CĂN BẾP CỦA NGƯỜI BÀ VÀ THƠ CA: NHỮNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC ĐỨC GIÁO HOÀNG DÙNG ĐỂ SUY TƯ VỀ TRÁI TIM
Thông điệp thứ tư của Đức Phanxicô, được công bố vào ngày 24 tháng 10 này, trước hết là một cái nhìn Kinh thánh và triết học về khái niệm “trái tim” và sau đó là lời mời gọi đào sâu hơn và tiếp tục sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Trong khi văn bản sử dụng nhiều nguồn cảm hứng khác nhau – văn học từ Homer đến Dostoevsky, các vị thánh và Giáo hoàng, và các chủ đề hiện đại từ trí tuệ nhân tạo đến việc sử dụng điện thoại – thì bản văn vẫn có những khoảnh khắc giản dị đặc trưng của Đức Phanxicô.
Trong những điều này, có những tham chiếu nhắc đến căn bếp của bà ngài.
Nói về trái tim là nơi chân thành tột cùng, ngài đã đưa ra một hình ảnh:
Để minh họa cho điều này, tôi xin nhắc lại một câu chuyện mà tôi đã kể vào một dịp khác. “Vào lễ hội hóa trang, khi chúng tôi còn nhỏ, bà tôi sẽ làm một chiếc bánh ngọt bằng một loại bột rất mỏng. Khi bà thả những dải bột vào dầu, chúng sẽ nở ra, nhưng khi chúng tôi cắn vào, bên trong chúng rỗng không. Trong phương ngữ chúng tôi nói, những chiếc bánh đó được gọi là ‘lời nói dối’… Bà tôi giải thích lý do: ‘Giống như lời nói dối, chúng trông to, nhưng bên trong rỗng; chúng giả dối, không có thật.’”
Với tất cả sự ấm áp mà căn bếp của một người bà gợi lên trong tâm trí, ngài nói về cách mà “trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thơ ca và tình yêu là cần thiết để cứu rỗi nhân loại của chúng ta”.
“Không có thuật toán nào có thể nắm bắt được, ví dụ, nỗi nhớ mà tất cả chúng ta cảm thấy, bất kể tuổi tác, và bất kể chúng ta sống ở đâu, khi chúng ta nhớ lại lần đầu tiên chúng ta dùng nĩa để dán mép những chiếc bánh mà chúng ta giúp mẹ hoặc bà của mình làm ở nhà”.
Ở đây, ngài nhắc đến những chiếc bánh empanadas đặc trưng của Argentina, nhưng phương pháp tương tự cũng được sử dụng cho bánh nướng tráng miệng nên hình ảnh này dễ hiểu.
Đức Phanxicô tiếp tục:
Đó là khoảnh khắc học nấu ăn, ở đâu đó giữa trò chơi của trẻ con và tuổi trưởng thành, khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm làm việc và giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với chiếc nĩa, tôi cũng có thể đề cập đến hàng ngàn điều nhỏ nhặt khác là một phần quý giá trong cuộc đời mỗi người: một nụ cười chúng ta gợi ra khi kể một câu chuyện cười, một bức tranh chúng ta phác họa dưới ánh sáng cửa sổ, trận bóng đá đầu tiên chúng ta chơi với một quả bóng nhựa, những con sâu chúng ta thu thập được trong một hộp giày, một bông hoa chúng ta ép vào các trang sách, mối quan tâm của chúng ta đối với một chú chim non rơi khỏi tổ, một điều ước chúng ta thực hiện khi hái một bông hoa. Tất cả những điều nhỏ nhặt này, bản thân chúng bình thường nhưng lại phi thường đối với chúng ta, không bao giờ có thể được nắm bắt bằng thuật toán. Chiếc nĩa, câu chuyện cười, cửa sổ, quả bóng, hộp giày, cuốn sách, chú chim, bông hoa: tất cả những điều này sống mãi như những ký ức quý giá được “lưu giữ” sâu trong trái tim chúng ta.
Mặc dù những ký ức này rất đơn giản, nhưng Đức Giáo hoàng đang nói về một khái niệm triết học, cốt lõi sâu thẳm nhất của con người:
Cốt lõi sâu sắc này, hiện diện trong mỗi người nam, nữ, không phải là cốt lõi của tâm hồn, mà là của toàn bộ con người trong bản sắc tâm lý độc đáo của họ. Mọi thứ đều tìm thấy sự thống nhất trong trái tim, nơi có thể là nơi trú ngụ của tình yêu trong mọi chiều kích tâm linh, tâm lý và thậm chí là thể chất.
Nói tóm lại, nếu tình yêu ngự trị trong trái tim chúng ta, theo cách trọn vẹn và sáng ngời, chúng ta sẽ trở thành con người mà chúng ta được định sẵn, vì mỗi con người được tạo ra trên hết là để yêu thương. Trong sâu thẳm bản thể của mình, chúng ta được tạo ra để yêu và được yêu.
Khi những người phụ nữ lớn tuổi khóc
Đức Phanxicô thường nói về những người bà của mình, và tầm quan trọng của người già đối với xã hội và văn hóa là một trong những chủ đề được ngài nhắc lại nhiều nhất.
Vẻ đẹp và sự an toàn trong căn bếp của bà ngài được đối chiếu trong thông điệp với một tham chiếu khác về những người bà, lần này là những người đang phải chịu đựng chiến tranh:
Chúng ta chỉ cần nhìn và lắng nghe những người phụ nữ lớn tuổi – từ cả hai phía – những người đang phải chịu đựng những cuộc xung đột tàn khốc này. Thật đau lòng khi thấy họ than khóc cho con cháu của mình bị sát hại, hoặc mong muốn được chết sau khi mất đi ngôi nhà mà họ đã gắn bó cả cuộc đời. Những người phụ nữ đó, những người thường là trụ cột của sức mạnh và khả năng phục hồi giữa những khó khăn và gian khổ trong cuộc đời, giờ đây, vào cuối ngày, thay vì được nghỉ ngơi xứng đáng, họ phải trải qua nỗi đau khổ, sợ hãi và phẫn nộ. Đổ lỗi cho người khác không giải quyết được những tình huống đáng xấu hổ và bi thảm này. Việc nhìn những người phụ nữ lớn tuổi này khóc, và không cảm thấy đây là điều gì đó không thể chịu đựng được, là dấu hiệu của một thế giới đã trở nên vô tâm.
Vương quốc của nhà thơ
Ở một vài nơi khác nhau trong thông điệp, Đức Phanxicô nói về thơ ca như ngôn ngữ gắn liền với trái tim.
“Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thơ ca và tình yêu là cần thiết để cứu rỗi nhân loại của chúng ta”, ngài nói.
Và:
Nếu chúng ta hạ thấp giá trị của trái tim, chúng ta cũng hạ thấp giá trị của việc nói từ trái tim, hành động bằng trái tim, nuôi dưỡng và chữa lành trái tim. Nếu chúng ta không đánh giá cao tính đặc thù của trái tim, chúng ta sẽ bỏ lỡ những thông điệp mà riêng lý trí không thể nào truyền đạt; chúng ta sẽ bỏ lỡ sự phong phú của những cuộc gặp gỡ với người khác; chúng ta sẽ bỏ lỡ thơ ca.
Đình Chẩn
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (24/10/2024)
Nguồn: phatdiem.org