Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 82: (Tuần 7 phần Tân Ước)
Thư thứ nhất Côrintô
(chương 13 – 16)
***
1. Sự phục sinh của Chúa Kitô (15,1-11)
Một lần nữa, thánh Phaolô nhấn mạnh truyền thống đức tin Kitô giáo, “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận” (câu 3). Truyền thống đó được Phaolô trình bày trong 15,3b-5, với bốn yếu tố chính : Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người đã được mai táng (nhấn mạnh Chúa Giêsu đã chết thực sự), Người đã sống lại, Người đã hiện ra (chứ không phải là ảo giác của con người, vì thế Phaolô liệt kê một số lần hiện ra của Đấng Phục Sinh).
2. Sự phục sinh kẻ chết (15,12-34)
Trong 15,12-19 thánh Phaolô phê phán những người phủ nhận sự phục sinh kẻ chết, và như thế cũng chối bỏ sự phục sinh của Chúa Kitô. Ngài nhấn mạnh rằng sự phục sinh của các tín hữu đặt nền tảng trên sự phục sinh của Chúa Kitô, và nếu Chúa Kitô không sống lại thì quả thật, các tín hữu là những người đáng thương nhất (câu 14-19).
Tiếp theo, trong 15,20-28 thánh Phaolô trình bày xác tín của ngài. Chúa Kitô đã sống lại rồi, và sự sống lại của Người mở đường cho tất cả những ai đã qua đời. Nếu tội lỗi của Adam đã đem sự chết vào thế giới, thì sự phục sinh của Chúa Kitô đem sự sống đến cho nhân loại.
Để tiếp tục phản bác những người phủ nhận sự sống lại, thánh Phaolô dựa vào một tập quán của dân Côrintô lúc đó mà lý luận (15,29-34). Lúc đó người ta có tập quán chịu phép Rửa thay cho kẻ chết. Thánh Phaolô dựa vào tập quán này để chứng minh rằng họ đã tin có sự sống lại nên mới làm như thế. Như vậy, Phaolô chỉ dựa vào tập quán có sẵn mà biện luận chứ không phải ngài truyền dạy chúng ta phải rao giảng Tin Mừng và làm phép Rửa cho các âm hồn như một vài người lầm tưởng.
3. Cách thức sống lại (15,35-58)
Những người theo phái hoài nghi tiếp tục đưa ra vấn nạn: nếu có phục sinh thì những người đã chết lấy thân xác nào mà sống lại? Để trả lời vấn nạn này, thánh Phaolô mượn hình ảnh đơn sơ trong đời sống nông nghiệp để nhấn mạnh rằng “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống” (15,36); từ đó, ngài đưa ra những suy tư sâu sắc về sự phục sinh. Thân xác được chôn táng là thân xác bị hư hoại, còn thân xác phục sinh là thân xác bất hoại, thân xác thiêng liêng, thân thể có thần khí.
Thực ra, mầu nhiệm phục sinh được xây nền trên đức tin hơn là những dữ kiện thường nghiệm. Vì thế thánh Phaolô nói, “Tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi… Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (15,50.52).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG