TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 34. DÂN THIÊN CHÚA
Đức Phaolô VI từng nói rằng “Hội Thánh là kế hoạch hữu hình của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại” (GLHTCG số 776). Cho nên Hội Thánh là sự thực hiện kế hoạch ấy trong dòng lịch sử nhân loại. Để diễn tả chân lý này, Công đồng Vaticanô II dùng từ “Dân Thiên Chúa” và nhiều người coi đây là điểm son của Công đồng. Chúng ta thử tìm hiểu xem nội hàm của từ ngữ này là gì, bởi lẽ từ “Dân” ở đây mang ý nghĩa rất đặc biệt, khác với “dân” khi nói đến chủng tộc, chính trị, hay văn hóa.
“Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ người ta cách riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là Dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện” (số 781). Để hiểu được bản chất đặc biệt của Dân Thiên Chúa, chúng ta phải nhớ lại tính duy nhất của nhân loại từ khởi thủy (số 360). Trong tầm nhìn của Kinh Thánh, mọi người đều liên kết với nhau vì chung một cội nguồn nơi Thiên Chúa, mọi người đều có cùng một bản tính và phẩm giá nhân loại (số 1934). Mọi người đều được trao cho trái đất này như ngôi nhà chung (số 2402). Mọi người đều hướng tới mục đích chung đã được Thiên Chúa an bài, đó là sự hiệp thông vĩnh hằng với Thiên Chúa (số 1718).
Ngày nay, chủ nghĩa duy cá nhân được đề cao tối đa và ghi đậm dấu ấn trên cách nghĩ và lối sống của con người, nên người ta khó cảm nhận được ý nghĩa của từ “Dân Thiên Chúa”. Chủ nghĩa cá nhân này còn len lỏi vào cả cách nghĩ và đời sống đạo của người Kitô hữu, khiến họ xem đời sống đức tin như chuyện hoàn toàn riêng tư của mình với Chúa, không liên quan gì đến cộng đoàn Hội Thánh.
Gắn liền với tầm nhìn về Dân Thiên Chúa là cách diễn tả Hội Thánh như “bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hợp nhất nhân loại” (số 775). Mọi dân tộc đều thuộc về Chúa và Chúa chẳng phải là “sở hữu riêng” của dân nào cả. Thiên Chúa tạo “dân riêng của Ngài” từ mọi dân tộc, ngôn ngữ, quốc gia. Phép Rửa làm cho một người nên thành viên của Dân Thiên Chúa. Cho nên, nói cho nghiêm túc thì chẳng có chuyện một “quốc gia Kitô giáo” hoặc “châu Âu Kitô giáo” (như ít người lầm tưởng), bởi vì người ta trở nên thành viên của Dân Thiên Chúa là nhờ đức tin, và đức tin ấy phải là đức tin cá vị của mỗi người, chứ không phải vì sinh ra theo thể lý.
Dân Thiên Chúa không có “mảnh đất quê hương” trên trần thế này nhưng là một Dân đang trên đường hành hương hướng đến quê hương thiên quốc (số 769). Nếu chúng ta thực sự ý thức mình còn đang trên đường đi, thì chúng ta sẽ không bám víu vào những gì sẽ qua đi nhưng luôn hướng tầm nhìn đến mục đích cuối cùng. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ dễ chấp nhận những thiếu thốn trên đường và biết nâng đỡ nhau trong tư cách là thành viên của một Dân, để tất cả cùng mạnh bước đi tới Nước Thiên Chúa, “đã được chính Thiên Chúa khởi sự nơi trần thế và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Ngài hoàn tất trong ngày tận thế”.
ĐHY Christoph Schönborn