TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 9. TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA
Lời tuyên xưng đức tin của chúng ta bắt đầu bằng câu “Tôi tin kính Đức Chúa Trời”. Đó là nền tảng cho tất cả những gì theo sau và cách nào đó chứa đựng toàn bộ tín biểu (GLHTCG số 199). Tất cả những gì được nói đến trong kinh Tin Kính đều tùy thuộc niềm tin vào Thiên Chúa. Do đó, thư Do Thái viết: “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6).
Rudolf Bulmann, thần học gia Tin Lành, đưa ra một nhận xét: “Thiên Chúa là thực tại quyết định tất cả”. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì chỉ có mình Ngài là Đấng duy nhất và là tất cả của chúng ta. Tất cả sự hiện hữu của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có đều đến từ nơi Ngài và ở trong tay Ngài. Trái lại, điều mà nhân vật Ivan Karamazov trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của đại văn hào Nga Dostoyevsky diễn tả rất chính xác: “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, mọi cái đều được phép”; và chúng ta có thể thêm: “Mọi cái đều vô nghĩa”.
Khi còn nhỏ, Thánh Tôma Aquinô đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa là ai?” Suốt cuộc đời của thánh nhân, câu hỏi đó luôn xâm chiếm tâm trí ngài. Là một nhà thần học vĩ đại của Hội Thánh, ngài nói về Thiên Chúa, và đàng sau những ngôn từ sắc bén khi luận bàn về Thiên Chúa, Thánh Tôma luôn ý thức về một sự tôn kính sâu xa đối với Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, sự tôn kính như thế được gọi là “kính sợ Thiên Chúa” và được nhìn như khởi đầu cho sự khôn ngoan. Tôn kính trước sự vĩ đại và thánh thiện của Thiên Chúa là một phản ứng tự nhiên của những ai đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa bằng trái tim rộng mở.
Thế nên Môsê đã bỏ dép ra và che mặt lại khi ông nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong bụi gai bốc cháy. Isaia cũng có thái độ tương tự khi Thiên Chúa gọi ông làm ngôn sứ. Trước sự vĩ đại uy nghi của Thiên Chúa, Isaia đã thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất, vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,5). Thánh Phêrô cũng vậy, khi ngài chứng kiến mẻ cá lạ: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Trước sự hiện diện cuốn hút và huyền nhiệm của Thiên Chúa, con người nhận ra sự nhỏ bé của mình (số 208).
Tuy nhiên, “nỗi sợ thánh thiện” này được lấp đầy bởi chính tình yêu bao la của Thiên Chúa. Trong bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa mạc khải danh Ngài cho Môsê: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14). Ngài hứa với Môsê: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). Ngài mặc khải cho ông biết: “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu ân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Sự vĩ đại và gần gũi của Thiên Chúa gắn kết với sự thánh thiện và giàu lòng thương xót của Ngài (số 210).
Mọi sự trên trần gian này đều đổi thay, không ngừng đến rồi đi. Lòng người cũng thế, tâm hồn chúng ta thường xuyên thiếu trung thành, như chúng ta đã học được qua những kinh nghiệm đau thương. Trong đức tin, chúng ta được nâng đỡ vì biết rằng Thiên Chúa là Đấng luôn luôn kiên vững. Như tác giả thánh vịnh đã thốt lên trong tâm tình cầu nguyện: “Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Ngài tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài, chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao. Ngài thay chúng khác nào thay áo. Nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên” (Tv 102, 26-28). Thiên Chúa là “Đấng Hiện Hữu” từ muôn thuở đến muôn muôn đời, Ngài là Đấng luôn trung tín với chính mình Ngài và với các lời hứa của Ngài (số 212). Ngài không thể lừa dối vì Ngài là chân lý, Ngài không làm ai thất vọng vì Ngài là tình yêu.
Thánh Têrêsa Avila đã diễn tả ý này cách tuyệt vời trong tác phẩm của ngài và được trích lại trong sách GLHTCG:
“Đừng để điều gì làm cho bạn xao xuyến;
Đừng để điều gì làm cho bạn lo sợ.
Mọi sự đều qua đi, Thiên Chúa không thay đổi!
Kiên nhẫn sẽ được tất cả.
Ai có Thiên Chúa, người ấy chẳng thiếu gì:
chỉ có Thiên Chúa, là đã đủ”.
ĐHY Christoph Schönborn