TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 46. SỰ PHỤC SINH KẺ CHẾT
“Trong đức tin Kitô giáo, không có việc nào bị chống đối cách mạnh mẽ, dai dẳng, quyết liệt và hăng hái cho bằng vấn đề thân xác sống lại” (GLHTCG số 996). Thánh Phaolô cũng đã trải nghiệm điều này khi ngài giảng về sự phục sinh thân xác. Những thính giả lúc ấy –những người có học thức–, đã cười nhạo ngài (Cv 17,32). Họ tin rằng sự sống vẫn tiếp nối sau khi chết, họ tin vào sự bất tử của linh hồn. Còn thân xác này, xác thịt hèn hạ này, làm sao mà sống lại được? Vậy người Kitô hữu phải giải thích thế nào về niềm hi vọng của mình vào sự phục sinh? Dựa trên nền tảng nào để cho thấy sự phục sinh thân xác là yếu tố căn bản của đức tin Kitô giáo?
Nền tảng trước hết và có tính quyết định là sự Phục Sinh của Đức Kitô. Vì Đức Kitô đã sống lại, nên chúng ta hi vọng cũng được sống lại với Người. Để làm chứng cho niềm hi vọng này, người Kitô hữu có hai loại bằng chứng. Bằng chứng thứ nhất do các “thị chứng nhân” cung cấp: những người “đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41; GLHTCG số 995). Bằng chứng thứ hai là kinh nghiệm tôn giáo của nhiều thế hệ Kitô hữu, kinh nghiệm rằng Đấng Phục Sinh đang ở với chúng ta qua Lời của Người, qua các bí tích, các thánh, người nghèo, và Người ở trong sâu thẳm lòng ta (x. Eph 3,17).
Nền tảng thứ hai là niềm tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa (số 992). “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cừ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào thì đã chẳng dựng nên” (Khôn Ngoan, 11,24). Thiên Chúa nâng đỡ và gìn giữ công trình tạo dựng (số 301). Chắc chắn vũ trụ vật chất sẽ qua đi, và thân xác chúng ta cũng thế. Nhưng Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta trời mới đất mới (số 1042-1050). Trong Đức Kitô, mọi sự được đổi mới. Thân xác phục sinh của Người đã là khởi điểm của công trình tạo dựng mới. Đức Maria “lên trời cả hồn lẫn xác” là ấn dấu của lời hứa: chúng ta cũng được phục sinh như thế (số 966).
Sự tôn trọng thân xác (của chính mình cũng như của người khác) phát xuất từ niềm tin vào sự phục sinh (số 364). Thân xác này, vốn là đền thờ của Chúa Thánh Thần và được Mình Máu Thánh Đức Kitô nuôi dưỡng, phải được bảo vệ khỏi mọi thứ lạm dụng, và giữ gìn thánh thiện (số 2289, 2297). Trong nghi thức an táng, Hội Thánh “gửi vào lòng đất hạt giống thân xác sẽ sống lại trong vinh quang” (số 1683).
Vậy chúng ta sẽ sống lại như thế nào (số 997-1004)? Kinh Thánh không thỏa mãn trí tò mò của chúng ta, nhưng dạy chúng ta điều thiết yếu: Thân xác phục sinh là thân xác của chính chúng ta, nhưng không phải trong hình hài hiện nay mà là thân xác “vinh hiển”, bất tử, thân thể có thần khí, giống như thân xác của Đấng Phục Sinh (số 999). Điều quan trọng hơn hết là sống trọn vẹn với Đức Kitô. Người là “sự sống lại và là sự sống” từ ngay bây giờ chứ không chỉ trong thế giới mai sau.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ