TÌM HIỂU VỀ THỰC TRẠNG CỦA TỘI[1]
Mục lục
3. Ân sủng và tội lỗi như là những thực tại tương quan với nhau 4. Sống trong ân sủng, sống trong tội |
1. Khái niệm về tội
Trong những thập niên gần đây dường như người ta ít nghe nói đến tội và con người hiện nay có lẽ đã mất đi cái ý thức về chiều kích tôn giáo của tội, thậm chí còn từ chối hay bỏ qua chiều kích ấy. Và có lẽ khi nhắc đến sự tội, thì hầu như không được giới báo chí ưa chuộng cho lắm.
Có rất nhiều lý do mà người ta nại đến để giải thích cho hiện tượng được trích dẫn ở trên. Có lẽ sự cảm nghiệm hay ý thức về tội lỗi đã dần dần biến mất trong thế giới hiện đại hôm nay. Một số người cho rằng: “Con người ngày hôm nay đã mất đi cái cảm giác về sự tội”. Đàng khác, cũng có những yếu tố tích cực khác góp phần làm cho con người ngày hôm nay ý thức sâu sắc hơn những cạm bẫy của sự dữ trong tâm hồn con người. Sai lầm và tai quái là những hiện tượng hiển nhiên tới mức không thể phủ nhận được. Con người phải khổ sở vì luôn bị sự đe doạ và luôn bị khiếp vía trước sức mạnh kinh khủng của sự dữ. Một yếu tố tích cực nữa, góp phần làm cho con người ý thức sâu sắc hơn về những sự vi phạm luân lý và sự bất công, là sự nhạy cảm tinh tế hơn đối với trách nhiệm của cá nhân và xã hội.
Bây giờ, chúng ta hãy thử tìm hiểu nguyên do tại sao, con người ngày hôm nay đã bớt đi cái ý thức về tội lỗi.
- Trước tiên, đó là sự phản kháng đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ, vì có lẽ chúng ta đã quá chú tâm và nhấn mạnh đến sự tội.
- Kế đó, là sự phản ứng nghịch lại với chủ thuyết duy luật, nặng tính cách hình thức và những ý niệm về tội và luân lý, là sự phản lại cái tính cách đo lường chính xác kể cả hai phương diện: tính chất và cường độ của tội. Tỷ dụ như: điều đó có được phép làm hay không? Nó có phải là tội nặng (grave sin) hay tội nguy tử còn được coi là tội trọng (mortal sin) hay không? Có thể nói, tất cả những điều vừa nêu trên thường là mối bận tâm lớn nhất khi chúng ta bàn đến sự tội. Mỗi chúng ta trước đây, khi được hướng dẫn để xét mình hay đi xưng tội, thì các vị hướng dẫn thường đưa ra cho chúng ta một bản, trong đó liệt kê hầu hết các thứ tội, kể cả tội trọng lẫn tội nhẹ, và chúng ta cứ việc theo đó mà tuần tự xưng thú các tội mình đã phạm. Điều này có thể được xem là hơi gò ép và đôi khi có vẻ giả tạo theo quan niệm của một số người hiện nay. Nhóm người này chống đối lại quan điểm của những ai coi việc xưng tội như chỉ là có tính cách cá nhân, một cuộc xưng thú tất cả những lỗi lầm riêng tư của chính bản thân, nhưng không hề đả động hoặc nhắc đến cái tính chất trách nhiệm xã hội hay nói đúng hơn là chiều kích xã hội của tội, mà do sự lỗi lầm hay sai trái mà chính họ đã gây nên.
- Con người hôm nay đang đặt vấn đề về việc chúng ta quá nhấn mạnh đến những tội liên quan đến vấn đề tình dục, cũng như những quan niệm quá hẹp hòi, nông cạn, do thiếu đào sâu và am tường về sự phát triển tự nhiên của tính dục con người. Điều này làm giảm đi cái khái niệm về sự tội.
- Cần phân biệt tội luân lý với cảm giác tội lỗi không hợp lý hoặc được gọi là cảm thấy có tội phi lý (irrational guilt-feelings). Khoa tâm lý chiều sâu rất chú ý đến sự kiện này. Cảm giác có tội đôi khi chỉ là kết quả của những lệnh cấm không chính đáng của siêu ngã, do giáo dục sai và do những cấm kỵ không đúng của xã hội, hay do một số tình trạng bệnh hoạn tâm lý. Điều này cần phải được chữa trị nhờ vào khoa tâm lý trị liệu. Nhưng nếu cảm giác tội lỗi (rational guilt-feelings) là chân thật thì hẳn chúng cũng có một vai trò tích cực và vì thế, khoa tâm lý trị liệu không thể tìm cách loại bỏ nó. Nói cách khác, ta không thể đồng hoá cảm giác tội lỗi và tội luân lý thực sự, mà chúng ta cần phải hoán cải và phải trả lẽ về những gì mình đã gây ra.
Nói tóm lại, có rất nhiều lý chứng cũng như nguyên do để con người có thể biện minh cho chính mình về vấn đề nhận thức sự tội. Tuy nhiên, tội không thể biến mất trong thế giới con người như lòng chúng ta hằng mong ước. Chúng ta thường được nghe nói: “Ước gì thế gian này đừng có sự tội”. Một nhà tâm lý lừng danh tên là Karl Menninger, trong tác phẩm “Whatever Became of Sin ? (tạm dịch: Điều gì trở thành tội?) đã đưa ra những ý tưởng sau đây: Một mặt ông ta chấp nhận có rất nhiều yếu tố làm giảm đi sự tự do của con người, tỷ dụ như di truyền, môi sinh, bản ngã bẩm sinh và những động lực tiềm thức…, nhưng cùng lúc ông ta cũng khẳng định rằng: chúng ta vẫn phải có trách nhiệm luân lý về những hành vi của chúng ta và thế giới ngày nay sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nếu chúng ta quan tâm đến sự ăn năn hối cải và từ bỏ con đường tội lỗi của chính mình.
Để làm cho sáng tỏ vấn đề mà chúng ta sắp sửa bàn thảo với nhau trong những phần kế tiếp, tôi xin được mạn phép trình bày cách ngắn gọn một vài vấn đề cơ bản liên quan đến cái khái niệm về tội, cũng như từ ngữ sử dụng để mô tả cái ý nghĩa bản chất của tội. Hy vọng điều này sẽ trở nên hữu ích cho chúng ta.
Trước tiên, khi nói đến ý nghĩa của tội. Trong ngôn ngữ tiếng Việt ta nhận thấy chữ “tội” chỉ là một danh từ chứ không phải là động từ. Ngược lại, ở tiếng Anh: “tội” bao gồm cả danh từ lẫn tĩnh từ và động từ, và có thể ám chỉ đến hành động. Tỷ dụ: sin, sinful, and sinfulness – I sin against God; I am a sinful person; I am living in a state of sinfulness. Thêm vào đó, trong tiếng Anh chỉ có tiếng “sin” được sử dụng để diễn tả xứng hợp với ba ý nghĩa về tội được tìm thấy trong Kinh Thánh. Vì chỉ có một từ duy nhất nhằm để diễn tả về ý nghĩa và bản chất của tội, điều ấy đã xảy ra nhiều sự lầm lẫn không cần thiết.
“Tội” được coi như là một điều kiện bất hoàn hảo mà con người đang sống ở trong đó, con người sống trong một thế giới bất thiện hảo, sống chung quanh người khác, tốt có xấu có. Chúng ta sống trong thế giới mà trong đó có bệnh hoạn, và đau khổ, và thiếu tình yêu. Khi người ta nói đến “tội nguyên tổ” thì phần lớn đó là điều mà người ta muốn ám chỉ. Một em bé được sinh ra trong thế giới như vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của em, và đó cũng chính là những sai lầm (nhược điểm) căn bản của thân phận con người. Chúng ta đã bất hòa với Thiên Chúa, với thiên nhiên, với tình yêu vì ảnh hưởng của tội, nhưng chúng ta được mời gọi để biến đổi cái thế giới ấy hầu cho nó được trở nên tốt đẹp hơn.
“Tội” cũng có thể được coi như là đã hụt mất đi một tọa điểm (missing the mark). Trong cuộc thi bắn tên, nhiều người đã cố gắng với hết khả năng của họ để có thể bắn trúng mục tiêu. Để có thể bắn tên trúng ngay giữa mục tiêu, điều này còn lệ thuộc bởi rất nhiều yếu tố: bởi tài năng thiên phú, sức mạnh, thời giờ tập dượt, điều kiện gió thổi, v.v… người ta có thể bắn trúng điểm mục tiêu hoặc cũng có thể bắn trật lất ra ngoài. Mục tiêu càng xa thì càng khó bắn trúng. Có thể ở một điểm nào đó, không ai trong chúng ta có thể bắn trúng mục tiêu cả. Điều thử thách là chúng ta hãy làm hết sức mình, tuy không phải lúc nào chúng ta cũng tham dự mọi cuộc thi như vậy và lẽ đương nhiên, chúng ta cũng không thể luôn luôn đoạt giải quán quân. Cái quan trọng là chúng ta hãy gắng hết sức mình để sống một cuộc đời tốt đẹp, xứng hợp với nhân cách của con người, cùng lúc luôn ý thức rằng chúng ta sẽ thường xuyên hụt mất tọa điểm. Ngay cả những khi như vậy, chúng ta cũng đừng nên quá thối chí nhưng hãy tưởng thưởng cho mình mỗi khi mình làm tốt.
“Tội” còn có thể nghĩa là tội lỗi cá nhân, một sự chọn lựa làm điều sai trái, tách biệt và xa lìa khỏi Thiên Chúa, khỏi anh chị em đồng loại, và ở một khía cạnh nào đó, khỏi cả bản thân chính mình. Theo cái ý nghĩa thứ ba này mà ta mang lấy trách nhiệm cá nhân về những gì ta đã gây nên.
2. Điều gì làm nên tội?
Ít ra là trong thần học Công Giáo, cần có một vài yếu tố cần thiết để cho một hành động riêng biệt trở thành tội cá nhân.
Trước tiên, hành vi phải khách quan là sai và đi nghịch lại với điều thiện hảo. Nó không phải là tội nếu điều đó không sai trái hoặc xấu luân lý, và cần phải nó nhiều chứng cứ để minh bạch rằng điều ấy là sai thực sự. Lấy một ví dụ, bà mẹ dạy cho đứa con của mình là cái nĩa lúc nào cũng phải để bên tay trái của cái dĩa. Điếu ấy đúng. Nếu giả tỷ như đứa bé đặt cái niã trên cái dĩa, trong trường hợp này có thể người mẹ coi đó là không được đúng cho lắm, nhưng điều ấy thì không thể coi như là hành động sai về mặt luân lý. Nhiều khi chúng ta cứ vơ đũa cả nắm và cho rằng điều ấy điều nọ là sai, nhưng chúng ta không chịu để tâm xét đến coi nó sai ở điểm nào, và có thể coi đó là một hành vi sai trái xét về mặt luân lý hay không? Ta sẽ bàn luận sâu hơn về điểm này trong ít phút nữa.
Kế đến, là người đó phải nhận biết và ý thức đó là một hành vi sai trái. Thỉnh thoảng thì chúng ta có thể nhận ra ngay lập tức điều gì là sai hay đúng tự chính mình, nhưng hầu như trong nhiều trường hợp, chúng ta cần nhờ người khác giải thích, hoặc cắt nghĩa cho chúng ta tại sao nó sai hoặc đúng.
Điểm thứ ba, là người đó phải hoàn toàn tự do chọn lựa để thực hiện hành vi sai trái ấy, tuy biết rằng nó là sai. Nếu thiếu đi yếu tố tự do thì có thể làm giảm đi mức độ trách nhiệm hoặc ngay cả loại bỏ trách nhiệm hoàn toàn. Những áp lực hay sự chèn ép bên ngoài, có thể làm giảm đi khả năng giải quyết vấn đề. Nói tóm lại, bất cứ điều gì lấy đi sự tự do khi chọn lựa thì đều giảm bớt tính chất trách nhiệm. Nếu tôi đấm ai đó ngay vào lỗ mũi của họ (một hành vi mà tôi biết là sai trái) trong giấc ngủ vì đang nằm mơ, hay đang khi bị đe dọa và bị áp đặt phải làm điều đó, thì trong những trường hợp như vậy, trách nhiệm về hành vi của tôi sẽ giảm bớt hay tôi không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là trong bất cứ một hành vi nhân linh nào, để có thể được xếp vào tội cá nhân hay đôi khi còn được coi như là tội chủ quan, thì tất cả ba yếu tố mà đã được nêu trên phải hiện diện.
Để cho công việc nhận định về ý nghĩa và bản chất của tội thêm phần rõ rệt hơn, tôi đề nghị là chúng ta nên đi thêm một bước nữa, là cần phải minh định và phân tích rõ rệt giữa hai sự thể: tội và sự tội (sin and sinfulness are quite distinct realities). Cho nên, trong phần trình bày của tôi, mỗi khi tôi dùng chữ “Tội” – Tội khi sử dụng ở đây thông thường nó là một động từ, ám chỉ việc phạm tội, làm điều sai trái, hay những hành động xấu xa. Còn khi nói đến “Sự tội” – ở đây nó là một danh từ, ám chỉ đến điều xấu xa, sự sai quấy, lỗi lầm, hoặc tình trạng và môi trường sống không được thấm nhuần tinh thần đạo đức cho lắm, hay cũng có thể đi nghịch lại với luân thường đạo lý ở đời.
Vậy chúng ta cần nắm vững sự khác biệt giữa “tội và sự tội,” cho nên, tội và sự tội là hai thực thể (realities) khác biệt. Một số các thần học gia luân lý trong suốt nhiều năm vừa qua đã chỉ nhấn mạnh đến “việc phạm tội”, nghĩa là đến hành động vi phạm các giới luật, chứ không đề cập đến “sự tội”, là một tình trạng và là một môi trường xấu xa đang ảnh hưởng trên cuộc sống mỗi người chúng ta, tỷ dụ việc khuyến khích ngừa thai hay phá thai, việc buôn bán cách bừa bãi thuốc xì ke ma tuý hay nghề mãi dâm đang lan tràn cách nhanh chóng tại một số quốc gia.
Có thể nói, có nhiều luân lý gia hiển nhiên đã quên rằng sự tội mà chúng ta chứng kiến trong thực tế chỉ là dấu hiệu và bệnh chứng của một tâm hồn hay một xã hội đang bệnh hoạn, thiếu tính chất đạo đức hay đang thối nát. Điều mà xuất phát từ trong tâm hồn (cõi lòng) của con người điều ấy mới làm cho người ta nên dơ bẩn.
“Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,21-23; Mt 15,17-20).
Điều mà thần học luân lý hôm nay cần, là bớt đi sự nhấn mạnh hay quá quan tâm đến việc phân tích những hành vi phạm tội, nhưng trái lại, nên để dồn tâm lực vào việc đào tạo những tâm hồn biết hướng thiện nơi con người, vì “người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,35). Trước đây, ta có xu hướng lên án những hành vi tội lỗi, nhưng có lẽ ít chú trọng đến việc giúp cho tội nhân vượt qua những thói hư nết xấu ấy, tỷ dụ việc nghiện ngập ma túy.
Nói như vậy không có nghĩa là ta không quan tâm đến hoặc cố ý giảm thiểu tối đa cái tầm mức phá hoại do tội lỗi con người đã gây nên trong thực tế. Nhưng có lẽ chúng ta cần quan tâm hơn nữa, không chỉ ở việc ghi nhận sự hiện diện của tội, mà là làm cách nào để chống trả lại tội lỗi, điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực cố gắng phanh phui nơi trú ẩn của tội lỗi ngang qua việc phân tích cách tỉ mỉ hoàn cảnh của nhân loại trong đó tội đang ngự trị. Chẳng hạn như chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tục hóa hay chủ thuyết đề cao chủ nghĩa cá nhân v.v…
Theo những gì mà chúng ta học biết từ Kinh Thánh, thì tội không chỉ đơn giản là vấn đề không tuân thủ một vài lề luật đã được đặt ra. Tội trái lại ngự trị sâu thẳm trong con người chúng ta; “Tất cả những hành động xấu xa của con người thì đều bị chi phối và ảnh hưởng bởi tình trạng tội lỗi hằng cư ngụ nơi tâm hồn của con người trước đây” (Franz Bockle).
Những hành vi coi là xấu xa, thực ra là những dấu chỉ và là triệu chứng của những gì bất ổn đang diễn ra từ tận thâm tâm của chúng ta.
Đi xa thêm một bước nữa trong việc phân biệt sự xấu xa tội lỗi, sự chọn lựa cơ bản về tội, Bockle đã đưa ra một đề nghị hữu ích rằng: trong “sự tội” chúng ta tự từ chối chính mình với Thiên Chúa, chúng ta đơn giản từ chối đón nhận và đáp trả tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta; chúng ta chối bỏ sống niềm tin phó thác nơi Thiên Chúa; chúng ta từ chối Thiên Chúa là trung tâm điểm và là nền tảng của đời sống chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến “tội”, chúng ta ám chỉ đến một sự thay thế có ý thức và chủ tâm mà chúng ta đã lựa chọn trong cuộc sống giữa Thiên Chúa và những điều khác. Chúng ta tự mãn, tự kiêu, tự đại cho rằng chính chúng ta là nền tảng duy nhất cho sự sống của mình. Chúng ta bắt đầu hành xử cách sai lầm và lạm dụng quyền hành của chính mình, và lạm dụng ngay cả kẻ khác. Nhằm thiết lập và bảo vệ cái quyền tự lập hay độc lập ra khỏi Thiên Chúa mà chúng ta tự rêu rao, chúng ta đối xử với những người khác và đối với xã hội mà ta đang sống trong cách thức nhằm lôi kéo và xúi dục họ phục vụ cho những hành động bất chính của mình, từ đó nảy sinh ra những tệ đoan như ăn cắp, lường gạt lẫn nhau, tham lam, ham mê dâm tà, ăn uống, giết người… Thực thế, tội là kết quả của những điều xấu xa bất chính (sins, indeed, are the fruits of sinfulness), và liệu chúng ta có thể sống trong tội hay không thì điều ấy lệ thuộc vào sự chọn lựa cơ bản (Fundamental Option) của chúng ta, đó chính là, chúng ta có thực sự sống cho Thiên Chúa và tha nhân hay chúng ta chỉ sống cho chính mình.
3. Ân sủng và tội lỗi như là những thực tại tương quan với nhau
Trong nỗ lực mở rộng cái tầm nhìn của chúng ta về những gì mà đã được đề cập ở trên, xét về phương diện thần học, chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về cái vấn nạn cơ bản là ý nghĩa của sự tội. Đức Thánh Cha Piô XII đã nhận định như sau: “Cái tội lớn nhất của thời đại chúng ta là chúng ta đã đánh mất cái cảm thức về tội”. Chúng ta phải thành thật mà công nhận rằng điều này rất có thể xảy ra, nhưng cùng lúc chúng ta cũng cần phải duyệt xét đến những khả năng khác liên quan đến những hoàn cảnh hoặc tình trạng khó xử trong thế giới hiện đại hôm nay. Một trong những điều có thể xảy ra là chúng ta hôm nay đã có một cảm thức mới về tội, tỉ dụ như việc vi phạm đến nhân quyền, môi sinh, công lý và hoà bình, được xuất phát từ ý niệm cơ bản của đời sống Ki-tô hữu là một cuộc canh tân đổi mới không ngừng. Nói cách khác, đời sống của chúng ta là những Ki-tô hữu phải được diễn tả qua cuộc sống thường ngày, chúng ta cần phải được lớn lên không ngừng trong tình yêu của Thiên Chúa và cả với tha nhân.
Bởi vì lý tưởng cuộc sống của Ki-tô hữu tự bản chất là một liên hệ tình yêu được thể hiện qua việc phục vụ Thiên Chúa và anh em, điều đó thật chí lý khi nói rằng ân sủng và tội lỗi như chỉ là những thực tại tương quan với nhau. Trong cấp độ cao nhất, chúng ta có thể sống trong ân sủng, được thông tri, và ngập tràn tình yêu của Thiên Chúa và anh em, hoặc chúng ta cũng có thể sống trong ích kỷ và tội lỗi.
Cuộc sống con người là một sự tiến triển không ngừng, một diễn tiến được trải dài qua thời gian nhằm chọn lựa cho mình một hướng đi; chúng ta có thể chọn để trở thành một người đáng yêu đầy khoan dung, rộng lượng, luôn cởi mở hay chúng ta cũng có thể chọn để trở thành một con người ích kỷ, nhỏ nhoi, xấu xa tội lỗi, bần tiện.
Dựa vào cái cấu trúc của cuộc sống như vậy, ngày nay con người thích nói đến những chiều hướng dẫn đến sự tội, hoặc những xu hướng tự nội tâm nơi bản tính con người, hơn là đề cập đến những hành vi xấu xa tội lỗi, mà chính những hành vi này tự nó thì dễ nhận diện và được đánh giá là những hành vi luân lý cá biệt hay những sự kiện xảy ra đơn độc.
Sự phân biệt giữa những hành vi tội lỗi và xu hướng xấu xa tội lỗi thì không có gì là mới mẻ trong lịch sử Ki-tô giáo.
Dường như điều này trước tiên, đã được Chúa Ki-tô chuẩn nhận, vì Ngài có một thói quen hơi khác thường với những người đương thời là đồng bàn với những quân thu thuế và người tội lỗi. Nhằm giải thích việc Chúa Giê-su ăn uống và liên hệ với những kẻ tội lỗi, thì Eugene Maly đã giải thích như sau: “Mặc dầu những hành vi bên ngoài của họ được xếp vào loại xấu xa, và chính họ có lẽ đã không tuân giữ các luật lệ được đề ra, nhưng những con người này lại biểu lộ một sự cởi mở tâm hồn để rộng đón tình yêu chữa lành của Thiên Chúa và quả thực họ đã thoát khỏi cái lối đầy công chính giả tạo của những kẻ luật sĩ, tự cho mình là liêm chính và nghĩ rằng mình đã được cứu rỗi nhờ vào việc tuân giữ giới luật, và như thế, họ đã đóng cửa tâm hồn của mình lại để không đón nhận con người của Đức Ki-tô.
Sự phân biệt giữa tội và sự xấu xa tội lỗi đã đưa ra một đề nghị, nhằm định mức giá trị luân lý, ta cần phải xét đến những câu hỏi sau đây: “Tôi đã sống yêu thương hoặc không sống yêu thương đến mức độ nào?” Điều hiển nhiên là cả hai cách sống: lối sống đầy yêu thương và lối sống ích kỷ đều tỏ lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể của nó, nhưng điểm mà chúng ta cần chú ý là những hành vi này không dễ nhận diện cách dễ dàng và mau lẹ, hoặc có thể nhận diện nó như là một hành động luân lý tốt hay xấu ngay lập tức. Vì có những kẻ sống hai mặt, và họ lúc nào cũng mang một mặt nạ đáng ghê tởm, làm cho mọi người ngộ nhận họ là kẻ tốt lành hay ngay thẳng, tỷ dụ như nhóm người biệt phái. Điều căn bản chân thật để có thể chỉ điểm đích danh những hành vi xấu xa của họ là với thời gian, ngang qua những quyết định của họ về việc thực tình yêu thương giúp đỡ kẻ khác hay chỉ muốn gây khổ đau cho anh em và sống ích kỷ. Lẽ đó, mà chúng ta không nên xét đoán một hành vi riêng rẻ được thực hiện ở một khoảnh khắc nào đó, nhưng tốt hơn hết là phải đặt nó vào cái bối cảnh của toàn bộ cuộc sống của người ấy, và có như thế thì ta mới xác định được có bao nhiêu hành vi liên quan đến cái chiều hướng chung là sống rộng lượng, khoan dung đầy lòng mến hoặc ngược lại. Câu hỏi cần phải nêu lên cho mỗi hành động là liệu cách hành xử như thế có biểu hiện được rằng cuộc sống của tôi đang đi về hướng hiến thân trong yêu thương không? Hay là điều đó là dấu chỉ là tôi đã tự tách rời ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa và anh em đồng loại và như thế, tôi đã trở nên một con người chỉ biết sống cho chính mình, đầy tính cách vị kỷ?
Những điều vừa đề cập ở trên đưa ra một đề nghị là sự chuyển biến từ lối sống hiến thân, yêu thương và đầy tràn ân sủng đến một lối sống vị kỷ, bần tiện nhỏ nhoi, xấu xa tội lỗi không thể diễn ra một cách bất thình lình hay ngược lại. Nói cách đơn giản, là chúng ta không thể chuyển biến từ sự sống trong ân sủng đến sống trong tội lỗi trầm trọng và đi ngược trở lại, như là việc thay đổi chiếc áo. Chúng ta khó tìm thấy một quan hệ trưởng thành, yêu thương thực sự đầy tính cách cam kết mà có thể xảy ra mỗi ngày hoặc hằng tuần từ sự việc hôm nay thì nói yêu, ngày mai thì không. Điều này không có ý nói rằng tình yêu không bao giờ chết; nhưng chỉ muốn nhấn mạnh đến cái khía cạnh là tình yêu không thể chắp cánh bay cao một cách quá nhanh chóng và dễ dàng như vậy.
4. Sống trong ân sủng, sống trong tội
Chúng ta hiện hữu ở nhiều cấp độ khác nhau do điều kiện sống, nhưng ở vào cái cấp độ sâu thẳm trong tâm hồn, con người tự đào tạo cho chính mình để có thể trở nên một mẫu người sống cho tha nhân, biết lo lắng quan tâm đến kẻ khác, một con người đầy yêu thương hay có thể trở thành một mẫu người ích kỷ và chỉ biết đến mình. Nói cách khác, chúng ta sống căn bản là có thể cho Thiên Chúa cho tha nhân, hoặc cho chính mình; chính những hành vi cá biệt của chúng ta được đánh giá nghiêm túc như là một dấu chỉ hay là một biểu lộ cho sự chọn lựa ưu tiên của chúng ta.
Người ta thường nói “của ở đâu thì lòng ở đó”. Nếu chúng ta thực lòng sống yêu thương anh em và quan tâm đến những người lân cận, thì đương nhiên chúng ta sẽ nỗ lực cố gắng lo lắng và săn sóc cho họ, khi họ thực sự cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nếu ai nói: “tôi muốn ước ao theo Chúa và cống hiến cuộc đời của mình để phục vụ tha nhân, mà chẳng bao giờ thấy họ làm bất cứ điều gì để phục vụ anh em, thì có lẽ cái ưu tiên của họ không phải là ở chỗ phục vụ mà là ở đâu đó…! Điều quan trọng nên biết là bất cứ một hành vi nào đó xuất phát từ trong tâm hồn của chúng ta – mang tính chất thực sự tự do – liệu điều đó có điều khiển và hướng dẫn chúng ta đi đến cái hướng tốt đẹp mà mình mong ước không? Nếu hành vi là sự biểu lộ con người chân thật của ta (nhìn quả thì biết cây), và nếu chúng ta thực hiện một hành vi nào đó với trọn vẹn tấm lòng tốt, thì điều đó bày tỏ cái vị trí của chúng ta đang có trong tương quan đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em đồng loại. Nhưng có phải tất cả mọi hành vi đều bày tỏ như vậy không? Có thực sự chúng ta luôn luôn để hết tâm trí vào việc mình làm? Liệu chúng ta có thể nói được rằng: hành vi của chúng ta luôn luôn diễn tả cái ý hướng thẳm sâu, sự chọn lựa căn bản cuộc sống của mình? Hay phần lớn các hành vi của chúng ta được xuất phát không phải là từ tận căn của tâm hồn mà chỉ là những bề diện hời hợt bên ngoài, và vì thế chỉ bày tỏ một phần nào đó thôi, như thế nó đã che đậy và giấu đi cái hướng sống cơ bản của chúng ta.
Nhận xét sau cùng có lẽ đúng với sự thật hơn. Những hành vi mang tính chất bên ngoài không luôn xuất phát trực tiếp từ cái tận căn tự do đích thực của chúng ta và vì thế không luôn diễn tả, biểu lộ sự tự do này . Những hành vi ngoại tại không luôn luôn diễn tả con người đích thực của chúng ta. Thực vậy, trong tận căn đời sống của chúng ta, chúng ta có thể chọn lựa, cam kết và dấn thân cho việc phục vụ, sống yêu thương Chúa và anh em, trong khi đó ở một phương diện có vẻ hơi bề ngoài hay ở vào cấp độ có thể nhìn thấy được, chúng ta thỉnh thoảng đã lơ đễnh, xao lãng thực thi những gì mà chúng ta đã đoàn hứa – có thể vì biếng nhác, vì mặc cảm hoặc vì tự mãn. Tuy nhiên, thẳm sâu trong tâm hồn của chúng ta, chúng ta vẫn muốn tiếp tục hướng cuộc sống của mình về với Thiên Chúa và sống tinh thần phục vụ anh em. Vậy thì điều mà chúng ta đang nói với nhau có nghĩa là, chúng ta không dễ rơi vào trong tình trạng tội trọng một cách dễ dàng và thường xuyên, cũng giống như trong tình yêu chân thật, chúng ta không dễ thay đổi một cách nhanh chóng và thường xuyên. Thử lấy một ví dụ, việc quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, hoặc cha mẹ và con cái, có thể thường bị căng thẳng, những không đến nổi ảnh hưởng một cách trầm trọng hoặc gây ra nguy hại đến phẩm chất và thực tại tình yêu mà họ đã trao cho nhau. Tuy nhiên, nếu cái căng thẳng ấy càng ngày càng gia tăng do sự cứng đầu, cứng cổ hoặc do sự cãi vả thường xuyên vì những chuyện không đâu và điều đó đã trở thành cái thói quen trong gia đình, thì ta có thể suy đoán khoảng một thời gian nào đó trong tương lai thì phẩm chất đời sống gia đình sẽ giảm bớt, rồi tình yêu cũng sẽ đi theo, có thể sẽ thay đổi; sau cùng nó có thể chết.
Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, sự căng thẳng ấy có thể xảy ra trong cái quan hệ cơ bản giữa ta và Thiên Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, ta phải nhớ rằng tình yêu không thể triển nở nơi không không; nó phải được nuôi dưỡng bằng những hành động yêu thương. Sau cùng, ta cần phải nhạy bén để nhận ra điều gì có thể làm giảm đi và phá hủy quan hệ tình yêu. Nói cách tích cực hơn, chúng ta có thể cho rằng sự kiên trì vững bền và sự phát triển trong đời sống ân sủng thì cũng giống như sự kiên gan bền trí và tiến triển trong tình yêu. Vậy thì tình yêu đích thực cần phải được biểu lộ qua hành động, theo như sự nhận biết của chúng ta, không phải tất cả những lời nói hay cử chỉ có vẻ nghiêm khắc thì không biểu lộ tình yêu, điều đó không đúng cho lắm. Người Việt ta có câu: “Thương con thì cho roi cho vọt, ghét con thì cho ngọt cho ngào.” Cái lối nói ấy, diễn tả phần nào cái lý lẽ chân thật của nó. Trong thực tế, chúng ta cũng nhận thấy, thỉnh thoảng đôi khi chúng ta nói hay làm điều gì đó mà nó gây nên sự khó chịu đối với những người mà ta thương mến nhất, điều này lắm lúc chúng ta không có chủ tâm cố ý và nhiều khi chúng ta cũng không thể giải thích được tại sao ta lại hành xử như vậy. Nhưng trải qua tất cả những sự kiện như vậy, lòng yêu mến của chúng ta đối họ vẫn tiếp tục phát triển. Vậy thì chúng ta có ý muốn nói rằng: đời sống ân sủng và đời sống trong tội lỗi được xác định bởi sự hiện diện hay vắng mặt của một quan hệ mật thiết giữa ta và Thiên Chúa, một quan hệ được bao gồm trước tiên, không phải là những hành động riêng rẽ biệt lập, nhưng bởi một chiều hướng cơ bản đối với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể tách rời ra khỏi Thiên Chúa và anh em đồng loại và chỉ chú trọng đến chính mình.
Sự phân biệt cơ bản giữa đời sống trong ân sủng và sống trong tội lỗi được diễn tả trong thư của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Galata (Gal 5: 16-26), tại đây Phaolô đã phân biệt giữa sự sống theo Thần Khí và sự sống theo xác thịt.
Điều mà tôi xin được nhấn mạnh ở đây là chúng ta không có ý bài bác hay chối bỏ tất cả tính chất quan trọng của hành vi, và điều này thì có nhiều lý do. Trước tiên, toàn bộ Tân Ước khẳng định sự thật là quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa thì đã được biểu lộ và nhận biết ngang qua mối liên hệ của chúng ta với anh chị em đồng loại.
“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.” (1Ga 2: 10-11)
“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.” (1Ga 4:7)
Kế đến, không dễ gì để có thể đạt được một sự hiểu biết về chính con người của mình và những động cơ thúc đẩy cá nhân, khi không để tâm cứu xét đến những hoạt động của con người chúng ta, thì quả thực là một điều thiếu khôn ngoan.
Sau cùng, chúng ta nhận thấy rằng hành động khi thực hiện thì dẫn đến hậu quả, đặc biệt là những hậu quả có ảnh hưởng xấu trực tiếp, điều ấy đôi khi ảnh hưởng rất sâu rộng đối với xã hội, đối với cá nhân và đối với tập thể, và quả thực điều ấy không thể bỏ qua cách dễ dàng, đơn giản được, hay làm ngơ không thèm quan tâm đến. Lẽ đó, ta nên thử phối hợp cả hai: thần học truyền thống và những dữ liệu nhằm giải thích cho ta biết về cái cấu trúc tâm lý nơi con người chúng ta, cũng như xem xét đến cái thực tính xã hội mà ta đang sống, điều này đòi hỏi chúng ta phải phân biệt giữa hai vấn đề được xuất phát từ việc xem xét đến những hành vi nhân linh.
5. Điều tốt và xấu luân lý đối nghịch với đúng và sai
Trên một bình diện nào đó, hành vi của chúng ta khơi dậy lên điều tốt hay xấu luân lý. Như đã được đề nghị, vấn đề này liên quan đến cái chiều hướng chọn lựa cuộc sống của chúng ta, được xuất phát từ những quyết định liên can đến tận gốc rễ nơi con người, trong thẳm sâu tâm hồn và cái trong tận căn đích thực của sự tự do chúng ta. Sự xấu xa tội lỗi trầm trọng nơi cuộc sống của một con người nào đó, là dấu chỉ và là biểu lộ của một chiều hướng chọn lựa theo kiểu sống ích kỷ, tách xa khỏi Thiên Chúa và khỏi việc phục vụ anh em đồng loại. Ta thường nghe nói: “Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu.” Những ai đã tự chọn lựa cho mình một cách sống như thế nhằm chống đối phản lại Thiên Chúa và anh em của mình, thì phải hoàn toàn lãnh lấy trách nhiệm của cái quyết định của mình. Đây quả thực là tội; có lẽ điều này được truyền thống gọi là tội nguy tử (Mortal sin). Khi chúng ta phạm tội nguy tử là chúng ta tự chọn cho mình một lối sống cơ bản đầy tính ích kỷ, hoàn toàn đối nghịch lại với Thiên Chúa.
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét đến vấn đề thứ hai được nêu lên, liên quan đến những hành vi nhân linh. Nếu như chúng ta để dành từ ngữ “tội” hoặc “sự xấu luân ly” (moral evil) nhằm để ám chỉ sự việc con người hoàn toàn tự do phá vỡ cái quan hệ căn bản yêu thương nằm thắt chặt Thiên Chúa với chúng ta và với những người anh em khác, thì chúng ta nên dùng một từ ngữ khác, chẳng hạn như “đúng” hay “sai”, để ám chỉ đến những hành vi bên ngoài, khi những hành vi này được xem như không có liên quan gì đến cái mức độ tham gia của riêng cá nhân, hoặc chủ ý, hoặc nói đến tính chất trách nhiệm của tác nhân khi đang hành sự. Nói một cách rõ hơn, là chúng ta chỉ xét đến cái bản chất của hành vi ấy mà thôi. Hành vi thì tự chính nó có thể là đúng hoặc sai. Một hành vi được coi là “sai khách quan” (objectively wrong) hoặc “sai khách quan luân lý” (objective moral wrong) khi bản chất của chính hành vi đó dẫn đến một hành động – hay có tiềm năng – gây tổn thương cũng như tác hại cho sự an toàn tính mạng của chính đương sự và cho kẻ khác. Ví dụ hành động diệt chủng.
Theo truyền thống, thần học đã thích đề cập đến luân lý khách quan (objective morality) đối nghịch với luân lý chủ quan (subjective morality). Trong bối cảnh này, một sự phân biệt đã được hình thành giữa tội khách quan (material or objective sin) và tội chủ quan (formal or subjective sin), sự khác biệt là tội chủ quan là tội duy nhất mà con người mang lấy trách nhiệm luân lý về hành vi của chính mình như thể là tội, vì chỉ trong trường hợp này thì cá nhân ấy thực sự hành động với đầy đủ sự hiểu biết, tự do và ưng thuận. Ngày nay, nhiều thần học gia cho rằng cái quan niệm về tội khách quan thì không mấy hữu ích cho lắm và có thể gây nên sự lầm lẫn trong cách thức giáo dục. Để thay thế cho cái ý niệm đó, các thần học gia thích sử dụng một lối nói đơn giản hơn được gọi là sự “sai trái khách quan luân lý”, khi muốn ám chỉ đến những hành vi luân lý mà nó có thể gây thương tổn đến mình hay người khác, nhưng không có chủ ý muốn như vậy. Ví dụ: trường hợp say rượu. Giả thiết hôm ấy là ngày lễ thành hôn của tôi và vì phép lịch sự hoặc vì phải đi chúc rượu từng bàn theo phong tục lễ cưới nên tôi hơi quá chén và vì lẽ đó tôi đã say. Lẽ dĩ nhiên, nếu những hành vi ấy có chủ tâm và làm với tính cách hoàn toàn tự do, thì nó là tội. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cùng một hành động giống như nhau được thực hiện không có chủ tâm, không ý thức được những tính chất quan trọng và tầm nguy hại của nó, hoặc bị giới hạn bởi tự do, hành động ấy vẫn được coi là một sự sai trái khách quan luân lý, nhưng tác nhân của hành vi ấy không được coi như là đã phạm tội, mặc dù họ vẫn là người gây nên hành động ấy và có thể có những hậu quả không tốt đối với họ hay với người khác. Tỷ dụ trong khi quá say rượu, tôi đã vung vít tay chân và đã đánh trúng vào mặt của người bạn ngồi bên cạnh gây cho anh bị chảy máu mũi.
Điều mà một số các thần học gia muốn trưng dẫn khi họ từ chối cái ý niệm “tội khách quan” thì nó tóm gọn ở điểm này: tự hành vi chính nó chưa hẳn là tội; tội thì phải có tội nhân; tội bắt nguồn từ chúng ta, khi chúng ta biết rằng việc đó là sai trái nhưng ngược lại vẫn chủ tâm cố ý và hoàn toàn tự do thực hiện. Để cho vấn đề được rõ rệt hơn, ta hãy xem qua sự nhận định sau đây được ăn sâu trong giả thuyết truyền thống luân lý: trong khi một vài hành vi của tôi được rõ rệt coi như là sai khách quan luân lý và hậu quả của nó có thể gây nhiều thiệt hại cho tôi, cũng như cho kẻ khác. Tuy nhiên, những hành vi ấy không thể ngay lập tức gán ghép cho tôi như là sự xấu luân lý (moral evils) hoặc tội, vì trong một vài trường hợp, sự tự do của tôi có thể bị giới hạn kinh khủng, hoặc tôi thực sự ngộ nhận trong việc định mức giá trị luân lý của một hành động đặc thù nào đó, hoặc tôi đã không để tâm chú ý trọn vẹn vào cái ý nghĩa và hệ quả của hành động ấy. Nói cách khác chính xác hơn, sự giới hạn về trình độ hiểu biết và về sự tự do của tôi, có thể giải thích lý do tại sao những hành vi mà tôi làm trong một hoàn cảnh đặc biệt thì chỉ là sự sai khách quan luân lý chứ chưa phải là tội, điều ấy cũng có thể có nhiều cách để giải thích: những lý lẽ xa thì nại tới những thói quen cố tật đã ăn sâu trong con người của tôi, hay thành kiến, những bấn loạn về thần kinh cũng như sự ám ảnh, gần hơn thì có những lý do như sau: sự ngăn trở đối với kiến thức nhận biết và sự thiếu tự do trong quyết định của mình được gây nên bởi cơn tức giận, hay sự sợ hãi.
Đến đây, có lẽ một vài điểm chúng ta có thể rút ra từ những gì chúng ta đã bàn luận với nhau ở trên, liên quan đến vấn đề “đúng và sai đối nghịch với tốt và xấu luân lý.” Cả hai khía cạnh của hành vi con người đều quan trọng, ý chúng ta muốn nói đến cái đúng hay tốt luân lý và cái sai hay xấu luân lý. Thực vậy, khi chúng ta sống trong tình trạng tội lỗi hoặc xấu luân lý, đó là khi chúng ta tự do lựa chọn cho mình với đầy đủ ý thức, tách biệt ra khỏi Thiên Chúa và anh em đồng loại, điều ấy là luôn luôn bất hạnh đối với mỗi cá nhân và ảnh hưởng cho sự phát triển đích thực của một con người, dầu vậy đi chăng nữa, ta không thể nói rằng tất cả mọi hành vi sai khách quan thì luôn luôn nhất thiết là xấu luân lý hoặc tội lỗi, luôn luôn là dấu chỉ của cuộc đoạn tuyệt trong mối tương quan căn bản giữa tình yêu Thiên Chúa – chúng ta và tha nhân.
6. Thực tại của tội
Chúng ta thử nêu lên một câu hỏi nữa: Có thực sự khó để đánh mất mối liên hệ căn bản giữa ta và Thiên Chúa, và từ đó thực sự sống trong tội lỗi?
Một điều mà ta không nghi ngờ là những đau khổ và tai hại do tội lỗi gây nên thì rất là thực. Một khi yêu ai thì chúng ta cần phải sống cho người ấy và tạo điều kiện cũng như môi trường thuận lợi để cho người ấy được phát huy toàn diện những khả năng vốn đã được phú bẩm cho họ. Nếu tội được coi như là sự từ chối tình yêu có chủ ý và như là một sự đóng góp nhằm ngăn cản việc phát triển của con người, vật thì tội ngày nay rất thực, vì con người đang bị nghiền nát, xâu xé bởi hận thù, và vô tri, bởi giáo dục, kinh tế và những bất công chính trị, bởi lòng ích kỷ, tham lam và chiến tranh. Như thế chúng ta đã để cho quyền lực của tội lỗi lan tràn và ở một cấp độ nào đó, quan niệm về sống yêu thương dường như chỉ còn là một khẩu hiệu rỗng tuếch. Thánh Tôma Aquinô đã không nghĩ rằng: một người nhiệt tâm cố gắng sống đạo đức thánh thiện và chu toàn bổn phận của một Kitô hữu sẽ dễ dàng hoặc thường xuyên tuyệt giao quan hệ yêu thương với Thiên Chúa bởi đã quay sang tội lỗi. “Mặc dầu ân sủng có thể bị đánh mất bởi duy một hành vi tội nguy tử, tuy nhiên ân sủng không dễ gì bị đánh mất, vì người sống trong ân sủng thì không dễ gì có thể vi phạm những hành vi như thế – ở đây có ý nói đến phạm tội nguy tử – vì làm như thế là đi nghịch lại với đời sống ân sủng và với bản năng hướng thiện tự nhiên của con người (St. Thomas Aquinas, De Ver., q.97, a.1, ad 9). Nói một cách khác, nếu chúng ta thực sự yêu ai, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó để có thể chủ tâm hãm hại hay gây đau khổ cho họ, và chúng ta cũng chẳng muốn làm điều gì để có thể gây nên sự sứt mẻ hay đổ vỡ mối quan hệ mà ta đã có với người ấy.
Là Kitô hữu, ơn gọi của chúng ta là sống yêu thương, hơn như vậy nữa, Kitô Giáo giải thoát con người để sống yêu thương trong sự tin tưởng. Trong quan hệ tình cảm chúng ta không thể nói rằng, tôi đã chứng minh tình yêu của tôi một lần thay cho tất cả và như thế là đủ. Thực sự trong tình yêu lúc nào cũng còn chỗ để gia tăng, tình yêu không bao giờ là đủ. Trong quan hệ tình yêu chúng ta không sống trong sự sợ hãi, sự thật là thế, nhưng luôn tự tin nơi người mình yêu. Người sống trong tình yêu là người là người đang được hưởng sự bình an và vui tươi hạnh phúc, vì họ biết rằng mình đang được yêu thương và chấp nhận. Điều này rất đúng đối với giữa chúng ta và Thiên Chúa. Từ một cái nhìn như vậy, chúng ta không nên đánh giá cái mức độ nghiêm trọng của tội bằng việc đưa ra một danh sách liệt kê tất cả các tội và tính chất nặng nhẹ của nó. Tốt hơn, người hối nhân nên tự hỏi chính mình những câu hỏi sau đây:
Tôi đã có cố tình và đã có ưng thuận gây nên sự đau khổ cho kẻ khác không?
Tôi đã có cố gắng rèn luyện và đào tạo chính mình để thực hành đức bác ái chưa?
Tôi có thực lòng yêu thương anh em và sẵn sàng dấn thân phục vụ họ chưa?
Hay tôi đã lơ đãng, thiếu bổn phận và trách nhiệm trong công việc này?
Tôi có chủ trương sống ích kỷ, không nghĩ đến ai cả và đóng kín tấm lòng của tôi lại trước những khổ đau của kẻ khác không?
Tôi có tự do huỷ hoại đời mình và cùng lúc để cho những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng lây?
Tất cả chúng ta đều là tội nhân, và chúng ta bao lâu còn sống thì chúng ta vẫn còn cái khả năng sa ngã, và như thế có lẽ chúng ta vẫn mang thân phận con người tội lỗi. Khi chúng ta phạm tội là chúng ta xúc phạm đến tình yêu, đến sự sống, đến hoà bình, và đến công lý. Một con người sống trong ân sủng, thì đời họ ngập tràn yêu thương, họ sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và tha nhân. Dầu đôi khi vì bản tính lười biếng, hay sợ sệt, hoặc vì một vài lý do nào khác, những con người này không sống yêu thương trọn vẹn như họ phải sống và như lòng họ mong muốn; người ấy có thể hành động không đồng nhất với cái tình yêu mãnh liệt chất chứa trong trái tim của họ và như thế có thể làm giảm đi mối dây liên hệ trong yêu thương, nhưng họ vẫn không tuyệt giao yêu thương. Người ấy có thể bị sao lãng đối với cái trách nhiệm ơn gọi của mình là lời mời gọi để sống yêu thương, nhưng điều ấy vẫn không thay đổi lời đoan hứa. Ví dụ đời sống tu trì của anh em chúng ta, đôi khi vì sự lười biếng hay vì tâm hồn bất an chúng ta có thể sao lãng trong việc kinh nguyện nhật tụng hay trong đời sống dấn thân của mình, tuy nhiên cái thiện ý và cái sự khao khát sống đời dâng hiến nó luôn tồn tại nơi tâm hồn chúng ta. Chúng ta đâu có tuyệt giao với ơn gọi và lời khấn hứa.
Theo truyền thống thì từ ngữ dùng để diễn tả các tình trạng được mô tả ở trên thì nó được xếp vào loại phạm tội nhẹ (sin venially), bởi vì cá nhân đương sự ấy vẫn thuộc về Chúa và là vật sở hữu của Chúa. Điều mà đương sự làm thí nó xuất phát từ cái vẻ bên ngoài của cuộc sống chứ không phải bắt nguồn từ chính tận căn đích thực con người của anh ta.
Tuy nhiên, một khi mà cá nhân đó rút lại cái quyết định của mình trước đây, bằng việc tách biệt và xa lánh Thiên Chúa cũng như anh em và chỉ sống cho chính mình mà thôi, như vậy thì hướng chọn lựa cuộc đời của anh ấy đã thay đổi và trong tình trạng như thế anh ta đã sống trong tội lỗi.
7. Kết luận
Mục đích của giáo huấn luân lý Kitô Giáo là để gây hứng khởi và mời gọi Kitô hữu hãy sống theo cuộc đời và tinh thần của Đức Kitô ngay giây phút hiện tại. “Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.” (1Ga 2:5-6) Như cha Bernard Haring đã xác tín: cuộc sống như Đức Kitô đã sống cũng là lối sống mà các Kitô hữu đang được mời gọi để dấn thân bắt chước, nó cơ bản là đời sống bí tích thánh thể, nói cách khác, nó là một cuộc sống đầy cảm tạ tri ân đối với Thiên Chúa là Cha và sống tinh thần phục vụ anh em và phục vụ thế giới mà ta đang sống.[2]
Cuộc sống Kitô hữu là cuộc sống biết ơn và phục vụ, lẽ dĩ nhiên điều đó không dễ làm, nó phải được thử thách và chứng minh. Lời cuối của Đức Kitô để lại nhằm khuyên nhủ các bạn của Ngài: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14:15) Điều đáng chú ý và nổi bật ở đây là Chúa Giêsu không nói: “Nếu các con muốn được Thầy yêu thì các con sẽ phải giữ các lệnh truyền của Thầy.” Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta thì vô vị lợi và không có tính cách đặt điều kiện. Khi chúng ta không tuân giữ các giới răn của Đức Giêsu Kitô, điều ấy vẫn không hủy diệt được tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta, “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8) Nói đúng hơn, khi chúng ta chọn để sống trong sự tội lỗi, chúng ta đã phản bội tình yêu của Ngài; chúng ta đã chê bai tình yêu đó.
Cái bi kịch của tội là không phải Thiên Chúa chối bỏ hay từ chối tội nhân, nhưng đúng hơn là tội nhân đã chọn để từ chối Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ thay đổi và ngưng, chỉ có chúng ta. Cái giao ước tình yêu bị phá vỡ bởi chúng ta, chứ không phải bởi Thiên Chúa vì Ngài là đấng luôn thành tín. Niềm vinh dự và bổn phận của mọi Kitô hữu là nhận thức rằng: chỉ bằng vào việc yêu thương anh chị em đồng loại của mình, họ mới hoàn tất hay chu toàn giới răn của Chúa. “Tất cả mọi giới răn: các ngươi chớ phạm tội ngoại tình, chớ giết người, chớ ăn cắp, chớ làm chứng dối v.v… thì đều được tóm lại trong giới răn độc nhất này: các ngươi hãy yêu thương người khác như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật vậy.” (Rm 13: 9-10). Thực vậy, trong ý nghĩa đích thực về tội, tất cả mọi tội thiếu sót (sins of commission) đều là biểu lộ của một tội trực tiếp (sins of omission) trong thực tế – đó là TỘI KHÔNG YÊU THƯƠNG.
Trích sách: Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng, Thần học luân lý một cái nhìn mới, NXB Tôn Giáo
Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng
Copyright©tác giả giữ bản quyền 2023.
LIÊN HỆ NHÀ SÁCH ĐỨC BÀ HOÀ BÌNH
Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris, phường Bến Nghé, Quận 1, Sàigòn
– Điện thoại: 0938.037.175 – (028) 3.8250.745
– Email: nsachducbahoabinh@gmail.com
– Website: https://ducbahoabinhbooks-osp.com
Xem thêm bài cùng tác giả:
[1] . Xem Lm Trần Mạnh Hùng, Thần học luân lý: một cái nhìn mới (Hà Nội NXB Tôn Giáo, 2004 và tái bản năm 2012). https://ducbahoabinhbooks-osp.com/luan-ly/than-hoc-luan-ly-mot-cai-nhin-moi/
[2] . Xem Bernard Haring, C.Ss.R., Sin in the Secular Age (N.Y Doubleday, 1974, trg 15).