SỐNG ĐỨC TIN TRONG CÔNG VIỆC VÀ ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY: LỜI MỜI GỌI TRỞ THÀNH ÁNH SÁNG TRONG MỖI HÀNH ĐỘNG
Đức tin Công giáo mời gọi chúng ta sống cuộc sống hằng ngày theo những giá trị Tin mừng. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới dường như tách biệt khỏi đời sống thiêng liêng, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có thể sống đức tin trong công việc và đời sống thường nhật chăng? Câu trả lời là một lời khẳng định mạnh mẽ: Có thể. Đây không phải là một nỗ lực đơn lẻ mà là một thái độ sống, trong đó biến đổi từng cử chỉ, từng hành động và có khả năng tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh.
1. Đời sống Kitô hữu là một tổng thể, không bị phân mảnh
Một trong những bước đầu tiên để tích hợp đức tin vào cuộc sống hằng ngày là hiểu rằng việc là Kitô hữu không chỉ đơn thuần là việc chúng ta thực hành trong giờ cầu nguyện hoặc tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật. Đức tin cần thấm nhuần vào từng khoảnh khắc của đời sống — ở nhà, trong gia đình, nơi công sở và ở mọi không gian mà chúng ta hiện diện. Không có phần nào trong cuộc sống của chúng ta nên bị tách rời khỏi mối tương quan với Thiên Chúa. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy rằng: “Đức tin không chỉ được sống trong những khoảnh khắc cầu nguyện, mà còn trong từng cử chỉ hằng ngày, trong mỗi lựa chọn của cuộc sống chúng ta”. Thánh Gioan Bosco cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống đức tin liên lỉ khi nói: “Ai không sống trong ân sủng của Thiên Chúa, dù trong Giáo hội, trong đời sống Kitô hữu, trong gia đình hay trong công việc, thì ở đâu cũng là hư vô”. Vì thế, sống đức tin phải là một hành trình liên tục, một dòng chảy xuyên suốt cuộc sống, chứ không phải là những hành động đơn lẻ, tách biệt.
2. Tìm ý nghĩa phục vụ trong từng công việc
Trong công việc, mỗi nhiệm vụ chúng ta thực hiện đều có một mục đích cao cả hơn. Thánh Josemaría Escrivá, đấng sáng lập Opus Dei, mời gọi chúng ta nhìn công việc như một cơ hội để phục vụ Thiên Chúa: “Làm tốt công việc trần thế, dù là việc nhỏ bé nhất, chính là một biểu hiện của tình yêu dành cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân”. Thánh Têrêsa Avila cũng dạy chúng ta thánh hóa các hoạt động thường nhật khi nói: “Lao động là cách hoàn hảo nhất để tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Ngài ban cho chúng ta”. Vì thế, trong guồng quay công việc hằng ngày — dù là ở văn phòng, cửa hàng, bàn làm việc hoặc bất kỳ nơi đâu — chúng ta đều có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích sâu xa. Mỗi nhiệm vụ, dù nhỏ bé đến đâu, đều có thể được thực hiện như một hành động của tình yêu và sự tận tâm. Khi làm như vậy, chúng ta biến hoạt động nghề nghiệp của mình thành một sự phục vụ cho công ích, cho cộng đồng, và trên hết là cho Thiên Chúa.
3. Đức tin là kim chỉ nam cho quyết định và thái độ
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên đối diện với những quyết định có thể được định hướng bởi đức tin. Chúng ta đối xử với đồng nghiệp như thế nào? Chúng ta có luôn hành động trung thực không? Chúng ta có công bằng và trắc ẩn không? Đây chỉ là một vài ví dụ về việc làm sao để chúng ta có thể sống đức tin qua hành động của mình. Tin mừng mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng cho trần gian và muối cho đời (Mt 5,13-16), điều này có nghĩa là hành vi của chúng ta cần phản ánh các giá trị Kitô giáo như: trung thực, công bằng, khiêm nhường và nhân hậu. Mỗi khi đưa ra quyết định dựa trên những nguyên tắc này, chúng ta đang chứng tỏ rằng đức tin là một điều sống động, vượt ra ngoài những giây phút cầu nguyện và trở thành nguồn động lực cho cuộc sống của mình. Thánh Augustinô từng nhắc nhở: “Chúng ta không thể thực sự làm điều tốt nếu đó không phải là làm điều tốt cho người khác, và làm điều tốt cho người khác chính là làm điều tốt cho Chúa”. Sống đức tin đồng nghĩa với việc luôn kiên định với các giá trị của mình, ngay cả trong những quyết định nhỏ nhặt nhất của cuộc sống thường ngày.
4. Tầm quan trọng của việc cầu nguyện hằng ngày
Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra những khoảng thời gian trong ngày để cầu nguyện và kết nối lại với Thiên Chúa. Việc cầu nguyện không nhất thiết phải dài dòng hoặc diễn ra trong một không gian lý tưởng; điều cốt yếu là biến việc cầu nguyện thành thói quen trong đời sống hằng ngày. Việc dâng công việc, hành động và những khó khăn của chúng ta lên Thiên Chúa qua một lời cầu nguyện ngắn, như Kinh Lạy Cha hay Kinh Kính Mừng, sẽ nhắc nhở chúng ta rằng Ngài luôn hiện diện trong mọi việc chúng ta làm. Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng cầu nguyện là phương tiện chính để tích hợp đức tin vào đời sống thường nhật: “Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn; không có nó, trái tim sẽ nghẹt thở”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng chia sẻ: “Tôi không bao giờ mệt mỏi khi lặp lại rằng tình yêu là tất cả trong đời sống Kitô hữu, và không có gì là không thể đối với lời cầu nguyện nếu được dâng lên Thiên Chúa với tình yêu”.
5. Làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô nơi môi trường làm việc
Là Kitô hữu, cuộc sống của chúng ta chính là một chứng tá. Mỗi lần chúng ta tương tác với đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai đều là cơ hội để phản chiếu tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô. Người mời gọi chúng ta trở thành những sứ giả của bình an, công lý và niềm vui. Với thái độ khiêm nhường và sẵn lòng giúp đỡ, chúng ta có hỗ trợ những người xung quanh bằng cách lắng nghe chân thành, trao lời động viên, hoặc đơn giản chỉ là một cử chỉ tử tế. Làm chứng cho Đức Kitô không có nghĩa là phải đưa ra những tuyên bố lớn lao, mà là sống nhất quán với đức tin của mình trong từng hành động nhỏ hằng ngày. Thánh Phanxicô Assisi từng nhấn mạnh: “Hãy rao giảng Tin mừng mọi lúc, và nếu cần, hãy dùng lời nói”. Lời nhắc nhở này giúp chúng ta hiểu rằng chính hành động và cách sống của chúng ta mới là minh chứng mạnh mẽ nhất cho đức tin, nếu chúng ta thực sự sống điều mình rao giảng.
6. Nghỉ ngơi như một hành động của đức tin
Giữa nhịp sống hối hả hàng ngày, việc nghỉ ngơi cũng đóng một vai trò quan trọng. Lời mời gọi nghỉ ngơi, theo ý nghĩa của ngày Sabbat mà Thiên Chúa dạy chúng ta, không chỉ là sự nghỉ ngơi về thể xác mà còn là sự nghỉ ngơi về tinh thần. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, để tiếp tục làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta cần được tái tạo cả về thể lý lẫn tinh thần. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Nghỉ ngơi không chỉ là một quyền lợi, mà còn là một nhu cầu thiết yếu giúp con người đến gần Thiên Chúa hơn”. Thánh Catarina Siena cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bình an nội tâm khi dạy rằng: “Bình an trong tâm hồn mới là sự nghỉ ngơi đích thực”, nhắc nhở chúng ta rằng sự thư giãn không chỉ giới hạn ở thể chất mà còn cần hướng đến sự thanh thản trong tâm hồn. Vì thế, trong nhịp sống hàng ngày, thời gian nghỉ ngơi không chỉ là lúc để hồi phục thể lực mà còn là dịp để chúng ta kết nối lại với Đấng Tạo Hóa, tìm lại sự bình an và ý nghĩa sâu xa hơn trong cuộc sống.
7. Tinh thần liên đới trong công việc
Sống đức tin nơi môi trường làm việc cũng đồng nghĩa với việc thể hiện tinh thần liên đới và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Chúa Giêsu dạy rằng, yêu thương tha nhân là một trong những điều răn quan trọng nhất (Mt 22:39). Điều này không chỉ đòi hỏi chúng ta trở thành người tốt mà còn sẵn sàng đưa tay giúp đỡ những người xung quanh khi họ cần. Việc thể hiện sự liên đới có thể đến từ những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, như hỗ trợ tinh thần cho đồng nghiệp, giúp đỡ họ hoàn thành các công việc khó khăn, hoặc chia sẻ những gì mình có. Những cử chỉ đơn giản này chính là minh chứng sống động cho việc thực hành đức tin trong đời thường. Thánh Vinh Sơn Phaolô, người được biết đến với lòng tận tụy giúp đỡ những người nghèo khó, đã từng nói: “Không có gì cao quý hơn việc làm điều tốt cho người khác, vì đó chính là cách chúng ta làm điều tốt cho Thiên Chúa”.
Sống đức tin trong công việc và đời sống hàng ngày là một thử thách đố mà mọi Kitô hữu đều được mời gọi đón nhận. Từng ngày, từng hành động và từng quyết định đều là cơ hội để chúng ta sống theo các giá trị Tin mừng và lan tỏa tình yêu Thiên Chúa đến thế giới. Điều quan trọng không nằm ở những hành động phi thường, mà ở việc biến những điều bình dị hằng ngày thành những hành vi yêu thương dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Mong sao việc tích hợp đức tin vào đời sống hằng ngày trở thành khát vọng không ngừng của mỗi chúng ta. Qua đó, chúng ta có thể trở nên ánh sáng soi chiếu trong thế giới, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, liên đới, và nhân ái hơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: www.exaudi.org (24/02/2025)