HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC – PHẦN 6: HÀNH HƯƠNG THỜI KỲ CÁC TÔNG ĐỒ
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG 2: HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC
Phần 6: HÀNH HƯƠNG THỜI KỲ CÁC TÔNG ĐỒ
Giáo hội càng bị bách hại, hành hương càng rộng khắp. Có thể nói như thế để mô tả cho thời kỳ Giáo hội sơ khai. Số là sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ đã nhanh chóng đi ra làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh ở khắp mọi nơi. Mỗi Tông đồ hành trình theo cách của riêng mình trong sự hướng dẫn mãnh liệt của Chúa Thánh Thần.
Mang trong tim ngọn lửa truyền rao đạo mới, các Tông đồ có thể nói là rất thành công từ lời rao giảng cho đến những phép lạ cả thể. Họ chiếm trọn cảm tình của rất nhiều người. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Do Thái lại ra sức bách hại các Tông đồ. Thánh Phêrô và Gioan bị bắt đến hai lần (Cv 4,3-23). Trong đó người bách đạo “khét tiếng” nhất được sách Công vụ Tông đồ kể lại đó là Phaolô. Với cuộc hoán cải ngoạn mục trên đường Đa-mát (năm 38), Phaolô cùng với thánh Phêrô làm nên những con đường hành hương ở tầm mức quốc tế hơn.
1. Đường đến Rôma của Phêrô
Sử liệu viết rất ít về con đường đến Rôma của thánh Phêrô. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đề cập đến cuộc tử đạo của thánh nhân tại trung tâm của đế quốc Rôma. Hẳn nhiên lúc Phêrô đặt chân đến đây, Rôma là vùng đất dân ngoại. Có lẽ thánh nhân đã có công đầu trong việc hình thành một cộng đoàn Kitô giáo tại đây[1]. Cũng như Giáo hội bị giới lãnh đạo Do Thái bách bớ, các hoàng đế Rôma cũng không ưa bổn đạo mới này. Một trong những vị hoàng đế nổi tiếng phải nhắc đến là Nêrô. Chẳng hạn như trong thư gửi cho Côrintô (vào cuối thế kỷ I, khoảng năm 95-96), giáo hoàng Clêmentê cho biết chính thánh Phêrô cũng là nạn nhân của hoàng đế này (1Cr 5,4-5).
Một giai thoại khá nổi tiếng liên quan đến thánh Phêrô trong giai đoạn bách đạo này, đó là “Quo Vadis?” (Ngài đi đâu?). Quo Vadis là một tiểu thuyết lịch sử được sáng tác bởi văn hào Henryk Sienkiewicz, người Ba Lan. Qua câu chuyện này, tác giả mô tả lịch sử bi hùng của cộng đoàn non trẻ, nhưng lại có một chứng nhân kiên cường, đó là thánh Phêrô. Chuyện kể rằng đang khi Phêrô chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu. Ông hỏi Chúa: “Quo vadis, Domine?” (“Lạy Chúa, Ngài đang đi đâu?”), Chúa Giêsu trả lời: “Eo Romam crucifigi iterum” (“Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”) – ngụ ý nhắc nhở Phêrô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng, Phêrô đã quay trở lại thành Rôma để chịu kết án đóng đinh ngược. Sau đó thi hài của thánh nhân được chôn cất tại Vatican (Đền thờ thánh Phêrô ngày nay tại Rôma).
Về thi hài của thánh Phêrô cũng kể là thú vị. Chẳng hạn năm 258 chính quyền Rôma gây nguy hại cho các nghĩa trang. Các tín hữu di dời xác thánh nhân giấu trong hang toại đạo trên đường Appia[2]. Khi cuộc bách hại lắng xuống, họ lại đưa thánh tích về chỗ cũ. Năm 1915, khi người ta đào bới hang toại đạo này, còn thấy trên tường 150 bút ký viết bằng chì những lời cầu khẩn của Phêrô và Phaolô. Điều này có nghĩa là xác thánh Phêrô phải chăng vẫn còn ở hang này?
Cho tới đầu thế kỷ XX, Giáo hội chưa từng nghĩ và cũng không dám kiểm tra dưới mộ của thánh Phêrô có những gì! Năm 1939 trong dịp tu sửa đền thờ thánh Phêrô, Giáo hoàng Piô XII đã ra lệnh bắt đầu các cuộc đào bới khảo cổ dưới nền đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin. Truyền thống liên tục từ xưa tới nay nói là có mộ của Thánh Phêrô ở nơi này. Các cuộc đào bới đã kéo dài từ năm 1941 đến 1950. Ngay dưới bàn thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông.
Năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố là Giáo hội đã tìm thấy hài cốt của Thánh Phêrô. Từ đó đến nay không còn nghi vấn thực hư về thánh tính của vị Tông đồ trưởng, vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
2. Đường về Rôma của Phaolô
Thánh Phaolô ban đầu là một người Do Thái sinh ra tại Tharsus, một thành phố thuộc vùng Cilicia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Saul là tên của thánh nhân lúc còn là người theo đạo Do Thái (Rm 11,1). Sau khi trở lại, Phaolô bắt đầu truyền giáo và trở thành một môn đệ đầy nhiệt huyết của Chúa Kitô. Chẳng hạn, từ nơi ngã ngựa ở Đa-mát Phaolô về Giêrusalem và lưu lại đây một thời gian ngắn để làm quen với Phêrô, rồi sau đó sang Siria và Cilicia, (miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Phaolô đến thành Antioch[3], từ đó thánh nhân bắt đầu cuộc hành trình qua Cộng hòa Síp và miền nam vùng Tiểu Á. Vì là người am hiểu văn hóa Hy Lạp, nên thánh Phaolô khá thành công với các cộng đoàn ở đây (Thessalonica, Corinth). Sau đó ngài rảo bước khắp vùng Tiểu Á và Macedonia, đến Antioch. Năm 58 ngài bị bắt ở Giêrusalem. Hai năm sau ngài bị dẫn về Rôma, và năm 63 được trả tự do. Sau 3 năm giảng đạo ở đây, thánh nhân bị bắt lần thứ hai (năm 66). Trong tù, ngài viết thư gửi các Giáo đoàn. Những thư này đã trở thành phần quan trọng của Kinh Thánh. Năm sau đó ngài chịu tử đạo.
Ngày nay có nhiều người hành hương Kitô giáo đến các nơi liên quan đến Thánh Phaolô trong các hành trình tôn vinh và kính nhớ vị thánh trụ cột này. Chẳng hạn ở Rôma có Basilica of Saint Paul Outside The Walls (Nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành) là một trong những địa điểm quan trọng nhất được người hành hương thăm ở Rôma. Đây là nơi chôn cất của Thánh Phaolô. Ngoài ra, đoàn hành hương thường ghé thăm các di tích cổ đại và nhà thờ có liên quan đến Thánh Phaolô tại Hy lạp. Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi hấp dẫn những nhà nghiên cứu Kinh Thánh bởi Phaolô đã viết một số thư gửi các giáo hội ở đây.
3. Cuộc hành hương đến mộ thánh
Nếu như Giêrusalem là nơi hành hương quan trọng nhất trong thời Cựu ước và là nơi liên hệ đến Đức Giêsu, thì Rôma là trung tâm hành hương của người Công giáo. Chúng ta trở về với cái nôi của sự phát triển Giáo hội. Gọi là cái nôi vì sau 3 thập kỷ bách đạo, hoàng đế La Mã Constantinus đã trở lại đạo Công giáo. Ông và mẹ mình là hoàng hậu Hellen có công rất lớn trong việc dựng xây Giáo hội cùng với những Giáo hoàng thời đó. Một trong những trăn trở của Giáo hội là dựng xây một Vương cung thánh đường trên phần mộ của thánh Phêrô. Về sau, các vương cung thánh đường (Basilicas) được xây dựng trên địa điểm của những “thánh địa”.
Một ngôi thánh đường đầu tiên đã được xây dựng thời hoàng đế Constantinus ở thế kỷ thứ tư. Chúng ta sẽ trở lại với câu chuyện ngôi thánh đường này sau. Ở đây từ thế kỷ thứ 4, lịch sử hành hương bước sang một trang mới với nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên phải kể đến việc đi lại tương đối dễ dàng khi toàn cõi Roma cai quản đều mở cửa cho các tín hữu Công giáo hành hương. Nhất là dòng người từ rất nhiều cộng đoàn được các tông đồ thành lập trở về Đất Thánh. Đó là nơi quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Giêsu. Không dừng lại ở Đất Thánh, từng đoàn người túa đến kính viếng, và nhiều lần từ rất xa xăm, những thánh đường cung hiến cho các vị tử đạo thời danh: như thánh Ménas tại Ai Cập, ở phía tây Châu thổ, bảy anh em thánh Macabê, thánh Babylas tại Antioche, thánh Gioan tại Éphèse, thánh Démetrios tại Thessalonique, thánh nữ Anastasie ở Sirmium, thánh Quirin ở Siscia, cả hai trong miền Illyricum (trước khi các vị này được di chuyển đến Rôma) v.v.
Đoàn hành hương mỗi lúc một đông, đến nỗi hành hương trở thành một hiện tượng, một đặc sủng[4] trong lòng Giáo hội. Tuy vậy, lúc đầu vì lòng đạo đức bình dân, nhiều người sẵn lòng hành hương dù đường xa vạn dặm. Họ muốn đền tội, muốn làm điều gì đó để thể hiện tâm tình thống hối ăn năn. Tuy nhiên, một lối nhìn khác có thể hiểu được, khi nhiều người hành hương chỉ vì lòng hiếu kỳ, hoặc óc tò mò, thậm chí hành hương đối với nhiều người là thuần túy đi du lịch. Chính vì những mặt tối của hành hương này nên Giáo hội lúc đầu cũng dè chừng. Chẳng hạn như thánh Grégoire thành Nysse, đã tỏ ra dè dặt đối với hình thức đạo đức này.
Những mặt tối của hành hương được đẩy lên đỉnh điểm vào thời Cải Cách của các anh em Tin lành. Chẳng hạn: “Người ta thay thế việc đạo đức dựa vào thần học bằng những phô trương thuộc giác quan, người ta đi hành hương để được nhìn thấy, để được sờ mó vào phép lạ”[5]. Để loại bỏ hình thức có tính dị đoan hoặc “buôn thần bán thánh” này, phong trào cải cách đòi “phải bãi bỏ công chính nhờ việc làm, nhất là bỏ các cuộc hành hương, bỏ sự tôn sùng các thánh và các di vật thánh, và dĩ nhiên bỏ hệ thống các ân xá”[6]. Trong khi đó, thánh I-nhã (một người hành hương), Đấng sáng lập Dòng Tên một mực bảo vệ những việc đạo đức bình dân này với một ý nghĩa đúng đắn hơn mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây.
Thực tế là không thể phủ nhận hành hương giúp cho nhiều người cầu nguyện. Nhất là ngày có nhiều người đến gặp các vị ẩn tu hoặc những vị thánh thiện để được đồng hành thiêng liêng (ví dụ thánh Antôn). Sau khi các vị ấy qua đời, người ta thường lui tới hành hương nơi các ngài đã sống, nhất là tại phần mộ của các ngài. Nơi này trở thành thánh địa, là nơi hành hương đơn giản vì có liên quan đến một vị thánh (thánh tích của các vị tử đạo). Việc tôn kính các thánh tử đạo xuất phát từ việc coi các ngài là người đã mang nơi mình Đức Kitô chịu đau khổ. Lòng đạo đức bình dân này vẫn được Giáo hội khuyến khích: “Các cuộc hành hương đến Thánh Địa, và các ngôi mộ của các Tông đồ và các vị tử đạo, việc tôn kính các thánh tích, kinh cầu và quyền bầu cử cho người đã chết”[7].
Trong bối cảnh trên, các sử gia điều thừa nhận rằng trong thời Trung Cổ, các kiến trúc sư và các nghệ sĩ đã thi thố tài năng trong công trình xây cất và trang trí các thánh đường hay các cơ sở tôn giáo. Chẳng hạn:
– Leonardo da Vinci (1452-1519): Ông là một trong những họa sĩ và nhà khoa học đa tài nhất của thời kỳ Phục hưng ở Ý. Ông nổi tiếng với các tác phẩm hội họa như: The Adoration of the Magi (1478–1482), The Virgin of the Rocks (1483–1493), The Last Supper, Đấng Cứu Chuộc Trần Gian-Salvator Mundi (vẽ năm 1499–1510), v.v. (Mona Lisa cũng là của ông, hiện được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Pháp, Louvre).
– Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564) là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ Phục hưng và được biết đến với các tác phẩm nghệ thuật như bức tượng David và tranh tường trần nhà nguyện Sistina.
– Giotto di Bondone (1266-1337): Giotto là một họa sĩ và điêu khắc nổi tiếng trong thời kỳ Trung Cổ và được coi là người tiên phong trong việc đưa thể hiện chi tiết và chiều sâu vào nghệ thuật hội họa.
– Hildegard von Bingen (1098-1179) là một nữ nghệ sĩ, nhà thần học và nhà sưu tập âm nhạc. Bà được biết đến với các sáng tạo trong âm nhạc và hội họa và có một tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.
Tóm lại, vì là Đế Quốc nên Rôma đã trở thành một kho dự trữ và một viện bảo tàng với nhiều kiệt tác về kiến trúc cũng như về các phương diện nghệ thuật tôn giáo và văn hóa khác của mỗi thời đại và mỗi kiểu mẫu[8].
Nếu đến Rôma, chúng ta thấy chi chít nhà thờ, đền thánh trong những kiến trúc nổi bật của mỗi thế hệ trong kỷ nguyên Kitô. Rôma vẫn luôn là thánh địa hấp dẫn khách hành hương. “Mọi con đường đều dẫn đến Rôma” là vì những điều trên?
Ngày nay chúng ta cũng giữ được nét đẹp này. Kể cả ở Việt Nam, chúng ta thích hành hương về những mộ thánh hoặc các bậc đáng kính. Thử tưởng tượng chúng ta đang sống ở những thế kỷ Giáo hội mới thoát khỏi sự kìm hãm của bách đạo. Các tín hữu lúc đó có trào lưu viếng mộ các tông đồ. Khi số lượng đông cũng là lúc nhu cầu nhà ở cho khách hành hương cũng lớn. Ngoài ra, việc xây dựng thánh đường những nơi này cũng là điều dễ hiểu. Với những thánh đường nguy nga, kèm theo là kiến trúc, hội họa hoặc nghi lễ liên quan. Thậm chí có người cho rằng: “Nền phụng vụ này về sau sẽ lan tỏa ra toàn thể giáo hội nhờ những cuộc hành hương.”[9]
Mách nhỏ khi hành hương:
– Cảm nhận Giáo hội có một lịch sử thánh, Giáo hội tông truyền.
– Có thể diễn tả đức tin bằng những cử chỉ nhỏ[10].
– Tôi kiên nhẫn lắng nghe người hướng dẫn giải thích ngắn gọn về địa điểm hành hương.
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024
______
[1] Thế kỷ II, trong thư gửi giáo dân Rôma, Thánh Đionisio (166-174) Giám mục Corinto cũng quả quyết giáo đoàn này do hai tông đồ Phêrô và Phaolô thành lập.
[2] Catacumbas để chỉ một khu vực với nhiều hố đào trên đường Appia tại Roma vào thế kỷ thứ IV. Trải qua suốt thời Trung Cổ, các đền thờ nơi có vị tử đạo vẫn được giáo dân lui tới, nhưng toàn bộ phần còn lại của hang toại đạo bị lãng quên cho đến khi được “tái sinh” vào cuối thế kỷ XVI. (Theo Lm. Nguyễn Mai Kha SJ, tiến sĩ Lịch Sử Giáo Hội).
[3] Đây là thành phố lớn vào hàng thứ ba của Đế quốc Roma thời đó.
[4] Đặc sủng là những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội thánh.
[5] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IIIA Cải Cách Và Chống Cải Cách (1501-1714) tr. 35.
[6] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IIIA Cải Cách Và Chống Cải Cách (1501-1714) tr. 71.
[7] X. Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 282.
[8] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IIA Thời Trung Cổ (600-1500) tr. 59.
[9] Tân Lịch Sử Giáo Hội, Cuốn IB Từ Nguồn Gốc Cho Đến Thánh Grégoire Cả (-606), tr. 100.
[10] “Đặc trưng của lòng đạo đức bình dân là lối diễn tả đa dạng và phong phú của thân thể: những cử điệu và biểu tượng, chẳng hạn sự hôn kính hay chạm tay vào ảnh tượng hay thánh tích, rước kiệu, hành hương, đi một chặng đường bằng chân không hay bằng đầu gối, dâng của lễ, mặc y trang đặc biệt, quỳ gối hay sấp mình, đeo ảnh hay mang phù hiệu… tất cả nhằm biểu lộ những tình cảm yêu mến thiêng liêng, và lòng mong muốn sống một đời sống Kitô chân thực.” (“Chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng”, số 15).