Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
Cánh cửa chót trong lời rao giảng của vị Tẩy Giả (cc. 15-18) được khai mở bằng một câu hỏi mà mọi người đặt ra: phải chăng Gioan là phẩm phán quan thuộc dòng Đavit sẽ đến thiết lập nền hòa bình và công chính mà dân trông đợi? Rõ ràng khía cạnh cánh chung trong sứ điệp của Gioan kép chú ý thính giả hơn là khía cạnh đạo đức…
Lúc đó vị Tẩy Giả định nghĩa vai trò của mình trong tương quan với Đấng sẽ đến. Việc nhận chìm trong dòng nước khác với phép rửa bằng thần khí và bằng lửa mà Chúa Kitô sẽ ban kể từ ngày Ngũ tuần (Cv 2). Vì vậy, Gioan không xứng đáng với lao dịch chỉ dành cho hàng nô lệ, đó là cởi dép cho Đấng sẽ là người cải cách phong tục một cách quyết liệt khác với kiểu của ông. Cụm từ “Đấng đến sau tôi” (x. Mt, Mc và Ga) xác nhận lúc đầu rằng Chúa Giêsu thuộc nhóm đệ tử của Gioan đã được cẩn thận sửa chữa: Chúa Giêsu chỉ đến sau vị Tẩy Giả theo nghĩa thời gian thôi! Vị sứ giả cuối cùng, theo như Gioan mô tả, trước hết là vị thẩm phán vào thời cuối cùng; Ngài sẽ tẩy sạch dân Ngài khỏi những cáu bẩn để chúng vĩnh viễn biến mất.
MẶC KHẢI THẦN LINH SAU KHI ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (3,21-22)
Khi toàn dân đều đã chịu phép rửa và khi Chúa Giêsu Kitô đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự đến… Trong một câu duy nhất của bản văn Hy Lạp, không có kết cấu giữa nghi thức tẩy rửa và hiển linh. Nghi thức tẩy rửa, biểu lộ sự liên đới hoàn toàn giữa Đức Giêsu và dân chúng, được diễn tả bằng thời quá khứ; sự hiển linh xảy ra đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện (động từ tính hiện tại). Luca cũng không nói gì về nơi chốn của hoạt cảnh về nhân vật Gioan (đã bị giam ngục!). Như thế, ông xóa bỏ những ràng buộc của mặc khải diễn ra nữa. Thiên Chúa đáp lời Chúa Giêsu đang cầu nguyện, mà không tuỳ thuộc vào phép rửa của vị Tiền hô. Như vậy, trong sách Công vụ, đã được loan báo mối liên hệ chặt chẽ giữa việc cầu nguyện của cộng đoàn Kitô và ân huệ của Thần Khí, Đấng ban sức mạnh để làm chứng.
Việc hiển linh gồm ba yếu tố: trời mở ra để có được sự thông hiệp giữa thế giới thần linh và con người, Chúa Thánh Thần hiện xuống và tiếng từ trời – Luca sẽ lấy lại những yếu tố ấy một cách kín đáo hơn trong trình thuật lễ Ngũ tuần (Cv 2,1-6), đối xứng với cảnh hiện tại. Trong Mc 3,10-11, ba yếu tố trên hợp thành một thị kiến chỉ dành cho Chúa Giêsu. Ngược lại, Luca trình bày hai yếu tố đầu như một biến cố khách quan và còn đi tới chỗ thêm “dưới một hình dáng thể xác”. Những lý do có tính cách minh giáo giống như thế dẫn ông đến việc cũng “nói quá” đi ở 24,11-13 để “chứng minh” cho Thêôphilê và những người khác thấy cái thực tại của những gì vốn không diễn tả được.
Trái với những gì xảy ra với Maccô, Thần Khí tiên tri ngự xuống Chúa Giêsu không phải là lần đầu, bởi vì từ khi sinh ra Ngài đã được Thần Khí thánh hiển để phụng sự Thiên Chúa (1,35). Đúng hơn phải nói đây là một cách cụ thể hoá sức mạnh của Thần Khí; cũng thế, Phêrô và các bạn ông, đã được đầy Thần Khí và ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,4), lại được như vậy một lần nữa trong những lần bị bách hại đầu tiên (Cv 4,31). Ý nghĩa của biểu tượng chim bồ câu ở Luca không giống như ở các tác giả Nhất Lãm; ngược lại, ý nghĩa những lưỡi như lửa ở Cv 2-3 được giải thích dễ dàng trong mối liên hệ với bối cảnh đó. Dù sao chăng nữa, trong hai trường hợp tiếng “như” biểu lộ sự bất tương xứng giữa hình ảnh của con người và thực tại không thể diễn tả nổi. Tiếp theo đó, Luca sẽ giải thích tới hai lần việc Thần Khí ngự xuống Chúa Giêsu như một việc xức dầu tiên tri để hoàn tất lời sấm của Is 61,1: trong bài giảng khai mạc ở Nagiaret (4,18) và trong một bài diễn từ cuả Phêrô (Cv 10,38).
Tiếng từ trời ở câu 22 nói gì? Trong Matthêu và Maccô- được một vài thủ bản của Luca bắt chước – tiếng nói pha trộn Tv 2,7 và Is 42,1: “Chính Con là Con Ta rất yêu dấu, Ta rất vui lòng chọn Con”. Trong Luca, tiếng ấy chỉ trích dẫn Tv 2,7 “Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con”, như vậy Chúa Giêsu được phong làm Vua Mêsia. Nói với Người ở Ngôi thứ hai, tiếng ấy không chỉ về những nhân vật khác trong trình thuật. Việc chỉ định Ngài là con thực ra không phải là một mặc khải cho Chúa Giêsu vì ngay từ Lc 2,49 Ngài đã từng nói Thiên Chúa như là Cha của mình; việc Chỉ định này cũng không làm độc giả ngạc nhiên, vì đã học biết về tử hệ của Chúa Giêsu ở Lc 1,32-35. Thiên Chúa sẽ một lần nữa chỉ định Chúa Giêsu là Con của Ngài (Lc 9,35); lúc đó sẽ nhắm tới sứ vụ thứ hai và là sứ vụ chót của Người. Rốt cuộc, những lần tôn phong liên tiếp này, mà sẽ đi đến tột đỉnh trong ngày Phục Sinh (Cv 13,33), chứng tỏ rằng vương quyền của Giêsu, Đấng Mêsia, được thực hiện từng giai đoạn.
Chú giải của Noel Quesson.
Tin Mừng theo Thánh Luca kể lại cho ta giai đoạn đầu, đời sống công khai của Đức Giêsu theo trình tự sau đây:
1. Gioan Tẩy Giả rao giảng: Các ngươi hãy hoán cải …Ngài đang đến (Lc 3,1 -18).
2. Gioan Tẩy giả bị cầm tù (Lc 3, 19-20).
3. Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,21 -22).
4. Gia phả của Đức Giêsu (Lc 3,23-58).
5. Đức Giêsu chịu cám dỗ trong thời gian 40 ngày chay tịnh tại hoang địa (Lc 4,1-13).
6. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, đặc biệt tại Na-gia- rét (Lc 4,14-30).
Một lần nữa, chúng ta lưu ý rằng, trước hết Luca không tìm cách thông tin cho ta về một chuỗi “sự kiện lịch sử”. Nếu chỉ có Tin Mừng Luca truyền lại, thì ta sẽ không biết “ai” đã làm phép rửa cho Đức Giêsu: vì Luca kể cho chúng ta việc cầm tù Gioan, trước khi cho chúng ta chứng kiến phép rửa của Đức Giêsu, mà trong nghi thức này, Luca cũng không nhác đến vị Tiền hô. Những người thời xưa (cả Luca và mọi kẻ khác) không có quan niệm tân thời như chúng ta về lịch sử. Mục đích của họ không phải là kể ra những sự kiện đơn thuần, nhưng nhằm nói với lương tâm tín hữu.
Đối với họ, ý nghĩa những sự kiện hoàn toàn thuộc về lịch sử. Do đó qua những thể thức văn chương thường được dùng đi dùng lại trong Kinh thánh, thánh sử trình bày phép rửa của Đức Giêsu vừa như một sự kiện lịch sử không thể chối cãi được (do đó có một nền tảng chung với những trình thuật đối chiếu khác), vừa như một “hành động tượng tương” (do dó, có những đặc điểm khác nhau trong mỗi Tin Mừng). Giải thích một sự kiện, không phải là chối bỏ sự kiện đó, mà cho nó là thực và định giá đúng tầm quan trọng của nó. Chẳng hạn, ở đây chúng ta thấy một sự “giải thích” của Luca: “Đức Giêsu khai mở một kỷ nguyên mới”. Giao uỡc cũ đã chấm dứt… Gioan Tẩy giả là một vị đại diện cuối cùng của giao ước cũ. Ong biến mất trước khi Đức Giêsu bắt đầu công trình của Ngài. Sự diễn giải lịch sử như thế là diễn giải đúng theo lãnh vực đức tin, nhưng chúng ta cũng không bị ngăn cản vận dụng trí tuệ để qua các chính sử khác, biết ràng thực ra, sự cầm tù Gioan Tẩy gỉa xảy ra sau đó rất lâu, và thời gian rao giảng của Đức Giêsu đã bị xén bớt rất nhiều (Mc 6,17; Mt 16,3).
Bài đọc phụng vụ Chúa Nhật này đã xếp gần lại những pha cảnh sau đây: 1. Cuộc rao giảng của Gioan (Lc 3, 15-16)… Và 2. Phép rửa của Đức Giêsu (Lc 3, 21 -22) bằng cách bỏ qua các câu trung gian kể lại sự vắng mặt của Gioan. Sự giải thích trên đây đã cho chúng ta hiểu tại sao. Phần chú giải lời rao giảng của Gioan, chúng ta gặp ở Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, hôm nay chúng ta bắt đầu bài Tin Mừng dành cho Chúa Nhật này.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa.
Kiểu nói phổ quát: “toàn dân” cũng là nét riêng của thánh Luca, mà ông thích dùng (Lc 1,10; 3,4). Luca, vị phát ngôn viên của Thiên Chúa lặp lại ở đây rằng, ơn cứu độ dành cho mọi người và sứ vụ của Đức Giêsu sắp bắt đầu sẽ dành cho tất cả. Kiểu nói này cũng muốn nói lên từ trước đến giờ Đức Giêsu hành động “như mọi người”. Và lúc Người bước ra hoạt động không có gì phân biệt Người với những công dân khác, với “toàn dân”. Đó là một người Do Thái tốt lành và tín trung, không cố tách riêng ra khỏi quần chúng Vì mọi người đều xin chịu phép rửa, nên Đức Giêsu cũng xin lãnh phép rửa.
Chúng ta lưu ý rằng, từ “toàn dân” này của Luca đúng thực biết bao: đó là đặc điểm mà ông nhấn mạnh và cũng là nét riêng của ông, so với trình thuật của các thánh sử khác.
Lạy Chúa, con nhận được sự mạc khải này, qua “từ” trên đã được linh hứng.
Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu đã hoàn toàn “nhập thể” làm “người” đến độ Ngài làm “như toàn dân”. Tôi dùng trí tưởng tượng quan sát Đức Giêsu lẫn trong đám đông một cách vô danh. Ngài đang ở đó trong dãy dài những nam nữ bình thường đang đợi đến lượt mình để nhận phép rửa. Tôi cầu nguyện nhờ suy niệm mạc khải này.
Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện.
Cầu nguyện cũng là nét riêng của trình thuật Luca thích minh chứng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đang cầu Nguyện (Lc 5,16 – 6,12 – 9,18. 28.29 – 10,21 – 11,1 – 22,23. 40,46 – 23, 34,46). Tôi cũng có thể ngừng lâu ở chi tiết này, để cầu nguyện.
Vậy thì theo Luca “hành vi đầu tiên” đánh dấu đời sống công khai của Đức Giêsu là cầu nguyện. Đây là việc đầu tiên mà chúng ta thấy Ngài làm với tư cách là một người trưởng thành. Lần đầu tiên nói tới Đức Giêsu bước vào tác vụ của Ngài, lại là nói đến việc Ngài: “đang cầu nguyện”. Và trong lúc cầu nguyện đó, Ngài sẽ nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Và khi kể lại giai đoạn đầu của Giáo hội, đến lượt mình, cũng sẽ nhận lãnh Thánh Thần (Cv 1,4-2,1-11). Do đó cầu nguyện là nhường chỗ cho Thánh Thần. Là dọn chỗ trống cho người ngự đến. Là tạo điều kiện cho người xuất hiện. Trong một đoạn khác của Tin Mừng, Luca sẽ nói với ta rằng, điều cần thiết chung nhất phải xin với Chúa, là xin người ban cho “Thần khí của Người” như thế tất cả những cái khác sẽ đến thêm sau. “Chúa Cha ngự trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11-13). Tôi có cầu nguyện với ý đó không?
Tôi có xin “phép rửa của Thần Khí” không? Theo lời loan báo của Gioan Tẩy giả: Ngài (Đức Giêsu) sẽ rửa các ngươi (sẽ dìm các người) trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16). Theo gương của Đức Giêsu cầu nguyện, tôi đã dành cho cầu nguyện vị trí nào trong đời sống của tôi? Cầu nguyện để “xin Thánh Thần” mà Chúa Cha sẵn sàng ban cho những kẻ kêu xin, có chỗ đứng như thế nào?
Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa.
Trước tiên, sự kiện trên hẳn làm ta dễ thắc mắc. Làm sao Đức Giêsu lại nhận “phép rửa tỏ lòng sám hối”? (Lc 3,3). Làm sao, Ngài không có tội lại cần phải chịu phép rửa? Câu trả lời ở phía sau, trong Tin Mừng này. “Đó là một thứ lửa mà Thầy đã đến để ném vào mặt đất. Đó là một phép rửa mà Thầy sẽ bị dìm xuống, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất (Lc 12,49-50). Phép rửa thật sự của Đức Giêsu, đó là cái chết cứu chuộc của Ngài. Khi xin chịu phép rửa “trong hàng ngũ các tội nhân” và trong suốt cuộc đời Ngài đã chấp nhận thái độ của một “hối nhân”, Đức Giêsu đã hoàn toàn liên kết với khát vọng của con người muốn cầu xin Thiên Chúa “cứu rỗi” và thanh tẩy mình. Ngài muốn thay thế cho ta là những tội nhân. Đức Giêsu không đến để lên án thế gian tội lỗi, nhưng để cứu chuộc (Ga 3,17).
Đức Giêsu “cũng chịu phép rửa”, nên không đứng từ trên cao xét đoán những yếu đuối đáng thương của tôi. Ngài liên đới với những yếu đuối đó. Phép rửa của Đức Giêsu là mô hình cho phép rửa của các Kitô hữu.
Lúc đó trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người.
Máccô nói: Bầu trời “xé ra” (Mc 1,10). Còn Luca lại viết: Trời “mở ra” không có vẻ gì là ác liệt của lối văn khải huyền cả, có thể nói còn mang tính dịu dàng nữa.
Vâng, Đức Giêsu bắt đầu một kỷ nguyên mới. Giao ước cũ đã chấm dứt. Thời Gioan Tẩy giả hăm dọa nhân loại bằng “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa (“nòi rắn độc” Lc 3,7) cũng đã chấm dứt. Một cuộc giao hòa mới được thiết lập giữa trời và đất. Trời không còn đóng kính nữa, mà đã “mở” ra. Và Thần Khí Thiên Chúa – phần của Thiên Chúa mà ta có thể thông hiệp được, đã được ban cho một người, Đức Giêsu trước khi được ban cách dồi dào cho tất cả những ai chịu “phép rửa trong Thánh Thần”: Vào ngày lễ Ngũ tuần và mỗi khi cử hành phép rữa. Tôi dành cho phép rửa của tôi một chỗ đứng nào? tôi dành cho phép rửa của các con tôi vị trí nào? Tôi dành cho Chúa Thánh Thần chỗ đứng nào trong cuộc sống thiêng liêng của tôi? Thánh Thần là Đấng không được biết nhiều ở Phương Tây, là Đấng mà Phương Đông đã bắt đầu mang lại cho chúng ta.
Đức Giêsu chính là “Đấng mà Thánh Thần ngự xuống” (Lc 4,1.4, 14.4,18).
Dưới hình dáng như chim bồ câu.
Đã có nhiều cách giải thích về câu chú thích về “dấu chỉ” dễ cảm nhận này. Phải chăng đó là nhắc lại bồ câu của biến cố Đại hồng thủy, nhằm báo trước một thế giới mới? (St 8,8). Phải chăng đó là tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa trong sách Diễm ca (Lc 2,14-5,2)? Phải chăng đó là nhắc lại cuộc sáng tạo thế gian mà Thần Khí bay là là trên mặt nước? (St 1,1).
Mỗi cách giải thích như thế, có thể trở nên khởi điểm cho một buổi cầu nguyện. Vâng, một tạo vật mới đang phát sinh. Một nhân loại mà Thiên Chúa không muốn trừng phạt nữa, vì người yêu thương nhân loại hết tình.
Lại có tiếng từ trời phán rằng.
Thiên Chúa nói với Đức Giêsu, một cách âu yếm như cha nói với con, đầy yêu thương.
Con là con của Cha.
Ở đây theo Luca, Đức Giêsu được xưng gọi theo Ngôi thứ hai. Trong khi đó, Mát-thêu kể lại cùng cảnh này, lại dùng Ngôi thứ ba: “Đây là con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Vậy theo lịch sử cách nói nào là đúng thực? Cả Luca lẫn Mátthêu đều không lưu tâm đến việc đặt câu nói như thế của thời chúng ta. Truyền thống Do Thái từ xa xưa vẫn khẳng định rằng, Thiên Chúa “duy nhất” chỉ nói bằng “một cung giọng duy nhất” (bình luận của Rachi về thập giới: Mười điều răn này được tuyên bố bằng cách chỉ phát ra một lời duy nhất, đó là điều con người không thể hiểu được, Thiên Chúa nói “một lời” và loài người nghe “nhiều lời”. Họ hiểu theo nhiều cách.
Ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
Hiển nhiên, Luca diễn giải lời duy Nhất của Thiên Chúa bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia 42,1 và Thánh Vịnh 2,7. Trích dẫn Kinh Thánh này sẽ được dùng nhiều lần để diễn tả tư cách “là con Thiên Chúa” và việc tái sinh của Đức Giêsu phục sinh, dưới cùng ngòi bút của Luca (Cv 13,33) và của một môn đệ khác của Phaolô (Dt 1,5-5,5).
Nhờ cầu nguyện, chúng ta hãy bước sâu vào mầu nhiệm của Đức Giêsu hôm nay, được sinh ra! Ở đây, không đề cập đến noãn sào của Đức Maria vào lúc đầu thai, cũng không bàn đến việc sinh hạ cậu bé còn quấn tã ở Bê-lem, nhưng lại nói về Đức Giêsu trưởng thành, vào lúc 30 tuổi! Đây là thông điệp cấp bách nhất cho nhân loại ngày nay: con người không thể mồ côi, không là kết quả của “ngẫu nhiên và tất yếu”. Nơi Đức Giêsu, nhân loại phát sinh từ một Thiên Chúa thương yêu nó. Đó là ý nghĩa phép rửa của tôi. Tôi sinh ra từ Thiên Chúa.
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
1. Câu Lc 3,19 nói đến việc gioan tẩy giả bị tống giam tách biệt đoạn văn liên quan đến Gioan tẩy giả khỏi bản văn liên quan đến Chúa Giêsu và qua đó, nó phân biệt hai thời kỳ cứu độ, như nhận xét ở 16,16 sẽ cho thấy: “Cho đến thời Gioan, thì có lề luật và các tiên tri, từ đó trở đi Nước Thiên Chúa được loan báo…”. Và vì thế từ đó về sau con đường mô tả Chúa Giêsu không còn vướng nữa. Sự kiện hai tài tử chính cùng diễn suất chưa có thể hoàn toàn loại bỏ được, nhưng Luca đã cất khỏi sự kiện này tất cả ý nghĩa hiện thực của nó. Theo 3,21-22, Chúa Giêsu chịu phép rửa như một người dân, như bất cứ người Do thái nào khác. Luca loại bỏ tất cả gì có thể làm cho độc giả tưởng rằng Gioan tẩy giả đóng vai trò quan trọng trong biến cố này. Thực vậy, ông đã không nhắc đến tên của vị tiền hô trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Điều này rất phù hợp với quan niệm của ông về ý nghĩa cuộc đời vị Tẩy giả. Vẫn theo Luca 16,16, thì Gioan tẩy giả chỉ là một tiên tri thuộc về thời kỳ cổ xưa. Điểm khởi đầu được đánh dấu bằng sứ vụ của Chúa Giêsu, chứ không phải như ở Maccô, bởi sự xuất hiện của Gioan tẩy giả.
2. Vì thế Luca không nói ai đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu. Ông chỉ nhắc đến việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong một mệnh đề phụ về thời gian, và đồng hóa phép rửa Chúa Giêsu như phép rửa các người khác (c.21) trong dân chúng. Dân chúng đã được thanh tẩy, sứ mạng của vị tiền hô đã chấm dứt. Vì thế Luca rất ý thức về sự liên đới của Chúa Giêsu với các tội nhân thống hối, nhưng ông không khai triển ý tưởng này. Ông chú tâm vào việc trao ban Thánh Linh, là trung tâm điểm của trình thuật. Đoản văn chúng ta đang nghiên cứu không mô tả phép rửa, nhưng mô tả cuộc thần hiện của phép rửa. (Trong Phúc Âm thứ tư, phép rửa sẽ không được nhắc tới nữa, Gioan không kể lại phép rửa, và thực sự mà nói, cũng không kể lại cuộc thần hiện của phép rửa, nhưng đã tường thuật rất rõ ràng chứng tá của vị Tẩy Giả tiếp liền sau cuộc thần hiện này).
3. Khi mô tả thần hiện, Luca ghi lại điểm khách quan hơn, có tính cách lịch sử hơn: “Xảy ra là…. thì trời mở ra và Thánh Thần xuống…” Khía cạnh “thị kiến” không còn nữa. Với mục đích ấy, tác giả phúc âm nhấn mạnh đến tính hiện thực bên ngoài của việc Thánh Thần ngự xuống: thay vì chỉ nói “Thánh Thần như chim câu”, ông nhấn mạnh: “Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim câu”. Tuy vậy, ông vẫn giữ lại dấu chỉ của truyền thống: trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống, lời Thiên Chúa phán. Nhưng sự can thiệp của Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thì chỉ có Luca ghi lại thôi. Đối với Luca, cuộc đời Đức Kitô (Lc 5,16; 6,12; 9,18-29; 11,1; 22,32.41.44) là một đời cầu nguyện, trong giây phút đặc biệt đó, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng không có gì lạ thường: phải chăng đó là việc chuẩn bị ám hợp nhất đồng thời cũng là lời đáp trả thông thường đối với mối tiếp xúc của Thiên Chúa? (Trong truyền thống Khải huyền, có các kinh nghiệm chuẩn bị đón nhận sự mạc khải của Thiên Chúa: Đn 2,18; 9,3tt; 10,2-3; Lc 9,28-29; Cv 9,11; 10,30; 22,17).
Nhưng chỉ ghi nhận lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một đề tài được Luca ưa thích nhất vẫn chưa đủ để giải thích sự có mặt của việc ấy trong biến cố này. Còn có một ý nghĩa sâu xa hơn: theo Luca, lời cầu nguyện của Kitô hữu cốt yếu hệ tại ở việc xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần. Trong đoạn văn chỉ mình ông ghi lại nơi chương 11,1-13, Luca dạy chúng ta về sự cầu nguyện đích thực và hiệu quả của nó. Phần cuối của đoạn này cho chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan tâm của ông về đề tài trên: “Vậy nếu các ngươi, tuy là ác, còn biết lấy của tất lành làm quà cho con cái, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho ai xin Người” (c.13).
Ta cũng nên chú ý đến mối liên hệ giữa lời cầu nguyện của cộng đoàn với ơn Thánh Thần trong Cv 4,31: “trong khi họ cầu nguyện thì chỗ họ nhóm họp rung chuyển và hết thảy được đầy Thánh Thần”. Điều đó nhắc ta nhớ đến Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2) tiếp theo sau lời cầu khẩn của nhóm tông đồ (Cv 1,13-14), những kẻ đã từng chuyên tâm cầu nguyện. Chính việc chiếm hữu Chúa Thánh Thần qua lời cầu nguyện làm cho các môn đệ của Chúa Giêsu khác biệt với môn đệ của Gioan (Apollos và Phaolô ở Êpheso, Cv 19,1-6). Dưới cái nhìn của Luca, thì việc thông ban ơn thiên sai và thần linh (Chúa Thánh Thần) khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, mở đầu cho việc tuôn tràn phổ quát đã hứa ban cho thời đại cánh chung. Một cách tương tự như thế, ông sẽ mở đầu sách Công Vụ bằng phép lạ Hiện xuống.
4. Trong tâm thức tôn giáo của cộng đoàn sơ khai, có một trào lưu đặc biệt, mà chỉ Luca ghi nhận, đã xem việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa như là việc “xức dầu”, việc hiến thánh Ngài với tư cách “Đấng được xức dầu”. Đó là phương cách mới để diễn tả ý nghĩa phép rủa của Chúa Giêsu như một lễ phong chức của Đấng Thiên sai, họ dựa vào Is 61,1.
“Các ông biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi từ Galilêa, sau phép rửa Gioan rao giảng, Thiên Chúa đã xức dầu cho Chúa Giêsu, người Nazaret, bằng Thánh Thần và quyền năng như thế nào” (Cv 10,37-38).
“Thánh Thần ngự trên tôi, bởi Người đã xức dầu thánh hiến tôi, đã sai tôi mang Tin Mừng…” (Lc 4,18).
Những bản văn như thế nói lên đà tiến của suy tư thần học. Thay vì coi việc xức dầu được thực hiện khi Chúa Giêsu Kitô phục sinh như một số văn bản cổ xưa đã làm (Cv 2,36; 4,27), người ta đã xem việc xức dầu đã được thực hiện khi Chúa Giêsu chịu phép rửa: việc xức dầu đó làm Chúa Giêsu thành Đấng “Messia”, “Đấng Kitô”, Đấng được xức dầu (l’Oint).
Lời nói phát xuất từ trời giải thích rõ hơn điểm này. Đó là lời trích Tv 2, Tv Vương đế (psaume royal) được khoa chú giải Do thái coi như có tính cách thiên sai (psaume messianique). Câu thứ bảy của Thánh vịnh này đề ra một công thức được qui định để thu nhận người nào đó làm con mình: ngày Thiên Chúa giao phó cho vua, Đấng Messia, chức vụ đặt làm người đại diện của mình. Thiên Chúa tuyên bố từ nay coi vua như con riêng của Ngài (“Con là Con Ta, hôm nay Cha sinh ra Con”) việc đó nói lên lòng ưu ái của Ngài đối với vua, nói lên ảnh hưởng thế lực và sức phù trợ của Ngài trên ông. Khi áp dụng câu Thánh Vịnh này vào phép rửa của Chúa Giêsu, thì mầu sắc vương đế đã mờ nhạt đi; nhưng đây chính là một lễ phong vương (thánh hiến cho chức vụ quan trọng qua việc thừa uỷ của Thiên Chúa) và lễ phong tước cho thiên sai (theo ý nghĩa tổng quát: giao sứ mạng cứu rỗi).
Câu Thánh Vịnh này đặt ra một vấn đề văn bản khó khăn. Tiếng nói phát xuất từ trời được các bản sao ghi lại theo hai cách khác nhau:
1. “Con là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ”
2. “Con là Con Ta, hôm nay Ta sinh ra con” (Tv 2,7).
Các thủ sao khá nhất và hầu hết các thủ sao theo câu thứ nhất; nhưng câu thứ hai, được nhóm thủ sao và giáo phụ đông phương chứng nhận (Justin, Clément, Origène, Diognète, Hilaire, Const, Apost, Audustin) thì rất cổ xưa, có thể đã xuất hiện từ giữa thế kỷ II. Người ta đã thử cắt nghĩa: việc câu hai thay thế câu nhất, coi như nguyên văn hơn, là do ý của những người sao chép muốn hòa hợp bản văn Luca với Tv 2,7 (điều đó có thể đối với Justin, là người hay tìm cách hòa hợp với Cựu Ước; biết đâu các thủ sao khác đã chép lại của ông ta). Ngược lại, việc câu nhất thay thế cho câu hai hình như là do một khuynh hướng hòa hợp mạnh hơn, hòa hợp bản văn Luca với Maccô. Cả hai lập trường đều có người ủng hộ. Dù sao, có lẽ những người sao chép đã muốn hòa hợp Luca và Maccô hơn là với Cựu Ước. Do đó, chúng tôi chọn hai câu, nghịch với BJ, nhưng đồng ý với TOB, Revised Standard Version, New English Bible, Zurich Version…
Nếu câu hai là chính trực, điều đó có nghĩa là Luca đã bỏ không muốn ám chỉ đến người tôi tớ Giavê hay Người Con chí ái của Chúa Cha (tức là đến sứ vụ cứu chuộc). Ông tập trung chú ý vào lời sấm phong tước thiên sai và tử hệ thần linh. Ý tưởng tử hệ thần linh được nói qua vế thứ hai của câu thánh vịnh (“Hôm nay Cha sinh ra Con”). Cũng trong ý tưởng đó, sau lời tuyên bố của Thiên Chúa đây, Luca sẽ đem ngay gia phả Chúa Giêsu vào, gia phả đưa Ngài lên thấu Adam “Con Thiên Chúa”.
Trong Cv 13,33, Tv 2,7 được áp dụng vào việc phục sinh của Đức Kitô: “Và chúng tôi loan báo cho anh em Tin mừng: Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cho cha ông chúng ta bằng cách cho Chúa Giêsu Phục sinh, như lời Thánh Vịnh 2: “Con là Con Ta, hôm nay Cha sinh ra Con”. Lời xác quyết này trước tiên là một tín điều; và sau này, người ta đã áp dụng câu đó không chỉ vào việc Phục sinh của Chúa Kitô, mà còn vào phép rửa của Ngài nữa.
5. Chúng ta đã thấy tước hiệu “Kitô” (được xức dầu) được đề cao khi nói về phép rửa, trước tiên đã áp dụng cho Chúa Giêsu ngày Ngài sống lại: “Thiên Chúa đã đặt làm Kitô Chúa Giêsu mà các ông đã đóng đinh” (Cv 2,36; x.4,27). Sự chuyển dịch từ biến cố Phục sinh lui biến cố phép rửa Chúa Giêsu mà (cùng với sứ vụ của Vị Tiền hô) đã tạo nên “khởi đầu của Tin Mừng” (Mc 1,1; Lc 3,23; Cv 1,22; 10,37) cho ta chứng kiến việc khai sinh của một Kitô học tiên khởi. Thật vậy, vào những ngày đầu của Giáo hội, sự sống lại của Chúa Giêsu là khởi điểm quyết định cho đức tin vào thiên chức cao trọng và siêu việt của Ngài. Rồi rất sớm, người ta đã đào sâu cái trực giác phong phú đó. Dưới ánh sáng của Thánh linh nhắc lại trong lòng tín hữu những giáo huấn của Đấng cứu thế và những biến cố trong đời công khai của Ngài (đối tượng của Tin mừng), người ta suy thấy có những đặc quyền siêu việt hoạt động trong chính cuộc sống của Chúa Giêsu: không phải chỉ khi sống lại, nhưng suốt thời gian hoạt động và ngay lúc khởi đầu công trình cứu rỗi, khi chịu phép rửa, Ngài là Đấng Messia và Con Thiên Chúa. Trong các phúc âm về thời thơ ấu, được soạn thảo về sau và ít “truyền thống” hơn những tước hiệu đó đã được dùng ngay giây phút đầu tiên của đời Chúa Giêsu (nhất là Luca). Như thế, ý nghĩa của việc Thiên Chúa can thiệp vào lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa được xác định rõ hơn, và bài trình thuật biến cố đã mang một hình thức như chúng ta đang có đây, dưới ánh sáng Phục sinh.
Vừa giảm bớt tính cách khải huyền trong cách trình bày, Luca, sử gia và tác giả Phúc Âm chuyên về cầu nguyện, đã mặc cho việc thần hiện trong phép rửa ý nghĩa chính yếu theo truyền thống sơ khai: là thánh hiến để bắt đầu sứ vụ, là phong tước thiên sai – Con Thiên Chúa cho Chúa Giêsu. Hình như ông không muốn nói lên mối liên quan với phép rửa của người Kitô hữu, nhưng ông đã nhấn mạnh hơn các phúc âm khác về thực tại tử hệ thần linh của Đức Kitô.
KẾT LUẬN
Ý nghĩa phép rửa của Chúa Giêsu được tỏ bày qua việc thần hiện xảy ra sau đó. Đấy là điểm chính yếu đã làm Luca chú ý; đây cũng là điểm chúng ta phải suy ngắm.
Bước đầu tiên được đời hoạt động của Chúa Giêsu (nối kết Ngài với vị tiên tri cuối cùng và cao cả nhất được các tiên tri) trở thành việc thánh hiến biến Ngài nên đấng thiên sai một cách long trọng: được mặc lấy quyền năng của Chúa Thánh Thần, vững chắc được tình thân mật đặc biệt và trong tương giao độc nhất với Chúa Cha, từ đây Chúa Giêsu nhận lãnh sứ mạng thực hiện công trình cứu độ, phù hợp với ý định Thiên Chúa đã vạch ra trong Kinh thánh. Ngoài việc mạc khải công việc của Đấng thiên sai, câu chuyện này cũng hé mở cho thấy một mầu nhiệm sâu xa hơn, là mầu nhiệm của chính con người Chúa Giêsu, vị thiên sai – Con Thiên Chúa. Đó chinh là ý nghĩa căn bản được khám phá ra nôi biến cố này từ ban đầu, ý nghĩa đã được làm nổi bật qua cả một mạng lưới đầy hoài niệm Thánh kinh, trong phạm vi bối cảnh Khải huyền (trời mở ra, Thánh Thần xuống, tiếng phán từ trời: đó là khung cảnh am hợp nhất để tỏ cho biết đối tượng của mạc khải trên cao thôi: đối tượng đó là sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu, đặt nền tảng trên địa vị Con Thiên Chúa của Ngài).
Được tường thuật vào lúc khai mào sứ vụ Đấng cứu thế, câu chuyện cho thấy là từ nay phải hiểu cả cuộc đời công khai của Chúa Giêsu dưới ánh sáng này (là ánh sáng đi trước vinh quang phục sinh). Và trong ngày đầu tiên ban Thánh Thần, trong ngày Con Thiên Chúa xuất hiện, thời đại cánh chung đã khai trương, thời nước trời hiển trị đã đến.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Một ngày kia, Chúa Giêsu “sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa” khi Ngài sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ họp nhau trong nhà hội và qua họ sẽ đổ tràn Thánh Thần xuống trên mọi người. Nhưng trong lúc chờ đợi, Ngài khiêm tốn hạ mình nhận phép rửa của Gioan tẩy giả như một người Do thái tầm thường thời đó. Vinh quang của Ngài phải qua con đường tự hạ. Và chính lì Ngài, Con Một của Chúa Cha, đồng hóa với đám đông không tên tuổi như thế nên Chúa Cha đã làm chứng cho Ngài nơi sông Giodan bằng cách công bố Ngài là Con của Chúa Cha, Đấng Thiên sai được Chúa Cha xức dầu bằng Thánh Thần. Biến cố này được tiên báo mầu nhiệm vượt qua, như tất cả các mầu nhiệm khác của cuộc đời Chúa Giêsu. Vì thế đối với chúng ta, đây là một giáo huấn về chính bản chất cuộc đời Kitô hữu, vì Kitô hữu nào cũng phải sống mầu nhiệm vượt qua. Cuộc sống Kitô hữu nào cũng là tự hạ và vinh quang. Tự hạ bằng cách chấp nhận phục vụ người khác trong vui tươi và yêu mến, qua cuộc sống hàng ngày. Tự hạ trong cuộc sống tầm thường và buồn tẻ như Chúa Giêsu ở Nazaret. Tự hạ của ý riêng bằng cách biết nhìn nhận lãnh vực của Thiên Chúa trong cách cư xử của mình, tự hạ trong trường kỳ kháng chiến chống lại tính ích kỷ tự nhiên, khuynh hướng thống trị anh em mình, khát vọng bẩm sinh muốn tiện nghi, lười biếng, xa hoa, khoe khoang. Với Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta phải chấp nhận địa vị tầm thường của chúng ta trong một đám đông tầm thường và biến cuộc sống tầm thường đó trở thành đời sống khiêm hạ theo Chúa Giêsu. Nhưng sự tự hạ đó chỉ kéo dài một thời gian thôi, vì một ngày kia, nếu chúng ta sống cuộc sống tầm thường như con cái Cha trên trời, thì Ngài sẽ nói với chúng ta: Con là Con Ta, hôm nay Cha sinh ra con và sẽ dẫn đưa chúng ta vào trong cuộc sống vinh quang thân tình vĩnh cửu. Và ngay từ bây giờ, nếu chúng ta cố gắng sống trung thành cuộc sống hàng ngày như con cái của Chúa Cha, thì Chúa Cha sẽ kéo chúng ta lại với Ngài và làm cho chúng ta vững tin cuộc sống tình yêu bằng những lời an ủi, bằng ánh sáng và ơn thánh đủ loại của Ngài. Ngay bây giờ cuộc sống theo gương Chúa Kitô làm cho chúng ta có thể nói với thánh Gioan: “Hãy coi lòng mến Chúa Cha ban xuống cho ta lớn lao dường nào để ta được gọi là con cái Thiên Chúa – vì thực sự chúng ta là thế (1Ga 3,1).
2. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì trời mở ra: giữa con người với Thiên Chúa, một tình thân mới có thể thành hình. Giữa Đức Kitô với Thiên Chúa, không có hàng rào ngăn cách. Điều mới lạ là Chúa Giêsu, tuy vẫn còn dính liền với thế gian, hòa lẫn trong đám tội nhân khi đến chịu phép rửa, lữ khách như họ trên đường về trời đang mở ra, chính Đức Kitô đó có thể trò truyện với Thiên Chúa, Cha Ngài mà không gì cản trở mối hiệp thông. Hàng rào mà tội lỗi dựng nên giữa Thiên Chúa và chúng ta bây giờ đã được vĩnh viễn xóa bỏ, vì có một người luôn luôn ở trước mặt Thiên Chúa. Các tầng trời xưa kia đóng lại vì tội lỗi, bây giờ lại mở ra để tuôn trào Thánh Thần xuống trên một con người biết đón nhận Thánh Thần không hạn chế. Và từ nay, qua con người Giêsu đó, mọi người đều có thể đến cùng Chúa Cha.
3. Chính trong lúc cầu nguyện mà Chúa Giêsu nhận được chứng từ của Chúa Cha và sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần. Đối với chúng ta cũng vậy, cầu nguyện là lúc thuận lợi nhất để gặp Chúa Cha và để lãnh nhận dồi dào hồng ân của Chúa Thánh Thần.