Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết[1]. Đây là hành vi tốt đẹp vì chính Chúa Giêsu đã dạy mỗi người phải chuyên chăm cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (x. Mt 26,41). Ngài còn dạy cầu nguyện theo công thức của kinh lạy Cha (x. Lc 11,2). Ngài dạy mỗi người phải cầu nguyện với lòng tin để xin Thiên Chúa ban những nhu cầu chính đáng cho con người (x. Mt 21, 22).
Cầu xin cho mình hoặc cho người khác được khỏe mạnh, được khỏi bệnh là một hành vi chính đáng. Vì thế, cầu nguyện chữa bệnh là hành vi đáng được trân trọng và cổ võ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn cứu độ học, hành vi cầu nguyện chữa bệnh này cần phải được định hướng rõ rệt. Muốn vậy, trước tiên chúng ta cùng nhìn lại hành vi của Chúa Giêsu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
1.Chúa Kitô đến thế gian cứu độ con người
Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến hầu cứu độ con người toàn diện. Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã thực hiện kế hoạch cứu độ đó bằng tất cả lời nói và việc làm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời (x. Mt 4,23), giảng dạy trong các hội đường, chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 9,35) … Cuối cùng, Ngài chịu hiến tế trên thập giá để hoàn tất chương trình cứu độ con người.
Như thế, việc chữa lành bệnh tật không phải là đích điểm của công trình cứu độ nhưng là việc biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi quyền lực sự dữ, là phương tiện để khơi dậy lòng tin của dân chúng vào Chúa Giêsu. Nhờ tin vào Ngài, con người mới được cứu độ (x. Ga 3,36). Thật vậy, trong hầu hết các phép lạ chữa lành bệnh tật của Chúa Giêsu, các Tin Mừng thường nhấn mạnh về lòng tin của người lãnh nhận (x. Mt 15,28; Mc 2,5; Mc, 10,52; Lc 8,48…).
Mặt khác, trong khi thực chương trình cứu độ của Chúa Cha, Chúa Kitô luôn đề cao sự sống phần linh hồn hơn lành mạnh thể xác. Trước chọn lựa hạnh phúc đích thực và vui thú chóng qua, Ngài khuyên dạy mọi người phải dứt khoát từ bỏ những gì tùy phụ để chọn lấy những gì là chính yếu và vĩnh cửu. Tin Mừng Mátthêu đã diễn tả điều này khi dùng những từ rất mạnh như chặt tay, chặt chân, móc mắt … nếu các cơ phận đó làm ta vấp ngã (x. Mt 18,8). Thậm chí, việc làm cớ cho người khác sa ngã phần hồn cũng hết sức trầm trọng đến độ Chúa Giêsu phải nhấn mạnh: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).
Ngoài ra, trong các phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã làm, các Tin Mừng thường nhấn mạnh đến việc tha tội phần hồn sau khi đã chữa lành phần xác. Thật vậy, khi chữa lành kẻ bại liệt, Chúa Giêsu không nói: đứng dậy mà đi nhưng lại nói: “con đã được tha tội rồi” (Mt 9,2) để nhấn mạnh Ngài có quyền tha tội, để giải thoát con người và để loan báo rằng việc chữa lành phần hồn cần thiết hơn phần xác.
Trong chương trình cứu độ, tất cả việc rao giảng tin Mừng, cầu nguyện, chữa lành bệnh tật, làm phép lạ, chọn gọi các tông đồ, lập các bí tích của Chúa Kitô… đều là tiến trình để đưa tới đỉnh cao là hy tế thập giá. Qua hy tế này, Chúa Kitô giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Ngài đã bị treo lên để kéo mọi người lên cùng Thiên Chúa (x. Ga 12,32).
2. Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô.
Như thế, qua hy tế thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu độ con người. Tuy nhiên, để con người mọi thời thưởng nếm cách cụ thể hồng ân cứu độ ngay trong cuộc lữ hành trần thế, Chúa Kitô đã thiết lập Giáo hội dựa trên nền tảng là các tông đồ. Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người [2].
Thật vậy, để thiết lập Giáo hội, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã gọi đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập nhóm Mười Hai để chung sống với Người, cùng sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42). Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân nước khác (x. Rm 1,16). Ngài đã ban cho các ngài quyền và những ơn cần thiết để các ngài loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Mt 28,19-20). Đặc biệt, Chúa Kitô đã ban chính Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,22) cho các tông đồ, để các ngài trong tư cách Chúa Kitô, có thể hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Sau biến cố Ngũ Tuần, các tông đồ đã được biến đổi nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Các ngài đã thực hiện hành vi cứu độ trong tư cách Chúa Kitô nhờ quyền năng Thánh Thần. Các ngài đã mạnh dạn loan báo Tin Mừng Chúa phục sinh cho người Do Thái và dân ngoại (x. Cv 2,18 -28,31). Cùng với lời rao giảng, các tông đồ cũng nhân danh Chúa Kitô để chữa lành lành bệnh tật hầu củng cố lời rao giảng. Phê-rô đã chữa một anh què nhân danh Chúa Kitô (x. Cv 3,6). Thánh Phaolô đặt tay và cầu nguyện trên thân sinh ông Púp-li-ô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ thì ông này được chữa khỏi (x. Cv 28,8). Việc đặt tay cầu nguyện cho bệnh nhân, trở thành nghi thức thông thường trong Giáo hội sơ khai mà thư thánh Giacôbê đã ghi lại: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5,14).
Tuy nhiên, việc đặt tay cầu nguyện cho bệnh nhân không phải là công việc khẩn thiết của Giáo hội. Công việc chính yếu của Giáo hội là rao giảng Tin mừng cứu độ. Chúa Giêsu đã mời gọi trao sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho Giáo hội ngang qua các tông đồ (x. Mt 28,19-20). Và để hỗ trợ công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ khả năng làm phép lạ (x. Mc 16,20), trong đó không loại trừ đặc sủng chữa bệnh.
Như vậy, các tông đồ có khả năng làm phép lạ là để hỗ trợ cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ đã nhận quyền năng Chúa Thánh Thần nhờ Chúa Giêsu trao ban thì các ngài có bổn phận làm cho muôn nhân nhận biết và tin yêu Chúa Giêsu. Đó mới là sứ vụ mà Giáo hội cần quan tâm.
3. Các tín hữu được tham gia sứ mệnh cứu độ của Chúa Kitô.
Từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, các tín hữu được tham dự ba chức vụ của Chúa Kitô: Ngôn sứ, Tư tế và vương giả. Trong đó, chức vụ ngôn sứ có tầm quan trọng đặc biệt bởi chính Chúa đã truyền lệnh cho Giáo hội ngang qua các tông đồ (x. Mt 28,19-20).
Từng tín hữu, tùy khả năng, điều kiện và ơn riêng để làm lợi cho Chúa trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Để chu toàn sứ mệnh Chúa trao phó, mỗi người được lãnh nhận những ơn khác nhau. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ (1 Cr 12,8-10), rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ …(1 Cr 12,28). Các ơn đó cần thiết nhưng cao trọng hơn tất cả là đức mến (x.1Cr 13,13). Tất cả các ơn chúng ta nhận được để phục vụ cho sứ mệnh cứu độ của Chúa và nhờ thế chúng ta ngày càng yêu mến Chúa hơn và dẫn người khác đến gặp gỡ Chúa và yêu mến Ngài và hy vọng cuộc sống hạnh phúc mai sau.
Vì thế, dù có ơn cầu nguyện chữa bệnh, hay ơn nói tiên tri hay ơn làm phép lạ… tất cả tín hữu đều phải quy hướng về cùng đích của mình là được cứu độ, là được hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu ai dùng ơn Chúa ban để kiếm lợi lộc thấp hèn và tìm hạnh phúc chóng qua thì thật là đáng thương cho người ấy như lời cảnh báo của thánh Phaolô: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19).
Lời cảnh báo của thánh Phaolô cũng là lời nhắc nhở cho những ai có đặc sủng cầu nguyện chữa bệnh. Việc cầu nguyện chữa bệnh cho người khác là việc tốt nhưng việc tốt ấy phải đưa dẫn đến cùng đích cuối cùng là mưu ích ơn cứu độ cho mình và cho bệnh nhân. Nếu việc cầu nguyện chữa bệnh chỉ làm cho người khác thỏa mãn tính hiếu kỳ, chỉ làm cho tín hữu siêng năng cầu nguyện mà không quan tâm đến các việc phụng vụ hoặc để vinh danh người chữa bệnh hay vì một lý do thấp hèn nào khác thì e rằng việc cầu nguyện chữa bệnh đã đi sai mục đích cao đẹp mà Chúa muốn. Đối tượng tốt được thực hiện với một mục đích không tốt thì hành vi đó quả là không tốt. Đây là nguyên tắc luân lý căn bản để phân định một hành vi tốt[3]. Người nào dùng ơn Chúa ban để phục vụ cho lợi ích riêng, người ấy phải trả lẽ trước mặt Chúa.
Mặt khác, trong chương trình cứu độ của Chúa, bệnh tật nhiều khi lại là cách thế để Thiên Chúa huấn luyện lòng mến của một số người và để cho họ cảm nghiệm đau khổ của Chúa Giêsu. Hội thánh còn khuyên bảo những người bệnh tật tự nguyện kết hợp với cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô để mưu ích cho dân Thiên Chúa.[4] Thật vậy, thánh Piô Pietrelcina được in 5 dấu thánh để mưu ích cho nhiều linh hồn. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu chịu bệnh tật hầu như suốt quãng đời sống trong dòng kín nhưng lại đem lại nhiều đóng góp to lớn cho Giáo hội.[5] Thánh nữ Maria Faustina cũng đã từng chịu đau khổ, bệnh tật để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa[6] và còn rất nhiều chứng nhân khác đã sống trong bệnh tật để tôn vinh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Vì thế, bệnh tật, đau khổ tuy là hậu quả của sự dữ nhưng trên một bình diện nào đó nhưng chúng lại mưu ích cho chương trình cứu độ của Chúa bởi vì Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra để từ đó Ngài rút ra một điều thiện hảo hơn.[7]Chúa Giêsu là hoa quả đầu mùa của chân lý ấy khi Ngài đã biến sự dữ lớn lao là cái chết ô nhục của Ngài trên thánh giá thành căn nguyên ơn cứu độ cho mọi người.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta ngăn cản người khác chữa bệnh hoặc ngăn cản những người có đặc sủng chữa bệnh ngưng thi hành đặc sủng của mình nhưng chúng ta cùng hoạt động và phục vụ mọi người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Giáo hội. Chúa Kitô đã thiết lập Giáo hội có cơ cấu hữu hình và vô hình. Ngài đã ban những ơn cần thiết để Giáo hội luôn là dấu chỉ của ơn cứu rỗi cho con người trong cuộc lữ hành trần thế. Ngài đã ban cho Giáo hội các bí tích mà cách riêng là bí tích Xức Dầu để nâng đỡ cho bệnh nhân. Giáo hội có trách nhiệm giáo dục con cái mình sống phù hợp với ý hướng của Chúa. Vì thế, Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh đã ra những quy luật hướng dẫn. Có tất cả 10 điều hướng dẫn. Trong đó, Giáo hội chú trọng đến vai trò của thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong buổi cầu nguyện chữa bệnh khi thực hiện tại nhà thờ (điều 1). Các kinh cầu xin chữa lành được xem có tính cách phụng vụ nếu nằm trong các sách phụng vụ được thẩm quyền Giáo hội chấp nhận (điều 2). Giáo hội tuyệt đối cấm xem những lối cầu nguyện chữa bệnh vào trong cử hành thánh lễ, các bí tích và giờ kinh (điều 8 triệt 3) và Giám mục địa phận có quyền can thiệp khi có những lạm dụng trong việc cử hành xin chữa bệnh (điều 10).[8] Giáo hội hướng dẫn các điều trên để cho mọi tín hữu thấy được tầm mức của ơn cứu độ. Thiên Chúa đã trao cho Giáo hội đầy đủ phương thế cần thiết là Lời Chúa và các bí tích để đưa con cái mình hưởng ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã trả bằng giá máu Ngài. Người tín hữu không nên tìm kiếm cách thế cứu độ nào khác ngoài Giáo hội Chúa Kitô.
Thay lời kết
Tóm lại, việc cầu nguyện chữa bệnh là một việc tốt, đáng cổ võ và khích lệ. Tuy nhiên việc cầu nguyện đó không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh đơn thuần nhưng hướng đến cùng đích tối hậu là ơn cứu độ muôn đời. Kho tàng ơn cứu độ nơi chính Chúa Kitô đã được Ngài trao phó cho Giáo hội. Giáo hội như phương tiện cứu rỗi cần thiết.[9] Bởi Giáo hội được Chúa Kitô ủy thác kho tàng lời Chúa và các bí tích mà các bí tích này cần thiết cho ơn cứu độ đối với người tín hữu.[10] Vì thế, Người tín hữu cần sống trong sự hướng dẫn của Giáo hội và hiệp thông với Giáo hội để kín múc kho tàng ơn cứu độ. Người tín hữu được khỏi bệnh nhờ siêng năng cầu nguyện xin ơn chữa lành là một điều đáng mừng, nhưng đáng mừng hơn nữa khi mọi tín hữu sốt sáng và siêng năng tham dự phụng vụ và sống lời Chúa để kín múc hồng ân cứu độ và để ngày một yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân hơn. Trần gian này không phải là quê hương vĩnh cửu để con người cố giữ lấy mạng sống chóng qua của mình nhưng là chính hạnh phúc nước trời mai sau. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời (Ga 12,25). Câu lời Chúa trên như lời tra vấn mỗi người chúng ta.
Vinhsơn Trần Minh Hòa
[1] Xem GLCG 1992, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịch, nxb Tôn giáo, 2010, số 2559
[2] Xem CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 9
[3] Xem GLCG 1992, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịch, nxb Tôn giáo, 2010, số 1755
[4] Xem CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium , số 11.
[5] Xem, Truyện Một Tâm Hồn, Hương Việt, nxb Tôn Giáo Hà Nội, năm 2008.
[6] Xem, Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi, Thánh Nữ Maria Faustina, Ngọc Đính, chuyển ngữ, 2001.
[7] Xem GLCG 1992, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịch, nxb Tôn giáo, 2010, số 412.
[8] Xem Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh, Thánh bộ tín lý, ngày 14-9-2000.
[9] Xem CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium , số 14.
[10] Xem GLCG 1992, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịch, nxb Tôn giáo, 2010, số 1129.