Bài 28. BÍ TÍCH CỦA CÁC BÍ TÍCH
Bảy bí tích làm nên một toàn thể, trong đó mỗi bí tích có vị trí riêng của mình. Và dĩ nhiên, bí tích quan trọng nhất và vĩ đại nhất là bí tích Thánh Thể. Cũng chính vì thế, được gọi là “Bí tích của các bí tích”: “Tất cả các bí tích khác đều quy hướng về bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (GLHTCG số 1211).
“Mầu nhiệm đức tin” Mysterium fidei! Linh mục chủ tế kêu lên như thế sau phần Truyền Phép. Tiếng kêu ấy có nghĩa gì? Phải chăng chúng ta đang chạm đến một mầu nhiệm đức tin? Đúng thế, có nhiều mầu nhiệm đức tin, nghĩa là những thực tại mà chúng ta chỉ có thể chạm đến và đón nhận nhờ đức tin. Chẳng hạn, mầu nhiệm về chính Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi, rồi mầu nhiệm về Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật.
Ngoài ra, tiếng kêu ấy muốn nói rằng chính Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin. Trong bí tích Thánh Thể, Hội Thánh cử hành tất cả những gì Hội Thánh tin, toàn bộ đời sống Hội Thánh. Chính vì thế, Công Đồng Vaticanô II gọi bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (số 1324). Ở đây chúng ta gặp được sự giao thoa giữa hai chuyển động trong đời sống Kitô hữu: một đàng là Thiên Chúa “đi xuống” với con người, đàng khác là con người “đi lên” với Chúa.
Thiên Chúa đi xuống với con người vì bí tích Thánh Thể là quà tặng lớn lao nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài ban chính Con của Ngài: “Bánh của Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian… Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn Bánh này sẽ sống muôn đời; và Bánh Ta ban chính là Thịt Mình Ta cho thế gian được sống” (Ga 6,33). Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của mọi ân huệ Thiên Chúa ban vì “chứa đựng” chính Đức Kitô (số 1324), Đấng mà Chúa Cha “trao nộp vì chúng ta” và nơi Đấng ấy, Thiên Chúa ban cho chúng ta “mọi sự” (Rm 8,32). Nơi bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Ngài ngỏ Lời của Ngài cho chúng ta. Ngài giao hòa chúng ta với Ngài qua hy lễ tình yêu; Ngài ban tặng sự sống của Ngài cho ta qua Bánh hằng sống; Ngài sai chúng ta đi làm sứ giả của Ngài (số 1332).
Đồng thời con người đi lên với Thiên Chúa, vì bí tích Thánh Thể cũng là “suối nguồn và chóp đỉnh” của lời con người đáp lại Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện tuyệt hảo vì bí tích Thánh Thể hiện tại hóa sự hiến dâng chính mình của Chúa Giêsu lên Chúa Cha. Đó là hy lễ tuyệt hảo vì nơi bí tích này, chúng ta tháp nhập của lễ và chính bản thân mình vào hy lễ của Chúa Kitô. Đó là bí tích của “việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa” (số 1325).
Tóm lại, bí tích Thánh Thể là bản toát yếu và tổng luận của đức tin Kitô giáo.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ