BỐN SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI NGHĨ VỀ CẦU NGUYỆN
WHĐ (15.04.2024) – Là Kitô hữu, việc cầu nguyện không xa lạ gì với chúng ta, nhưng liệu chúng ta có hiểu rõ về bản chất của cầu nguyện và chính xác cầu nguyện là gì chăng?
Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (GLCG) định nghĩa về cầu nguyện bằng việc trích dẫn trải nghiệm của Thánh Têrêsa Lisieux.
Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong lúc vui mừng. (GLGH, 2558)
Do đó, cầu nguyện không chỉ là trình bày những lời cầu xin của chúng ta trước Thiên Chúa mà còn chủ yếu là tập trung vào mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta muốn lớn lên trong tình yêu đó ra sao.
Tuy nhiên, bên cạnh cách suy nghĩ đúng đắn này thì cũng có những lối nghĩ sai lầm về việc cầu nguyện. Như Sách GLGH nhắc nhớ: “Trong cuộc chiến đấu của việc cầu nguyện, chúng ta phải đương đầu với những quan niệm sai lầm về cầu nguyện nơi chính bản thân và chung quanh chúng ta” (GLCG, 2726). Sau đây là 4 sai lầm cần tránh khi nghĩ về cầu nguyện:
1. Cầu nguyện chỉ đơn giản là một hoạt động mang tính tâm lý
Sách GLCG nhắc rằng, “một số người coi việc cầu nguyện chỉ đơn giản là một hoạt động có tính cách tâm lý” (GLCG, 2726).
Điều này có nghĩa là cầu nguyện không chỉ đơn giản là một hoạt động diễn ra trong não chúng ta mà là một hoạt động tâm linh bao gồm cả thể xác và tinh thần. Thật vậy, có một mầu nhiệm về sự cầu nguyện nằm ngoài phạm vi khoa học, vì tâm hồn là nơi thầm kín mà lý trí không thể thấu hiểu được nhưng chỉ có Thần Khí Thiên Chúa có thể dò thấu.
2. Cầu nguyện là cố gắng tập trung tinh thần để đạt tới tình trạng tâm trí trống rỗng
Trong một số truyền thống tâm linh, cầu nguyện hoặc suy niệm tập trung vào việc “vét rỗng” bản thân khỏi mọi thứ nhằm đạt đến trạng thái “trống rỗng”. Về khía cạnh này, Sách GLCG cho biết, “một số khác lại coi cầu nguyện là một cố gắng tập trung tinh thần để đạt tới tình trạng tâm trí trống rỗng” (GLCG, 2726).
Trái lại, cầu nguyện của Kitô giáo là sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa. Chúng ta tìm đến Đấng là cội nguồn của mọi sự trong cầu nguyện và tâm hồn chúng ta được “đầy tràn” ân sủng thay vì trạng thái “trống không” của sự vô định.
3. Cầu nguyện chỉ giản lược vào những thái độ và lời nói mang tính nghi thức
Sách GLCG cảnh giác rằng, “một số khác giản lược việc cầu nguyện vào những thái độ và lời nói mang tính nghi thức” (GLCG, 2726).
Trong khi một số hình thái cầu nguyện nhất định bao gồm các công thức và tư thế cụ thể, chẳng hạn như Thánh lễ, thì nghi thức không phải là mục tiêu cuối cùng của cầu nguyện.
Thực vậy, lời nói và cử chỉ chỉ là những công cụ giúp chúng ta dễ dàng kết hợp với Thiên Chúa hơn, do đó, chúng ta cần tránh coi lời nói và thái độ như những thần tượng đáng được tôn thờ.
4. Cầu nguyện không tương thích với cuộc sống hàng ngày
Sách GLCG cho biết rằng, “trong vô thức của nhiều Kitô hữu, cầu nguyện là một công việc không thể đi đôi với tất cả những gì họ phải làm: họ không có thời giờ” (GLCG 2726).
Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng chỉ có tu sĩ mới có thể cầu nguyện, bởi vì họ “có thời gian”. Tuy nhiên, mọi Kitô hữu đều được mời gọi cầu nguyện và người ta không nhất thiết phải ở trong đan viện thì mới có thể cầu nguyện.
Thật ra, chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu ngay cả tại nơi làm việc và vào những ngày chúng ta bận rộn nhất.
***
Giống như chúng ta chẳng bao giờ có thể dò thấu chiều sâu thực sự về Thiên Chúa là Đấng nào, thì chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể múc cạn kho tàng của cầu nguyện. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta vẫn còn xa cách với Thiên Chúa, thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là những lời vô nghĩa. Mong sao chúng ta biết sống cầu nguyện như là cách thế giúp chúng ta thể hiện mối tương quan sống động và cá vị với Thiên Chúa. Và trên tất cả, chúng ta ý thức rằng cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng và là lời đáp trả cách khiêm tốn, chân thành và kiên trì từ phía chúng ta, với tư cách là thụ tạo trước Thiên Chúa, Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của cuộc đời chúng ta.
Philip Kosloski
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (2024. 04. 08)