Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 86
Thư Rôma (chương 6 – 11)
***
Trong Rm 6,1-11, thánh Phaolô trình bày tầm nhìn sâu sắc về bí tích Thánh Tẩy. Nhờ bí tích Thánh tẩy, người tín hữu cùng chết với Chúa Kitô, được mai táng và phục sinh với Người : “Khi chúng ta được dìm vào nước Thánh tẩy để nên một với Đức Kitô Giêsu, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (6,3-5). Như thế, chịu Phép Rửa không chỉ là cử hành một nghi thức bên ngoài, cho dù long trọng đến đâu đi nữa, nhưng là được liên kết mật thiết với Chúa Kitô và vận mệnh của Người.
Đời sống của người đã được thánh tẩy thể hiện qua hai nhịp căn bản là chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa. Chết cho tội lỗi vì con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, để ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa (6,6). Do đó, chết cho tội lỗi là không nghe theo những dục vọng của xác thịt, không dùng thân xác này làm khí cụ cho tội lỗi và sự bất chính (6,12-13). Sống cho Thiên Chúa là dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng thân xác này như khí cụ để làm điều công chính và phục vụ Thiên Chúa (6,13).
Mỗi chúng ta đều đã được chịu Phép Rửa nhưng ta hiểu về Phép Rửa ra sao, và đã sống Phép Rửa đó như thế nào?
II. CUỘC CHIẾN NỘI TÂM (7,14-24)
Ngày nay, khi nói đến tội, ta thường nghĩ đến một hành động hay hành vi xấu; nhưng trong viễn tượng của Do thái, tội được nhìn như một sức mạnh nội tại nơi con người. Truyền thống Do thái dạy rằng nơi con người có hai lực đẩy, một tốt và một xấu, và hai sức mạnh này thường xuyên xung đột với nhau. Lề luật phát xuất từ Thiên Chúa đương nhiên là lực đẩy tốt, giúp con người làm điều tốt. Thế nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng lực đẩy xấu là cái tôi tự nhiên và xác thịt này xem ra thắng thế. Cho nên thánh Phaolô kêu lên, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (7,19-20). Như thế, một cuộc chiến cam go không ngừng diễn ra nơi con người, cuộc chiến giữa con người nội tâm và con người xác thịt, giữa luật của Thiên Chúa và luật của sự tội.
Đây cũng là kinh nghiệm bản thân của mỗi người chúng ta cũng như kinh nghiệm của cả lịch sử nhân loại : “Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn suốt trong lịch sử nhân loại, khởi đầu từ lúc khai nguyên vũ trụ và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng” (x. Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 37). Đức Bênêđitô XVI cũng nhấn mạnh, “Bởi vì con người luôn có tự do và vì tự do của con người lại luôn mỏng giòn, nên triều đại của sự thiện bền vững không bao giờ được thiết lập cách chung cuộc trên trần gian này. Bất cứ ai hứa hẹn một thế giới tốt đẹp hơn và bảo đảm thế giới ấy sẽ tồn tại mãi, đều là kẻ hứa hão; người ấy chẳng biết gì về tự do của con người. Tự do phải luôn được chinh phục cho sự thiện” (Thông điệp Spe Salvi, số 24). Nói cách khác, phải sử dụng tự do để phục vụ sự thiện, và đó chính là một cuộc chiến cam go.
Chính vì thế, “dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện, và chỉ đạt được sự thống nhất nội tâm sau khi cố gắng hết sức với sự trợ giúp của ơn Chúa” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 37).
Bạn kinh nghiệm thế nào về cuộc chiến nội tâm này? Và bạn đã làm gì để có thể chiến thắng?
III. SỐNG THEO THÁNH THẦN (8,1-39)
Chương 8 là đỉnh cao của thư Roma. Chương này nhằm trả lời cho câu hỏi đã được nêu lên ở 7,24 : “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Đấng giải thoát chính là Chúa Kitô phục sinh, Người ban Thánh Thần là quyền năng và sức mạnh của Người cho ta. Người tín hữu đón nhận được sức mạnh này khi kết hợp với Chúa Kitô, bắt đầu từ bí tích Thánh tẩy.
Sự đối kháng giữa Thánh thần và xác thịt được trình bày trong 8,4-13. Xác thịt ở đây mô tả con người chỉ sống nhờ sức riêng của mình, còn sống theo Thánh Thần là để cho quyền năng ban sự sống của Thánh Thần hướng dẫn. Con người tự kiêu tự mãn chỉ dựa vào sức mình sẽ chỉ đi đến cái chết, nghĩa là xa cách Thiên Chúa. Còn Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, sẽ làm cho thân xác chúng ta được tham dự sự sống mới : “Nếu Thánh Thần ngự trong anh em, Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thánh Thần của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh được sự sống mới” (8,11).
Kết quả quan trọng của việc sống theo Thánh Thần là được trở nên con cái Thiên Chúa: “Phàm ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (8,14). Đây là lần đầu tiên ý niệm này xuất hiện trong thư Roma (8,14-17). Thánh Thần mà ta lãnh nhận không làm cho ta trở thành nô lệ và sợ sệt, nhưng làm cho ta nên con cái Thiên Chúa, nhờ đó ta kêu lên “Abba, Cha ơi”, và được đồng thừa kế với Chúa Kitô. Tuy nhiên thánh Phaolô nhắc nhớ ta rằng phải chấp nhận cùng chịu đau khổ với Chúa Kitô thì mới được vinh quang với Người.
Như thế, Kitô hữu là người nhờ Thánh Thần cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa bày tỏ nơi Đức Giêsu Kitô, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (8,32). Cảm nghiệm đó dẫn ta sống Đạo như sống mối quan hệ yêu thương cha-con với Thiên Chúa thay cho mối quan hệ chủ-nô, sống niềm tín thác thay cho sống trong sợ hãi. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, chính là khuôn mẫu cho ta sống mối quan hệ yêu thương và tín thác đó. Vì thế, điều quan trọng trong đời sống đức tin là ta chiêm ngắm và kết hợp với Chúa Kitô để sống niềm xác tín rằng, “cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (8,38-39).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG