TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 45. SỰ THA THỨ TỘI
Chỉ mình Thiên Chúa có quyền tha tội. Các luật sĩ đã đúng khi khẳng định điều này (Mc 2,7). Bởi vì họ nhìn thấy Chúa Giêsu như một người thuần túy, nên họ cảm thấy bị xúc phạm trước lời Người nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Họ không hiểu rằng, như Con Thiên Chúa, như một người được Chúa Cha sai đến, Chúa Giêsu “có “quyền tha tội” (Mc 2,10; số 1441).
Để hiểu sự lớn lao của món quà ơn tha thứ tội lỗi, chúng ta phải nắm bắt tính nghiêm trọng của tội. Đồng thời, đề cập đến sự dữ về thể lý như: bệnh tật, thảm họa, hoặc mất cơ nghiệp như những điều tồi tệ nhất xảy ra cho chúng ta. Nhưng sự dữ luân lý, hoặc tội, vô cùng nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý (số 311). Những đau khổ thân xác và tinh thần có thể là phương thế thanh luyện chúng ta và đưa chúng ta quay hướng về Thiên Chúa (số 1501). Nếu chúng ta chấp nhận nó trong đức tin, nó trở thành sự tham dự vào Thánh giá Đức Kitô, do vậy là sự chúc lành cho người khác (số 1521-1522).
Với tội lỗi thì không như thế. Nó chia cắt con người xa lìa Thiên Chúa và xa lìa nhau. Nó bẻ gãy sự hiệp nhất nội tại của cá nhân (số 400) và xã hội (số 817). Vậy, tội là gì? “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,4) Hội thánh vẫn cầu nguyện như thế với tác giả Thánh vịnh qua Thánh vịnh 51. “Muốn hiểu tội là gì, trước hết phải nhận biết mối liên hệ thâm sâu của con người với Thiên Chúa . . . chỉ khi nào nhận biết được kế hoạch của Thiên Chúa về con người, người ta mới hiểu rằng tội lỗi là lạm dụng sự tự do, vốn được Thiên Chúa ban cho các ngôi vị được tạo dựng để họ có thể yêu mến Ngài và yêu mến nhau” (số 386-387). Thánh Augustinô nói: “Tội là yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa” (số 1850). Tội là nói “Tôi, Tôi, Tôi” – không Chúa, không ai khác..
Chính vì điều này mà Thiên Chúa đã sai Người Con đến thế gian. Mục tiêu của sứ mệnh Chúa Giêsu: “Bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21; số 430). Đức Kitô chết vì tội chúng ta (số 601). Do vậy, ơn ban đầu tiên trong ngày Phục Sinh là: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23; số 976). Điều mà không ai có thể ban cho Hội thánh thì Chúa Giêsu đã trao cho họ vào ngày thứ nhất trong tuần Phục Sinh: thẩm quyền tha thứ tội lỗi nhân danh Người.
“Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội: bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần” (số 985). Đó là lý do tại sao tiêu đề trong phần đức tin này được rút ra từ lời tuyên xưng trong kinh tin kính của công đồng Nicea: “có một Phép Rửa để tha tội” (số 977). Nhưng quyền năng để tha thứ tội không dừng ở đây. “Không có tội nào, dù nặng nề đến mấy, mà Hội thánh không thể tha thứ” (số 982). Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai (số 605). Trong Hội thánh của Người, cánh cửa tha thứ vẫn mở cho tất cả những ai trải qua kinh nghiệm ăn năn vì những tội mình đã phạm và quyết tâm quay về với Thiên Chúa.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn WHĐ