Thánh Marcô đã cho chúng ta thấy nét nổi bật của Đức Giêsu là con người lữ hành. Và để hiểu Đức Giêsu, Marcô mời gọi chúng ta đi lại con đường của người môn đệ. Còn trong tác phẩm Tin Mừng thứ ba, thánh Luca muốn chúng ta hòa tan niềm tin của mình trong niềm tin của Hội Thánh: chia sẻ mọi thao thức, nỗ lực của Hội Thánh là đem Tin Mừng cứu độ đến cho lương dân, để mọi người nhận ra Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta, đồng thời Người là Đấng Cứu Thế dịu hiền đầy trìu mến.
CON NGƯỜI LOAN BÁO ƠN CỨU ĐỘ
Có thể nói, suốt quá trình hoạt động của Đức Giêsu mà cao điểm là biến cố Tử nạn – Phục Sinh tại Giêrusalem, Đức Giêsu muốn chúng ta biết rằng Người là Đấng loan báo và thực hiện ơn cứu độ. Người loan báo cho mọi người Tin Mừng này: Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người. Và cũng chính người đã thực hiện điều đó, khi dùng cái chết của mình trên thập giá để liên kết con người với Thiên Chúa. Thánh Luca đã rất tinh tế và sâu sắc khi ghi lại cho chúng ta hai dấu chỉ đặc biệt bao quanh con người Đức Giêsu trong tư cách là Đấng loan báo ơn cứu độ: đó là Người luôn được Thánh Thần hướng dẫn và chiếu tỏa niềm vui.
– Được Thánh Thần hướng dẫn
Đây là nét độc đáo của Luca. Trong tác phẩm của ngài, Tin Mừng cũng như Công vụ, hầu như trang nào cũng phảng phất hình bóng của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là Đấng hướng dẫn, là quỹ đạo hoạt động của Chúa Giêsu cũng như của Hội Thánh. Thánh Thần chính là sợi chỉ nối kết các hoạt động lại với nhau và biến các hoạt động đó thành những hoạt động mang ơn cứu độ. Thật vậy, đối với Đức Giêsu, kể từ khi Người thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Người đã chịu sự chi phối hoàn toàn của Chúa Thánh Thần (1,35) – nói theo từ ngữ của Kinh Thánh, thì chính Thánh Thần đã ban hình ảnh của mình cho Đức Giêsu – ; rồi khi bắt đầu sứ vụ công khai tại Nazareth, Người đã tuyên bố: “Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (4,18) ; Người đặt mọi hoạt động của mình trong quỹ đạo của Chúa Thánh Thần (4,1.14). Đến lúc Người sống lại từ cõi chết và được vinh thăng, Người cũng hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ (Lc 24,49 ; Cv 1,4-5.8 ; 2,1-11).
– Chiếu tỏa niềm vui
Vì Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và sứ vụ của Người là loan báo và thực hiện Tin Mừng cứu độ, nên chính con người và hoạt động của Đức Giêsu luôn chiếu tỏa niềm vui. Niềm vui – cũng như Thánh Thần – được thánh Luca ghi lại khắp nơi trong tác phẩm của mình. Kể từ khi Đức Giêsu xuất hiện cho đến lúc Người được vinh thăng, thánh Luca cho chúng ta thấy niềm vui chính là trạng thái cá biệt gắn liền với con người Đức Giêsu: Lc 2,10-11: “Này ta đem tin mừng cho các ngươi về một niềm vui to tát, tức là niềm vui cho toàn dân: là hôm nay đã sinh ra cho các ngươi Vì Cứu Chúa, tức là Đức Kitô Chúa trong thành Đavít” ; Lc 24,52-53: “Và thờ lạy Ngài rồi, họ đã trở về Giêrusalem, vui mừng khôn xiết và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Như vậy, mỗi khi chúng ta tiếp xúc với Đức Giêsu của Luca, chúng ta sẽ thấy mình đang ở trong quỹ đạo của Chúa Thánh Thần và tâm hồn chúng ta như được chan hòa chính niềm vui cứu độ đó. Chúa Thánh Thần và niềm vui là hai món quà quý giá mà Thiên Chúa đã dùng Đức Giêsu Kitô để trao ban cho con người. Vì thế, chỉ những ai gặp gỡ Đức Kitô và lắng nghe lời Người mới có thể cảm nghiệm và khám phá ra được.
CON NGƯỜI DỊU HIỀN ĐẦY TRÌU MẾN
Đấng Thánh, Con Thiên Chúa, Con Đấng Tối Cao, Vua theo dòng tộc Đavít, Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, Ánh Sáng mạc khải cho dân ngoại (x. Lc 1 – 2) đã thực hiện sứ vụ đem Tin Mừng cứu độ đến cho con người trong tư thế một người dịu hiền đầy trìu mến. Thật vậy, đọc lại Tin Mừng theo Luca, chúng ta sẽ bắt gặp ngay khuôn mặt dịu hiền của Đấng Cứu Thế. Người không xa lạ với con người; ngược lại, Người luôn đồng hành với con người, cách riêng với con người nghèo khó, đau khổ, với con người tội lỗi. Tại hội đường Nazareth, khi bắt đầu sứ vụ của mình, chính Đức Giêsu đã đọc lại đoạn Sách Thánh trong Is 61,1-3 và long trọng tuyên bố trước mặt mọi người: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Sách Thánh này nơi tai các ngươi” (x. Lc 4,16-22). Thánh Luca đã ghi lại một cách chân thành và cảm động việc Đức Giêsu thực hiện sứ vụ “đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa”.
Thật vậy, đọc lại thánh Luca, chúng ta có thấy người có tội nào khi gặp Đức Giêsu mà không tìm ra được niềm vui và hạnh phúc của con người được tha thứ không? Lc 5,17-26 (người bất toại): “Hỡi người kia, tội lỗi của ngươi đã được tha”. Lc 5,29-32 (ơn gọi Lêvi): “Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi hối cải”. Lc 7,36-49 (người phụ nữ thống hối): “Các tội của bà, các tội nhiều đó, quả đã được tha rồi, vì bà đã cảm mến nhiều”. Lc 18,9-14 (người thu thuế): “Người này về nhà thì được giải án tuyên công, khác với người kia”. Lc 19,1-10 (Zakhê): “Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này. …, vì Con Người đến để tìm cứu sự đã hư đi”. Lc 23,43 (người trộm lành): “Quả thật, Ta bảo ngươi: hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Ta”.
Có con người bé mọn đau khổ nào gặp Đức Giêsu mà không cảm thấy mình được yêu thương, nâng đỡ? Lc 5,12-16 (người phung hủi): “Ta muốn, hãy nên sạch”. Lc 17,11-19 (10 người phung): “‘Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi’ … Và xảy ra là trong khi họ đi, họ đã được sạch”. Lc 16,19-31 (Lazarô ăn mày). Lc 18,15-17 (Chúa Giêsu và các em bé): “Hãy để mặc các trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những người như thế”. Lc 6,20-26 (các mối phúc thật cho người nghèo): “Phúc cho những kẻ nghèo khó… Phúc cho những kẻ phải đói bây giờ… Phúc cho những kẻ phải khóc bây giờ… Phúc cho các ngươi, khi thiên hạ oán ghét các ngươi, khi họ loại các ngươi đi cùng sỉ mạ và khử trừ tên các ngươi như đồ xấu xa vì cớ Con Người…”
Ngoài ra, thái độ của Chúa Giêsu đối với giới phụ nữ thật là đặc biệt. Lc 8,3-1 (nhóm phụ nữ theo giúp Chúa Giêsu). Lc 8,40-56 (người phụ nữ bị băng huyết, con gái ông Giairô). Lc 10,38-42 (Martha và Maria). Lc 13,10-17 (người phụ nữ còng lưng).
Người không để người góa bụa, cô thế cô thân ra về mà không được một lời an ủi: Lc 7,11-17 (người con một của bà góa thành Naim) Lc 21,1-4 (đồng tiền của bà góa nghèo): “Ta bảo thật các ngươi: bà góa nghèo khó ấy đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy. Vì họ hết thảy lấy của dư mà bỏ vào làm của cúng, còn bà ấy lấy túng thiếu mà bỏ vào, tất cả của độ thân mình có”.
Nét dịu hiền và quảng đại của Đức Giêsu được biểu lộ rõ ràng và thấm thía qua các bài dụ ngôn về lòng thương xót: Lc 15,4-7 (con chiên lạc). Lc 15,8-10 (đồng bạc đánh mất). Lc 15,11-32 (tình phụ tử).
Và có thể nói, cao điểm của khuôn mặt dịu hiền của Đức Giêsu được bộc lộ ra một cách sâu sắc khi Người hấp hối trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Đấng Cứu Thế dịu hiền ấy đã được Luca chiêm ngưỡng và Luca chia sẻ lại cho mọi người.
CON NGƯỜI CỦA MỌI NGƯỜI
Ngoài nét dịu hiền đầy trìu mến, ngoài sứ vụ loan báo ơn cứu độ, Đức Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Luca còn hiện diện giữa chúng ta trong tư cách là con người của mọi người. Nơi Đức Giêsu, mọi xác phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ (3,6); nơi Đức Giêsu, lương dân sẽ tìm được ánh sáng rạng soi cho cuộc đời (2,32); nơi Đức Giêsu, con người sẽ tìm thấy một người bạn, người đồng minh trung thành (3,23-38: khi trình bày gia phả Đức Giêsu, thánh Luca không những gắn liền Người với Dân Chúa, với Thiên Chúa, mà còn gắn liền với nhân loại nói chung).
Tình liên đới và cảm thông với con người của Đức Giêsu đã được thánh Luca trình bày trong việc Người tiến lên Giêrusalem: “… Người quả cảm đi lên Giêrusalem” (9,51). Ghi lại dòng này, thánh Luca muốn mọi người tìm thấy nơi Đức Giêsu là hiện thân của “Người Tôi Tớ của Đức Chúa” mà tiên tri Isaia đã loan báo (x. Is 40 – 55, cách riêng Is 50,7).
Người Tôi Tớ đó đã thật sự trở nên con người của mọi người, vì:
“… chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang, chính các đau khổ của chúng tôi, Ngài đã vác… Ngài đã bị đâm vì những sự ngỗ nghịch của chúng tôi, và vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán, đã giáng xuống Ngài hình phạt đổi lấy an bình cho chúng tôi và nhờ những vết hằn Ngài chịu, chúng tôi có phương được lành…” (Is 53,4-5).
Như vậy, hình ảnh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế dịu hiền không những là niềm hy vọng mà còn là sức mạnh của Hội Thánh trong ơn gọi và sứ vụ ở trần thế của mình. Đức Giêsu Kitô đã mở đường, giờ đây các môn đệ của Người tiếp tục đi lại con đường đó. Đó chính là con đường của một Giêsu Kitô, của một Hội Thánh kitô hữu: “phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang” (Lc 24,26).
––––––––––––––––––––
Bài trước: Đức Giêsu, con người lữ hành
Bài tiếp theo: Đức Giêsu, con người của lời hứa
Gm. Giuse Võ Đức Minh
Nguồn: WHĐ