GIÁO LÝ VÀ PHỤNG VỤ
“Giáo lý” (catechismo) và “dạy giáo lý” (catechesi) là hai từ có cùng một gốc là động từ Hy lạpkatēchéō, nghĩa là “tạo ra tiếng vang”, làm vang vọng một (bản) tin. Giáo lý trong cách dùng của các cộng đoàn vừa chỉ bản văn được sử dụng (sách giáo lý), vừa chỉ cuộc tụ họp của nhóm giáo lý (dạy giáo lý).
Thuật ngữ dạy giáo lý có giá trị rộng hơn; thông thường thuật ngữ này được dùng để chỉ buổi gặp gỡ của nhóm, nhưng cũng được dùng để chỉ nội dung đức tin được thông truyền một cách có tổ chức (chương trình giáo lý), vừa chỉ việc nghiên cứu có hệ thống về việc loan báo đức tin và những phương pháp luận được sử dụng trong đó.
Dạy giáo lý trước hết bao gồm việc tạo ra tiếng vang (eco), theo cách những người cùng chung một niềm tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, được huấn luyện và chia sẻ cùng một đức tin ấy. Trước hết đây là đức tin được ngỏ lời với “người dự tòng” để họ đón nhận đức tin, để họ khám phá và chuẩn bị lãnh các bí tích khai tâm kitô giáo. Kế đến, đức tin này được ngỏ với những người đã được rửa tội – người trẻ cũng như người lớn – vì người ta không bao giờ có thể khám phá và hiểu thấu nguồn phong phú bất tận của Thiên Chúa. Việc dạy giáo lý được xem như là việc khai tâm đức tin và dẫn vào đời sống kitô hữu, phát triển toàn bộ các chiều kích trong việc gặp gỡ Thiên Chúa.
Đức tin là hành trình của một người khám phá Thiên Chúa như là một Đấng nào cần được hiểu biết và yêu mến. Đức tin ấy khởi đi từ tâm hồn, là niềm tin tưởng vào Đấng mà ta phải gắn bó – Thiên Chúa của Đức Giêsu – trước khi là sự gắn bó và là những ý tưởng. Đức tin cũng là sự khám phá thường xuyên trong một hành trình luôn tiếp diễn, bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng mạc khải cho ai tin tưởng nơi Người.
LẮNG NGHE VÀ THÔNG HIỂU LỜI CHÚA
HIỂU BIẾT VÀ YÊU MẾN THIÊN CHÚA NHỜ ĐỨC KITÔ TRONG CHÚA THÁNH THẦN
SỐNG & HÀNH XỬ NHƯ CON CÁI THIÊN CHÚA THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU
CỬ HÀNH GIAO ƯỚC, CẦU NGUYỆN, CA TỤNG THIÊN CHÚA NHƯ GIÁO HỘI
Đức tin là sự hiểu biết Thiên Chúa, dựa trên việc đối thoại với Lời, bởi vì Thiên Chúa được trình bày nơi Kinh Thánh, Người truyền thông cho con người. Thiên Chúa nói, và để hiểu Người tốt nhất là lắng nghe Người, duy trì sự hiệp nhất với Người. Vì thế đức tin giả thiết là một việc giải thích, một việc của lý trí. Thiên Chúa đã làm người nơi Đức Kitô và đã nói bằng ngôn ngữ của con người.
Khi chúng ta tin tưởng vào một người nào, thì chúng ta thể hiện bằng những hành vi, những chọn lựa cụ thể trong toàn bộ các lãnh vực của cuộc sống. Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải Thiên Chúa là Đấng nào bằng những hoạt động cũng như lời giảng dạy của Ngài. Ngài đã sống cuộc sống của nhân loại để thi hành ý muốn của Chúa Cha, qua việc tha thứ tội lỗi, chữa lành bệnh tật và giải thoát con người khỏi sự dữ.
Cuối cùng, đức tin diễn tả, thể hiện, gìn giữ và xây dựng nhờ các động tác biểu tượng và những nghi thức. Toàn bộ những gì liên hệ đến giao ước đều được diễn tả nhờ vào những dấu chỉ, bởi lẽ những dấu chỉ ấy giúp ta tưởng nhớ đến Thiên Chúa và cử hành giao ước mới. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ làm phép rửa nhân danh Ngài để người ta lãnh nhận Thánh Thần và chia sẻ cùng một bánh và chén thánh thể. Các chiều kích đức tin có nguồn mạch và sự hòa điệu trong việc cử hành các bí tích và trong lời nguyện phụng vụ. Các kitô hữu cùng tụ họp lại để gặp gỡ Chúa Giêsu như Đấng hằng sống, họ lắng nghe Lời Người và lãnh nhận ơn thông hiệp vào sự sống của Đấng phục sinh.
Ngày nay, chúng ta tái khám phá tầm quan trọng của sự liên kết giữa giáo lý và phụng vụ. Phụng vụ có thể được xem như nội dung của giáo lý cùng với Kinh Thánh vì chính nó là đời sống của các kitô hữu; nhất là trong việc khai tâm kitô giáo, nơi mà giáo lý được hình thành từng bước một. Việc cử hành ba Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể ấn định những bước và những thời mạnh. Giáo lý đi kèm với từng bước, liên kết một cách chặt chẽ với việc cử hành những bí tích đó, và việc cử hành từng bí tích sẽ không thể nào hiểu được nếu như không liên kết với hai bí tích khác, bởi vì như là niềm tin vào Đức Kitô, việc khai tâm kitô giáo là (một khối) duy nhất.
Mỗi bí tích có ba thời điểm quan trọng.
Trước hết là sự chuẩn bị, thật vậy, các bí tích chỉ có ý nghĩa nếu như được đón nhận trong niềm tin. Vì vậy những người lãnh nhận cần phải chuẩn bị tinh thần. Về mặt Giáo Hội, việc chuẩn bị cho người nào đó lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể đều được coi là sự giúp đỡ để nhận ra Đấng mà trong đó được rửa, được xức dầu, được hiến mình, đồng thời giúp họ hiểu biết ý nghĩa của các bí tích. Giả thiết này cũng đã khởi đầu ở việc cầu nguyện, việc cử hành về Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, và sự cảm nhận đời sống Giáo Hội trong cộng đoàn giữa những anh chị em mà người đó nhập cuộc.
Tiếp đó là thời điểm cử hành, “việc khai tâm nhờ vào…”:
“… điều thực hiện, phụng vụ thi hành một chức năng giáo lý, theo nghĩa nó cho phép tiếp nhận Lời và để Lời biến đổi, bởi vì Lời được mời gọi dẫn đến sự đáp trả. Điều mà trong giáo lý thoáng nhìn thấy thì nay được thực hiện (trong phụng vụ). Trong một nghĩa nào đó, người ta có thể nói rằng chỉ có phụng vụ khai tâm cho phụng vụ. Đức tin của trẻ em, của người trẻ và của người lớn được uốn nắn, giáo dục […]. Điều mà Giáo Hội cử hành cũng là điều mà Giáo Hội tin. [1]
Thời điểm cuối cùng là sau khi cử hành, khép lại hai bước: khởi đi từ điều người ta sống trong việc cử hành các bí tích. Giáo lý được thực hiện sau việc tiếp nhận các bí tích được gọi là “giáo lý nhiệm huấn”, bởi vì nó thực hiện sau thời điểm cử hành và dựa trên điều đã xảy ra, trên những gì mà mỗi người đã sống. Ngoài ra, hành trình trở thành kitô hữu không bao giờ chấm dứt, vì thế mỗi kitô hữu được mời gọi tiếp tục hành trình giáo lý trong toàn bộ đời sống mình, theo lứa tuổi, theo văn hóa và theo nhu cầu của mình.
Năm phụng vụ, đối với mỗi kitô hữu, thể hiện một hành trình giáo lý. Sự diễn tiến của hành trình này cho phép đào sâu đức tin một cách kiên trì, bền bỉ ngang qua những mầu nhiệm được cử hành. Về điểm này, chúng ta lưu ý đến sự liên kết giáo lý thiếu nhi với năm phụng vụ, trong những tiến trình khác nhau và cũng lưu ý đến việc đưa những cử hành hòa nhập với toàn thể cộng đoàn.
Thông thường giáo lý trước hết nhắm đến việc làm cho các em thiếu nhi cũng như giới trẻ hiểu biết những giá trị luân lý (giả thiết đã là tín hữu). Phương pháp này ngày nay không còn đủ nữa, bởi vì rất nhiều người trẻ có kinh nghiệm đức tin thật là nghèo nàn, đôi khi không có chút kinh nghiệm nào. Vì thế, giáo lý, trong khi giúp các em có được sự thông hiểu đức tin của Giáo Hội, thì cũng phải dẫn đưa các em đến một kinh nghiệm tâm linh. Đòi hỏi này lưu ý đến việc gặp gỡ Chúa, sự gặp gỡ thực hiện trong cầu nguyện và trong phụng vụ.
Md Phạm Thúy
Chuyển dịch từ: DANIELE PIAZZI, «Catechesi e Liturgia – Giáo lý và phụng vụ» trong LOUIS-MICHEL RENIER, CENTRE NATIONAL DE PASTORALE LITURGIQUE, PARIS, Exultet. Enciclopédia pratique de la liturgie, Bayard, Paris 2000, Queriniana, Brescia 2002, 41-47.
[1] Catéchèse et liturgie 12 (1997).
Nguồn: UBGLĐT / HĐGMVN