TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 40. PHẨM TRẬT CỦA GIÁO HỘI
Công đồng Vatican II và tiếp theo Sách Giáo lý đã nhìn Giáo hội trước hết trong bản chất của Giáo hội, mầu nhiệm sự sống của Giáo hội: Nguồn gốc của Giáo hội trong ý định thần linh và được hiện thực hóa dần dần trong dòng lịch sử thánh, Giáo hội được trình bày như Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô. Mọi điều được nói về Giáo hội và những đặc tính thiết yếu (Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền) được áp dụng cho tất cả các thành viên của Giáo hội, bao gồm những người có chức thánh và giáo dân: “Do việc họ được tái sinh trong Đức Kitô, có sự bình đẳng thật sự về phẩm giá và hành động” (số 872).
Nhưng, trong Giáo hội có những ơn gọi và bổn phận khác nhau, những bậc sống và chức năng khác nhau. Điều quan trọng duy nhất trong những khác biệt này cần được giải thích tóm tắt ở đây. Cách cụ thể, phải phân biệt giữa giáo dân, những người sống bậc tu trì, và những người có chức thánh (số 873).
Sẽ thiếu sót nếu giải thích những khác biệt này thuần túy trên bình diện “chức năng”: Như mọi tổ chức lớn đều có những phân chia chức năng, vì vậy Giáo hội cũng phải có những cơ cấu phẩm trật, nhưng hơn thế, tất cả các chức năng và ơn gọi trong Giáo hội cần được nhìn trong mối liên hệ của họ với Đức Kitô, Đầu của Giáo hội. Qua bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm Sức, tất cả tín hữu đều chia sẻ trong sứ mệnh, trong chức tư tế của Đức Kitô. Toàn thể đời sống tín hữu trở nên duy nhất trong chức năng tư tế (số 1268; 1141), và lan rộng ân sủng Phép Rửa trong mọi lãnh vực của đời sống. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho dân của Người về điều này, Đức Kitô đã thiết lập các chức năng và ơn gọi riêng: “Chức tư tế thừa tác” (số 874; 1547).
Thế tại sao có thừa tác vụ trong Giáo hội? Sách Giáo lý đưa ra nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi này (số 875-879). Lý do quan trọng nhất là: “Không ai có thể tự ban cho mình ân sủng, ân sủng phải được ban tặng. Điều này giả thiết phải có những thừa tác viên của ân sủng, được Đức Kitô ban cho quyền bính và tư cách … để hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis)” (số 875). Bởi vì đây là sự ủy thác đặc biệt, nên được ban bởi một bí tích riêng: Bí tích Truyền chức thánh.
Chính Chúa đã kêu gọi và phong ban cho những người mà họ sẽ hành động với Người và qua Người: Nhóm mười hai và đứng đầu là thánh Phêrô. Đức giáo hoàng và các giám mục, dựa trên nền tảng cộng đoàn các tông đồ và các giám mục như những người kế vị các tông đồ, hình thành nên Giám mục đoàn đứng đầu là Đức giáo hoàng (số 880). Chức giám mục Roma hàm ý là “Đại diện Đức Kitô” và “mục tử của toàn thể Giáo hội” (số 882). Mỗi giám mục với sự trợ giúp của các linh mục và phó tế, là mục tử của Giáo hội địa phương (số 886; 1560). Các ngài thi hành một cách cá vị, nhân danh Đức Kitô (số 895). Vì thế, Công đồng trình bày: “Chính Chúa Giêsu Kitô, linh mục Thượng phẩm, hiện diện giữa các tín hữu qua các giám mục được các linh mục trợ giúp” (GH, số 21).
Chức tư tế phẩm trật là một phần của Giáo hội. Đó không phải là bản chất của Giáo hội cũng không phải là mục tiêu, nhưng đó là một trong các phương tiện do chính Đức Kitô thiết lập để giúp cho Giáo hội thực hiện mục tiêu của mình: là Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô (số 1547).
ĐHY Christoph Schönborn