Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 87:
Thư Rôma
(chương 12 – 16)
***
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
“Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8) vì tất cả mọi lề luật đều quy về điều răn yêu thương. Chính vì thế, đức ái phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời sống Kitô hữu, và là linh hồn của mọi việc tông đồ.
Tình yêu đó trước hết phải được thể hiện ngay trong đời sống cộng đoàn : “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô” (13,4-5). Đã là những chi thể trong cùng một thân mình thì phải liên đới với nhau mới làm cho thân thể được mạnh mẽ, và bản thân mình cũng được hạnh phúc.
Ngoài ra, tình yêu đó còn được thể hiện trong tương quan với mọi người, kể cả những kẻ thù địch : “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa… đừng lấy ác báo ác… Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được để sống hoà thuận với mọi người… Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (13,14-18).
Thánh Phaolô nhấn mạnh, “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ” (13,9). Lòng bác ái chân thật được biểu lộ qua sự khiêm tốn, “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (13,16), “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho” (13,3).
Người sống đức ái chân thật cũng không vội vã xét đoán người khác : “Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác? Nó đứng hay nó ngã, đó là việc của chủ nó. Nhưng nó sẽ đứng vì Chúa có khả năng làm cho nó đứng” (14,4). Đấng xét xử ta chính là Chúa, và mỗi người đều phải ra trước toà Chúa để trả lời về chính mình trước mặt Chúa. Vì thế, thay vì xét đoán người khác, hãy tập đặt mình đối diện với sự xét xử của Thiên Chúa. Chính thái độ này sẽ giúp ta nhận diện những lầm lỗi của bản thân, nhờ đó biết khiêm tốn với tha nhân, và tránh được những hành vi kiêu căng tự mãn.
Cuối cùng, người sống đức ái chân thật là người không chiều theo sở thích của cá nhân mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác và tìm cách nâng đỡ họ khi cần thiết : “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (15,1).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG