WHĐ (12.03.2024) – Tiếp tục loạt bài Suy niệm tĩnh tâm Mùa Chay năm nay, sáng thứ Sáu, mồng 08.03.2024, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, trình bày bài giảng thứ ba tập trung vào diễn từ Người Mục tử Nhân lành trong Tin Mừng Thánh Gioan. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức Hồng y:
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap.
Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma
Năm 2024 – Bài 3: “TA LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH”
Chúng ta tiếp tục suy niệm về câu “Ta là” trang trọng của Đức Kitô trong Tin Mừng Gioan. Lần này, Chúa Giêsu không trình bày về chính Người với chúng ta bằng những biểu tượng của những thực tại vật chất vô tri vô giác – bánh, ánh sáng – nhưng với tính cách con người, mục tử: “Ta là mục tử nhân lành!”. Chúng ta hãy lắng nghe phần diễn từ trong đó bao hàm lời tự xưng của Đức Kitô:
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên (Ga 10, 11-15).
Hình ảnh Đức Kitô “Mục tử Nhân lành” có một vị trí đặc biệt trong nghệ thuật và các bản khắc của Kitô giáo thời sơ khai. Vị Mục tử Nhân lành được trình bày, theo hình thức cổ điển, trong vẻ đẹp rạng ngời của tuổi trẻ. Người vác trên vai một con cừu và giữ chặt chân của nó. Hình ảnh người mục tử nhân lành theo Tin Mừng Gioan được kết hợp với hình ảnh trong Tin Mừng nhất lãm về người mục tử đi tìm con chiên lạc (Lc 15, 4-7).
Bối cảnh của đoạn văn về người mục tử nhân lành cũng giống như bối cảnh của hai chương trước, tức là cuộc thảo luận với “người Do Thái” diễn ra tại Giêrusalem, nhân dịp Lễ Lều. Nhưng chúng ta biết rằng, đối với Gioan, bối cảnh không quan trọng lắm, bởi vì, không giống như Tin Mừng Nhất lãm, Gioan không quan tâm đến việc cung cấp cho chúng ta một trình thuật lịch sử và mạch lạc về cuộc đời của Chúa Giêsu (điều mà ngài dường như coi là đương nhiên), mà là một loạt những “dấu chỉ” và giáo huấn của Thầy. Tuy nhiên, những dấu chỉ và giáo huấn này không bao giờ xuất hiện bên ngoài thời gian và không gian, như xảy ra trong các sách thần học, nhưng cũng được đặt ở những địa điểm và thời gian chính xác (đôi khi còn chính xác hơn cả Tin Mừng Nhất Lãm) vốn mang lại cho những dấu chỉ và giáo huấn của Chúa Giêsu một giá trị “mang tính lịch sử” theo nghĩa sâu sắc nhất của thuật ngữ này.
* * *
Chúng ta hãy đối diện với thực tại rằng: hình ảnh người mục tử nhân lành và những hình ảnh liên quan đến con chiên và đàn chiên, ngày nay không còn hợp thời nữa. Chẳng lẽ Chúa Giêsu không sợ làm tổn thương sự nhạy cảm của chúng ta và xúc phạm đến phẩm giá của chúng ta như là những con người tự do khi gọi chúng ta là chiên của Người sao? Con người ngày nay coi thường vai trò của chiên cừu và ý niệm về bầy đàn. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng mình đã trải qua biết bao tình huống thực tế mà họ lên án về mặt lý thuyết. Một trong những hiện tượng hiển nhiên nhất trong xã hội chúng ta là sự đại chúng hóa. Báo chí, truyền hình, internet được gọi là những “phương tiện truyền thông đại chúng”, không chỉ vì chúng cung cấp thông tin cho đại chúng mà còn vì chúng định hình đại chúng.
Chúng ta đã để mình bị hướng dẫn một cách ranh mãnh bởi đủ loại thao túng và thuyết phục ẩn dấu. Người khác tạo ra những mô hình của sự sung túc và hành vi, lý tưởng cũng như mục tiêu cho sự tiến bộ và mọi người áp dụng chúng; chúng ta đi theo, sợ bị lạc nhịp, bị quảng cáo chi phối và ăn cắp ý tưởng. Chúng ta ăn những gì họ bảo, chúng ta mặc theo xu hướng thời trang, và chúng ta nói những gì chúng ta nghe. Chúng ta cảm thấy thích thú khi xem một bộ phim chuyển động nhanh, với những người di chuyển giật gân, giống như những con rối; nhưng đó chính xác là hình ảnh mà chúng ta sẽ có về chính mình nếu chúng ta nhìn bản thân bằng con mắt biết phê phán hơn.
Để hiểu lời Chúa Giêsu tự xưng mình là mục tử nhân lành và gọi chúng ta là chiên của Người theo nghĩa nào, chúng ta phải quay trở lại lịch sử Kinh thánh. Khởi đầu, Israel là một dân tộc chăn chiên du mục. Những người Bedouin trong sa mạc ngày nay cho chúng ta ý tưởng về cuộc sống trước đây của các bộ tộc Israel như thế nào. Trong xã hội này, mối tương quan giữa người chăn chiên và đàn chiên không chỉ mang tính kinh tế, nghĩa là, dựa trên lợi ích nhưng là một mối tương quan gần như mang tính cá vị được hình thành giữa người chăn chiên và đàn chiên. Ngày qua ngày ở cùng nhau tại những nơi vắng vẻ, không có một bóng người xung quanh, người chăn chiên cuối cùng biết mọi thứ về từng con chiên. Đàn chiên nhận ra tiếng của người chăn, vốn là người thường nói to với đàn chiên của mình như thể chúng là con người. Điều này giải thích tại sao, để diễn tả mối tương quan của mình với nhân loại, Thiên Chúa đã sử dụng hình ảnh này, một hình ảnh mà ngày nay đã trở nên mơ hồ. Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện “Lạy Mục Tử nhà Israel, Ngài là Ðấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe!” (Tv 80, 2).
Với sự chuyển đổi từ một tình trạng của bộ tộc du mục sang tình trạng của một dân tộc định cư, danh hiệu mục tử được mở rộng ra cho cả những người hành động nhân danh Thiên Chúa trên trái đất: các vị vua, các linh mục, các nhà lãnh đạo nói chung. Nhưng ở đây, biểu tượng mục tử bị phân kỳ: nó không còn chỉ gợi lên hình ảnh về sự bảo vệ và an toàn mà còn gợi lên hình ảnh của sự bóc lột và áp bức. Bên cạnh hình ảnh người mục tử tốt lành, cũng xuất hiện hình ảnh mục tử xấu xa. Trong sách ngôn sứ Ezekiel, chúng ta thấy một bản cáo trạng khủng khiếp chống lại những mục tử xấu xa, là những người chỉ biết lo cho mình; họ uống sữa, họ mặc đồ len, nhưng họ không quan tâm chút nào đến đàn chiên, mà thực sự lại đối xử “một cách tàn bạo và hà khắc” (x. Ez 34, 1 ff.). Bản cáo trạng chống lại những mục tử xấu xa này được theo sau bởi một lời hứa: Một ngày nào đó, chính Thiên Chúa sẽ chăm sóc đàn chiên của mình bằng tình yêu: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Ez 34,16).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy chủ đề này về mục tử tốt lành và mục tử xấu xa, nhưng với một sự mới mẻ. Người phán: “Ta là mục tử nhân lành!”. Lời hứa của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực, vượt quá mọi sự mong đợi.
* * *
Ở đây, chúng ta phải nhớ lại ý định ban đầu của mình đằng sau những bài suy niệm này: một ý định mang tính cá vị hơn là mang tính “mục vụ”, nghĩa là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống của chúng ta, để sau đó, chúng ta có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới một cách đáng tin hơn.
Bài diễn từ của Chúa Giêsu có hai tác nhân: mục tử và đàn chiên, nghĩa là mỗi con chiên (ở số ít). Chúng ta sẽ nhận ra mình nơi tác nhân nào trong 2 tác nhân này? Nhân kỷ niệm thụ phong giám mục, Thánh Augustinô, đã nói với mọi người: “Cho anh chị em, tôi là một giám mục, với anh chị em, tôi là một Kitô hữu!” [1]. Và trong một dịp khác: “Đối với anh chị em, chúng tôi giống như những mục tử, nhưng đối với Mục tử Tối cao, chúng tôi cũng là chiên giống như anh chị em” [2]. Vì vậy, chúng ta hãy gác lại vai trò của mình – một số trong anh em là những mục tử và tôi là người giảng thuyết – và chúng ta hãy cảm nhận một lần rằng chúng ta chỉ là những con chiên trong đàn. Chúng ta hãy nhớ đến câu hỏi rất thân thương của Chúa Giêsu tại Caesarea: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Như thể Người đang nói: “Hãy quên trong giây lát, tôi là ai trong mắt người khác và tập trung vào chính con”.
Carlo Gustavo Jung, nhà tâm lý học nổi danh, đã định nghĩa bác sĩ tâm thần là: “Người chữa lành bị tổn thương” [3]. Ý nghĩa của học thuyết của ông là bạn phải biết vết thương tâm lý của chính mình để có thể chữa lành vết thương của người khác và việc biết vết thương của người khác sẽ giúp chữa lành vết thương của chính bạn. Trực giác của nhà phân tâm học cũng được áp dụng cho những vết thương tâm linh. Người mục tử của Giáo hội cũng là một “người chữa lành bị tổn thương”, một người đau bệnh phải giúp người khác được chữa lành.
Chúng ta hãy thử xem đâu là căn bệnh chính mà chúng ta cần được chữa lành để có thể chữa cho người khác. Điều mà xuyên suốt Kinh thánh, được dạy cho đàn chiên về Thiên Chúa là Mục Tử là gì? Đó là đừng sợ hãi! Những lời này tràn ngập trong ký ức, bắt đầu từ những lời của Chúa Giêsu: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ” (Lc 12,32), “Ðức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ” (Mt 8,26). Chúng ta cũng hãy nhớ một số câu quen thuộc trong Thánh vịnh, nhưng không phải chỉ là những trích dẫn trong Kinh thánh, mà bằng cách biến những câu này thành của riêng mình khi chúng ta nghe:
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
… dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. (Tv 23, 1,4).
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 27,1).
Vì vậy, chúng ta hãy nói về “sự dữ đen tối” này, đó là nỗi sợ hãi, nó có sức mạnh cướp đi niềm vui sống của con người. Sợ hãi là tình trạng khẳng định sự tồn tại của chúng ta; nó đồng hành cùng chúng ta từ thời thơ ấu cho đến khi chết. Đứa trẻ sợ nhiều thứ; chúng ta gọi đó là nỗi kinh hoàng trẻ thơ; thanh thiếu niên đôi khi sợ người khác giới và rơi vào mặc cảm nhút nhát, tự ti; Chúa Giêsu đã đặt tên cho những nỗi sợ hãi chính của chúng ta khi trưởng thành: đó là sợ về ngày mai – “chúng ta sẽ ăn gì?” (Mt 6, 31); sợ thế gian và kẻ quyền thế, – vốn là “những kẻ giết được thân xác” (Mt 10,28) . Đối với mỗi nỗi sợ hãi này, Chúa Giêsu đều tuyên bố: “Đừng sợ!”. Đây không phải là một từ trống rỗng và bất lực mà là một từ có hiệu lực, và gần như mang tính bí tích. Giống như tất cả những lời của Chúa Giêsu, câu “Đừng sợ!” mang lại ý nghĩa của nó; “Đừng sợ!” không đơn thuần giống như câu: “Hãy can đảm lên!” mà con người chúng ta nói với nhau.
* * *
Nhưng sợ hãi là gì? Chúng ta hãy gác lại nỗi thống khổ mang tính hiện sinh mà các triết gia đã tranh luận suốt một thế kỷ rưỡi nay. Chúng ta hãy nói về những nỗi sợ phổ biến và quen thuộc. Chúng ta có thể nói rằng sợ hãi là sự phản ứng trước một mối đe dọa đối với con người chúng ta, sự phản ứng trước một mối nguy hiểm thực sự hoặc được cho là nguy hiểm; từ mối nguy hiểm lớn nhất là cái chết, đến những mối nguy hiểm cụ thể đe dọa sự yên bình, an toàn thể lý hoặc thế giới cảm xúc của chúng ta. Sợ hãi là biểu hiện của bản năng tự bảo vệ cơ bản của chúng ta. Tùy thuộc vào việc chúng ta đang đối diện với những mối nguy hiểm khách quan và thực tế hoặc những mối nguy hiểm tưởng tượng, chúng ta nói về những nỗi sợ hãi chính đáng và không chính đáng, hoặc thậm chí là những chứng rối loạn thần kinh chức năng, chẳng hạn như: sợ bị nhốt kín, sợ khoảng trống, sợ những căn bệnh tưởng tượng, v.v.
Tâm lý học và phân tâm học cố gắng chữa trị sự sợ hãi và chứng rối loạn thần kinh chức năng bằng cách phân tích chúng và đưa chúng từ vô thức đến ý thức. Tin Mừng không làm cho chúng ta xao lãng những phương tiện nhân loại này, thậm chí còn khuyến khích chúng, nhưng Tin Mừng bổ sung thêm một điều mà không khoa học nào có thể mang lại. Thánh Phaolô viết:
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35,37).
Sự giải thoát ở đây không phải ở ý tưởng hay kỹ thuật mà là ở nơi một con người! “Giải pháp” cho mọi nỗi sợ hãi là Đức Kitô, Đấng đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Từ lĩnh vực cá nhân, Thánh Tông đồ mở rộng cái nhìn của mình đến bối cảnh vĩ đại của không gian và thời gian, từ những nỗi sợ hãi nhỏ bé mang tính cá nhân đến những nỗi sợ hãi lớn lao và mang tính phổ quát. Thánh nhân viết:
“Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).
“Cho dầu là sự chết hay sự sống!”, Đức Kitô đã chiến thắng điều khiến chúng ta sợ hãi nhất trên thế gian, đó là cái chết. Thư gửi tín hữu Do Thái nói về Chúa Giêsu rằng, nhờ cái chết “Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2, 14-15).
“Cho dầu chiều cao hay vực thẳm”, nghĩa là: không phải cái vô cùng lớn là vũ trụ với tỷ lệ ngày càng mở rộng của nó, cũng không phải cái vô cùng nhỏ – nguyên tử – mà chúng ta đã tự mình mạo hiểm khám phá ra sức mạnh khủng khiếp của nó. Ngày nay, chúng ta tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với loại sợ hãi vũ trụ này. Con người hiện đại cảm nhận sâu sắc sự dễ bị tổn thương của mình trong một thế giới bạo lực và điên rồ. Tương lai của hành tinh chúng ta sẽ ra sao nếu, bất chấp những lời cảnh báo từ Đức Giáo Hoàng và những người có trách nhiệm nhất trong xã hội, chúng ta vẫn tiếp tục tự do tiêu thụ và gây ô nhiễm?
Khi kết thúc những suy tư triết học của mình về mối nguy hiểm của công nghệ đối với con người hiện đại, Martin Heidegger, gần như bỏ cuộc, đã thốt lên: “Chỉ có một vị thần mới có thể cứu chúng ta!”. “Một vị thần” (viết thường!) là cách thần thoại thường dùng để nói về điều gì đó vượt lên trên chúng ta. Chúng ta xóa mạo từ không xác định và nói “chỉ có Chúa (và chúng ta biết đó là vị Chúa nào!) mới có thể cứu chúng ta!”
Đây không phải là việc đổ trách nhiệm của chúng ta lên Thiên Chúa, mà là tin rằng, cuối cùng, “mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Thiên Chúa” [và những người được Thiên Chúa yêu thương!] (x. Rm 8,28). Khi đối xử với Thiên Chúa, thước đo là sự vĩnh cửu. Bạn có thể thất vọng về thời gian, nhưng không phải là đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta có lý do mạnh mẽ hơn nhiều so với tác giả Thánh vịnh để lặp lại, trước những biến động về thể chất và đạo đức của thế giới:
“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì” (Tv 46, 2-4).
* * *
Nhưng chúng ta vẫn chưa xem xét đến điều an ủi nhất mà Tin Mừng nói với chúng ta về những sợ hãi và lo lắng của chúng ta! Sau khi dùng hàng ngàn cách để khuyên nhủ các môn đệ đừng sợ hãi, Chúa Giêsu đã làm một việc khác. Chúng ta chưa bao giờ nghe trong Kinh Thánh rằng người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên của mình. Đúng là người chăn biết chiên, hướng dẫn chiên, chăm sóc chiên, bảo vệ chiên nhưng chưa bao giờ người chăn chiên hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Chúa Giêsu hứa làm điều đó và Người đã thực hiện!
Chúa Giêsu đã gánh lấy nỗi sợ hãi của chúng ta. Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7). Tác giả ám chỉ những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu vào đêm ở Vườn Gethsemane. Thánh sử Marcô thuật rằng tại Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu “bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc 14,33-34). Chúa Giêsu cảm thấy cô đơn, bị cắt đứt khỏi xã hội loài người; Người yêu cầu các Tông đồ hãy ở bên Người, ở lại với Người. Cũng Thư gửi tín hữu Do Thái nêu bật sứ điệp an ủi dành cho chúng ta trong trang Tin Mừng mầu nhiệm này:
Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (Dt 4,15-16).
Bằng việc tự mình gánh lấy chúng, Chúa Giêsu cũng đã cứu chuộc những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta. Kinh Thánh nói rằng, “Nhờ vết thương của Người, chúng ta được chữa lành”, (Is 53,5-6; 1 Pr 2, 24). Chúa Giêsu là “người chữa lành bị tổn thương” đích thực mà nhà tâm lý học đã nói đến, người bị thương lại là người chữa lành vết thương của nhiều người. Người đã biến nỗi sợ hãi và thống khổ của chúng ta thành cơ hội để chúng ta lớn lên về mặt nhân tính và lòng trắc ẩn.
Nhưng ngay cả điều này cũng không bàn hết khía cạnh điều Tin Mừng nói với chúng ta về nỗi sợ hãi của chúng ta. Nếu mọi chuyện kết thúc ở đây thì niềm an ủi của chúng ta vẫn chưa trọn vẹn. Chúng ta có trước mắt một tấm gương anh hùng và cảm động để noi theo, mà lại không có một bàn tay nào để nâng đỡ chúng ta. Nhưng đây là lời loan báo quan trọng thứ hai của Tin Mừng: Đấng chữa lành bị đâm thâu đã sống lại từ cõi chết và nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chúa Giêsu không chỉ cho chúng ta mẫu gương làm sao để vượt qua nỗi thống khổ mà đã cho chúng ta phương tiện để vượt thắng nó: sự hiện diện và ân sủng của Người. Đối với Thánh Phaolô, người đang đau buồn vì “cái dằm đâm vào xác thịt” của mình, thì Đấng Phục Sinh trả lời: “Ơn của Thầy đã đủ cho con” (2 Cr 12,9).
Các vị tử đạo đã làm được điều đó – và vẫn còn làm điều đó – một trải nghiệm hữu hình. Trong Sử liệu về các vị tử đạo ở Carthage, bị sát hại dưới thời hoàng đế Septimius Severus vào những năm đầu của thế kỷ thứ III, (đây là một trong những Sử liệu đáng tin cậy nhất về mặt lịch sử trong số tất cả các Sử liệu về các vị tử đạo!), chúng ta đọc thấy rằng một trong số các vị tử đạo, tên là Felicita, bị bắt khi đang mang thai ở tháng thứ tám. Trong tù, cô rên rỉ vì những đau đớn khi sinh nở. Một trong những tên cai ngục nói với cô: “Nếu bây giờ cô rền rĩ, liệu cô sẽ làm gì khi bị ném cho đám thú dữ trong đấu trường?” Và cô ấy trả lời: “Bây giờ tôi là người đau khổ, lúc ấy, sẽ có người khác chịu đau khổ thay tôi!” [4].
Chúng ta có một ví dụ gần với chúng ta hơn. Trong tù và trước ngày bị treo cổ, sau cuộc đảo chính chống Hitler thất bại, Mục sư Dietrich Bonhoeffer đã viết những câu thơ này và thường được dùng như thánh thi phụng vụ:
Được bao quanh bởi sức mạnh kỳ diệu,
Chúng tôi thanh thản chờ đợi, dù điều gì có thể xảy ra.
Vì có Chúa ở cùng, dẫu đêm khuya hay sớm mai,
Và chắc chắn, Ngài luôn ở bên, vào mỗi ngày mới [5].
* * *
Trong những bài suy niệm này, chúng ta đã quyết định không nói về những gì chúng ta phải làm cho người khác, mà chỉ nói về những gì Chúa Giêsu là và làm cho chúng ta: đồng hoá mình với đàn chiên hơn là với mục tử. Nhưng chúng ta phải thực hiện một ngoại lệ nhỏ trong dịp này. Bất kể mọi lời khuyến khích của Tin Mừng, chúng ta không phải lúc nào cũng có khả năng giải thoát mình khỏi sợ hãi và lo lắng; nhưng chúng ta có thể có khả năng giải thoát người khác hoặc giúp họ tự giải thoát khỏi sợ hãi và lo lắng.
Pascal đã viết trong tác phẩm Tưởng Niệm: “Chúa Giêsu sẽ chịu thống khổ cho đến tận thế; chúng ta không được ngủ trong suốt thời gian này” [6]. Chúa Giêsu tiếp tục chịu đau khổ vì trong chiều hướng vĩnh cửu mà Người đã bước vào, không còn quá khứ nữa, mà mọi thứ đều hiện diện một cách mầu nhiệm, ngay cả đêm của Người ở Vườn Gethsemane. Nhưng Người cũng đang thống khổ theo một cách khác, ít mầu nhiệm hơn. Chúa Giêsu ở trong thân mình mầu nhiệm của Người: nơi những người bị áp bức bởi đau khổ và sợ hãi vì cô đơn, bệnh tật, bách hại, lưu đày, chiến tranh. Bây giờ chúng ta là mắt, miệng, và tay của Đức Kitô. Chúng ta hãy cố gắng mang lại niềm an ủi cho một số người trong số họ và chúng ta sẽ nghe thấy những lời của Chúa Giêsu phục sinh vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Các con đã làm cho chính Ta vậy!” (Mt 25, 40). Cả chúng ta nữa, dù là mục tử hay đơn thuần là tín hữu, cũng phải là những người chữa lành bị thương tích, những người bệnh đáng thương, nhưng có thể chữa lành cho người khác.
Tôi kết thúc bằng một giai thoại mà tôi nghĩ là nhiều người biết, nhưng nó giúp chúng ta khắc sâu trong tâm trí hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng vác chúng ta trên vai trong những thời khắc khó khăn của cuộc đời. Giai thoại kể về một người nhìn thấy toàn bộ cuộc đời mình trong một giấc mơ. Dưới đây là bản tóm tắt ngắn gọn của câu chuyện:
Tôi bước đi trên bãi cát ven biển, để lại phía sau không chỉ một mà là hai cặp dấu chân. Tôi hiểu rằng cặp dấu chân thứ hai là bước chân của Chúa Giêsu đi bên cạnh tôi và tôi rất vui. Nhưng đến một lúc nào đó, cặp dấu chân thứ hai này biến mất và chỉ còn thấy dấu của một cặp chân trên cát. Tôi hiểu điều này diễn ra đúng vào thời điểm đen tối và khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi phàn nàn về điều đó và nói: “Lạy Chúa, Chúa đã bỏ con một mình ngay lúc con cần Chúa nhất!” Chúa Giêsu trả lời tôi, “Này con, cặp dấu chân con nhìn thấy đó là của Ta. Con đã ở trên vai của Ta rồi!”
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (08. 03. 2024)
Những bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Roma:
Mùa Chay 2024:
08.03.2024: Bài 3 – Ta là Mục tử Nhân lành 01.03.2024: Bài 2 – Ta là ánh sáng thế gian 23.02.2024: Bài 1 – Ta là bánh trường sinh Mùa Chay 2023: 31.03.2023: Bài 5 – Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian 24.03.2023: Bài 4 – “Đây là mầu nhiệm đức tin!” trong phụng vụ 17.03.2023: Bài 3 – Thiên Chúa là tình yêu 10.03.2023: Bài 2 – Mối tương quan cá vị với Đức Kitô 03.03.2023: Bài 1 – Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần Mùa Chay 2022: 08.04.2022: Bài 5 – Thầy đã nêu gương cho anh em 01.04.2022: Bài 4 – Sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu 25.03.2022: Bài 3 – Hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô 18.03.2022: Bài 2 – Hãy cầm lấy mà ăn 11.03.2022: Bài 1 – Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay 2018: 23.02.2018: Bài 1 – Đừng rập theo đời này (Rm 12:2) |
[1] Augustine, Sermo 340, 1 (PL 38,1483).
[2] Augustine, Expos. in Psalmos, 126, 3.
[3] Martin Heidegger, Antwort. Martin Heidegger im Gespräch, Gesamtausgabe, vol. 16, Frankfurt 1975.
[4] Passio Sanctarum Perpetuae et Felicitatis, XV (Ed. C.J. von Beek, Bonn 1938).
[5] Trans. John Brownjohn.
[6] Pascal, Pensées, 553, ed. Br.