MƯỜI BÀI HỌC THIÊNG LIÊNG TỪ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA
Chỉ cách nhau hai tuần trong Lịch Phụng Vụ, chúng ta kính nhớ hai vị thánh tuyệt vời, đầy cảm hứng và đáng mến, những người thật sự yêu thương chúng ta và cũng mong chúng ta đáp lại tình yêu của họ: thánh Têrêsa Lisieux và thánh Têrêsa Avila.
Chúng ta mừng kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ngày 1 tháng 10; còn ngày 15 tháng 10 là lễ nhớ thánh Têrêsa Avila. Vậy điểm chung giữa hai vị thánh này là gì? Cả hai đều là phụ nữ, đều thuộc số ít nữ Tiến sĩ Hội thánh, đều là những nhà chiêm niệm tuyệt vời, đều là những nữ tu dòng kín Cát Minh, nhưng điều quan trọng nhất là họ đều đã, đang, và sẽ mãi đến muôn đời là những hiền thê vĩ đại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ ta.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tri ân thánh Têrêsa Avila và nêu bật mười đóng góp vĩ đại của thánh nữ cho Giáo hội Công giáo và cho mỗi người chúng ta, như một mẫu gương về sự thánh thiện mà tất cả chúng ta đều được mời gọi noi theo. Hãy nhớ lại những lời của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ ta, đã nói trong Bài giảng trên núi: “Anh em hãy nên thánh, như Cha anh em trên trời, là Đấng thánh.” (Mt 5, 48)
Nên thánh và đạt tới một đời sống thánh thiện không phải một điều kiện phụ thuộc, một ước muốn viễn vông, càng không phải là điều chỉ riêng một số ít được mời gọi, mà là điều dành cho tất cả chúng ta. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đặt ra cho ta một thách thức với những lời đánh động này:
“Nên thánh không phải là đặc ân của thiểu số, mà là bổn phận của tất cả mọi người.”
Bây giờ, hãy cùng hướng nhìn lên thánh Têrêsa Avila, người sẽ dẫn dắt ta đến với Đức Giêsu, Đấng là Chúa, là Đấng Cứu Thế, và là Người Bạn trung tín của chúng ta.
1. Cầu nguyện
Một trong những điểm nổi bật về các mức độ thiêng liêng sâu xa của thánh Têrêsa Avila là tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Dù gặp không ít khó khăn trong nhiều năm dài, thánh nữ vẫn dạy ta một chân lý thiêng liêng căn bản nhưng không thể thiếu: Hãy kiên trì trong việc cầu nguyện! Hãy suy ngẫm và ghi nhớ những lời bất hủ đầy khôn ngoan này của thánh nữ:
“Chúng ta phải có một quyết tâm vững chắc để không bao giờ từ bỏ việc cầu nguyện.”
Đức Giêsu đã dạy chúng ta chân lý tối quan trọng này qua dụ ngôn bà góa kiên trì và quan tòa bất chính. Nhờ lòng kiên trì và bền chí, người đàn bà góa cuối cùng cũng nhận được sự giúp đỡ từ vị quan tòa vô tâm lạnh lùng (Lc 18, 1-8). Thánh Têrêsa nhấn mạnh rằng chúng ta không bao giờ được từ bỏ việc cầu nguyện. Nếu bạn cần một phép ví von: không khí cần thiết cho phổi thế nào thì cầu nguyện cũng cần thiết cho linh hồn như thế. Một lá phổi khỏe mạnh cần nguồn khí trong lành và liên tục; một linh hồn khỏe mạnh cũng cần hít thở không ngừng bằng việc cầu nguyện liên lỉ— nguồn ôxy của linh hồn!
2. Định nghĩa việc cầu nguyện
Thánh Tôma Aquinô cho chúng ta một lời khuyên đơn giản nhưng vô cùng chắc chắn: hãy định nghĩa một chủ đề thật rõ ràng trước khi nói về điều đó. Bằng cách này, ta có thể tránh được nhiều hiểu lầm. Thánh Têrêsa Avila đã đưa ra một trong những định nghĩa kinh điển về cầu nguyện trong lịch sử Giáo hội:
“Cầu nguyện không gì khác hơn là dành thời gian dài lâu một mình bên Đấng mà tôi biết là Ngài yêu tôi.”
Một đúc kết ngắn gọn? Hai người bạn yêu thương nhau! Chính Đức Giêsu đã gọi các tông đồ là bạn hữu – và chính chúng ta cũng được mời gọi để nên bạn hữu với Thầy Giêsu!
3. Tình yêu với Chúa Giêsu
Thánh Têrêsa cho chúng ta một gợi ý để thăng tiến trong đời sống cầu nguyện. Vị nữ Tiến sĩ Hội thánh này từng nói rằng ngài nhận được rất nhiều ân sủng khi suy ngẫm về nhân tính của Chúa Giêsu. Dành thời gian cùng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, và bước vào cuộc trò chuyện với Người là con đường vững bền để thăng tiến trong cầu nguyện. Hãy thử xem! Trong tập sách Linh Thao, thánh Inhaxiô Loyola nhấn mạng việc cầu xin ân sủng này:
“Ơn hiểu biết sâu sắc về Chúa Giêsu để chúng ta yêu Ngài cách nồng nhiệt hơn và bước theo Ngài cách gần gũi hơn.”
4. Yêu mến Chúa Giêsu trong những đau khổ của Người
Dường như giữa các vị thánh có một mẫu số chung – lời mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu qua cuộc thương khó đau khổ của Người – thánh Piô Năm Dấu, thánh nữ Catarina thành Siêna, thánh nữ Faustina và thánh nữ Têrêsa Avila. Phần thánh Têrêsa, thánh nữ đã có một trải nghiệm thần bí về Chúa Giêsu Chịu Khổ Nạn (Ecce Homo: này là Người); ngài đã nhìn Đức Giêsu đầu đội mạo gai, và điều này đã thúc bách thánh nữ yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn.
5. Chúa Thánh Thần: Vị Thánh Sư trong cầu nguyện
Có một lần, thánh nữ gặp khó khăn trong việc cầu nguyện và đã tìm đến một linh mục Dòng Tên để xin lời khuyên về cách vượt qua khó khăn này. Lời khuyên của vị linh mục rất đơn giản và đi thẳng vào trọng tâm, nhưng nó đã làm thay đổi đời sống của thánh nữ! Cha đã nhấn mạng việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Kể từ đó, khi nghe theo lời khuyên này mà cậy dựa nơi Chúa Thánh Thần, đời sống cầu nguyện của thánh Têrêsa đã cải thiện đáng kể. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô cũng nhắc lại điều tương tự: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.” (Rm 8, 26). Hãy để chúng ta được dẫn dắt bởi Thầy Dạy tốt nhất trong các thầy, Bậc Thầy nội tâm của việc cầu nguyện, Chúa Thánh Thần.
6. Hướng dẫn thiêng liêng
Để thăng tiến không ngừng trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cần một hình thức hướng dẫn thiêng liêng nào đó. Chúng ta ai cũng từng kinh nghiệm về sự mù tối trong đời sống thiêng liêng. Ma quỷ có thể trá hình hoặc giả trang thành thiên thần ánh sáng. Và ta càng tiến xa trên con đường thiêng liêng, những chiêu trò và cám dỗ của ma quỷ càng tinh vi – “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5, 8-9).
Trong suốt cuộc đời mình, thánh nữ Têrêsa Avila đã tìm đến sự hướng dẫn từ nhiều vị linh hướng, và một số trong đó hiện nay đã được phong thánh: thánh Gioan Thánh Giá (dòng Cát Minh), thánh Phanxicô Borgia (Dòng Tên), thánh Phêrô thành Alcantara (dòng Phan Sinh), và cuối cùng là cha Jerome Gracian – một học giả và nhà thần học nổi tiếng dòng Đa Minh. Đúng là không phải ai trong chúng ta cũng có ba vị thánh và một thần học gia dòng Đa Minh làm người hướng dẫn, nhưng chúng ta có thể và phải tìm một hình thức hướng dẫn thiêng liêng định kỳ nào đó. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói rất thẳng thắn: “Ai tự mình làm người hướng dẫn thì sẽ có một kẻ ngốc làm môn đệ.” Rất chuẩn!
7. Hoán cải và Canh tân
Một dấu ấn nổi bật trong cuộc đời Thánh Têrêsa Avila nằm ở toàn bộ phạm trù hoán cải và canh tân. Cùng với Thánh Gioan Thánh Giá, ngài là khí cụ chính mà Thiên Chúa chọn để cải tổ dòng Cát Minh. Tuy nhiên, thánh Têrêsa luôn ý thức rõ một điều: để hoán cải người khác, ta phải bắt đầu từ chính bản thân mình trước – và đó cũng là điều thánh nữ đã làm trong suốt cuộc đời trần thế của mình. Lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi rao giảng đã là:
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15).
Nguyện cho chúng ta luôn không ngừng hoán cải cách sâu sắc hơn nữa qua lời cầu thay nguyện giúp của thánh nữ Têrêsa Avila.
8. Những kiệt tác thiêng liêng – Các tác phẩm của thánh nữ
Chắc chắn, một trong những đóng góp lớn nhất của thánh Têrêsa Avila cho Giáo hội cũng như cho toàn thế giới chính là những tác phẩm, hay những kiệt tác thiêng liêng của ngài. Một trong những chủ đề chính yếu mà thánh nữ nhấn mạnh là tầm quan trọng của cầu nguyện, và việc nỗ lực tiến sâu xa hơn trong cầu nguyện cho đến khi hồn ta đạt tới sự hiệp nhất huyền nhiệm với Chúa Giêsu, Đấng Tình Quân Thiên Quốc.
Ai thật sự nghiêm túc với đời sống cầu nguyện của mình đều nên biết đến những tác phẩm của thánh Têrêsa và dành thời gian đọc những trang viết đầy tràn ơn Chúa của thánh nữ. Những tác phẩm kinh điển của ngài là gì? Đây là một số trong số đó: “Tự Thuật” (Her life), “Đường Hoàn Thiện” (The Way of Perfection), “Lâu Đài Nội Tâm” (The Interior Castle), “Các Nền Tảng” (Foundations). Ngoài những sách này, thánh nữ còn để lại nhiều bức thư đầy truyền cảm. Bạn muốn trở thành một vị thánh? Hãy đọc và tận hưởng nguồn ơn thiêng từ những trang viết của các thánh, nhất là các thánh Tiến sĩ Hội thánh!
9. Thập giá – con đường vào Nước Trời
Chúa Giêsu từng nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Một điểm chung khác trong cuộc đời của các thánh là sự hiện diện của thập giá. Thánh Luy Maria Montfort thường chúc lành bạn hữu mình như thế này:
“Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh và ban cho anh nhiều thập giá nhỏ!”
Thánh nữ Têrêsa đã sống trọn đời mình với người bạn chí thiết là thập giá của Thầy Giêsu. Sức khỏe của thánh nữ luôn rất yếu, và ngài từng suýt chết khi còn rất trẻ. Hơn nữa, để thực hiện việc cải tổ dòng Cát Minh, thánh nữ còn chịu đựng nhiều chống đối và bách hại từ các nữ tu khác trong nhà dòng, những người ưa thích một đời sống dễ dãi hơn, từ các linh mục (dòng Cát Minh), và từ các đấng bậc khác trong Giáo Hội. Thay vì nhụt chí hay nản lòng, thánh nữ càng hân hoan tín thác hơn nữa vào Thiên Chúa – dù sao đi nữa, đây chính là công trình do tay Người thực hiện.
10. Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse
Trong suốt đời tu trì của mình, thánh Têrêsa Avila đã luôn hết lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria – một lòng sùng kính thường thấy ở các vị thánh, và hy vọng cả nơi bạn cũng vậy! Tước hiệu Đức Mẹ mà thánh nữ sùng kính cách đặc biệt là Đức Mẹ Núi Cát Minh. Khi tỏ lòng yêu mến Mẹ, đừng ai quên mang Áo Đức Bà Camêlô. Đây sẽ là dấu chỉ bề ngoài của các con cho việc tận hiến dành cho Đức Maria.
Hơn nữa, thánh Têrêsa Avila còn lấy lòng con thảo mà kính yêu Thánh Cả Giuse. Thánh nữ tin rằng sự bình phục sau một cơn bệnh hiểm nghèo gần như đã kết thúc cuộc đời mình là nhờ lời cầu bầu quyền năng của Thánh Giuse. Ngài cũng đặt tên cho tất cả các tu viện mới thành lập của dòng là San Jose – Thánh Giuse!
Kết lại, nguyện xin cho vị nữ Tiến sĩ Hội thánh – Tiến sĩ của cầu nguyện – thánh Têrêsa Avila luôn là nguồn khích lệ cho bạn trên đường hành hương của linh hồn tiến về cõi Thiên Quốc. Nguyện xin thánh nữ nâng đỡ để ta biết cầu nguyện nhiều và sâu sắc hơn, đạt tới sự hoán cải con tim sâu xa hơn, và đến cùng vẫn luôn yêu mến Chúa Giêsu là trọng tâm và là nguồn sống của đời ta!
Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Chuyển ngữ từ: https://catholicexchange.com (12/10/2023)
Nguồn: dongten.net