TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 2. NỀN TẢNG
***
“Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của bạn”. Sách Giáo Lý bắt đầu phần thứ ba về luân lý Kitô giáo bằng lời hiệu triệu của Thánh Giáo hoàng Lêô Cả (440-461), lời hiệu triệu có thể tóm tắt trong một câu khác, cũng là của Thánh Lêô Cả: Đừng sống dưới mức phẩm giá của mình.
Phẩm giá con người là từ chìa khóa trong những thảo luận ngày nay về luân lý, đạo đức, và triết học luân lý. Nhân quyền hoàn toàn và tuyệt đối dựa vào sự tôn trọng phẩm giá. Vậy, phẩm giá con người, cách riêng phẩm giá Kitô hữu, hệ tại ở cái gì?
Câu trả lời tùy thuộc vào hình ảnh, quan niệm của người ta về con người. Trả lời cho câu hỏi “Con người là ai?” sẽ xác định tầm nhìn về phẩm giá, cũng như cái làm nên luân lý, đạo đức. Do đó câu hỏi về hình ảnh con người là câu hỏi nền tảng của luân lý.
“Nhưng con người là gì? Con người đã và đang còn đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau. Thông thường, con người hoặc tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng”. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, một văn kiện quan trọng của Công đồng về luân lý, nói như thế (MV số 12).
Văn kiện cho thấy sự khác biệt rất lớn trong cách nhìn về con người. Hoặc con người được nhìn theo góc độ thuần túy duy vật, chỉ đơn thuần là một sản phẩm của tiến hóa, của tiến trình vật chất trong vũ trụ. Hoặc con người được nhìn cách bí nhiệm, theo nghĩa của phái Ngộ đạo đang phổ biến ngày nay, được coi như “một phần của Thiên Chúa”, “một cái Ngã thần thánh”. Hoặc con người được nhìn theo ý nghĩa của Kinh Thánh và mặc khải, được trân trọng như thụ tạo của Thiên Chúa, “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa tạo dựng vì chính nó” (MV số 24).
Thế nhưng làm sao chúng ta biết được con người thật sự là gì? Một đàng chúng ta tin rằng lý trí con người có thể khám phá câu trả lời nào đó, đàng khác, ánh sáng của lý trí không đủ. Chỉ có ánh sáng của mặc khải mới đưa ra câu trả lời vững chắc. Mặc khải cho chúng ta biết về con người vì mặc khải nhìn con người như một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Khẳng định nền tảng xuất hiện ngay ở trang đầu của Sách Thánh: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta, như họa ảnh của chúng ta” (St 1,26). Khẳng định này dẫn đến những hệ quả vô cùng lớn lao. Đây chính là nền tảng của phẩm giá con người. “Theo hình ảnh của Thiên Chúa” có nghĩa gì?
Trước hết, mỗi người đều có phẩm giá độc đáo, không thể hủy diệt, được Thiên Chúa tạo dựng, “có thể nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa”, do đó “có khả năng để hiểu biết trật tự muôn loài do Đấng Tạo Hóa thiết lập” (GLHTCG 1704). Sự biểu lộ đặc biệt hình ảnh thần linh nơi con người là ý chí tự do (số 1705). Tuy nhiên “hình ảnh của Thiên Chúa” cũng có nghĩa là con người không có tất cả những ưu điểm trên (lý trí, ý chí, tự do) do chính nó, con người không hoàn toàn tự lập và không thể là lề luật cho chính mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa không làm cho con người mất tự do, nhưng đúng hơn, chính nhờ đó mà con người được tự do đích thực. Chúng ta đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa: tự do, năng lực, và chính hiện hữu của mình.
Là “hình ảnh của Thiên Chúa” còn có nghĩa: cũng như Thiên Chúa không đơn độc nhưng là sự hiệp nhất của Ba Ngôi, thì con người cũng không đơn độc, con người được tạo dựng có nam có nữ, như những hữu thể sống hiệp thông (GLHTCG 1702).
Cuối cùng, nền tảng trong cách nhìn của Kitô giáo về con người còn là sự nhận biết về thảm kịch của tội, của sự dữ, đã có mặt “ngay từ đầu lịch sử” (số 1707). Vì thế, con đường mà con người bước đi là cả một cuộc chiến suốt đời giữa cái thiện và cái ác, làm điều thiện và tránh điều ác. Cũng vì thế, chiến đấu nhằm hướng tới một cuộc sống xứng với phẩm giá là đề tài lớn của Kitô giáo về cuộc đời.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ