"Thế gian bách
hại nhưng đã thắng
Thể xác đớn đau
vẫn coi thường
Cái chết oai hùng
con đường thẳng
Khải hoàn Thiên
Quốc, chính Quê Hương".
Đoạn Thánh Thi
Kinh Sáng Phụng Vụ các Thánh Tử Đạo cho chúng ta thấy cái nhìn
của Giáo Hội về chứng tá oanh liệt của các chứng nhân đức tin.
Với niềm tin tuyệt đối vào Đức Kitô, vào vinh phúc vĩnh cửu, các
ngài đã sẵn sàng chấp nhận cái chết, từ bỏ cuộc sống trần gian
để được khải hoàn với ngành lá vạn tuế. Các ngài đã chấp nhận
"thua" để được "thắng", chấp nhận đau khổ để được hạnh phúc muôn
đời, với một thái độ hiên ngang đến nỗi chính lý hình cũng phải
ngỡ ngàng kính nể.
Thái độ kiên cường
đó không chỉ giành riêng cho hàng giám mục, linh mục, tu sĩ, mà
ngay cả những giáo hữu nghèo nàn, chất phác như trường hợp thánh
Vinh Sơn Dương. Dưới ánh sáng của đức tin, ông Đương không hề sợ
hãi nao núng khi chịu chết vì danh Chúa Kitô. Vinh Sơn Dương đã
nằm xuống, nhưng danh tính ông sẽ mãi mãi lưu truyền đến thiên
thu.
Ông Vinh Sơn Dương
sinh quán tại làng Doãn Trung, sau gọi là Phương Viên, thuộc xứ
Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình, giáo phận Trung (nay là giáo phận Thái
Bình). Ông lập gia đình và sinh được ba người con. Ngoài việc
canh tác ruộng nương như mọi người nông dân khác, ông còn còn
giữ thêm chức vụ thu thuế trong làng nữa. Cũng vì chức vụ này
ông bị "quan tâm đặc biệt" hơn các giáo hữu khác trong thời bách
hại.
Trong vòng chỉ
trong 15 năm, vua Tự Đức đã lần lượt ra đến tám chiếu chỉ cấm
đạo ngày càng gay gắt, và rộng rãi hơn. Tháng 08-1861 với chiếu
chỉ Phân sáp, nhà vua đã động viên cả guồng máy quan quân cho
đến những người dân ác cảm với đạo. Khi cho phép quan quân và
người ngoại giáo được tịch thu tài sản, cũng như bắt các tín hữu
về làm đầy tớ trong nhà, nhà vua đã đẩy họ vào tình cảnh bi đát
nhất chưa từng có. Thế nhưng nhà vua đã lầm. Những giáo hữu tầm
thường nhất, dù chỉ còn hai bàn tay trắng vẫn giữ được trái tim
sắt đá, vẫn đủ sáng suốt can đảm để không bao giờ tuân lệnh độc
đoán của nhà vua.
Khoảng cuối tháng
09-1861, ông Vinh Sơn Dương cùng với nhiều giáo hữu khác bị bắt
và bị phân sáp vào làng Mỹ Nhuệ, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái
Bình. Suốt chín tháng bị giam giữ tại đây với bao hình khổ dữ
dằn, bao sỉ nhục mắng nhiếc, ông Vinh Sơn Dương đã vui vẻ chấp
nhận tất cả để giữ lòng trung tín với Chúa Giêsu, quyết không
chà đạp lên Thánh Giá.
Cuối cùng, ngày
06-06-1862, ông Vinh Sơn Dương đã lãnh bản án thiêu sinh. Sau
giờ hành quyết, các giáo hữu đã chôn cất vị anh hùng đức tin
ngay nơi lãnh phúc tử đạo. Ít lâu sau, thi hài ông Dương được
cải táng và rước về mai táng tại nhà thờ thánh Vinh Sơn, nơi quê
hương của Ngài, chính vợ ông, bà Anrê Tịnh, hiện diện trong ngày
xử án, sau cũng đến làm chứng cho chồng với giáo quyền để lập hồ
sơ phong thánh.
Thế là sau 18 thế
kỷ của lịch sử Kitô Giáo, một người nông dân Việt Nam lại bị
thiêu sống như hàng loạt các tín hữu thời sơ khai tại hý trường
Rôma thời bạo chúa Nêrôn. Có điều ánh lửa thiêu đốt ông Vinh Sơn
Dương không lịm tắt đi nơi vùng quê của đất nước Việt Nam, nhưng
sẽ bừng lên tỏa sáng khắp năm châu.
Ngày 29-04-1951,
danh xưng ông Vinh Sơn Dương trở lên bất diệt, khi Đức Piô XII
long trọng suy tôn ông lên bậc Chân Phước tại Vương Cung Thánh
Đường thánh Phêrô. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn
ngài lên bậc Hiển thánh.
Trong hiến chế
giáo hội, Công Đồng Vatican II gợi lên cho chúng ta những suy
nghĩ mỗi khi chiêm ngưỡng mẫu gương chết vì đức tin đáng trân
trọng :
"Khi tử đạo, người
môn đệ đồng hóa với Thày mình, đấng đã tình nguyện chấp nhận cái
chết để cứu nhân độ thế… Giáo Hội coi việc tử đạo như một ân huệ
lớn lao và là một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dù chỉ một số
ít được phúc tử vì đạo, nhưng tất cả mọi người đều phải sẵng
sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt tha nhân và bước theo Ngài
trên đường Thánh Giá giữa những cuộc bách hại không hề thiếu
vắng trong Giáo Hội" (Số 42B).
Nguồn từ thư
viện Đa Minh
Trường thi tử Đạo.
Vinhsơn Dương sinh
năm Tân Tỵ(1821)
Tại Doãn Trung tỉnh lỵ Thái Bình
Nghề nông nuôi sống gia đình
Lại kiêm thu thuế thực tình giỏi giang
Anh tử tế ngoài làng trong họ
Về gia đình có vợ hai con
Vợ chồng hoà thuận vuông tròn
Ban ngày làm ruộng tối còn thu chi
Về việc đạo anh thì sốt sắng
Lễ hằng ngày ít vắng mặt anh
Con cái học đạo tốt lành
Gia đình gương mẫu nổi danh trong làng
Về phần đời giỏi giang thu thuế
Không gian tham áp chế người dân
Thu thuế sòng phẳng chuyên cần
Cũng vì làm tốt nên dân bầu hoài
Làng Doãn Trung bao đời truyền thống
Vững đức tin gieo giống tình thương
Cùng nhau đi một con đường
Trước là mến Chúa sau thương yêu người
Cứ tưởng mãi trọn đời vui sống
Nào ai ngờ biến động đến ngay
Vua Tự Ðức ngài ra tay
Chiếu chỉ phân sáp kỳ này mạnh hơn
Ðạo Công giáo trong cơn bách hại
Người dồn đi của cải tịch thu
Các nhà xứ, các dòng tu
Ðều phải giải tán khổ ư trăm chiều
Các Cha sở phần nhiều phân tán
Phần giáo dân ngao ngán nguồn cơn
Tập trung chửi bớicăm hờn
Làm đàn con Chúa như đờn không dây
Vinhsơn Dương lúc này đang chịu
Những roi đòn chính hiệu Gia-tô
Bụng đói miệng khát nước khô
Chân thì xiềng xích gông vô cổ chàng
Dương chỉ thấy thiên đàng là quý
Chỉ cần ta cố chí bền gan
Ðể thánh giá giục bước sang
Ông mà quá khoá sẵn sàng thả ngay
Dương đứng dậy chỉ ngay vào mặt
Ðừng nói thêm bày đặt quỷ ma
Theo Chúa ta đã quyết mà
Chịu chết vì đạo hồn ta Nước Trời
Quan thấy vậy ấy thời giận dữ
Án hoả thiêu đem xử tên này
Lệnh vua xuống chấp thuận ngay
Nhâm Tuất (1862) tử đạo hồn bay lên Trời
Một chứng tá tuyệt vời gan dạ
Vượt khổ hình chứng tá đức tin
Tân Mão (1951) Toà Thánh hướng nhìn
Suy tôn Chân phước đức tin sáng ngời
Lời bất hủ: Cuối tháng 9/1961, ông Vinh Sơn Dương bị bắt
và bị phân sáp vào làng Mỹ Nhuệ, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái
Bình. Suốt chín tháng bị giam giữ, tại đây với biết bao hình khổ
dữ dằn, bao sỉ nhục nhiếc mắng, ông Vinh Sơn Dương đã vui vẻ
chấp nhận tất cả để giữ lòng trung tín với Chúa Giêsu, quyết
không chà đạp lên Thánh giá. Cuối cùng ông đã lĩnh bản án "Thiêu
sinh" |