Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 91
TIN MỪNG MATTHÊU
(Chương 1-6)
Trong Bài giảng trên núi, thánh Matthêu đã trình bày Chúa Giêsu như Vị Tôn Sư giảng dạy với uy quyền của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa. Tiếp theo, trong chương 8 và 9, Matthêu lại trình bày Chúa Giêsu như Đấng quyền năng, thể hiện qua những hành động phi thường. Ngài sắp xếp các trình thuật thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 hành động phi thường của Chúa Giêsu, và mỗi nhóm được tách ra bằng lời giáo huấn về đời sống môn đệ Chúa.
Cách cụ thể, cấu trúc trong phần này được sắp xếp như sau :
– Nhóm 1: Quyền năng trên bệnh phong (8,1-4), trên bệnh bại liệt (8,5-13), trên cơn sốt và bệnh tật (8,14-17). Chuyển tiếp: Đòi hỏi của đời sống môn đệ (8,18-22)
– Nhóm 2: Quyền năng trên biển cả (8,23-27), trên ma quỷ (8,28-34), trên tội lỗi (9,1-8). Chuyển tiếp: Ơn gọi của Matthêu (9,9-17)
– Nhóm 3: Quyền năng trên sự chết (9,18-26), sự mù loà (9,27-31), câm điếc (9,32-34). Chuyển tiếp: Sứ mạng của các môn đệ (9,35-38)
Cái nhìn tổng quát trên giúp ta khám phá ý hướng của Matthêu. Ngài muốn đề cao Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên thiên nhiên, bệnh tật, ma quỷ. Đồng thời Matthêu cũng làm nổi bật sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng chống lại cái ác đang khống chế con người về nhiều mặt mà sâu xa nhất là tội lỗi. Đối diện với Chúa Giêsu, người môn đệ phải có chọn lựa dứt khoát và triệt để đến mức độ khó chấp nhận, chẳng hạn mệnh lệnh: “Ai đã cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng với Ta,” và “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (8, 22). Chọn lựa này không chỉ xuất hiện trong những quyết định lớn mà còn được thể hiện qua những phản ứng trước các biến cố trong đời sống, những chọn lựa nho nhỏ hằng ngày và những thái độ trong cách ứng xử của ta với mọi người.
CHỈ THỊ TRUYỀN GIÁO (10,1-42)
Trong Tin Mừng Matthêu, đây là diễn từ lớn thứ hai của Chúa Giêsu. Thánh Matthêu đã thu thập nhiều lời nói của Chúa Giêsu trong nhiều dịp khác nhau, rồi ngài sắp xếp lại thành diễn từ dài. Trong diễn từ đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải hành xử ra sao (10,5-15) và họ có thể được phần thưởng gì (10,16-42). Chủ đề chính của diễn từ là: “Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ. Môn đệ được như Thầy, tôi tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (10,24). Cũng như các môn đệ được chia sẻ quyền năng với Thầy, thì họ cũng phải chia sẻ cách sống và cả đau khổ với Người.
Ở phần mở đầu (10,1-5), Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ đến, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế và bệnh tật. Trong danh sách mười hai tông đồ, Matthêu đề cao vai trò của Phêrô: “đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô” (10,2) và xác định Matthêu là người thu thuế (10,3). Cũng có ông Tađêô mà trong Tin Mừng Luca gọi là Giuđa con ông Giacôbê (Lc 6,16).
Sứ vụ của các môn đệ được giới hạn cho dân Isarel và họ phải tránh không vào những làng mạc của dân ngoại và người Samari. Chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết thì sứ vụ mới mở ra cho những nhóm người này (Mt 28,19). Sứ vụ của các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu là rao giảng Nước Trời và chữa lành các bệnh nhân (Mt 4,23; 10,7-8). Sứ vụ ấy, họ đã đón nhận như một quà tặng, thì cũng hãy cho đi như một quà tặng.
Vào thời Chúa Giêsu, những nhà giảng thuyết thuộc các tôn giáo và triết thuyết khác nhau vẫn đi khắp nơi rao giảng. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng thế. Người căn dặn các môn đệ đừng lo lắng về tiền bạc hay hành trang và nơi ăn chốn ở, nhưng cứ tùy theo lòng hảo tâm của người nghe (10,9-13). Thái độ đó cho phép họ tập trung vào sứ vụ, đồng thời nói lên sự tín thác của họ nơi Thiên Chúa. Nếu họ bị người ta khước từ hay xua đuổi thì đừng phản ứng bằng vũ lực nhưng chỉ “giũ bụi chân lại” như cử chỉ biểu tượng. Trong mọi hoàn cảnh, họ phải trung thành với sứ vụ và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ xét xử mọi sự (10,15).
Chúa Giêsu không giấu giếm các môn đệ về sự thù nghịch họ phải đối diện (10,16-25). Họ được sai đi như “chiên đi vào giữa bầy sói”, cho nên phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (10,16). Nếu họ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, thì đó là họ được chia sẻ cuộc khổ nạn với Thầy (10,17-18; 22,57-68). Những khó khăn thử thách đang chờ đợi các môn đệ là: lo lắng không biết nói gì và nói làm sao (10,19), sự chia rẽ ngay trong gia đình (10,21), sự thù ghét của mọi người (10,22) và sự bách hại (10,23). Tuy nhiên Chúa Giêsu trấn an các môn đệ: “Anh em chưa đi hết các thành của Israel thì Con Người đã đến” (10,23). Trong viễn tượng của Matthêu, “Con Người đến” có nghĩa là “Nước Chúa đến”. Điều này được bắt đầu bằng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, và sẽ kết thúc ở tận cùng thời gian.
Tiếp theo, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ hãy can đảm tuyên xưng đức tin dù phải đối diện những chống đối. Mỗi lời bắt đầu bằng câu “Đừng sợ”: “Đừng sợ người ta” (10,26); “Đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (10,28); “Đừng sợ, anh em còn quý giá hơn chim sẻ muôn vàn” (10,31).
Trong xã hội Do thái nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, mối giây liên kết giữa các thành viên trong gia đình rất chặt chẽ, nhất là so sánh với thời đại ngày nay. Tuy nhiên để trung thành với Chúa, người môn đệ có thể phải chấp nhận hi sinh cả mối liên hệ gia đình. Người không có ý tấn công đời sống gia đình, nhưng muốn nhấn mạnh đến sự trung thành của người môn đệ với sứ vụ đã lãnh nhận. Để theo Chúa, phải chấp nhận “vác thập giá” và “từ bỏ chính mình”.
Phần kết luận nhắc lại điểm căn bản của diễn từ: các môn đệ là đại diện của Chúa Giêsu. Đón nhận các môn đệ là đón nhận không những Chúa Giêsu mà cả Cha trên trời (10,40). Phần thưởng xứng đáng sẽ được ban cho những ai đón nhận “một trong những người bé mọn… vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy” (10,42).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG