Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 105: Thư của Thánh Giacôbê
NHỮNG CHỦ ĐỀ LỚN TRONG THƯ GIACÔBÊ
***
Xem ra thư Giacôbê ít nhắc đến Chúa Giêsu (chỉ có ở 1,1 và 2,1) nhưng thực ra lá thư nói rất nhiều đến nội dung niềm tin Kitô giáo vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (5,11), Đấng ban Lề Luật và xét xử (4,12), Thiên Chúa duy nhất (2,19), Đấng Tạo hoá (1,18), Đấng không hề có sự thay đổi (1,18).
Mối quan tâm lớn nhất của thánh Giacôbê là làm sao giúp các tín hữu, một khi đã tin vào Chúa, thì phải kiên vững trong đức tin và sống đời sống đạo đức Kitô giáo cho tốt. Đức tin phải thấm nhuần đời sống đạo chứ không thể chỉ dừng lại ở những nghi lễ hoặc lời tuyên xưng ngoài môi miệng. Ngài cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa niềm tin vào Chúa và đời sống bác ái, vì cả hai đều là đặc điểm thiết yếu của niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước. Đời sống đạo đức phải mang tính toàn vẹn, cho nên người ta không thể chỉ chọn một vài luật nào đó để tuân giữ, còn coi thường những lề luật khác (2,10-11). Và để sống đạo đức, phải quan tâm đến cội rễ căn nguyên của những thói xấu mà tẩy trừ, nếu không, cả đời sống đức tin bị thiêu rụi.
Cảm thức về Giáo Hội cũng là điểm then chốt trong thư Giacôbê. Tôn giáo không phải là chuyện riêng tư giữa mỗi người với Thiên Chúa nhưng là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và Dân của giao ước. Do đó, tình yêu tha nhân và việc tránh xét đoán là những điều được thánh Giacôbê thường xuyên nhắc nhớ.
HAI LOẠI ĐỨC TIN (2,18-26)
Đoạn văn này làm cho ta có cảm giác thánh Giacôbê đi ngược lại lập luận của thánh Phaolô về mối tương quan giữa đức tin và việc làm. Thánh Phaolô khẳng định rằng người ta được công chính hoá nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề Luật (x. Rm 5), còn thánh Giacôbê lại dạy: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà lại không hành động theo đức tin thì có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?… Đức tin không có hành động quả là đức tin chết” (2,14-17). Thật ra, hai vị bàn đến hai vấn đề khác nhau ở hai bình diện khác nhau. Thánh Phaolô chống lại những người Do thái cho rằng nguyên lý của ơn cứu độ là tuân giữ Lề luật. Khi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, ngài khám phá ra rằng Thiên Chúa không thiên vị dân tộc nào, nhưng mời gọi mọi dân đến với ơn cứu độ khi tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô. Như thế, thánh nhân thấy rằng không phải chỉ có một số ít người biết và giữ Lề luật mới được cứu độ, nhưng tất cả những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa đều được cứu độ. Còn thánh Giacôbê lại bàn đến một vấn đề khác. Ngài giả thiết là người ta đã được công chính hoá nhờ đức tin rồi, từ đó mới bàn đến hai loại đức tin: đức tin hành động và đức tin chết. Tôn giáo đích thực không chỉ là việc tuyên xưng ngoài môi miệng nhưng là niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước và tình yêu đối với tha nhân, được thể hiện qua những hành động cụ thể.
Trong 2,19, thánh Giacôbê lặp lại công thức truyền thống của Do thái-Kitô giáo về niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên ngài lý luận rằng: cả ma quỷ cũng biết như thế, nhưng chúng không sống theo niềm tin đó. Vì vậy, điều quan trọng không phải là tuyên xưng ngoài môi miệng nhưng là hành động. Tổ phụ Abraham được nhắc đến ở đây vì ông là chứng nhân sống động cho niềm tin đích thực vào Thiên Chúa. Qua hành động hiến tế Isaac, rõ ràng đức tin của Abraham là đức tin đã được thử thách và tinh luyện qua hành động cụ thể, biểu lộ sự vâng phục và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Do đó, sự tương phản ở đây không phải là tương phản giữa đức tin và việc làm, nhưng là tương phản giữa đức tin kiên trì và hành động với thứ đức tin trên môi miệng và chóng qua. Mẫu gương của Rakháp (câu 25) lại nhằm mục đích khác, tức là nhấn mạnh rằng đức tin chân thật sẽ dẫn đến hành động yêu thương. Rakháp đã đón tiếp những người xa lạ, cho họ ăn uống và trú ngụ. Bà là gương mẫu cho những người biết yêu thương phục vụ kẻ mồ côi goá bụa và giúp đỡ những người thiếu thốn (câu 27-28). Như thế, Abraham và Rakháp là hai mẫu gương bổ túc cho nhau để cho thấy đức tin đích thực là đức tin kiên trung và vững bền qua thử thách, đức tin kèm theo việc làm chứ không chỉ là lời nói suông, đức tin vâng phục và yêu thương.
KIỂM SOÁT MIỆNG LƯỠI (3,1-12)
Thánh Giacôbê kêu gọi người tín hữu phải tuân giữ mọi lề luật, vì “ai tuân giữ tất cả Lề Luật mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về mọi điểm” (2,10). Thế nhưng ngài cũng nhìn nhận thực tế là “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (3,2), không vấp ngã điều này thì lại vấp ngã điều khác. Từ đó, ngài cho thấy người không vấp ngã trong lời nói là người “hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (3,2), nghĩa là không những không phạm tội mà còn vươn đến sự phát triển toàn diện.
Kiềm chế miệng lưỡi là chủ đề được nhấn mạnh trong truyền thống Do Thái (x. Sirach 14,1). Thánh Giacôbê chịu ảnh hưởng của truyền thống này, không những trong chủ đề ngài nhấn mạnh mà còn trong cả những hình ảnh biểu tượng ngài sử dụng: tra hàm thiếc vào miệng ngựa (x. Tv 32,9), bánh lái điều khiển cả con tầu, một tia lửa nhỏ có thể làm bốc cháy cả cánh rừng (3,3-6). Tầm quan trọng của việc kiềm chế miệng lưỡi được nhấn mạnh đến độ thánh Giacôbê cho rằng con người có thể chế ngự mọi thứ mọi loài nhưng lại không chế ngự được cái lưỡi, “nó là sự dữ không bao giờ ở yên vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (3,8).
Để làm chủ cái lưỡi, phải vun trồng con người nội tâm vì mọi sự bắt nguồn từ tâm hồn con người: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?” (4,1). Vun trồng con người nội tâm bằng cách thường xuyên thanh tẩy tâm hồn, để tâm hồn thuộc trọn về Chúa: “Hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can” (4,8); “Hãy chống lại ma quỷ, chúng sẽ chạy xa anh em; hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em” (4,7-8). Đồng thời hãy tập đừng nói xấu nhau: “Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật” (4,11). Thay vào đó phải là lời chúc tụng: “Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra từ một nguồn cả nước ngọt lẫn nước chua sao?… Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (4, 10-11).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG