LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ
THEO GÓC NHÌN
GIÁO HỘI NHƯ LÀ ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN
***
Hình ảnh “Sân Chư dân” được gợi lên như một yếu tố mang tính môi trường của công cuộc tân Phúc Âm hoá, một sứ vụ đòi hỏi phải có những phân định kỹ lưỡng cũng như phải chấp nhận những thách đố của thực tế. Bên cạnh những trình bày khái quát về mặt Giáo hội học, sẽ có những gợi ý thuộc lãnh vực mục vụ, hay đúng hơn, là những vấn đề thuộc phạm vi nguyên tắc, làm cơ sở cho những định hướng trong mục vụ loan báo Tin mừng. “Giáo Hội không hề muốn đóng kín các cổng Đền thờ, nhưng chân thành mời gọi mọi người nhìn kỹ hơn vào Đền thờ, đồng thời các tín hữu cũng phải sẵn sàng bạo dạn bước vào khu vực sân chư dân mang theo cả ý thức trách nhiệm đối với sứ vụ truyền bá đức tin, chủ tâm thực hiện công cuộc tân Phúc âm hoá với lòng nhiệt thành mới, phương pháp mới và cách diễn đạt mới”.
Trong các văn kiện Công Đồng Vatican II, chúng ta có thể đếm được 35 hình ảnh trích từ bộ sưu tập của Tân Ước với khoảng 80 mô tả mang tính biểu tượng về Giáo Hội. Những con số cùng lúc vừa chứng tỏ giới hạn chật hẹp của ngôn ngữ nhân loại, vừa cho thấy những chiều kích phong phú của mầu nhiệm Giáo Hội. Các hình ảnh được sử dụng để bổ túc, soi sáng cho nhau và để hoàn chỉnh những điều cần được mạc khải. Trong số đó, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo lại chọn ba hình ảnh đặc biệt để trình bày về bản chất của cộng đoàn Giáo Hội liên quan đến mầu nhiệm Ba Ngôi: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa – Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô – Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Hình ảnh thứ ba này sẽ là đề tài chúng ta sắp đề cập đến.
Khi nói đến Đền Thờ Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều luận đề liên quan như chiều kích Thánh linh học, cơ chế phẩm trật, thần học về thân xác, . . . , tuy nhiên, trong khuôn khổ giới hạn của đề tài thảo luận, chúng ta sẽ chú tâm nhiều hơn đến vị trí của ngôi Đền Thờ Giáo Hội trong công trình Phúc âm hoá, hay nói cách khác, chúng ta nhìn vào Giáo Hội như một Đền Thờ được xây dựng giữa khoảng “Sân Chư dân”. Khi nhìn từ khu vực dành cho lương dân đây, với bức ảnh toàn cảnh là ngôi Đền Thờ của Thánh Thần như đã được mô tả trong Tân ước, chúng ta tạm thời không nhìn vào tảng đá góc Kitô hay nền đá Phêrô, nhưng sẽ lưu ý nhiều hơn đến những gì đã được xây lên, những gì thấy được từ bên ngoài và những gì đang cử hành bên trong, để nhận ra vai trò của một dấu chỉ, hay nói đúng hơn, trách nhiệm của những người làm cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ nêu cao trước mặt chư dân. Như thế, phần trình bày sẽ dẫn từ hình ảnh biểu tượng để đi vào thực tại được biểu thị, trước khi minh định vai trò của một dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu trong công cuộc tân Phúc âm hoá, từ đó gợi lên những vấn đề mong được triển khai trong phần thảo luận chung với ý kiến đóng góp và chia sẻ của nhiều người.
I. BIỂU TƯỢNG VÀ THỰC TẠI
1. Biểu tượng khả giác
Trong Tân ước, chúng ta chỉ tìm thấy một vài nét phác thảo với một số góc cạnh của ngôi Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Ở đây chúng ta không dừng lại trong phần chú giải, nhưng chỉ nêu lên những chi tiết liên quan đến cộng đoàn Giáo Hội được đề cập đến qua biểu tượng Đền Thờ.
– Thân xác các Kitô hữu (1Cr 6,19), cũng như của chính Đức Kitô (Ga 2,21; Kh 21,22), là Đền thờ của Thánh Thần;
– Nơi Thần Khí ngự cũng là Đền thờ của Thiên Chúa, ngôi nhà do Thiên Chúa xây lên, là nơi thánh, được chính Thiên Chúa bảo vệ (1Cr 3,16-17);
– Trong công trình xây dựng Hội Thánh, Chúa Kitô là tảng đá góc tường, nền móng là các Tông đồ và những ngôn sứ của mạc khải Tân ước, làm nên nơi ngự trị của Ba Ngôi Thiên Chúa, ngôi Đền thánh trong Đức Chúa, ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí Ep 2, 21-22;
– Ngôi nhà thiêng liêng với những viên đá sống 1Pr 2,5;
– Nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý 1Tm 3,15;
– Đền thờ của Thiên Chúa không thể đi đôi với tà thần 2Cr 6,16
2. Thực tại mầu nhiệm
Hình ảnh ngôi Đền Thờ Chúa Thánh Thần đã khai mở những đường dẫn tín lý liên quan đến thần học về mầu nhiệm Giáo Hội.
* nét độc đáo của Ngôi Ba
Một chi tiết khá thú vị liên quan đến biểu tượng về Ba Ngôi: – Cha, Con lấy từ những hình ảnh nhất định của con người // trong khi Ngôi Ba mang hình ảnh của Khí, Gió, Hơi thở, Lửa, Nước lấy từ yếu tố thiên nhiên phi hình thể – những hình tượng Dân, Thân thể liên quan đến con người sinh động // trong khi Đền Thờ lại liên quan đến kiến trúc cố định.
Chi tiết này làm nổi bật chiều kích Thánh linh học trong luận đề Giáo hội học: – Một Thần Khí duy nhất không mang hình thể riêng để có thể chiếm đầy mọi thực thể, từ đó liên kết những thực thể cá biệt và khác biệt trong một cấu trúc xác định và duy nhất. Chính Thần khí duy nhất này là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội với các đặc sủng phong phú đa dạng được trao ban để xây dựng một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.
* nét độc đáo của Giáo Hội
– là “nhà thờ” và cũng là “Hội Thánh” – một “đền thờ” hữu hình nhưng chứa đựng những thực tại vô hình – ngôi nhà thiêng liêng được xây bằng những con người hiện sinh – những vật liệu liên kết theo “phẩm trật” nhưng vẫn là những viên đá đang sống – đã được xây dựng nhưng vẫn mãi vươn lên.
Đây chính là cấu trúc “thần-nhân”, theo mẫu thức “nhập thể” và thể hiện tính năng “bí tích” của Giáo Hội trong tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục hiện diện cách hữu hình và hoạt động cách hữu hiệu giữa nhân loại qua Giáo Hội Người đã thiết lập.
* nét độc đáo của Đền thờ Chúa Thánh Thần
Cộng đoàn và cá thể
Nếu trong hình ảnh Dân Thiên Chúa, không thể gọi riêng từng người là “dân”, hoặc trong hình ảnh Nhiệm Thể, từng người cũng chỉ là một chi thể, thì trong hình ảnh Đền thờ, đặc tính cộng đoàn lại không loại trừ tính cách cá nhân: toàn thể Giáo Hội là Đền thờ (Ep 2,22) – mỗi Giáo Hội địa phương là Đền thờ (1Cr 3,16) – và từng Kitô hữu cũng là Đền thờ (1Cr 6,19). Thánh Thần vừa là nguyên lý kiến tạo cấu trúc phổ quát, vừa là tác nhân hình thành phẩm chất đặc thù. Thánh Thần ngự trong toàn thể Giáo Hội và cũng chính Ngài ngự trong từng người tín hữu, Ngài là không khí tràn ngập và cũng là lửa được phân chia, Ngài là dòng nước vọt lên từ một nguồn mạch và cũng là gió muốn thổi đâu thì thổi.
Con người và Thiên Chúa – xây dựng và thánh hiến
Ngoài ra, ý niệm Đền thờ thường gắn liền với hình ảnh một công trình kiến trúc qui mô được dành riêng cho việc phụng tự. Và khi nói Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể hiểu công trình đó là do Thánh Thần thực hiện, được Thánh Thần thánh hiến và là nơi Thánh Thần ngự. Đối với từng cá nhân hay với Giáo Hội hoàn vũ, Chúa Thánh Thần chính là vị chủ quản công trình, điều động tất cả để xây dựng đúng theo thiết kế của Đấng sáng lập; Ngài xức dầu để Giáo Hội nên Đền thánh dành riêng cho Thiên Chúa, trong đó mỗi người dâng lên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa; Ngài đổ đầy và tác động để tất cả nên những viên đá sống xây dựng toàn thể trong đức mến (x. Ep 4,16).
Đền thờ của Chúa Thánh Thần được trang hoàng bằng các nhân đức, bằng muôn vàn ân điển: trong cấu trúc, đó là ơn phẩm trật để kiến tạo cộng đoàn, trong xây dựng, lại là các đoàn sủng, những ân huệ đặc biệt để làm tăng trưởng Giáo Hội và phục vụ tha nhân, tất cả vì lợi ích chung của mọi người.
II. ĐỀN THỜ VÀ SÂN CHƯ DÂN
Ở đây, với hình ảnh ‘Sân Chư dân”, chúng ta không có ý đi sâu vào vấn đề đối thoại giữa người tin và người không tin theo khởi xướng của Đức Bênêđictô XVI từ năm 2009, nhưng chỉ mượn hình ảnh khoảng sân chung quanh Đền Thờ để tạo thêm một yếu tố để suy tư về trách nhiệm Phúc âm hoá liên quan đến hình ảnh Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Một công trình xây dựng sẽ không nói nhưng là cho thấy. Vì thế, Giáo Hội không chỉ liên tục phải nhìn vào chính mình, nhưng còn phải nhớ là có nhiều người bên ngoài cũng đang nhìn Giáo Hội. Giữa trần thế, Giáo Hội là ngôi đền xây trên núi, là ngọn đèn đặt trên giá cao.Từ sân Chư dân, rất nhiều người đang quan sát, đang tìm hiểu với ít nhiều thiện cảm, đồng thời cũng không thiếu những người sẵn sàng để phê bình, công kích, thậm chí để phá hoại.
Không còn ngăn cách
Tại Đền thờ Giêrusalem, sân chư dân tách biệt với sân người Do Thái bởi mấy bậc cấp và một lan can bằng đá có ghi lệnh cấm người ngoại vượt qua, ai vi phạm sẽ bị án tử hình. Khi Đức Kitô đến, Người đã hy sinh chính thân mình trên thập giá để triệt hạ những rào cản, những cách ngăn, để liên kết tất cả trong một Thần Khí duy nhất, xây dựng thành ngôi đền thánh, đưa mọi người đến cùng Chúa Cha (x. Ep 2,14-22).
Rào chắn đã một lần được dở bỏ, nhưng trong thực tế đã nhiều lần bị dựng lại giữa nhóm tín hữu và cộng đồng lương dân. Những ngăn cách tuy không hẳn mang tính loại trừ, nhưng chắc chằn đã gây khó khăn cho tiếp xúc và đối thoại do những thành kiến, bảo thủ, đưa đến e dè ngần ngại, hoang mang và khép kín.
Mở rộng lối vào
Khi khởi xướng thể thức đối thoại “Sân Chư dân”, và đặc biệt, khi quyết định triệu tập Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào năm 2012 để thảo luận về chủ đề: Tân Phúc Âm hoá để truyền bá Đức Tin Kitô giáo, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI như muốn xác định một lần nữa, Giáo Hội không hề muốn đóng kín các cổng Đền thờ, nhưng chân thành mời gọi mọi người nhìn kỹ hơn vào Đền thờ, đồng thời các tín hữu cũng phải sẵn sàng bạo dạn bước vào khu vực sân chư dân mang theo cả ý thức trách nhiệm đối với sứ vụ truyền bá đức tin, chủ tâm thực hiện công cuộc tân Phúc âm hoá với lòng nhiệt thành mới, phương pháp mới và cách diễn đạt mới. Chia sẻ nỗi thao thức của Mẹ Giáo Hội, và muốn chung nhịp bước với Thượng Hội Đồng Giám mục, chúng ta cùng trao đổi về phương thức Phúc âm hoá được gợi ý từ Tin mừng Gioan 1,35-39, với lời giới thiệu của vị Tiền hô và lời mời gọi của Đức Giêsu “hãy đến mà xem”, được trình bày theo mô hình biểu tượng như Lời giới thiệu giữa sân chư dân và Lời chứng giữa lòng Đền thờ.
LỜI GIỚI THIỆU GIỮA SÂN CHƯ DÂN
Khi bước vào “Sân chư dân”, chúng ta đi vào một khung cảnh sinh hoạt đa dạng và phức tạp. Theo sự phân định của bản Đề cương Thượng Hội Đồng Giám mục 2012, ở đó, các Kitô hữu sẽ gặp gỡ thế giới trong những cảnh trí đầy màu sắc của một xã hội đang nhanh chóng đổi thay trong mọi lãnh vực, từ xã hội, văn hoá đến chính trị, dân sự và tôn giáo. Một thoáng nhìn khái quát sẽ tạo tiền đề cho những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong tiến trình Phúc âm hoá chính bản thân chúng ta và mọi người chung quanh.
Bối cảnh văn hoá
Chủ nghĩa tục hoá khiến con người mất đi khả năng nghe và hiểu những lời của Tin Mừng như một thông điệp sống động và đem lại sự sống. Chủ nghĩa tục hoá xuất hiện trong quan niệm về một cuộc sống không cần đến thế giới siêu việt. Tuy không trực tiếp phủ nhận Thiên Chúa, tôn giáo hay Kitô giáo, phong trào tục hoá mang những hình thái văn hoá tinh tế vẫn thâm nhập vào đời sống tâm linh và kết tụ trong một não trạng âm thầm gạt bỏ Thiên Chúa hoàn toàn hay một phần trong đời sống và ý thức con người.
Một số tín hữu đã không thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa tục hoá, biến tướng thành chủ nghĩa tương đối, kéo theo chủ trương khoái lạc và hưởng thụ, mở đường cho nguy cơ đánh mất cả những yếu tố cơ bản của đức tin, rơi vào tình trạng thui chột thiêng liêng và tâm hồn trống rỗng, hoặc chọn những hình thức thay thế tôn giáo và thái độ tâm linh mơ hồ.
Trước chủ nghĩa tục hoá lan tràn đó, làm thế nào để giới thiệu cho chư dân Đức Kitô là đường, là sự thật và là sự sống? Đồng thời, làm thế nào để việc tân phúc âm hoá cổ vũ cho những cộng đoàn Kitô hữu mệt mỏi biết khám phá lại niềm vui của kinh nghiệm Kitô giáo, vượt khỏi tình trạng không nóng không lạnh để tìm lại “tình yêu ban đầu đã mất” (Kh 2:4)?
Cận cảnh xã hội
Hiện tượng di dân đại trà đang làm thay đổi bản đồ mật độ dân số của các thành phố, các quốc gia và các châu lục. Sự gặp gỡ và pha trộn văn hoá tạo thêm nét phong phú nhưng cũng có thể làm suy thoái và xói mòn các tiêu chuẩn nền tảng của cuộc sống, đảo lộn các giá trị, làm xấu đi những mối quan hệ nhân bản, làm nhạt nhoà những truyền thống đã từng tạo nền cho ý nghĩa của lịch sử dân tộc và căn tính cá nhân. Trong khi đó, hiện tượng toàn cầu hoá làm khởi sinh những hình thức liên đới mới và những cách thức mới để chia sẻ những thiện ích của phát triển cho mọi người. nhưng đồng thời cũng đang gây nên những chuyển biến phức tạp trong lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội,
Làm thế nào để có thể nêu lên vấn đề Thiên Chúa cho những con người đang bị chi phối bởi tiến trình pha trộn văn hoá và xây dựng lại cấu trúc xã hội, trong những khung cảnh và địa điểm hoặc bị cắt đứt với môi trường đức tin, hoặc chưa bao giờ có được cơ hội gặp gỡ?
Viễn cảnh truyền thông xã hội
Các phương tiện truyền thông xã hội đã mau chóng trở thành “diễn đàn” của đời sống công cộng và sự tương tác xã hội. Ngoài những lợi ích nhất định, các khả năng truyền thông vẫn mang theo mình những nguy cơ nội tại, có thể đưa con người đi đến thái độ ích kỷ, giản lược các mối quan hệ và các ràng buộc xã hội, làm mất đi các giá trị khách quan của kinh nghiệm, suy tư và tư tưởng, gây tha hoá dần dần các chiều kích đạo đức và xã hội, và sau cùng hình thành một nền văn hoá tập trung vào những cái mới lạ nhất thời, giây phút hiện tại và những vẻ hào nhoáng bề ngoài, trên thực tế là tạo nên một xã hội không có khả năng nhớ lại quá khứ và không có ý thức về tương lai.
Làm thế nào để chứng tỏ sự bạo dạn trong những “đấu trường mới” này, và tìm ra những phương tiện và cách thức để bảo toàn di sản giáo dục và tri thức của Hội Thánh?
Khung cảnh kinh tế, khoa học kỹ thuật và chính trị
Tình trạng khủng hoảng kinh tế trường kỳ ngày nay cho thấy vấn đề sử dụng các nguồn lực vật chất vẫn chưa tìm ra được những nguyên tắc cho một thị trường toàn cầu có khả năng bảo vệ sự công bằng giữa các dân tộc. Khoa học và kỹ thuật có nguy cơ trở thành những thần tượng mới, thậm chí được coi như một tôn giáo mới, mặc dù biết đó chỉ là những câu trả lời phiến diện và bất toàn. Các lực lượng chính trị tạo ra những nguy cơ và cám dỗ mới về khả năng thống trị và quyền lực.
Trong khung cảnh này, làm thế nào để loan báo Tin Mừng Đức Kitô, góp phần xây dựng nền văn minh tình thương, kiến tạo công lý và hoà bình, bảo đảm nhân quyền, bênh vực và nâng đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường?
Như thế, giữa sân chư dân, để tiến hành công cuộc Tân phúc âm hoá, tất cả chúng ta cần có một phong cách hành động dũng cảm, một khả năng biết nhận định và phân tích các dấu chỉ thời đại để tích cực rao giảng và làm chứng hữu hiệu cho Đức Kitô và Tin Mừng cứu độ của Người.
Hồng ân và trách nhiệm
Giữa lòng đám đông trong khoảng sân rộng của thế giới, các Kitô hữu vẫn hằng ngày hiện diện, mang theo Tin Mừng của Đức Kitô khi gặp gỡ mọi người (x. 2Cr 10,14). Để giới thiệu Tin mừng, lời rao giảng và huấn giáo là cần thiết, nhưng chính cuộc sống sẽ là tiếng nói gần gũi, dễ nghe thấy và dễ được tiếp nhận nhất. Bản Đề cương xác tín rằng “đời sống hằng ngày sẽ giúp chúng ta biết có thể tìm thấy những “sân của Dân Ngoại”, những nơi mà lời nói của chúng ta không chỉ được nghe thấy dễ dàng, mà còn có ý nghĩa và là một phương thuốc chữa lành những bệnh tật của nhân loại” (xem Đề cương, số 19). Được tô điểm bằng muôn ân huệ của Thánh Thần, các Kitô hữu phải thật sự trở nên những viên đá sống động, những viên đá xây nên ngôi Đền thờ ngay trong tầm nhìn của mọi người, những viên đá có thể sờ chạm được trong những tiếp xúc gặp gỡ thường ngày, những viên đá có khả năng làm vọng lại những lời của Tin mừng được công bố trong Đền thờ.
Để lời giới thiệu của các tín hữu không bị nhấn chìm giữa một khung cảnh ồn ào hay tan loãng giữa khoảng không cách biệt, nhưng được thực sự hợp thời và hữu hiệu, bản Đề cương nêu lên vấn đề phân định và đối diện thách đố như hai điều kiện cần thiết trong công cuộc tân Phúc âm hoá.
Giữa một xã hội nhân loại đang bị dao động trước những biến chuyển quá sâu, quá rộng và quá nhanh, đang bị căng thẳng, hoang mang, nghi ngờ, sợ hãi vì mất cân bằng, thậm chí mất cả phương hướng, các Kitô hữu được mời gọi phải thực hiện một tiến trình phân định với những giai đoạn lắng nghe, hiểu biết và giải thích những gì đang diễn ra trên thế giới. “Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi này, Hội Thánh có những vấn đề phải xét đến, những hiện tượng phải tìm hiểu, những việc thực hành phải chỉnh đốn và những chương trình và tình huống sống thực phải thấm nhuần một cách mới mẻ Tin Mừng của hi vọng” (xem Đề cương, số 4)
Như thế, cần đặt lại vấn đề các thực hành quen thuộc và phương cách hành động truyền thống, phải suy xét lại về cách thức rao giảng và truyền đạt đức tin, trong thái độ can đảm đối diện với những thách đố của con người và thời đại hôm nay, để có thể tiến hành việc tân Phúc âm hoá nhớ các phân định hợp lý và hợp thời.
LỜI CHỨNG TRONG LÒNG DỀN THỜ
Từ sân chư dân, những người bên ngoài, tuy không tham dự và cũng không hiểu rõ tất cả những gì đang diễn ra bên trong Đền thờ, khu vực dành riêng cho tín hữu, nhưng họ vẫn luôn nhìn thấy những người bên trong. Từ góc nhìn Phúc âm hoá, chúng ta có thể thấy rõ trách nhiệm của cộng đoàn và của từng Kitô hữu về phẩm cách chứng nhân cần được thể hiện trước mặt mọi người chung quanh.
Thánh Phaolô như thể đã thao thức nhiều về vẻ đẹp của ngôi đền Hội Thánh. Trong các thư ngài gửi, hình ảnh Đền Thờ đều được vẽ ra trên những cảnh nền sinh hoạt thực tế tại các Giáo đoàn: hoặc trên khoảng màu loang lỗ của những chia rẽ trong cộng đoàn, hay mảng tối của tội tà dâm nơi các tín hữu tại Côrintô (x.1Cr 3, 1-17; 6,12-20); hoặc trên khung nền của những mối liên hệ phức tạp giữa các Kitô hữu và người Do thái hay dân ngoại (x. Ep 2,11-22; 2Cr 6,11-18); hoặc ngay trên chính những hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc điều hành cộng đoàn (x. 1Tm 3,1-16). Nói chung, Phaolô nhớ đến hình ảnh Đền thờ mỗi khi muốn nhắc nhở cộng đoàn về phẩm cách cao quý của ơn gọi Kitô hữu, về cách thức thể hiện ơn gọi đó giữa lòng Giáo Hội, một Giáo Hội, theo cách nói của Công đồng Vatican II, luôn liên quan đến “chư dân” vì là “Lumen Gentium” và mang sứ mạng “Ad Gentes”.
Dấu chỉ không thể được vẽ nguệch ngoạc bằng những đôi tay vụng về cẩu thả không biết mình đang vẽ gì. Trách nhiệm chứng nhân đòi buộc các tín hữu phải là những dấu chỉ vừa sống động vừa biểu hiện rõ nét và trọn vẹn căn tính và ý nghĩa sự hiện diện của Giáo Hội giữa trần gian. Tông Huấn Evangelii nuntiandi của Đức Phaolô VI cho thấy Phúc âm hoá bao gồm việc giảng thuyết, huấn giáo, phụng vụ, đời sống bí tích, việc đạo đức bình dân và chứng tá đời sống Kitô hữu (xem các số 17.21.48tt). Ở đây chúng ta chỉ trình bày tác dụng Phúc âm hoá của Phụng vụ và chứng tá đời sống Kitô hữu, những nét đẹp dễ thấy nhất nhưng lại dễ thương tổn nhất nên cũng cần quan tâm nhất.
Phụng vụ
Công Đồng Vatican II đã nêu rõ tác dụng của những cử hành vẫn diễn ra trong lòng ngôi Đền Thờ Giáo Hội: “Hằng ngày, Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần, cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô, đồng thời cũng kiện cường cách kỳ diệu nơi họ sức mạnh để rao giảng Chúa Kitô, và như thế Phụng vụ bày tỏ cho những người ở bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân, nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chăn.” (SC 2)
Phụng vụ trong ngôi Đền thờ của Thánh Thần chính là thời điểm, không gian và cách thế thích hợp nhất để các tín hữu “thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và trong Sự Thật”, trong tiếng gọi “Abba” và như những người con yêu dấu đẹp lòng Cha. Cộng đoàn phụng vụ, gồm cả chủ sự và người tham dự, đều là những người đang cử hành các mầu nhiệm thánh thiêng theo cơ chế biểu tượng với những nghi thức, ngôn từ và cử chỉ, vì thế cũng trở nên thành phần chủ yếu trong tiến trình kết tạo dấu chỉ hữu hình của Hội Thánh trước mặt mọi người. Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, Đức Bênêđictô XVI đã đề cập đến giá trị thần học và phụng vụ của cái đẹp, không là yếu tố thẩm mỹ để trang hoàng, nhưng là nét đẹp của tình yêu hấp dẫn và mang lại niềm vui, để những cử hành phụng vụ biểu hiện vinh quang của Thiên Chúa và một thoáng của thiên đàng nơi trần gian.
Phụng vụ luôn gắn liền với các bí tích, liên quan đến những mầu nhiệm được tuyên xưng, được cử hành và để được sống. Chính phụng vụ sẽ đưa các Kitô hữu tiếp cận với các mầu nhiệm đức tin, sẽ tạo điều kiện để họ đón nhận ân sủng cách ý thức và tích cực, đồng thời cũng làm gia tăng năng lực cho cuộc sống. Chính đời sống bí tích sẽ trở thành lời chứng tuyệt vời cho ơn gọi Kitô hữu. Đặc biệt sau mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, các tín hữu trở về cuộc sống thường nhật với tình yêu và sức mạnh vừa được củng cố để thêm nhiệt thành nêu cao chứng tá của lòng mến Chúa yêu người, bởi không thể ích kỷ giữ riêng cho mình hồng ân sự sống đã nhận lãnh trong cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu Kitô.
Thế nào là những hành vi phụng vụ rạng rỡ trong nét đẹp có khả năng Phúc âm hoá những người bên trong cũng như những người bên ngoài?
Chứng tá đời sống
Công đoàn Kitô hữu không khép kín trong một Đền Thờ cửa đóng then cài, nhưng luôn được sai đi như ánh sáng chiếu giãi trước mặt mọi người. Mỗi người là Đền Thờ nơi Thánh Thần ngự, và chính đời sống trong Thánh Thần sẽ trở thành chứng từ của niềm tin Kitô giáo, là cách thức để loan báo Tin mừng, để Phúc âm hoá trần thế.
Rao truyền Tin mừng không chỉ là giảng dạy nhưng trước tiên phải là làm chứng. Câu nói của Đức Phaolô VI đã trở thành bất hủ: “Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì chính vì những thầy dạy đó cũng là những chứng nhân”.
Để lời chứng có giá trị, đáng tin và hữu hiệu, những người thuộc về Hội Thánh phải thực sự và luôn mãi “là Hội Thánh”. Vì thế, các Kitô hữu cần ý thức trước tiên về chính căn tính của Giáo Hội, hiểu biết nhiều hơn về mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội. Những mạc khải về Giáo Hội sẽ là cơ sở nền tảng cho những nhận thức của chúng ta về căn tính của Giáo Hội, về điều Giáo Hội phải là, phải trở thành, để rồi từ đó, trong sức mạnh và dưới ánh sáng soi dẫn của Thánh Thần, các Kitô hữu thể hiện chính căn tính đích thực của cộng đoàn những môn đệ Chúa Kitô.
Nội dung lời chứng không gì khác hơn là Tin mừng cứu rỗi, người được làm chứng không ai khác hơn là Đức Kitô Cứu thế, cách thức làm chứng là trở thành dấu chỉ sống động, cụ tthể của Lời ban sự sống. Như thế, gia đình Kitô hữu phải trở thành dấu chỉ của tình yêu, cộng đoàn nên dấu chỉ của hiệp nhất, công bình, bác ái, đại kết và đối thoại, linh mục và tu sĩ trở thành dấu chỉ của niềm vui phục vụ (xem Đề cương, số 17).
Qua chứng tá đời sống của các Kitô hữu, ánh sáng Tin mừng sẽ chiếu toả và thấm nhập vào các lãnh vực của cuộc sống nhân loại: gia đình, học đường, văn hoá, lao động, giải trí và mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội. Và Bản Đề cương đặt dấu nhấn đặc biệt vào một yêu cầu thiết yếu của Tin mừng: “Đây không phải là loan báo một lời an ủi, nhưng là một Lời khuấy động, kêu gọi hoán cải để dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, từ đó một nhân loại mới có thể đâm bông” (số 13).
Như thế, mục tiêu trước tiên của tiến trình truyền bá đức tin là xây dựng Giáo Hội nên một cộng đoàn chứng nhân của Tin Mừng. Điều đó có nghĩa là, nếu muốn duy trì sự mới mẻ, sức bật và sức mạnh để loan báo Tin Mừng, chính Giáo Hội cũng luôn cần được Phúc âm hóa, phải để cho mình được uốn nắn bởi Thánh Thần và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã mang đến cho thế giới tình yêu, ân sủng và sự hiệp thông của Thiên Chúa.
LỜI CHỨNG TRONG THÁNH THẦN
Sức mạnh của người làm chứng chính là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn muốn đổi mới mặt địa cầu, Đấng vẫn đến trong gió mạnh cùng với ngọn lửa của lời rao giảng, Đấng đang ở trong từng người tín hữu và là linh hồn của Giáo Hội, một Giáo Hội có “khả năng chứng tỏ trong mọi hoàn cảnh rằng chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn và thăng tiến lịch sử của Giáo Hội, của cá nhân các Kitô hữu và của toàn thể các dân tộc và các nền văn hóa” (Đề cương, số 17).
Giáo Hội đã bắt đầu cuộc rao giảng Tin Mừng đầu tiên trong ngày lễ Ngũ Tuần sau biến cố Phục sinh, ngày nay công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ cũng phải được tiến hành trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội ngày nay vẫn cần đến sức đẩy của luồng gió mạnh và sức nóng của những chiếc lưỡi bằng lửa, để mở tung cánh cửa từ những nơi các môn đệ đang cầu nguyện, để bước ra gặp thế giới, để tiếp tục nói về Tin mừng cứu độ bằng mọi thứ ngôn ngữ, để tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô bằng sức mạnh của Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên cả các dân ngoại như đã ngự xuống trên các tín hữu (xem Cv 11,15).
Chính Thần Khí của Đấng Phục sinh sẽ dạy các tín hữu mọi sự, sẽ nhắc cho họ nhớ tất cả những điều Đức Kitô đã nói và sẽ cùng với họ làm chứng về Người (xem Ga 14,26; 15,26). Chúa Thánh Thần không chỉ đi cùng, nhưng thường vẫn đi trước những người loan báo Tin mừng, dùng nhiều cách thế để chuẩn bị cho con người gặp được Đức Kitô. Khi đến với mọi người chung quanh, chúng ta sẽ mang theo lời Tin mừng, giữ cho cháy mãi tình yêu của Thánh Thần.
Kết
Trong công cuộc Tân Phúc âm hoá, Đền Thờ Chúa Thánh Thần một cách nào đó trở nên như cứ điểm hậu cần của đoàn Dân Thiên Chúa trong sứ mạng đến với muôn dân, như điểm gặp gỡ để Thân Mình Chúa Kitô tiếp nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong tình yêu của Chúa Cha. Nếu công cuộc tân Phúc âm hóa muốn đem lại câu trả lời thích hợp cho những dấu chỉ thời đại, cho những nhu cầu của loài người và các dân tộc thời nay, và cho các bối cảnh văn hóa mới, thì hình ảnh Giáo Hội như là Đền Thờ Chúa Thánh Thần sẽ tạo nên lợi thế cho những suy tư, phân định và chấp nhận những thách đố mới đến từ những gì đang xảy ra trên phần Sân Chư Dân, nơi Giáo Hội muốn cổ vũ cho một nền văn hóa bén rễ sâu hơn trong Tin Mừng. Thánh Thần của Đức Kitô Phục sinh vẫn tiếp tục làm kết sinh những hoa trái của mùa Hiện xuống nơi những con người mới, đưa Giáo Hội đến với Chư Dân để rồi, qua Giáo Hội, dẫn toàn thể nhân loại về với Chúa Cha trong hồng ân cứu độ.
Lm. Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn