TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 19. TỘI NẶNG – TỘI NHẸ
***
Hầu như ai cũng thấy các tội lỗi không có cùng mức độ nghiêm trọng như nhau. Giết người thì khác, ăn cắp món tiền nhỏ của người ta thì khác. Tuy nhiên, khi thử xác định chính xác hơn điều gì làm thành tội trọng thì xem ra lại khó khăn. Chưa kể có nhiều điều vốn được coi là “tội trọng” thì ngày nay ít người coi đó là tội, kể cả tội nhẹ.
Theo giáo huấn truyền thống, phải hội đủ ba điều kiện thì một hành vi mới bị coi là tội trọng: “Tội trọng là tội mà đối tượng của nó là một chất liệu nghiêm trọng, và ngoài ra, phạm tội đó với sự hiểu biết đầy đủ và với sự ưng thuận chủ ý” (GLHTCG số 1857).
Theo định nghĩa này, có lẽ người ta tự hỏi liệu có thể phạm tội trọng không. Chắc chắn là có những tội nghiêm trọng xét về đối tượng: sát nhân, vô đạo, ngoại tình… Nhưng còn hai điều kiện khác thì sao? Có ai phạm tội trọng “với đầy đủ sự hiểu biết” không? Thánh Tôma nói, “Mù quáng là tiền đề của tội”. Khi đối diện với tội nghiêm trọng nhất mà con người phạm phải, tức là giết chết Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chẳng thưa với Chúa Cha sao: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)? Nếu họ không biết việc họ làm thì chưa hội đủ điều kiện thứ hai, “với sự hiểu biết đầy đủ”. Tuy nhiên ở một nơi khác Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Nếu các ông đui mù thì các ông không có tội, nhưng giờ đây các ông bảo rằng mình sáng mắt, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41). Phải chăng có một thứ “nhìn mà không thấy” (x. Mc 4,12)?
Có lẽ đây là “mầu nhiệm của sự gian ác” đáng sợ nhất (2Thes 2,7), tức là mắt chúng ta mở to nhưng lại mù quáng trước sự dữ. Nhà phú hộ bị đe dọa chịu trừng phạt đời đời vì ông ta không để ý chút gì đến người nghèo Ladarô ngay trước cửa nhà. Ông ta không còn nhìn thấy Ladarô nữa vì đời sống xa hoa đã làm mờ mắt ông. Theo cách mô tả về Ngày Phán Xét Chung (Mt 25,31-46), không phải những tội cố tình phạm sẽ khiến người ta bị án phạt đời đời, nhưng đúng hơn là những tội bỏ sót, quên lãng: “Ta đói, các ngươi không cho ăn” (Mt 25,42). “Làm bộ không biết và sự cứng lòng không giảm thiểu, nhưng gia tăng tính cách cố ý của tội” (số 1859).
Vậy, điều gì làm cho một tội trọng thành “tội đưa đến sự chết” (x. 1Ga 5,16-17), khiến cho phần rỗi đời đời của linh hồn bị đe dọa? Câu trả lời của các bậc thầy về linh đạo rất hữu ích ở đây: đó là sự “yêu mình đến nỗi khinh chê Thiên Chúa” (Thánh Augustinô). Cũng các bậc thầy đó cho thấy sự khác biệt giữa tội nặng và tội nhẹ là ở hậu quả của nó: tội trọng hủy diệt tình yêu Thiên Chúa, tội nhẹ làm cho tình yêu đó bị tổn thương.
Đó là lý do tại sao chỉ có sự hoán cải sâu xa và ân sủng của Thiên Chúa mới có thể thức tỉnh linh hồn khỏi tội trọng, trong khi tội nhẹ có thể được chữa lành nhờ gia tăng tình yêu. Tuy nhiên nhiều tội nhẹ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tội nhẹ có chủ ý và nhất định không thống hối khiến chúng ta dần dần đi đến chỗ phạm tội trọng: “Các tội mà chúng ta gọi là nhẹ, bạn chớ coi thường… Nhiều vật nhỏ làm thành một khối lớn, nhiều giọt nước làm thành một dòng sông, nhiều hạt lúa làm thành một đồng lúa” (Thánh Augustinô). Phương dược tuyệt diệu mà Chúa ban cho chúng ta là cơ may đi xưng tội, trở về với tình yêu (số 1458).
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ