút ra từ những truyền thuyết của các dân cũng như những hình ảnh Thánh Kinh (vd. Anh sáng Chúa, 12 chi tộc…). Người con được sinh ra là Đấng Mêsia, Đấng “sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân” (câu 5).
2. Mãng xà
Con mãng xá được mô tả ở đây giống như trong Daniel 7,7; 8,10 : nhiều đầu tượng trưng nhiều vương quốc; đuôi quét tinh tú nói đến tính huỷ diệt của nó. Mãng xà là biểu tượng sự thù nghịch chống đối Thiên Chúa.
3. Trốn vào sa mạc (12,6)
Tiên tri Elia ngày xưa nhiệt thành làm chứng cho Chúa và bị bà hoàng Jezabel săn đuổi, phải trốn vào hoang địa (1V 17,1-7; 19,5-7). Người phụ nữ ở đây cũng phải trốn vào sa mạc trước sự tấn công của con mãng xà, ở đó “Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở để bà được nuôi dưỡng ở đó” (12,6).
4. Giao chiến trên trời
Cuộc chiến của Kitô hữu với sự ác đã bắt nguồn từ cuộc chiến giữa Tổng lãnh thiên thần Micae và Satan. Satan bị đuổi khỏi trời nhưng nó tiếp tục tấn công tín hữu trên trái đất, là “những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu” (12,17). Vì thế, dù sống trong hoàn cảnh nào, nếu muốn thuộc về Chúa trọn vẹn, người Kitô hữu phãi chấp nhận chiến đấu, cuộc chiến nội tâm liên lỉ. Người Kitô hữu bước vào cuộc chiến đó với niềm tin tưởng lạc quan, vì nếu Tổng lãnh thiên thần Micae đã thắng Satan, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thắng. Micae vẫn được coi là người canh giữ Dân Chúa và là đối thủ của Satan (Dan 10,13,21; 12,1). Hình ảnh Người phụ nữ “được ban cho cánh đại để bay vào sa mạc” diễn tả sự che chở của Chúa (Xh 19,4; Dnl 32,11), và người Kitô hữu luôn vững tâm tin tưởng vào tình thương che chở này trong mọi hoàn cảnh.
TRỜI MỚI ĐẤT MỚI (chương 21)
1. Trời mới đất mới (21, 1-5)
Tác giả trình bày thị kiến về trời mới đất mới, thay thế thế giới cũ đã qua đi: “trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa” (Kh 21,1; xem Isaia 65,17). Đó là một thế giới lý tưởng: “Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21, 4). Trung tâm của thế giới mới là thành thánh Giêrusalem (x. Is 52,1-3), “nhà tạm Thiên Chúa ở giữa loài người” (Kh 21,3). Tiếng nói từ trên ngai phán rằng mọi lời hứa của Thiên Chúa nay được hoàn thành: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (21,5). Trong Isaia 43, 18-19, Chúa phán bảo Israel đừng nhớ lại những chuyện cũ vì Ngài đang thực hiện “điều mới”. Ở đây, sách Khải Huyền công bố lời hứa đó được hoàn thành.
2. Giêrusalem mới, tân nương của Chiên Con (21,9-21)
Những hình ảnh trong thị kiến này được rút ra từ sách Ezekiel: thành được xây trên núi (Ez 40, 2), tràn ngập vinh quang Thiên Chúa (43, 2-4), những chi tiết về tường thành (48, 31-35). Các thiên thần canh giữ cửa cũng đã có trong Ez 49,12. Trong sách Ezekiel, 12 cửa tượng trưng cho 12 chi tộc Israel, còn trong sách Khải Huyền, 12 cửa tượng trưng cho 12 tông đồ. Cũng giống như trong sách Ezekiel chương 40, thiên thần lấy thước đo cửa và tường thành. Việc đo đạc này muốn đề cao kích thước hoàn hảo của thành thánh.
3. Thiên Chúa hiện diện trong thành (21,22-27)
Cùng với những chi tiết được rút ra từ sách Ezekiel, ở đây, sách Khải Huyền trình bày một chi tiết hoàn toàn khác và là điều hết sức quan trọng, đó là “trong thành, không có đền thờ” (Kh 21, 22) vì “Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành”. Sự hiện diện của Thiên Chúa và Chiên Con làm cho cả thành là đền thờ. Sau đó, tác giả vận dụng Isaia 60, 1-20 để mô tả: Vinh quang Chúa tràn ngập đến độ không cần các thiên thể chiếu sáng (Is 60,19-20); các vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới; cửa thành không đóng vì chẳng có đêm; những gì ô uế không được vào thành, chỉ có người công chính sống trong đó (21, 27).
4. Nước và cây sự sống (22,1-5)
Thị kiến về Giêrusalem mới được kết thúc bằng những hình ảnh về phúc lành và sự bất tử dành cho những người sống trong đó. Nước chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và Chiên Con (22,1) nhắc lại dòng nước chảy ra từ đền thờ trong Joel 4,18 cũng như Ezekiel 47. Cây sự sống trong sách Sáng Thế 2,9 được phối hợp với cây bên dòng suối trong Ezekiel 47,12. Lá của những cây này được dùng làm thuốc chữa lành cho dân ngoại (22, 2). Cũng như những gì ô uế không được đưa vào thành thánh, thì cũng không còn lời nguyền rủa nào ở đây (22,3).
5. Sứ điệp cho đời sống đức tin
Thế giới này sẽ kết thúc. Lịch sử nhân loại sẽ đến điểm tận cùng. Điểm tận cùng ấy không phải là thế giới u buồn bị tội lỗi và sự dữ thống trị, nhưng là trời mới đất mới, tràn ngập vinh quang Thiên Chúa và là cõi bất tử. Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng viết: “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng không biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh một thế giới lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Đức Kitô, và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại, và toàn thể thụ tạo mà Thiên Chúa dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân” (số 39).
Điều quan trọng là hãy bắt đầu từ hôm nay lối sống của người công chính, thay vì chỉ sống và hành động theo những tham vọng ích kỷ của xác thịt: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Ta là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng Cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành! Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài” (Kh 22, 12-15).
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: Web TGP Sài Gòn