Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 88
Thư Philipphê và thư Philêmon
***
Vào thời điểm thánh Phaolô viết thư này cho cộng đoàn, Philipphê là một thành phố thuộc Roma nằm dọc theo Via Egnatia là con đường thương mãi và quân sự của đế quốc Roma, chỉ cách Neapolis khoảng 15 cây số. Dù là thành phố của Roma nhưng dân cư ở đây lại thuộc nhiều dân tộc như tên gọi của một số người được nhắc đến trong thư cho thấy, vd. Clemente là tên Roma, còn Epaphroditus và Synteche là tên Hi lạp.
Vào thời điểm đó, cộng đoàn tín hữu tại Philipphê có một số khó khăn. Một đàng là những người láng giềng thù nghịch với đức tin Kitô giáo, đàng khác là những nhà truyền giáo đến rao giảng Tin Mừng nhưng lại trình bày một sứ điệp khác với sứ điệp thánh Phaolô trình bày. Ngoài ra chính trong cộng đoàn cũng có những bất đồng và bất hoà. Bối cảnh này giúp ta hiểu rõ hơn những giáo huấn của thánh Phaolô trong thư Philipphê.
Theo các học giả Thánh Kinh, thư Philipphê không phải là một tài liệu xuyên suốt từ đầu đến cuối. Đúng hơn, đây là tập hợp ba lá thư được phân chia như sau :
– Thư A (4,10-20): thư cảm ơn về việc cộng đoàn Philipphê trợ giúp tiền bạc cho Phaolô hai lần, lần thứ nhất khi ngài ở Thessalonica (4,16), và lần này khi ngài đang lâm cảnh khốn khó (4,14), có lẽ ám chỉ cảnh tù tội sẽ được bàn đến dài hơn trong Thư B.
– Thư B (1,1 – 3,1a; 4,4-7. 21-23): phần dài nhất. Thánh Phaolô đã phải ngồi tù ít lâu và đang mong ngóng xem kết quả ra sao. Thế nhưng chính trong cảnh khó khăn, ngài lại cảm nhận niềm vui trong Chúa, và ngài muốn chia sẻ niềm vui đó với các tín hữu cũng như khuyến khích họ chia sẻ với nhau. Ngài cũng quan tâm đến việc có những nhà truyền giáo khác đến với cộng đoàn, và ngài khuyến khích cộng đoàn duy trì sự hiệp nhất.
– Thư C (3,1b – 4,3. 8-9): được viết sau khi ra khỏi tù. Trong thư này, thánh Phaolô quan tâm đặc biệt đến hai việc, một là chống lại những thầy dạy giả hiệu đã xâm nhập cộng đoàn và gây xáo trộn, hai là giàn xếp sự bất hoà giữa hai phụ nữ có vai trò hướng dẫn trong cộng đoàn.
Cả ba lá thư này được viết trong khoảng thời gian tương đối gần nhau. Nếu Ephêsô là nơi thánh Phaolô bị giam giữ, thì những thư này được viết trong khoảng năm 55 – 57. Trong phần tìm hiểu kế tiếp, ta có thể chọn từng đoạn trong ba phần trên để chia sẻ với nhau.
II. LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA CÁC TÍN HỮU PHILIPPHÊ (4,15-19)
Kể từ khi Tin Mừng được rao giảng ở Macedonia, trong số các Hội Thánh đã đón nhận Tin Mừng, chỉ có các tín hữu Philipphê đã chia sẻ với thánh Phaolô khi ngài gặp cơn quẫn bách. Thật vậy, sau khi đón nhận Tin Mừng, các tín hữu Philipphê đã hai lần gửi tiền bạc trợ giúp thánh Phaolô khi ngài ở Thessalonica (1Thes 2,9). Ngài viết thư cảm ơn không phải để mong có thêm quà tặng nhưng mong rằng lòng quảng đại sẽ đem lại hoa trái dồi dào cho họ. Thánh nhân nhấn mạnh, “Quà anh em tặng cho tôi đó chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (4,18), và Thiên Chúa “sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu” (4,19).
Các tín hữu Philipphê đã đóng góp tích cực cho công cuộc truyền giáo của thánh Phaolô, không chỉ bằng lời cầu nguyện mà còn bằng chia sẻ vật chất. Khi Phaolô cho biết cộng đoàn Philipphê là cộng đoàn duy nhất đã giúp đỡ ngài như thế, nhận xét này thật đáng buồn vì cho thấy phần đông các tín hữu chưa quan tâm đủ đến việc truyền giáo. Liệu đó có phải là thực trạng của hôm nay? Khi nói đến quà tặng của các tín hữu, thánh Phaolô sử dụng ngôn ngữ trong đời sống thờ phượng, coi đó là “lễ vật” và “hương thơm” dâng lên Chúa. Cách nói này giúp ta có cách nhìn mới về ý nghĩa và giá trị của những việc bác ái trong đời sống hằng ngày.
III. ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU (1,27 – 2,18)
Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu phải “ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng Đức Kitô” (1,27). Sống Tin Mừng không phải là điều dễ dãi, đúng hơn đó là một cuộc chiến đấu. Nhưng Phaolô lại nhìn những gian truân vất vả trong cuộc chiến đó là một phúc lành chứ không phải hình phạt, “Quả thế, nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người mà còn được chịu đau khổ vì Người” (1,29). Ngài nói điều này không như một bài giáo huấn lý thuyết nhưng trước hết như kinh nghiệm bản thân.
Cách cụ thể, thánh Phaolô nói đến một số nét đặc trưng của đời sống Kitô hữu: sự an ủi trong Đức Kitô, sự khích lệ của tình bác ái, sự hiệp thông trong Thánh Thần, biết cảm thông và thương xót (2,1). Nếu các tín hữu sống được như thế, họ sẽ “có cùng một cảm nghĩ, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (2,2). Họ sẽ đối xử với nhau không theo tính kiêu căng ích kỷ nhưng với lòng khiêm tốn, coi người khác hơn mình và biết quan tâm đến nhu cầu của người khác hơn là chỉ biết đến nhu cầu của bản thân.
Ở đây thánh Phaolô đưa ra mẫu mực tuyệt đối là chính Chúa Giêsu Kitô, “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (2,5), sau đó ngài trích dẫn một thánh thi về Chúa Kitô (2,6-11).
Đức Kitô Giêsu đã không ích kỷ bám vào địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn trái nghịch với Adam là người đã sa vào cơn cám dỗ muốn nên như Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x. Kn 3,5). Đức Giêsu đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ mà Adam đã để lại cho nhân loại. Và Đức Giêsu đã đi đến cùng con đường “huỷ mình ra không” này khi hạ mình vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá (2,8). Trong các bản văn cổ nhất về thánh thi này, chỉ nói đến cái chết chứ không nhắc đến thập giá. Nhưng đối với Phaolô, thập giá chính là biểu tượng vinh quang (1Cor 1,18) nên ngài nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đã chết trên thập giá.
Nếu con đường kiêu căng tự mãn của Adam, muốn “nên như Thiên Chúa,” đã dẫn đến thất bại và huỷ diệt, thì ngược lại, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (2,9) đến nỗi “vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (2,10-11).
Có lẽ Phaolô vận dụng thánh thi này để đáp ứng những gì ngài muốn các tín hữu Philipphê quan tâm, tức là sự khiêm tốn, huỷ mình ra không đến nỗi chấp nhận cả cái chết. Cũng như Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu, thì những Kitô hữu nào chấp nhận đau khổ và chết vì đức tin cũng sẽ được ban tặng sự sống mới khi Chúa trở lại (1Thes 4,13-18).
IV. THƯ PHILÊMON
Đức Bênêđictô XVI giải thích ý nghĩa của thư Philêmon như sau: “Đây là một bức thư cá nhân mà thánh Phaolô đã viết trong tù và giao cho người nô lệ chạy trốn (Onêsimô) gửi đến cho chủ của anh là Philêmon. Thực vậy, Phaolo đã trả người nô lệ này cho chủ, về nơi anh ta đã bỏ trốn, và ngài không truyền lệnh nhưng nài van: “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích… tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi… Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó cách vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì là một người anh em rất thân mến” (1,10-16). Những con người vốn quan hệ với nhau như chủ nhân và nô lệ, trong điều kiện xã hội của họ, nhưng nay trong tư cách là thành viên của Giáo Hội duy nhất, họ đã trở nên anh chị em với nhau, đó là cách mà các Kitô hữu xưng hô với nhau. Họ được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, được uống cùng một Thánh Thần, và cùng nhau lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Dù cho cơ cấu bên ngoài vẫn y nguyên, việc này đã thay đổi xã hội từ bên trong. Nếu Thư Do Thái nói rằng những Kitô hữu không có nơi định cư vĩnh viễn trên trần gian này, nhưng tìm kiếm một chốn định cư tương lai (11,13-16), thì điều này không chỉ đơn giản là hướng về viễn cảnh tương lai: người Kitô hữu xem xã hội hiện tại như một xã hội bất toàn; họ thuộc về một xã hội mới, xã hội đó là cùng đích hành trình của họ, và cũng là điều mà họ cảm nghiệm trước ngay trong cuộc lữ hành này.” (Thông điệp Spe Salvi, số 4)
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG