Tuần 106: THƯ 1 PHÊRÔ
NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO (1,3-9)
Thư 1 Phêrô nói nhiều đến niềm hy vọng Kitô giáo: “Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1,3). Niềm hy vọng này vượt lên trên những thực tại trần thế mà người đời thường mơ tưởng như giầu sang phú quý hay thành công, nổi tiếng, để vươn tới “gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1,4). Niềm hy vọng này vượt qua cả biên giới sự chết, tuy nhiên không chỉ đơn thuần là sự bất tử mà nhiều người mong ước, vì như thánh Ambrôsiô nói: “Nếu không có sự tiếp sức của ân sủng, thì sự bất tử trở thành gánh nặng hơn là một mối lợi”. Niềm hy vọng Kitô giáo vươn tới sự sống đời đời, nghĩa là “cuộc sống tròn đầy ý nghĩa, sự ngụp lặn vào cõi mênh mông của hữu thể, trong khi chúng ta được tràn ngập niềm vui” (Đức Bênêđictô XVI, thông điệp Spe Salvi, số 12).
Chính niềm hy vọng ban tặng cho các Kitô hữu niềm vui sống, cho dù cuộc sống vẫn còn đó rất nhiều đau khổ: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1,6). Trong ánh sáng của niềm hi vọng, người Kitô hữu đón nhận những thử thách và khổ đau trong đời sống như cơ hội thanh luyện đức tin: “Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa… đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội” (1,7). Cũng chính niềm hy vọng này thúc đẩy các Kitô hữu sống cuộc đời mình với tinh thần trách nhiệm, vì ý thức rằng “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai nhưng cứ theo công việc của mỗi người mà xét xử” (1,17). Sự phán xét của Chúa không phải là mối đe doạ làm mất đi niềm vui sống, nhưng đúng hơn là động lực thúc đẩy chúng ta sống có trách nhiệm như Đức Bênêđictô XVI nói: “Trong kiến trúc các nơi phụng tự Kitô giáo, nhằm diễn tả tầm vóc lịch sử và vũ trụ của niềm tin vào Đức Kitô, người ta thường trình bày bên phía Đông hình ảnh Đức Kitô trở lại như vị vua; ngược lại, bên phía Tây là cuộc chung thẩm như hình ảnh về trách nhiệm đối với cuộc sống của chúng ta, và quang cảnh này dõi theo, đồng hành với người tín hữu trong cuộc sống hằng ngày” (Thông điệp Spe Salvi, số 41).
Người Kitô hữu không chỉ sống mà còn phải làm chứng về niềm hy vọng của mình: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (3,15). Thánh Phêrô nhắn nhủ điều này, đồng thời còn nhắc nhở cả về cung cách làm chứng cho phù hợp với tinh thần Phúc Am. Đó là “trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (3,16) chứ không bằng bạo lực và sự kiêu căng ngạo mạn. Câu trả lời thuyết phục nhất vẫn là câu trả lời bằng chính cuộc sống: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (3,16); “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (2,12). Không chỉ trong thời đại ngày nay nhưng ngay vào thời thánh Phêrô, các Kitô hữu đã kinh nghiệm điều này là: cho dù mình cố gắng giữ lương tâm ngay thẳng và sống công chính, cuộc đời vẫn ngập tràn đau khổ và xem ra những kẻ gian ác không hề suy nghĩ lại. Thực tế đó có thể làm cho ta thất vọng và muốn quay trở lại cách suy nghĩ, hành xử quen thuộc của thế gian. Nhưng thánh Phêrô nhấn mạnh: “Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là thánh ý Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (3,17).
CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI (2,4-10)
Đoạn văn này được cấu trúc dựa vào hai hình ảnh trong Cựu Ước: Đá và Dân, và cả hai hình ảnh này đều nói về Giáo Hội. Từ “Đá tảng, viên đá” là từ chìa khoá trong các câu 6-8. Trước hết, những câu này nói về Chúa Kitô: Người là “tảng đá quý được lựa chọn đặt tại Sion”, là “Đá tảng góc tường” (x. Isaia 28,16), là viên đá bị người đời loại bỏ nhưng lại quan trọng trước mặt Thiên Chúa (x. Tv 118,22), cuối cùng Người là “viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” (x. Isaia 8,14). Đá tảng Kitô chính là khuôn mẫu cho Giáo Hội: như Chúa Giêsu, chúng ta được tuyển chọn và quý giá trước mặt Chúa, chúng ta cũng bị người đời ruồng bỏ và bách hại. Nhưng cũng như Chúa Kitô là Đá góc tường, Thiên Chúa dùng chúng ta là “những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng… hàng tư tế thánh”. Cho nên hình ảnh “viên đá” được thư 1Phêrô vận dụng theo hai hướng: trước hết, giải thích tình trạng của Giáo Hội trong thế giới theo khuôn mẫu Chúa Kitô (được tuyển chọn – chịu đau khổ); sau nữa, được nên giống Chúa Kitô, trở nên đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa chí thánh.
“Dân” là từ chính yếu trong các câu 9-10. Giáo Hội là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Chúa (x. Xh 19,3-6); Giáo Hội là cộng đoàn đi từ chỗ “chưa phải là một dân” đến chỗ là Dân Thiên Chúa, từ chỗ “chưa được hưởng lòng thương xót” đến chỗ được xót thương.
Cả hai hình ảnh “Đá” và “Dân” đều nhấn mạnh điều này là chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn, vì thế phải sống thánh thiện: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (1,16).
• Ghi chú về 1 Pr 3,18-19
“Nhiều đoạn Tân Ước khẳng định Đức Giêsu “trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3,15; Rm 8,11), tức là trước khi sống lại, Người đã ở nơi kẻ chết. Khi rao giảng việc Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, các tông đồ muốn nói là: Đức Giêsu đã chết như mọi người và linh hồn Người xuống cõi âm, nhưng xuống với tư cách là Đấng Cứu độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị giam cầm ở đó… Đức Giêsu xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá huỷ địa ngục đoạ đầy, nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến” (Sách GLHTCG, số 632-633).
ĐGM Phêrô NGuyễn Văn Khảm
Nguồn: Web TGP Sài Gòn