Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 96
Thư Do Thái
Chương 7-13)
***
MỘT THƯỢNG TẾ GIỐNG NHƯ MELKISÊĐÊ (7,1-28)
Chương 7 bàn đến ba chức tư tế. Trước hết là chức tư tế của Melkisêđê, một khuôn mặt xa xưa từ thời tổ phụ Abraham và đầy vẻ huyền nhiệm. Kế đến là chức tư tế thuộc chi tộc Lêvi trong dân Israel. Cuối cùng là chức tư tế của Đức Kitô, mang đặc tính vĩnh cửu như Melkisêđê, đồng thời thi hành những chức năng của tư tế Lêvi.
Tác giả so sánh Đức Kitô với Melkisêđê bằng cách ba lần vận dụng Thánh vịnh 110,4 : “Con là tư tế đời đời theo phẩm hàm Melkisêđê.” Chúng ta không biết đến các tư tế theo phẩm hàm Melkisêđê, cho nên chỉ cần hiểu câu này là “tư tế đời đời giống như Melkisêđê.” Tại sao tác giả lại so sánh Đức Kitô với Melkisêđê? Vì ông muốn trình bày Đức Kitô là tư tế vĩnh hằng chứ không giống như những tư tế Lêvi cũng là những con người phải chết. Thêm vào đó, Melkisêđê vẫn được xem như một nhân vật thuộc thượng giới, cho nên cũng là hình ảnh để nói về Đức Kitô được tôn vinh, thuộc thượng giới.
Ngoài Thánh vịnh 110, tác giả còn vận dụng sách Sáng thế 14,17-20. Từ bản văn này, tác giả trình bày một số nét về Đức Kitô thượng tế:
(1) tên gọi Melkisêđê làm nổi bật vương quốc Đức Kitô là vương quốc của công chính và hoà bình;
(2) vì sách Sáng thế không nói gì đến chi tiết cá nhân cuộc đời của Melkisêđê, kể cả ngày sinh và cái chết của ông, nên ông được coi là tư tế vĩnh hằng, và Đức Kitô cũng thế;
(3) Melkisêđê có vị trí trổi vượt Abraham nên Abraham phải dâng 1/10 chiến lợi phẩm, các tư tế từ dòng dõi Abraham đương nhiên cũng ở dưới Melkisêđê, và tác giả vận dụng chi tiết này để làm nổi bật sự cao trọng của chức tư tế nơi Đức Kitô.
Từ những lý lẽ trên, Thư Do thái đi đến kết luận : vì chức tư tế trong Cựu Ước chưa hoàn thiện nên Thiên Chúa mới đặt một vị tư tế khác giống như Melkisêđê (7,11). Đức Kitô lại không phải là tư tế thuộc chi tộc Lêvi vì Người thuộc chi tộc Giuđa (7,13-14); do đó Đức Kitô là tư tế vĩnh hằng như Melkisêđê, không phải theo dòng dõi tự nhiên (Ds. 18) nhưng theo Lời Chúa phán : “Con là thượng tế muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê.”
Vì Đức Kitô là thượng tế vĩnh hằng nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho chúng ta, Người hằng sống để chuyển cầu cho ta. Không giống như các thượng tế khác, Đức Kitô đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ (7,27). Hy lễ cứu độ của Đức Kitô là hy lễ duy nhất, hoàn tất một lần thay cho tất cả; tuy nhiên hy lễ duy nhất này được hiện tại hoá qua hy lễ của Giáo Hội. Cũng vậy, chức tư tế của Đức Kitô là chức tư tế duy nhất, nhưng chức tư tế duy nhất này được hiện tại hoá qua chức tư tế thừa tác trong Giáo Hội. Do đó, chỉ một mình Đức Kitô là tư tế đích thực, những người khác chỉ là thừa tác viên của Ngài (x. Giáo lý HTCG số 1545).
Như thế, chương 7 đã làm nổi bật sự tương phản giữa chức tư tế trong Cựu Ước và chức tư tế của Đức Kitô. Ba chương kế tiếp trong Thư Do Thái sẽ khai triển sự tương phản này ở từng khía cạnh:
– Thừa tác vụ cũ và mới (8,1-6) : các tư tế Cựu Ước lo việc phụng tự trong thánh điện, nhưng thánh điện này chỉ là hình ảnh lu mờ của thánh điện trên trời. Đức Kitô mới là Thượng tế cao cả, lo việc tế tự trong thánh điện trên trời.
– Giao ước cũ và mới (8,7-13) : Giao ước cũ đã lỗi thời và cũ kỹ. Thiên Chúa hứa thiết lập giao ước mới, và Đức Kitô chính là Đấng trung gian của giao ước mới.
– Cung thánh cũ và mới (9,1-10) : Trong Cựu Ước, mỗi năm một lần, vị thượng tế vào Nơi cực thánh đem theo máu chiên bò để dâng lễ đền tội. Hy lễ đó chỉ có hiệu lực bên ngoài, không làm cho lương tâm người cử hành trở nên hoàn thiện. Còn Đức Giêsu Kitô đã vào cung thánh không phải với máu chiên bò mà là với chính Máu của Người. Máu ấy thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.
– Hy tế cũ và mới (10,1-18) : Đức Kitô bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC TIN (11,1 – 12,2)
Ghi nhận đầu tiên là cách dịch câu 11,1, cũng là vấn đề được tranh cãi trong nhiều thế kỷ. Cách dịch dễ hiểu và quen thuộc là : “Đức tin là kiên vững trong điều ta hi vọng, là vững tin vào điều ta không thấy.” Kiên vững và vững tin diễn tả thái độ chủ quan của kẻ tin. Thế nhưng nguyên bản trong tiếng Hi Lạp không nhấn mạnh khía cạnh chủ quan cho bằng khía cạnh khách quan, và thánh Giêrônimô đã dịch sang tiếng La tinh bằng từ bản thể và bằng chứng. Nói cho dễ hiểu hơn, đức tin là thực tại của những điều ta hi vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy. Như thế, đức tin là nền tảng cho niềm hi vọng; nếu không, niềm hi vọng của ta chỉ là hão huyền. Đồng thời, đức tin là động lực nâng đỡ hi vọng khi những điều ta hi vọng xem ra vẫn xa vời. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI rất quan tâm đến cách dịch này, vì thế ngài đã phân tích cách sâu sắc về điều này trong thông điệp Spe Salvi (xem số 8-10).
Tiếp theo câu mở đầu, tác giả Thư Do Thái đã liệt kê rất nhiều nhân vật trong suốt lịch sử Dân Chúa. Mỗi nhân vật được nhắc tới đều là chứng nhân đức tin, và tìm hiểu về các ngài trong hoàn cảnh cụ thể của thời đại cũng như những thử thách các ngài phải chịu sẽ là cơ hội tốt cho mỗi Kitô hữu hâm nóng đức tin của mình : “Phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (12,1-2). Đức Kitô không chỉ là đích tới của đức tin mà còn là gương mẫu tuyệt hảo của đức tin vì “chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập tự, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (12,2).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG