Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Khôn Ngoan
***
“Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta ngõ hầu chúng ta nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là ơn khôn ngoan…. và hiển nhiên là ơn này xuất phát từ sự thân tình với Thiên Chúa, từ mối liên hệ mật thiết của chúng ta với Thiên Chúa, như mối liên hệ của con cái với Chúa Cha.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 9 tháng 4 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài Giáo Lý về các Ơn Chúa Thánh Thần. Ngài giải thích về Ơn Khôn Ngoan.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý về các ơn Chúa Thánh Thần. Anh chị em biết rằng Chúa Thánh Thần là linh hồn, là nhựa sống của Hội Thánh và của mỗi Kitô hữu: Ngài là tình yêu của Thiên Chúa là Đấng biến tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của Ngài và hiệp thông với chúng ta. Chúa Thánh Thần luôn luôn ở với chúng ta, luôn ở trong chúng ta, ở trong lòng chúng ta.
Chính Chúa Thánh Thần là “hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa” (x. Galatians 4:10), là quà tặng của Thiên Chúa, và Ngài thông tryền cho những ai chấp nhận Ngài những ơn thiêng liêng khác nhau. Hội Thánh xác định bảy ơn, một con số biểu tượng ám chỉ sự viên mãn, sự đầy đủ; chúng là những ơn mà chúng ta học khi chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức, và chúng ta khẩn cầu trong kinh nguyện cổ xưa được gọi là “Bài Ca Tiếp Liên về Chúa Thánh Thần.” Các ơn Chúa Thánh Thần là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa.
1. Như thế, theo danh sách này thì ơn đầu tiên của Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan. Nhưng nó không chỉ là sự khôn ngoan của loài người, là kết quả của kiến thức và kinh nghiệm. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng vua Solomon, khi đăng quang làm vua dân Israel, đã xin ơn khôn ngoan (x. 1 V 3:9). Và ơn khôn ngoan chính là thế này: đó là ân sủng để có thể nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Nó chỉ đơn thuần thế này: nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các tình thế, các vấn đề, tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự vật theo sở thích của mình, hoặc theo tình trạng tâm hồn mình, với yêu hay ghét, với ghanh tị… Không, đó không phải là cặp mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta ngõ hầu chúng ta nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là ơn khôn ngoan.
2. Và hiển nhiên là ơn này xuất phát từ sự thân tính với Thiên Chúa, từ mối liên hệ mật thiết của chúng ta với Thiên Chúa, như mối liên hệ của con cái với Chúa Cha. Và khi chúng ta có mối liên hệ này thì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan. Khi chúng ta hiệp thông với Chúa, Chúa Thánh Thần như biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho nó cảm nhận được tất cả sự nồng ấm của Ngài và sự yêu thương đặc biệt của Ngài.
3. Như vậy Chúa Thánh Thần làm cho người Kitô hữu trở thành “khôn ngoan.” Tuy nhiên, không có nghĩa là người ấy có câu trả lời cho tất cả mọi sự, biết tất cả mọi sự, nhưng có nghĩa là người ấy “biết” về Thiên Chúa, biết Thiên Chúa hành động thế nào, biết khi nào một điều đến từ Thiên Chúa và khi nào không đến từ Thiên Chúa; người ấy có sự khôn ngoan mà Chúa ban cho tâm hồn chúng ta. Theo nghĩa này, tâm hồn của người khôn ngoan có mùi vị và hương vị của Thiên Chúa. Và quan trọng biết bao khi trong cộng đoàn của chúng ta có những Kitô hữu như thế! Tất cả mọi sự trong họ nói về Thiên Chúa cùng trở nên một dấu chỉ xinh đẹp và sống động về sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Và đó là điều mà chúng ta không thể tạo ra, không thể tự mình sở đắc: đó là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho những người ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần. Chúng ta có Chúa Thánh Thần trong chúng ta, trong lòng chúng ta; chúng ta có thể lắng nghe hoặc không lắng nghe Ngài. Nếu chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần, Ngài dạy chúng ta con đường khôn ngoan, Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để nhìn với cặp mắt của Thiên Chúa, nghe với đôi tai của Thiên Chúa, yêu với con tim của Thiên Chúa, và phán đoán sự việc với phán đoán của Thiên Chúa. Đó là ơn khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, và tất cả chúng ta có thể có được. Chúng ta chỉ cần xin Chúa Thánh Thần ơn ấy.
Anh chị em hãy nghĩ về một bà mẹ, ở nhà, với con cái, khi một đứa con làm điều này, đứa khác nghĩ điều khác, và bà mẹ đáng thương chạy ngược chạy xuôi vì các vấn đề của con cái. Và bà la mắng con khi bà mệt mỏi, đó có phải là khôn ngoan không? La mắng con – tôi hỏi anh chị em – có phải là khôn ngoan không? Anh chị em nói gì: có phải là khôn ngoan không? Không! Thay vào đó, khi ấy bà mẹ bế đứa con lên, nhẹ nhàng khiển trách và bảo nó: “con không được làm như thế, vậy thì…”, và nói với nó một cách rất kiên nhẫn, đó có là ơn khôn ngoan của Thiên Chúa không? Có! Và đó là điều mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong cuộc sống của mình! Rồi trong hôn nhân, khi hai vợ chồng cãi nhau chẳng hạn, và sau đó không thèm nhìn mặt nhau, hoặc nếu có nhìn nhau, thì nhìn với gương mặt quặu cọ: đó có phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa không? Không! Thay vào đó, nếu họ nói, “Phải, cơn giông tố đã qua, chúng ta hãy làm hòa” và họ bắt đầu tiến bước trong an bình: đó có phải là khôn ngoan không? [dân chúng thưa: Có!] Đó, đó là ơn khôn ngoan. Chớ gì ơn này đến nhà, đến với các trẻ em, đến với tất cả chúng ta!
Và chúng ta không học được ơn này: Đây là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Cho nên, chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần và ơn khôn ngoan, ơn khôn ngoan của Thiên Chúa dạy chúng ta nhìn với cặp mắt của Thiên Chúa, cảm nhận bằng con tim của Thiên Chúa, nói những lời của Thiên Chúa và như vậy, với ơn khôn ngoan này, chúng ta tiến bước, chúng ta xây dựng gia đình, chúng ta xây dựng Hội Thánh, và tất cả chúng ta được thánh hóa. Hôm nay chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan. Và chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Maria, là Toà Khôn Ngoan, ơn này: xin Mẹ ban cho chúng ta ơn này. Cảm ơn anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
giaoly.org