Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 98
Tin Mừng theo Thánh Luca
(Chương 7-13)
***
HÀNH TRÌNH LÊN GIÊRUSALEM (9,51 – 19,44)
Chúa Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem để hoàn tất cuộc xuất hành (exodus) (9,31), và thánh sử Luca mở đầu trình thuật về hành trình này bằng một câu rất lạ: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (9,51). Chủ đề về hành trình cuối cùng này đã có trong Tin Mừng Marcô rồi (Mc 10,1.32) nhưng Luca khai triển rộng hơn để cho thấy Chúa Giêsu tha thiết gắn bó với chương trình của Chúa Cha (9,62; 13,33). Luca cũng thường xuyên nhắc đọc giả về chủ đề này (Lc 13,22; 17,11) và đưa vào trình thuật nhiều câu truyện, nhiều lời nói của Chúa Giêsu.
Hành trình Chúa Giêsu lên Giêrusalem cũng được coi như khuôn mẫu cho sự phát triển của Hội Thánh trong lịch sử. Như Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều lần, con đường đi đến vinh quang phải ngang qua thập giá. Cộng đoàn Hội Thánh và từng người môn đệ Chúa Giêsu phải chấp nhận đồng hành với Thầy trên đường thập giá. Vì thế, ngay ở phần mở đầu trình thuật này, Luca đã ghi lại những đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (9,58); “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa” (9,60); “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (9,62).
SỨ VỤ CỦA 72 MÔN ĐỆ (10,1-20)
Luca đã ghi lại việc Chúa Giêsu sai 12 tông đồ đi giảng (9,1-5), ngoài ra ngài lại còn nói đến việc Chúa sai 72 môn đệ khác (10,1-20) và chỉ có Luca mới nói đến việc này. Có lẽ ngài muốn đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ truyền giáo của Gíao Hội sau khi Chúa Giêsu về trời. Theo giáo huấn của các rabbi do thái, trên thế giới có 72 dân tộc (dựa vào sách Sáng Thế, chương 10 trong bản Thất thập). Các môn đệ phải “đi trước Chúa” nghĩa là không phải để loan báo bản thân họ và sứ điệp của họ nhưng để dọn đường cho Chúa Giêsu. Người ra lệnh cho họ đi từng hai người một để có thể chính thức làm chứng về Chúa Giêsu và triều đại Thiên Chúa (x. Mt 18,16). Theo thói quen thời đó, lời chứng của hai người mới có giá trị. Đồng thời, Người thúc giục các môn đệ cầu nguyện cho có thêm thợ gặt. Dĩ nhiên Chủ mùa gặt quan tâm đến ruộng lúa của ngài, nhưng sự đáp ứng của ông chủ cách nào đó cũng tuỳ thuộc vào sự tha thiết của các môn đệ. Điều này giúp các Kitô hữu ý thức tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong sứ mạng truyền giáo của Gíao Hội.
Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu không hề che giấu những khó khăn họ sẽ gặp phải. Họ sẽ như “chiên ở giữa bầy sói”, “không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”… tất cả diễn tả sự nghèo khó, yếu đuối, và vì thế, phải hoàn toàn cậy dựa vào sức mạnh của chính Thiên Chúa. Sứ điệp này vẫn luôn luôn là lời cảnh giác quý báu cho chúng ta, vì ta rất dễ bị cám dỗ nghĩ rằng thành công của việc truyền giáo tuỳ thuộc vào sự khôn ngoan kiểu thế gian và những phương thế nhân loại. Cùng với mệnh lệnh trên, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ “đừng chào hỏi ai dọc đường.” Mệnh lệnh này không nhằm khuyến khích lối sống bất nhã nhưng muốn nhấn mạnh tính khẩn thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng đến độ phải cố gắng thi hành sớm nhất có thể.
Sứ điệp đầu tiên và căn bản mà các môn đệ công bố là “Bình an cho nhà này.” Theo quan điểm Thánh Kinh, Lời Chúa không chỉ là một sứ điệp được công bố mà còn bao hàm cả quyền năng và như hiện thân của chính Chúa. Vì thế, trao ban sứ điệp bình an không chỉ là gửi đến người khác lời chào chúc xã giao mà là đem cho họ chính ân huệ của Thiên Chúa. Người đem ân huệ thiêng liêng đến cho người khác cũng xứng đáng đón nhận sự giúp đỡ vật chất từ người khác. Cho nên, “hãy ở lại nhà ấy và người ta cho ăn uống thức gì thì anh em dùng thức đó, vì thợ đáng được trả công.” Ngược lại, những ai khép kín cửa lòng trước lời loan báo Tin Mừng, họ sẽ phải chấp nhận những hậu quả nặng nề : “Thầy nói cho anh em hay, trong ngày ấy, thành Sôđôma còn được xử khoan dung hơn thành đó.”
Trong phần kết luận, Chúa Giêsu cho thấy trong việc truyền giáo, có mối liên kết hết sức sâu xa giữa người môn đệ với Chúa Giêsu và với Chúa Cha : “Ai nghe anh em là nghe Thầy, và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (10,16). Cho nên, thi hành sứ vụ truyền giáo không chỉ là để loan truyền một hệ tư tưởng hay gầy dựng thế lực, nhưng là dẫn đưa tha nhân vào mối hiệp thông sự sống với chính Thiên Chúa. Cũng vì thế, phần thưởng lớn nhất dành cho người môn đệ không phải là vinh quang trần thế qua việc biểu dương quyền lực, mà là vinh quang thiên quốc khi ta bước theo Chúa Giêsu đến đồi Canvê : “Chớ mừng vì quỷ thần phải chịu anh em khuất phục, nhưng hãy mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời” (10,20).
THỜ PHƯỢNG CHÚA VÀ YÊU MẾN THA NHÂN (10,25-42)
Dụ ngôn Người Samari nhân hậu (10,25-37) và trình thuật về hai chị em Matta và Maria (10,38-42) thường được đọc như hai câu chuyện biệt lập. Tuy nhiên, liên kết hai trình thuật này sẽ giúp ta có được tầm nhìn toàn diện hơn về đời sống người môn đệ Chúa.
Hãy bắt đầu với dụ ngôn về người Samaria nhân hậu. Để trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, người thông luật đã trích dẫn kinh Shema (Đnl 6,4-5) và nối kết kinh này với một câu trong sách Lêvi 19,18. Ong ta hiểu rằng phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và phải yêu mến người thân cận như chính mình. Nhưng đối với ông và nhiều người khác trong thời đại ông, câu hỏi được đặt ra là “Ai là người thân cận của tôi?” Trong sách Lêvi, người thân cận là người thuộc dân Israel cùng với mình.
Trong bối cảnh đó, dụ ngôn Chúa Giêsu kể nhằm mục đích chất vấn lối nhìn và lối sống quen thuộc, đồng thời làm nổi bật giá trị của Nước Trời. Trong dụ ngôn, nhân vật biểu tượng cho tinh thần yêu thương phục vụ lại là một người xứ Samaria, vốn bị dân Do Thái coi thường và khinh bỉ. Chắc chắn nhiều người Do Thái không thể chấp nhận chuyện này, nhưng chính trong thế đối kháng cao độ đó, chân trời của điều răn yêu thương mới được bày tỏ trọn vẹn. Đặt câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” là đã hàm nghĩa có ai đó không phải là người thân cận với mình. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể lại khẳng định chân lý ngược lại : bất cứ ai cũng là người thân cận của ta. “Người thân cận” không phải là khái niệm dựa trên quan hệ máu huyết, dân tộc hay tôn giáo, nhưng tuỳ thuộc vào chính thái độ sống của mình. Thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn chắc chắn là người thân cận với nạn nhân nằm bên lề đường vì họ đều là Do Thái cả. Thế nhưng trong thực tế, họ lại không đối xử với nhau như “người thân cận”. Còn người Samaria, vốn bị coi như kẻ ngoại giáo, lại chính là người thân cận của nạn nhân khi ông quan tâm chăm sóc và giúp đỡ người bị nạn. Thân cận hay không, điều đó tuỳ thuộc vào chính thái độ sống của mình. Vì thế, thay vì ngồi đó mà hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” thì “hãy đi và làm như vậy” (10,37) nghĩa là phải tự hỏi : “Tôi phải làm gì để trở nên người thân cận của kẻ khác?” Và cách hỏi đó sẽ dẫn lối cho cách nhìn mới và cách sống mới, trở nên người thân cận với mọi người.
Tiếp sang câu chuyện về hai chị em Matta và Maria (10,38-42), nếu đọc câu chuyện này theo tầm nhìn của dụ ngôn nói trên thì phải nói rằng Matta mới chính là nhân vật đáng được tán dương vì bà hết lòng phục vụ Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nói với bà: “Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (câu 41). Chúa Giêsu không lên án cũng không trách mắng. Người chỉ muốn Matta xác định lại đâu là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống.
Kết nối dụ ngôn về người Samaria nhân hậu với câu chuyện hai chị em Matta và Maria sẽ giúp ta có tầm nhìn đúng đắn và toàn diện về đời sống người môn đệ. Cho dù phục vụ tha nhân là đòi hỏi hết sức quan trọng, nhưng Tin Mừng không chỉ là như thế. Để làm môn đệ Chúa Giêsu, điều quan trọng trước hết và trên hết phải là sự gắn bó với chính Thầy Giêsu, cho nên phải dành thời gian để lắng nghe Người (câu 39), gặp gỡ Người. Nếu không, ta sẽ dễ rơi vào mối nguy hiểm là lao vào đủ thứ công việc được gọi là yêu thương và phục vụ, nhưng thật ra chỉ làm theo ý mình chứ không phải ý Chúa, chỉ đi tìm bản thân mình chứ không kiếm tìm lợi ích thật sự cho người khác.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG