Tuần 108: CÁC THƯ CỦA THÁNH GIOAN
THƯ 1 GIOAN
Lá thư không cho biết tên tác giả nhưng ngôn ngữ sử dụng cũng như những điểm nhấn thần học rất giống với Tin Mừng thứ tư. Có lẽ lá thư đã được biên soạn vào thời kỳ muộn hơn so với Tin Mừng thứ tư, khi các đối thủ của Giáo Hội không chỉ là những người bên ngoài mà là những người ở trong Giáo Hội. Các nhà chú giải cho rằng lá thư này được viết khoảng năm 100. Một vài học giả nghĩ rằng tác giả lá thư này cũng chính là người đã viết chương 21 trong Tin Mừng thứ tư.
Lý do lá thư được biên soạn có thể tìm thấy ở 2,19: “Chúng xuất thân từ hàng ngũ của chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta, vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai cũng là người của chúng ta”. Câu này cho thấy sự chia rẽ trong cộng đoàn và là sự chia rẽ trầm trọng đến độ tác giả nói đến thứ tội không đưa đến cái chết, và lại có “thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy” (5,16). Đó là “những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường” (2,26), những tiên tri giả (4,1), những kẻ không mang nơi mình thần khí dẫn đến sự thật nhưng là thứ “thần khí làm cho sai lầm” (4,6).
Chủ đề chính của lá thư là bản tính và công trình của Đức Giêsu Kitô. Tác giả nhấn mạnh Đức Giêsu là Đấng Kitô: “Ai là kẻ dối trá nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô? Kẻ ấy là tên Phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con” (2,22); “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (5,1). Đấng ấy đã đến trong xác phàm: “Căn cứ vào điều này mà anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên xác phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (4,2). Người là Đấng Cứu độ (3,16; 4,14), đã dâng mình làm của lễ đền tội chúng ta: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Ngài, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1,7; 4,10). Người là Con Thiên Chúa: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy ở lại trong Thiên Chúa” (4,15; 5,5; 10,11-13). Người là Đấng đã đến không chỉ trong nước mà thôi nhưng trong nước và máu (5,6).
Sự kiện tác giả nhấn mạnh chủ đề này cho phép chúng ta suy đoán rằng lúc ấy, trong cộng đoàn, có những người không nhìn nhận nhân tính nơi Chúa Giêsu và công trình cứu độ của Người. Đọc lại lịch sử Giáo Hội, không lâu sau đó, Cêrintô chủ trương Đức Kitô siêu nhiên đã ngự xuống con người Giêsu vào dịp chịu Phép Rửa, để Giêsu mạc khải Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ công khai, rồi trước khi ngài qua đời thì Đấng Kitô siêu nhiên rời khỏi con người Giêsu. Nếu những đối thủ của thư 1 Gioan chưa đi đến lập trường rõ ràng như Cêrintô thì họ cũng đang trên đường đi đến đó. Chính vì thế, thư 1 Gioan nhấn mạnh đến xác phàm, sự chết, công trình cứu độ, lễ dâng đền tội cho cả thế gian.
Về đời sống luân lý, thư 1 Gioan trình bày giáo huấn đơn giản, tập trung vào hai từ: Tin và Yêu. Tác giả nhấn mạnh rằng những gì các tín hữu tin là những điều đã được rao giảng từ ban đầu: “Ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em” (2,24; 3,11). Đồng thời chúng ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta yêu thương nhau. Tất cả những giáo huấn này được tóm lại trong một câu: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (3,23).
NGUỒN MẠCH ĐỨC ÁI (4, 7-21)
Thiên Chúa là Tình Yêu (4,8.16) và Ngài đã yêu thương chúng ta trước (4, 10.16.19). Ở 1,5, “Thiên Chúa là ánh sáng”; ở đây, “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thiên Chúa là Tình Yêu, không phải cách trừu tượng nhưng là trong ánh sáng, qua những hoạt động cụ thể của Ngài. Ngài tạo dựng, cứu độ, xét xử, tất cả là do tình yêu và trong tình yêu.
Tình yêu của Chúa được thể hiện qua việc ban tặng Người Con làm Đấng Cứu độ: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (4,9); “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu độ thế gian” (4,14). Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta dường ấy, nên chúng ta phải yêu thương nhau: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (4,12). Chỉ khi chúng ta yêu thương tha nhân hữu hình, thì mới có thể yêu Thiên Chúa vô hình: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em họ trông thấy, thì không thể yêu mến Đấng Thiên Chúa mà họ không thấy” (4,20).
Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta dành cho Chúa cũng như cho nhau khiến ta bước đi trong an vui, không sợ hãi: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; tình yêu hoàn hảo loại trừ sự sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (4,18). Ngược lại, người không yêu thương thì chẳng biết gì về Thiên Chúa: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (4,8).