THÀNH LẬP HỘI THÁNH Ở CÔRINTÔ (18,1-11)
Thánh Phaolô gặp ông Aquila và vợ ông là Priscilla ở Côrintô, đôi vợ chồng được ngài gọi là “những người cộng tác để phục vụ Đức Kitô Giêsu, đã liều mất đầu để cứu mạng tôi” (Rm 16,3-5). Cùng với những người Do thái khác, hai vợ chồng đã bị nhà vua trục xuất khỏi Rôma. Họ cùng làm một nghề với Phaolô, nghề dệt lều, nên ngài ở lại nhà họ và cùng làm việc. Phaolô thường nhấn mạnh: “những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, thì đôi tay này tự cung cấp” (Cv 20,33-35).
Khi Sila và Timôthê từ Macêđônia tới thì tình hình thay đổi vì thánh Phaolô có thể dành trọn thời giờ cho việc rao giảng. Trong thư 2 Cor 11,8-9, thánh Phaolô đã nói với dân Côrintô rằng: “Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền lụy ai, vì các anh em từ Macêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần”. Nhờ đó, thánh Phaolô có thể hiến trọn thời giờ cho việc rao giảng, “long trọng làm chứng cho người Do thái biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô” (Cv 18,5). Ở thời nào và ở bất cứ đâu, người Kitô hữu có thể cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng bằng nhiều cách, một trong những cách đó là giúp đỡ các sứ giả Tin Mừng về tinh thần cũng như vật chất.
Vì dân Côrintô chống đối lời rao giảng của Phaolô và vì họ nói lộng ngôn, nên ngài nói với họ hai điều (18,6). Một là “máu các ngươi cứ đổ xuống trên đầu các ngươi”; câu này nhắc lại lời trong Ezekiel 33,4 và Phaolô còn nhắc lại trong diễn từ từ biệt (Cv 20,26). Hai là “từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại”. Trong sách Công Vụ, Phaolô đã nói điều này 3 lần: 13,51; 18,6; 28,25-28; hàm nghĩa một khẳng định quan trọng. Tuy nhiên, ngài không rời Côrintô ngay mà dọn đến ở nhà ông Titô Giustô, một người ngoại kính sợ Thiên Chúa. Ngài cũng đã cải hóa Crispô là trưởng hội đường cùng với cả nhà ông. Như thế, người Do thái vẫn tiếp tục là thành phần quan trọng trong Hội Thánh.
Cv 18,9-10, kể lại thị kiến, trong đó Chúa Giêsu hiện đến và nói với Phaolô: “Đừng sợ. Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con, không ai làm hại con được”. Một lời đầy an ủi. Chúa Kitô phục sinh luôn hiện diện và đồng hành với các môn đệ Người trên đường loan báo Tin Mừng.
DIỄN VĂN TỪ BIỆT CỦA THÁNH PHAOLÔ Ở ÊPHÊSÔ (20,17-38)
Thánh Luca cung cấp cho chúng ta hai diễn văn từ biệt: một là của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly (Lc 22,15-38), hai là của thánh Phaolô ở Ephêsô (Cv 20,17-38). Những yếu tố chính trong bài từ biệt của thánh Phaolô là :
– Triệu tập các trưởng lão (20,17);
– Nói đến sứ mạng đã thực hiện: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách” (20,19);
– Chứng minh đã chu toàn nhiệm vụ: “Tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em (20,20), “Nếu có ai trong anh em phải hư mất thì tôi vô can” (20,26);
– Nhắc đến cái chết cận kề: “Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (20,23);
– Khuyến khích các trưởng lão chu toàn nhiệm vụ: “Hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc” (20,28);
– Cảnh giác về những nguy hiểm trong cộng đoàn: “Sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng” (20,29-30);
– Chúc lành cho các trưởng lão: “Xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Ngài” (20,32);
– Cùng cầu nguyện với họ: “Phaolô cùng với tất cả anh em quỳ gối xuống cầu nguyện” (20,36);
– Giã từ.
Mục đích chính của diễn văn từ biệt là nêu cao hình ảnh người lãnh đạo như mẫu gương cho mọi người noi theo. Trong lời từ biệt của Chúa Giêsu (Lc 22), thánh Luca đã làm nổi bật điều đó khi Chúa Giêsu căn dặn nhóm Mười Hai: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Ở đây cũng thế, thánh Phaolô được nêu cao như mẫu mực cho các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Họ phải phục vụ Thiên Chúa và đoàn chiên bằng những hi sinh cho công việc chung, giảng dạy giáo huấn chân chính, ân cần chăm sóc đoàn chiên. Họ không được tìm kiếm tư lợi và phải can đảm chống trả những tấn công từ bên ngoài cũng như bên trong.
Diễn văn từ biệt này cũng cho thấy tính liên tục trong đời sống Hội Thánh. Phaolô ra đi nhưng những người khác sẽ lãnh trách nhiệm tiếp nối. Các tông đồ qua đi nhưng những người kế vị sẽ tiếp nối. Hội Thánh hiện diện trong dòng lịch sử với những thay đổi qua từng thế hệ, nhưng mãi mãi vẫn là Hội Thánh Chúa Kitô.
Những lời từ biệt bao giờ cũng diễn tả mối quan tâm sâu xa nhất của người lãnh đạo. Trong lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ, Người để lại cho chúng ta bí tích Thánh Thể, quyền lãnh đạo của Nhóm Mười Hai trong Hội Thánh, và ý nghĩa đích thực của lãnh đạo là phục vụ chứ không phải thống trị (x. Luca 22). Còn lời từ biệt của thánh Phaolô nhấn mạnh sự chăm sóc mục vụ cách tận tình, can đảm đối diện với bách hại và tà giáo, gìn giữ giáo lý chính thống của Chúa Giêsu trước sự lan tràn của lạc giáo.
LÀM CHỨNG CHO THẦY Ở RÔMA (27,1 – 28,31)
“Đáng lẽ có thể tha bổng người này, nếu ông ta đã không kháng cáo lên hoàng đế Cêsarê” (26,32). Vua Agrippa đã phát biểu như vậy. Do đó, sau khi phải ra trước Thượng Hội Đồng (Cv 22,30 – 23,10) rồi ra trước tòa Tổng trấn Rôma (24,10-21), rồi vua Agrippa (25,13 – 26,30), thánh Phaolô được đưa đi Rôma, đúng như lời Chúa nói với ngài: “Hãy vững lòng, con đã làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa” (23,11).
Trong hành trình đi Rôma, chuyến tàu gặp bão và bị đắm. Trình thuật này làm cho người đọc liên tưởng đến chuyện của tiên tri Giôna. Tuy nhiên giữa hai câu truyện, có những khác biệt. Vì không tuân theo lời Chúa truyền đi rao giảng cho dân Ninivê mà lại đi nơi khác, tiên tri Giôna đã gây sóng gió cho cả con tầu và thủy thủ đoàn, còn thánh Phaolô lại là cứu tinh của cả con tầu: “Tôi khuyên các bạn cứ can đảm, vì không ai trong các bạn phải mất mạng đâu, chỉ mất tầu thôi…” (27,22). Lời thánh Phaolô khích lệ mọi người trên tầu “Không ai trong các bạn sẽ mất một sợi tóc trên đầu” (27,34) làm vọng lại lời Chúa Giêsu trong Luca 12,7 và 21,18. Trình thuật cũng kể lại: “ông cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước mặt mọi người, bắt đầu bẻ ra và ăn” (27,35). Xem ra thánh Phaolô cử hành Thánh Thể dù những người ngoại giáo trên tầu không hiểu gì.
Như thế, khi tường thuật vụ đắm tầu, thánh sử Luca có ý nhắc lại lời hứa của Chúa Giêsu và bí tích Thánh Thể. Mục đích là để nhắc nhở các Kitô hữu rằng trong những sóng gió cuộc đời, chúng ta nên nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu mà vững tâm, và Thánh Thể là nguồn sức mạnh cho chúng ta giữa thử thách.
Con tầu dạt vào đảo Manta. Luca gọi những người dân trên đảo là barbaroi (có lẽ là tiền thân của những từ trong ngôn ngữ Âu châu mà người Việt Nam dịch là mọi rợ). Trong sách Công Vụ, Luca đã cho thấy phản ứng của người Do thái, Hi lạp, Rôma đối với thánh Phaolô ra sao. Ở đây là phản ứng của những người không thuộc số người trên. Họ đơn sơ, tâm thành, ít học. Ở đó, thánh Phaolô không giảng giải điều gì nhưng ngài thực thi tác vụ chữa lành và nhiều người kéo đến để được chữa lành (28,8-10).
Cuộc hành trình tiếp tục từ đảo Manta và cuối cùng đến Rôma. Sách Công Vụ ghi nhận: “Các anh em ở Rôma nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Appiô và Ba Quán để đón” (28,15). Như thế, Kitô giáo đã có mặt ở Rôma rồi và thánh Phaolô không phải là người sáng lập Hội Thánh ở đây. Khi gặp gỡ các kiều bào Do thái ở Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh với họ rằng ngài không phản bội dân tộc và truyền thống Do thái, dù chính người Do thái đã nộp ngài cho chính quyền Rôma. Ngài thuyết phục họ rằng vương quốc mà người Do thái mong chờ nay đã thành hiện thực. Ngài vận dụng Kinh Thánh Cựu Ước để chứng minh cho họ thấy những lời Thiên Chúa hứa nay được thể hiện trong Đức Kitô Giêsu. Nhưng cũng như ở những nơi khác, có người tin, có người không tin.
Tại Rôma, suốt hai năm, thánh Phaolô “rao giảng Nước Thiên Chúa và về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (28,31).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG