Bài 40. ĂN NĂN TỘI VÀ XƯNG TỘI
Có ba bước trong bí tích Giao Hòa: ăn năn tội, xưng tội, làm việc đền tội. Thiếu một trong ba bước này, việc hoán cải chưa được thực hiện thật sự và bí tích không mang lại hoa trái.
Vậy ăn năn tội là gì? Trong tác phẩm Hoán cải và tái sinh, triết gia Max Scheler đã viết những điều soi sáng tuyệt vời về điều này. Trước hết ông cho thấy ngày nay có nhiều trở ngại khiến người ta không hiểu cho đúng về ăn năn tội. Chẳng hạn quan niệm cho rằng: “Tại sao lại phải ăn năn về một điều không thể thay đổi? Chuyện đã xong rồi. Đừng tiếc nuối gì nữa, tốt hơn là đi tới. Ăn năn chỉ là sự sợ hãi hình phạt, sợ bị phát hiện; đó là thứ cảm giác chán nản sau khi làm điều gì đó; đó là thứ cố gắng làm yên lương tâm bằng cách tự hành hạ bản thân”. Có nhiều quan niệm tương tự như thế, nhưng thật ra chúng chỉ là những biếm họa của sự ăn năn đích thực. Vậy ăn năn đích thực là gì?
Công đồng Trentô nói đến ba yếu tố. Ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa”. Con đường hoán cải có thể là con đường dài. Lúc khởi đầu, có lẽ chỉ là một tình cảm mơ hồ, hồi tưởng điều gì đó không hay. Rồi bất ngờ hoặc từ từ, mọi sự trở nên rõ ràng hơn khi ta nhận ra rằng mình đã làm điều gì đó sai. “Làm sao tôi có thể làm chuyện đó?” Câu hỏi đó đánh vào sự tự mãn của chúng ta. Một khi nhìn nhận mình đã làm điều sai trái hoặc bỏ sót không làm điều tốt, thì hậu quả là chúng ta thấy hối hận và kinh tởm điều xấu xa mình đã làm.
Chính ở đây, lòng ăn năn có thể dẫn đến sự tái sinh. Tôi nhìn nhận tội lỗi của mình (mà lúc phạm, tôi đã không thấy rõ). Đồng thời tôi nhận ra mình có thể và nên hành động cách khác. Cũng ở đây xuất hiện niềm hi vọng lớn lao. Điều tốt tôi đã không làm bây giờ cuốn hút tôi. Tôi có thể làm mới lại cuộc đời mình. Như thế lòng ăn năn mở ra một tương lai mới cho tôi.
Việc ăn năn tội như thế luôn luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (GLHTCG số 1453). Ăn năn tội cách trọn khi đó là sự hối hận vì đã xúc phạm đến tình yêu. Ăn năn tội “cách chẳng trọn” khi hối hận vì sợ hãi hình phạt.
Lòng ăn năn thúc đẩy chúng ta đi xưng tội, nói rõ thứ tội mà mình đã phạm và hối hận. Chỉ nhờ việc xưng tội, tôi mới lãnh trách nhiệm về tội lỗi của mình và vượt qua nó, nhờ đó mở ra cánh cửa giao hòa (số 1455).
Nhưng tại sao lại phải xưng tội với linh mục? “Nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương, thì thuốc không chữa được đúng bệnh” (Thánh Giêrônimô). Khi xưng tội, tôi chỉ cho linh mục thấy những thương tích ẩn kín nơi tôi vì tội lỗi, để ngài có thể chữa lành tôi bằng ơn tha thứ của Chúa.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ