TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 49. LUYỆN NGỤC
“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chúng ta chỉ có thể đón nhận hạnh phúc thiên đàng, được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện” khi tâm hồn được thanh luyện hoàn toàn.
Bất cứ ai đến gần Thiên Chúa đều ý thức sự bất xứng của mình. Đứng trước bụi gai bốc cháy, Môsê che mặt. Khi tiên tri Isaia nhìn thấy vinh quang Chúa trong đền thờ, ông kêu lên: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất; vì tôi là người với miệng môi ô uế” (6,5). Khi thánh Phêrô chứng kiến mẻ cá lạ lùng, ngài phủ phục trước mặt Chúa Giêsu mà kêu lên: “Xin Chúa tránh xa con vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8; GLHTCG số 208).
Phải chăng điều gì đó tương tự cũng xảy đến với chúng ta sau khi chết? Trước sự hiện diện của Đức Kitô và tình yêu vô biên của Người, chúng ta lại chẳng ý thức về những bất toàn và tội lỗi của mình sao? Sách Giáo Lý viết: “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030). Chúng ta gọi tình trạng thanh luyện đó bằng từ Luyện Ngục.
Giáo huấn của Hội Thánh về Luyện Ngục rất dè dặt. Truyền thống Hội Thánh chỉ khẳng định có “lửa thanh luyện” và rất cẩn trọng trước những tô vẽ và mô tả về tiến trình thanh luyện (số 1031).
Làm sao chúng ta biết rằng có Luyện Ngục? Trước hết là dựa vào Lời Chúa: “Nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12,32). Theo lời đó, có thể hiểu rằng một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau. Ngoài ra, chúng ta tin từ đức tin của Hội Thánh, từ những thực hành và sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh. Có câu châm ngôn cổ nói rằng “Lex orandi, lex credendi – Luật cầu nguyện là luật đức tin”. Ngay từ thuở đầu, Hội Thánh đã cầu nguyện cho những người đã chết (số 958); cách riêng Hội Thánh dâng hy tế Thánh Thể cho những tín hữu đã qua đời, những người “đã chết trong Đức Kitô” (số 1371, 1689), để họ được hưởng “ánh sáng, hạnh phúc và bình an trước nhan Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể I).
Từ những thực hành của Hội Thánh, chúng ta biết rằng lời cầu nguyện và những hi sinh của mình đem lại ơn ích cho người quá cố (số 1032). Đây cũng là mục đích của những ân xá mà chúng ta lãnh nhận và dành cho các linh hồn trong luyện ngục (số 1472, 1479).
Giả như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, tôi sẽ xuất hiện như thế nào trước mặt Đức Kitô? Chắc chắn là còn biết bao bất toàn, biết bao thiếu sót. Việc thanh luyện không chỉ bắt đầu sau khi chết nhưng cần được bắt đầu từ hôm nay. Những thử thách và đau khổ, nếu được đón nhận trong đức tin, sẽ trở nên sự thanh luyện tâm hồn. Ngọn lửa thanh luyện chính là tình yêu Đức Kitô, ngọn lửa ấy tạo nên những đau đớn của ăn năn sám hối, và làm bừng cháy hạnh phúc thiên đàng.
ĐHY Christoph Schönborn
WHĐ