LÝ THUYẾT BIG BANG CÓ ĐỦ ĐỂ GIẢI THÍCH VỀ NGUỒN GỐC CỦA VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI HAY KHÔNG?
WHĐ (12/02/2025) – Vũ trụ bắt nguồn từ đâu và sẽ quay về đâu? Vũ trụ có điểm khởi đầu không và nếu có thì điều gì xảy ra trước đó? Bản chất của thế giới này là gì? Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta sinh ra và sống ở đời này để làm gì? Cuộc sống sau khi chết sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi lớn mà con người trong mọi thời đại luôn quan tâm và khắc khoải, và để trả lời cho những câu hỏi đầy tính hiện sinh đó, cho đến nay lịch sử đã chứng kiến nhiều giải đáp và lý thuyết khác nhau nhằm giải thích và chứng minh nguồn gốc ra đời của vũ trụ và con người, một trong những lý thuyết được các nhà khoa học hiện đại và con người thời nay chấp nhận nhiều, đó chính là lý thuyết Big Bang (Vụ Nổ Lớn).
Lý thuyết Big Bang là một công trình nghiên cứu đáng kể nhất về nguồn gốc của vũ trụ và đây được xem là một giả thuyết quan trọng nhất của vũ trụ học hiện đại. Nguồn gốc ra đời của lý thuyết Big Bang, theo nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking và nhiều học giả nổi tiếng khác thì thuyết Big Bang được khởi sự với công trình nghiên cứu của nhà khoa học người nga Alexandre Friendman (1888-1925) và của một linh mục ngưởi Bỉ tên là Georges Lamaitre (1894-1966). Năm 1948 nhà vật lý người mỹ gốc nga George Gamow (1904-1968) đã kế thừa quan điểm của Alexandre Friendman và Georges Lamaitre, cùng với lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein để cho ra đời một lý thuyết vũ trụ nóng và đặc, có điểm khởi đầu. Tuy nhiên, tên gọi Big Bang lại do Hermann Bondi, Thomas Gold và Fred Hoyle một địch thủ của thuyết này đặt ra với ý châm biếm[1]. Giả thuyết Big Bang dần dần được cũng cố khi vào năm 1929 nhà thiên văn học người mỹ Edwin Hubble đã dùng kính thiên văn quan sát vũ trụ. Ông đã ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đa số các thiên hà đều có quang phổ dịch về phía đỏ, chúng đang chuyển động ra xa chúng ta. Như thế, vũ trụ của chúng ta không phải là tĩnh như trước kia người ta vẫn thường nghĩ, mà thực tế nó đang giản nở, khoảng cách giữa các thiên hà ngày càng tăng lên theo thời gian. Theo lý thuyết này, vũ trụ đang giản nở khắp nơi và không tồn tại một điểm trung tâm. Với sự quan sát của nhà thiên văn học Hubble, người ta đi ngược lại thời gian để trở về trước cách đây khoảng 15 – 16 tỷ năm đã có một vụ nổ lớn xảy ra đó chính là Big Bang, phát hiện này đã làm thay đổi nhiều quan niệm về vũ trụ học.
Theo các nhà thiên văn, vũ trụ và vật lý học, vũ trụ của chúng ta lúc đầu vô cùng nhỏ, nóng và đặc (mật độ vô hạn). Vấn đề là vũ trụ này bắt đầu từ đâu? Hiện nay, các nhà khoa học và triết học đều cho rằng vũ trụ của chúng ta bắt đầu từ một điểm gọi là điểm kì dị, tại thời điểm kì dị đó, thuyết tương đối rộng, các định luật vật lý và toán học đều không áp dụng được và chúng không còn đúng nữa, người ta không thể tiên đoán điều gì sẽ xuất hiện từ điểm kì dị đó. Ngay khi lý thuyết Big Bang vừa mời ra đời, vì tính hợp lý của nó nên đã được nhiều nhà khoa học ủng hộ và chấp nhận. Đồng thời, Giáo Hội Công Giáo đã nắm lấy mô hình vụ nổ lớn và năm 1951 đã chính thức tuyên bố thuyết Big Bang hoàn toàn phù hợp với Kinh thánh[2]. Trong thời gian đó, Đức Giáo hoàng Piô XII đã ủng hộ mãnh mẽ thuyết vụ nổ lớn, thậm chí cả trước khi người ta thiết lập nên cái nền tảng khoa học vững chắc để củng cố cho nó[3].
Vào những năm 1980, Tòa Thánh có tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề về vũ trụ học dưới sự chủ trì của các tu sĩ Dòng Tên tại Vatican. Cuối hội nghị, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: Việc nghiên cứu sự tiến triển của vũ trụ sau vụ nổ lớn là đúng, song Giáo Hội không tìm hiểu về bản thân vụ nổ lớn, vì đó là thời điểm của sáng tạo, nên thuộc công việc của Thiên Chúa[4]. Như vậy, mặc dù được nhiều nhà khoa học và con người thừa nhận nhưng cho đến nay lý thuyết Big Bang vẫn còn là một giả thuyết chưa được kiểm chứng một cách xác thực, mà lý thuyết thì có thể đúng hoặc sai, lý thuyết chỉ tồn tại trong đầu óc của con người chứ không có một thực tại nào khác, dù nó có ý nghĩa gì đi chăng nữa. Vì thế, thuyết Big Bang chưa phải là một chân lý hiển nhiên và như vậy nó không đủ để giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người. Chính vì thế, trong cuộc sống chúng ta không nên xem thuyết Big Bang như một định đề toán học.
Chúng ta phải đặt vấn đề: Trước thời điểm kì dị là cái gì? Ai sáng tạo ra nó? Ai làm cho nó nổ? Ai tạo ra những trật tự trong vũ trụ? Và vũ trụ này cuối cùng sẽ đi về đâu?… Đó là những câu hỏi mà Kinh thánh và Giáo lý Kitô giáo có lời giải đáp thực sự. Sách Kinh thánh đã trình bày Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời và đất (x. St 1,1-2,4a). “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 18, 2). “Ngắm tầng Trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăn sao Chúa đã an bài” (Tv 8, 4). Trong Tin mừng, Thánh sử Gioan cũng đã nói: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (x. Ga 1, 1-3) và Thiên Chúa vĩnh cửu đã ban một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài (Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 290).
Sự ra đời của lý thuyết Big Bang là một cuộc cách mạng lớn có tính đột phá trong lịch sử vũ trụ học. Vì thế, hiện nay lý thuyết Big Bang được các nhà khoa học trên thế giới ủng hộ, khuyến khích nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực khác nhau vì chúng có đối tượng khác nhau, nhưng khoa học và tôn giáo không tách biệt nhau mà còn bổ túc với nhau rất chặt chẽ. Nếu thuyết Big Bang có đúng đi chăng nữa, chúng ta vẫn khẳng định rằng nó vẫn là công trình do Thiên Chúa tạo dựng. Ngài tạo dựng vũ trụ và con người bằng sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài. Chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ mà không cần một thứ gì đã hiện hữu trước, Ngài tạo dựng mọi sự từ hư vô. Vì Ngài tạo dựng vũ trụ này một cách khôn ngoan nên công trình tạo dựng của ngài rất có trật tự: “Chúa đã sắp xếp có chừng mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11, 20). Thiên Chúa luôn quan phòng và chăm sóc mọi sự một cách cụ thể và trực tiếp: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là chúa làm nên” (Tv 115, 3). Và “lòng con người ấp ủ bao dự tính, duy kế hoạch của Chúa mới trường tồn” (Cn 19, 21). Nhờ lý trí chúng ta có thể thấy được nguồn gốc của vũ trụ qua những công trình của Người, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người (x. Cl 1,16). Như vậy, lý thuyết Big Bang là một giả thuyết cho đến nay được nhiều người ủng hộ, nó không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học mà còn thu hút sự chú ý của nhiều nhà triết học và thần học. Tuy nhiên, lý thuyết Big Bang vẫn là một giả thuyết, vì thế nó chưa đủ cơ sở khoa học để giải thích về nguồn gốc của vũ trụ và con người.
Lm. Phêrô Trần Đình Lương, Giáo phận Bà Rịa
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) NGUYỄN HỒNG GIÁO, Thần lý học, Đại Chủng Viện Giuse Sài Gòn, 2003.
2) STEPHEN HAWKING, Cao Chi và Phạm Văn Thiều, dg., Lược sử thời gian, nxb. Trẻ, 2006.
3) FRANCIS S. COLLINS, Lê Thị Thanh Thủy, dg., Ngôn ngữ của Chúa, nxb. Lao động, 2007.
4) NGUYỄN VIỆT LONG, Thiên văn vũ trụ, nxb. Khoa học và kĩ thuật, 2006.
5) TRỊNH XUÂN THUẬN, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ, dg., Nguồn gốc, nxb. Trẻ. 2012.
6) TRỊNH XUÂN THUẬN, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ, dg., Những con đường của ánh sáng, tập 1, 2012.
______
[1] NGUYỄN VIỆT LONG, Thiên văn vũ trụ, nxb. Khoa học và kỉ thuật, 2006, tr. 225.
[2] STEPHEN HAWKING, Cao Chi và Phạm Văn Thiều, dg., Lược sử thời gian, nxb. Trẻ, 2006, tr. 82.
[3] FRANCIS S. COLLINS, Lê Thị Thanh Thủy, dg., Ngôn ngữ của Chúa, nxb. Lao động, 2007, tr. 109.
[4] STEPHEN HAWKING, Cao Chi và Phạm Văn Thiều, dg., Lược sử thời gian, nxb. Trẻ, 2006, tr. 172.