RỬA CHÂN CHO MÔN ĐỆ (Ga 13,1-15)
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Chọn đoạn văn rửa chân để đọc trong thánh lễ thứ năm Tuần Thánh thoạt tiên xem ra hơi lạ, vì ta không thấy có liên lạc nào rõ ràng giữa cử chỉ của đấng Cứu thế với mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh của Ngài mà cử hành Thánh Thể đang hiện tại hóa. Vậy phải cố gắng tìm ra ý nghĩa sau xa của bản văn bằng cách đặt nó trong tương quan với công việc cứu rỗi chúng ta.
Các tác giả đồng ý chia phúc âm Gioan làm hai phần chính: phần I gồm 12 chương đầu nói lên việc Chúa Giêsu tỏ mình cho thế gian. Phần II từ chương 13 đến chương 20 gồm những mạc khải đặc biệt Chúa Giêsu dành riêng cho các môn đệ trongbối cảnh “giờ” của Ngài (Ga 13,1), nghĩa là trong bối cảnh tử nạn và Vinh hiển của Ngài.
Được đặt ở đầu phần II của phúc âm, đoạn rửa chân có một ý nghĩa cao hơn ý nghĩa một bài học luân lý. Để hiểu hành động này trước tiên phải nhớ rằng nó liên quan mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa, và cũng đừng quên hậu cảnh Thánh Thể và phục sinh của nó.
Nếu Gioan đã thấy không cần nói đến việc thành lập phép thánh thể trong các trình thuật các biến cố của buổi Tiệc ly cuối cùng, chính là vì việc biên soạn các chương 13-17 đã được thành hình trong khung cảnh các cuộc cử hành lễ vượt qua (Phục sinh) hàng năm.
2. Các câu 1-3 không những chỉ là lời dẫn nhập của đoạn văn rửa chân, mà cả hai phần của Phúc âm Gioan nữa (ch. 13-20). Lời văn có vẻ trịnh trọng và bi thảm: cuộc đời Đức Kitô đã đạt đến cao điểm, đã đến giờ mà Ngài, nhờ cái chết, qua khỏi thế gian này để về cùng Cha Ngài và trong cái chết này, Ngài phải đương đầu với Satan, thủ lãnh thế gian (14,30).
“Trước lễ Vượt qua”, những chữ đầu tiên này rất quan trọng. Dầu người ta có giải quyết thế nào về vấn đề niên hiệu các ngày sau cùng, của cuộc đời Chúa Giêsu dưới thế này (đối với phúc âm nhất lãm, bữa tiệc ly xem ra trùng hợp với ngày lễ vượt qua của người Do thái, trong khi đó đối với Gioan, bữa tiệc ly xảy ra truóc đó một ngày), hình như chắc Gioan muốn trình bày cho chúng ta nội dung của chương 13-17 trong bối cảnh lễ vượt qua Do thái. Do đó trình thuật này sẽ được sáng tỏ hơn nếu đặt nó trong tương quan với biến cố vượt qua. Sự giải thoát của chúng ta, sự vượt qua từ cái chết đến sự sống, được đảm bảo nhờ chính cuộc vượt qua mà Đức Kitô đã thực hiện bằng viêc tự hạ mang lấy thập giá: việc tự hạ này được tiên báo trong cử chỉ khiêm tốn phục vụ thay thế các tông đồ.
Lời dẫn nhập của trình thuật này cũng cho thấy hành động cuối cùng của đời Đức Kitô là việc biểu lộ sâu xa nhất tình yêu của Ngài: “Đã yêu mến những kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (eis telos). Từ ngữ hy lạp eis telos có thể hiểu theo hai cách: “Cuối cùng, nghĩa là sau hết xét theo thời gian” và “tột cùng”, nghĩa là tuyệt đỉnh xét theo hoàn hảo”. Có lẽ ở đây có thể hiểu cả hai nghĩa. Tuy nhiên các tiếng đó nhấn mạnh sự hoàn hảo, sự sung mãn hơn. Trong khi dùng các chữ này, tác giả phúc âm muốn nói Chúa Giêsu đã yêu “các kẻ của Ngài” đến mức độ tột cùng, khi chấp nhận chết cho họ. “Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống vì bạn hữu” (15,13).
Việc Rửa Chân được đặt trong cao điểm của tình yêu của Thày đối với trò. Từ đó, theo gương Chúa Giêsu không chỉ hệ tại phục vụ anh em một việc nào đó, nhưng ở việc yêu thương hoàn hảo bằng cách thường xuyên hiến thân mình hoàn toàn phục vụ tha nhân, đến độ hy sinh ngay cả mạng sống.
Điểm lưu ý cuối cùng về phần dẫn nhập: Gioan nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu bước vào mầu nhiệm vượt qua, chấp nhận “giờ của Ngài” một cách ý thức. Ngoài ra, Đấng sửa soạn rửa chân cho các môn đệ và đang đối diện với cái chết, dưới cái nhìn của tác giả phúc âm, là Vị Chúa vinh hiển, là Con độc nhất mà Chúa Cha đã trao tất cả vào trong tay (c.3). Câu sau cùng này, khá trùng hợp với 17,2 và với lời báo Đức Kitô phục sinh trong Mt 28,18, cho thấy Gioan biên soạn trình thuật dưới ánh sáng biến cố vượt qua hầu loan truyền cho các Kitô hữu ý nghĩa cao quí và sâu sắc hàm chứa trong việc Rửa chân, ý nghĩa mà các tông đồ chưa lĩnh hội khi được rửa chân.
Thường thường người ta rửa chân khi bước vào nhà (x. Ga 19,21; Lc 7,44; 1Tm 5,10), trước lúc chuẩn bị ăn uống. Ở đây việc rửa chân diễn ra trong lúc ăn. Như thế đây không phải là dấu hiệu phục vụ khách giúp khách rủa sạch bụi đường. Thời gian Chúa Giêsu chọn để rửa chân đã là một việc khác thường.
Trong gia đình, việc rửa chân cho chủ nhà không phải là việc của gia nhân Do thái, mà là của gia nhân ngoại quốc (Strack – Bill II, 557). Nhưng đừng quá phóng đại việc này, vì vợ vẫn rửa chân cho chồng và con gái rửa chân cho cha.
Trong bối cảnh bữa tiệc ly, ngoài thời gian khác thường, còn một cử chỉ nghịch lý nữa, là Chúa Giêsu, với tư cách là một rabbi (c.13-14; một tôn sư), đã hạ mình rửa chân cho môn đệ. Thường các môn đệ giúp thày nhiều việc; đối với người Do thái, các công việc đó quan trọng đối với việc huấn luyện môn đệ hơn là các lời giảng dạy của ông thày. Ở đây, Đức Kitô đảo ngược vai trò, vì Ngài muốn nhấn mạnh đến tính cách mầu nhiệm của việc rửa chân.
Càng ngạc nhiên hơn, khi tác giả phúc âm trình bày người rửa chân trong ánh sáng vinh hiển của vị “Chúa” (c.7.13-14) có uy quyền trên tất cả (c.3), đang chuẩn bị về cùng Cha (c.1.3) để được mặc lấy quyền năng TC (17,24).
Khi hành động như thế, Chúa Giêsu biết chắc các môn đệ sẽ kinh ngạc. Ta có thể tin rằng Ngài muốn gây ra chuyện đó để lợi dụng cơ hội mà thông đạt cho họ một mạc khải quan trọng về sứ mạng của Ngài và về những yêu sách của đời Kitô hữu.
Chính vì muốn lưu ý hướng sâu xa của Chúa mà Gioan trình bày trình thuật rửa chân theo phương pháp tam phần của các giáo sĩ Do thái. Văn chương các giáo sĩ thường dùng phương thức sư phạm này là đưa ra một cử chỉ bí nhiệm – để gợi lên một vấn nạn – và sau cùng là lợi dụng cơ hội để thông truyền một giáo huấn (x. D.Daube, the New Testament and Rabbinic Judaism, London, 1956,tr. 175-183). Tuy đoản văn rửa chân có nhiều phức tạp, nhưng nó theo phương pháp này: mô tả cử chỉ bí nhiệm (c.4-5) – vấn nạn (c.6) – giải thích (12-15)
Như thế việc rửa chân cũng được xếp vào loại “dấu chỉ”. Hành động của Chúa Giêsu nói lên một mầu nhiệm, một ý nghĩa còn ẩn giấu mà các tín hữu phải tìm hiểu trong đức tin. Việc dùng hai động từ để cùng chỉ việc cởi bỏ (theinai) và mặc lại (laibein) áo xống (13,4.12) cũng như việc thí mạng và lấy lại mạng sống (10,11.15.17-18) đã cho thấy chủ ý nói trên.
Mối tương quan của trình thuật (c.4-5) với “giờ” Tử nạn và Vinh hiển (c.1-3) cũng cho thấy việc rửa chân là “dấu chỉ” của con đường tự hạ mà Chúa Giêsu đã chọn để trở về cùng Cha Ngài. Cuối cùng, mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô nói lên ý nghĩa của dấu chỉ này.
4. “Nếu Ta không rửa ngươi, tất ngươi không có phần nào với Ta” “Có phần với Ta” nghĩa là sống chung với ai (2Cr 6,15). Nếu Phêrô đứng đầu từ chối, ông sẽ cắt đứt liên hệ với thày mình. Để giải thích sự nghiêm khắc này, thánh Cyrille và Basile nói đến tội bất tuân. Nhưng đa số các tác giả muốn cắt nghĩa theo khía cạnh huyền nhiệm, thần bí: cần thiết phải được Chúa Giêsu tinh luyện mới được cứu rỗi (Origene, Ambroise, Audustin,Gregoire, Thomas, Maldonat, Calmet). Tuy nhiên, vấp phải một khó khăn khác. Ý tưởng “tinh luyện” xem ra xa lạ đối hành động của Chúa và không hề được nhắc đến trong phần giải thích. Với lại những người chủ trương cắt nghĩa theo khía cạnh huyền nhiệm, đã nêu ra nhiều lối giải thích bất đồng khó hòa hợp được. Vậy nên theo thánh Gioan Kim Khẩu cắt nghĩa đây là một bài học khiêm nhường. Nếu hành động Chúa Giêsu là một dấu chỉ khiêm nhượng, thì ít nhất đây là biểu tượng, là biểu thức sống động của việc Ngôi Lời tự hạ. Chắc chúng ta còn nhớ một đoản văn hay trong thư gởi tín hữu Philip: “Hãy có nơi anh em những tâm tư như đã có nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Ngài, phận là phận của một vị TC… song Ngài đã hủy mìn ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi. Phêrô từ chối là vì ông thấy khó chịu khi để Chúa Giêsu phải tự hạ quỳ trước mặt ông; ông đã phán tương tự khi Chúa Giêsu loan báo tử nạn (Mt 16,22; Mc 8,33) và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời: “Xéo đi sau Ta, hỡi satan. Ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng TC…” (Mt 16,23; Mc 8,33). Lúc Phêrô chống lại sự tự hạ của Chúa Giêsu, cách nào đó ông muốn làm cho chương trình cúu rỗi bị thất bại. Như thế ông làm sao thuộc về Chúa Giêsu ? Muốn thuộc về Ngài, phải chấp nhận để Ngài cứu chúng ta bằng việc tự hạ của Ngài, phải để Ngài làm.
Chúa Giêsu không chấp nhận phản ứng bộc phát của Phêrô, một phản ứng chứng tỏ ông không hiểu gì. Không được phán đoán lối hành động của Chúa từ bên ngoài, theo quan niệm loài người, Phêrô bị giam hãm trong quan niệm cũ về Đấng Messia nên không thể chấp nhận Đấng Messia tự hạ phục dịch như người nô lệ. Tuy nhiên trong ý tưởng của Chúa Giêsu, hành động này chứa đựng ý nghĩa cao xa mà Phêrô chưa lĩnh hội được: đó là việc phục dịch nô lệ ấy tiên trưng cái chết của Ngài. Chắc chắn Ngài đã loan báo cho họ biết Ngài sẽ phải chết. Và trong trường hợp đó, Ngài đã quở trách Phêrô vì đã phản đối (Mt 16,22; Mc 8,33). Phêrô đã không hiểu gì nên liền sau đó, nghĩa là sau khi rửa chân, Chúa Giêsu đã dạy cho ông một bài học. Đây là ý nghĩa đầu tiên của thành ngữ “nhưng sau này” (13,7). Tuy nhiên, cũng có thể có nghĩa là ngày hôm sau: hôm sau họ sẽ phải hiểu rõ ràng hơn, khi thấy Đấng Messia bị treo trên thập giá và đổ máu ra cho đến giọt cuối cùng.
Phêrô cũng chưa lĩnh hội được cách sâu xa mạc khải của Đức Kitô sau khi chứng kiến cảnh biến hình của Chúa, ông không thể chấp nhận việc Đấng Messia chết (Mt 16,21-23); bây giờ cái chết sắp đến, ông lại không thể chịu được việc Chúa tự hạ như một tên nô lệ. Thật ra, Phêrô đâu có chống lại chính việc rửa chân: “Vậy thì, xin rửa cả đầu và cả tay nữa”, song là chống lại quyết định của Chúa Giêsu muốn rửa cho ông, chống lại việc tự nguyện hạ mình như thế: “Thưa Ngài, Ngài mà lại rửa chân cho tôi sao ?”. Phêrô vẫn chưa hiểu rằng Chúa Giêsu, qua cử chỉ đó, tự đặt mình trong viễn cảnh đã chi phối đời Ngài mà cái chết của Ngài sẽ làm cho hoàn hảo (19,30). Ông cũng chưa biết một môn đệ đi theo Chúa Giêsu phải có thái độ phục vụ tha nhân và phục vụ hết mình (10,38-45; 9,30-35; Mt 20,21-28; Lc 22,24-30; 44-48; Ph 2,5-8), cũng không hiểu ý nghĩa đời Kitô hữu là giúp tha nhân. Tuy nhiên, ai không hiểu được vậy, sẽ không có chỗ trong nước trời hiện tại, cũng như trong Nước Trời vinh quang mai sau. Như thế, nếu lời quở trách của Chúa Giêsu không phải là lời quở trách lỗi của Phêrô, thì ít nhất cũng là lời khuyến cáo, hối thúc Phêrô mau mắn hiểu ý nghĩa đời sống của Đức Kitô và ý nghĩa đời sống Kitô hữu. Theo chương trình cứu rỗi của Chúa Cha, Chúa Giêsu phải chết ô nhục trong việc hoàn toàn từ bỏ chính mình. Đó là điều mà tất cả Kitô hữu đến lượt mình phải thực thi.
5. Khi cho Phêrô biết hiệu quả trầm trọng của việc ông từ chối, Chúa Giêsu cho thấy ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của việc Ngài làm. Tuy nhiên Phêrô không nhận ra rằng: ngoài việc rửa chân, Chúa Giêsu còn muốn nói đến việc tẩy rửa thiêng liêng, điều kiện để trở thành bạn hữu và được dự phần vào của cải thần linh. Như người đàn bà Samaritanô đối với nước hằng sống (4,15), như dân Do thái đối với bánh sự sống (6,34), Phêrô đang ở trên bình diện vật chất, nghĩ rằng thày mình chỉ đòi chấp nhận sự tẩy rửa thân xác như điều kiện thành bạn hữu của Ngài. Nếu theo gương bà Samaritanô và dân Do thái; Phêrô hối hả nhận: Thầy có thể rửa luôn cả tay chân và đầu nữa; ông sẵn sàng chấp nhận tất cả…
Câu Chúa Giêsu trả lời hoàn toàn nói đến việc thanh luyện và tẩy rửa thiêng liêng; điều này chứng tỏ Ngài đứng trên bình diện thiêng liêng dù Ngài đang nói về các thực tại vật chất, như Ngài đã làm lúc nói về Đền thờ thân xác Ngài (2,19-21) về nước hằng sống (4,10-15), bánh hằng sống (6,27-34); vì các hình ảnh vật chất đối với Ngài là biểu tượng của những thực tại thiêng liêng.
Khi Phêrô đòi được rửa cả chân tay và đầu nữa, Chúa Giêsu hiểu lời ông theo một ý nghĩa thiêng liêng. Dưới mắt Chúa Giêsu, Phêrô vừa xin Ngài tẩy rửa cách thiêng liêng, tẩy cả con người; và Chúa cho thấy việc tẩy rửa hoàn toàn như thế là vô ích. Đã tắm rồi thì người phương đông vì đi chân không nên không cần tắm nữa, chỉ cần rửa chân vì dính bụi. Đối với các môn đệ thì cũng vậy: “Các ngươi đã sạch bời Lời Ta đã nói với các ngươi” (15,3). Lời thần linh, đã được tất cả đón nhận trừ Giuda, có giá trị tẩy sạch trong nước hằng sống của Thánh Thần (3,5) đến nỗi họ không cần tẩy rửa thiêng liêng toàn diện nữa. Chỉ cần Chúa Giêsu hoàn tất trong họ việc thanh tẩy bằng cái chết trên thập giá được biểu tượng qua việc rửa chân.
6. Chúa Giêsu đã rửa chân để làm gương, để dạy một bài học sống động. Chúa Giêsu là thày, là Chúa, dùng phương thế này để ghi khắc trong tâm hồn các môn đệ rằng Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mt 20,28; Ph 2,6-11). Ngài đã sống một đời yêu thương (13,1), một tình yêu (agapê) luôn trao ban và trao ban chính mình.
Bằng dấu hiệu rửa chân lạ thường, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài hoàn toàn phục vụ con người, và phục vụ bằng chính cái chết trên thập giá. Cũng như Ngài đã cởi áo và mặc áo lại để phục vụ họ, Ngài sẽ thí mạng sống và lấy lại mạng sống (10,18) vì lợi ích của họ. Qua cử chỉ rửa chân Đức Kitô mạc khải cho chúng ta nhân cách sâu xa của Ngài: Ngài là Đấng hiện hữu cho kẻ khác, là Đấng phục vụ hoàn toàn cho anh em đồng loại.
“Ta nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi. Các ngươi cũng làm như vậy” (c.15), “Phúc cho các ngươi, nếu các ngươi làm như vậy” (c.17). Theo gương Chúa Giêsu không phải là làm lại một cách vật chất cử chỉ khiêm nhượng mà Ngài đã làm. Nhưng đúng hơn là luôn qui hướng đến việc hiến mạng sống mình, ý hướng được cụ thể hóa qua việc rửa chân.
Làm như Ngài đã làm chính là đi vào trong chuyển động của đời sống và sứ mạng Ngài, là xem cuộc hiện hữu mình như là việc phục vụ tha nhân, là hiểu rằng Kitô hữu “hiện hữu” cho người khác, bằng cách chấp nhận tôi tớ đến độ chia xẻ cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu.
Luật phục vụ này có giá trị cho mọi kitô hữu, nhưng tác giả phúc âm muốn cho chúng ta thấy luật phục vụ đó đặc biệt là lẽ sống của các tông đồ, của những người có nhiệm vụ hay quyền bính trong dân Chúa. Vì thế tác giả phúc âm đã đưa trình thuật của mình câu nói chung cho cả truyền thống phúc âm: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai phái” (c.16; Mt 10,24; Lc 6,40).
KẾT LUẬN
Nếu Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh đã giải thoát chúng ta khỏi tội và cái chết, chính là để chúng ta phục vụ TC và anh em. Hoa quả của phép Thánh Thể không gì khác hơn là sự đổ đầy tình yêu TC giúp người tín hữu biết phục vụ theo gương của thầy.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Ba câu đầu của đoạn văn rất long trọng: chúng dẫn vào các biến cố của nhà tiệc ly và cuộc tử nạn. Việc rửa chân là một phần, nhưng mới là một nghi thức chuẩn bị. Nó là yếu tố đầu tiên trong cuộc đàm thoại của Chúa Giêsu tại nhà tiệc ly và là đoạn đầu của cuộc tử nạn. Theo một nghĩa nào đó, việc rửa chân tóm kết cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như cái chết của Ngài, vì khi sống cũng như khi chết, Chúa Giêsu luôn khiêm nhường và phục vụ.
2. Đoạn phúc âm này của gioan là một trong những đoạn nói đến việc Chúa Giêsu hành động để giáo huấn các môn đệ. Chúa Giêsu biết việc giáo huấn là một hành trình tiệm tiến. Ngài nói và hành động cũng như người ta gieo giống vào trong cánh đồng, biết rằng muốn chín mùi cần phải chờ đợi thời gian. Chúa Giêsu dạy một bài học thực tế, Ngài biết rằng các hành động cụ thể là ngôn ngữ hùng hồn để đánh động và đáng nhớ nhất. Các môn đệ và các thế hệ tín hữu sẽ không bao giờ quên bài học lạ thường và rõ ràng đó về đức ái mà Chúa Giêsu đã dạy trước khi cử hành bữa tiệc ly.
3. Điều Ta làm, nay ngươi không biết, nhưng sau này ngươi sẽ hiểu”. Với lời này, Chúa Giêsu cho thấy khi dùng quyền hành để phục vụ các tông đồ, Ngài muốn tôn trọng thời gian trong việc biến đổi họ. Ngài đã có thể giáo huấn họ với ánh sáng thần linh chói lọi, nhưng Ngài đã giấu tính cách TC dưới một tấm màn nhân loại khiêm nhu. Ngay cả các tông đồ sống chung với Ngài cũng chỉ được đưa đến niềm tin trọn hảo bằng con đường tiệm tiến. Ngài thường nói với họ: “Điều Thầy nói với các con bây giờ, các con chưa hiểu được:. Ngài đã không tức giận vì họ chậm hiểu, vì họ không chấp nhận ngay con người và sứ mệnh của Ngài. Nhưng Ngài vẫn nói và hành động với uy quyền, quả quyết mình là thầy. Ngài cũng nói: điều các con không thể lĩnh hội vì thiếu hiểu biết, thì hãy chấp nhận bằng lòng tin tưởng vào thày.
4. Lời Chúa Giêsu cứng rắn đáp trả Phêrô làm chúng ta ngạc nhiên. Vì khi từ chối không để Chúa Giêsu hạ mình trước mặt ông, Phêrô đã vô tình hủy bỏ mọi ý định cứu rỗi của Chúa Cha, là Đấng muốn Con Ngài muốn cứu rỗi thế gian với tư cách là người tôi tớ khiêm nhu và hèn yếu hơn là với quyền năng chinh phục. Từ chối ý định của Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đang tỏ ra với cả tâm hồn, tức là tự tách rời khỏi Chúa Giêsu. Như Phêrô, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ mong muốn trở thành môn đệ Chúa Giêsu mà không qua đau khổ và nhục nhã như Ngài. Nhưng theo thánh ý Chúa Cha, đó là con đường duy nhất dẫn đến vinh quang.
5. Nhờ nhận lãnh Mình và Máu Chúa, người tín hữu được án sáng và sức mạnh cần thiết để chỉ hiện hữu cho Ngài và làm triển nở tình yêu mà Chúa Giêsu không ngừng thông ban. Chúng ta sắp tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, chúng ta hãy để cho Chúa đến thăm chúng ta, hãy để Ngài biến đổi chúng ta: đó chính là cuộc vượt qua của chúng ta để vào nước Trời, nơi mà tất cả đều là an bình và hạnh phúc. Cuộc vượt qua này chỉ được thể hiện tùy theo mức độ chúng ta phó thác vào sức mạnh của Chúa Kitô.