MÙA CHAY VÀ SỰ SỐNG THẦN LINH
“Chay tịnh là một loại thuốc” – Thánh John Chrysostom
“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,15)
WHĐ (16.02.2024) – “Bạn từ bỏ điều gì trong Mùa Chay?” Mặc dù câu hỏi này có vẻ phổ biến nơi nhiều Kitô hữu, nhưng dường như câu trả lời ngày càng sáng tạo hơn. Trên thực tế, có rất nhiều trang web và sách vở đưa ra những gợi ý “sáng tạo” cho những ai đang cố gắng phân định những gì cần phải từ bỏ, phải giảm bớt, hoặc loại bỏ hoàn toàn. Nói chung, những gợi ý này là tốt khi chúng giúp mọi người tiến từng bước trong quá trình phát triển đời sống tâm linh.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là, những gợi ý đó thường nhấn mạnh về mặt kỹ thuật, có nghĩa là, phải làm gì và làm như thế nào. Do đó, điều thường bị thiếu là cốt lõi thần học và tầm nhìn nền tảng về Mùa Chay là gì và Mùa Chay mạc khải sự thật về những điều tối hậu như thế nào.
Linh mục Alexander Schmemann, một thần học gia Chính thống giáo nổi danh, được biết đến qua nhiều tác phẩm về thần học phụng vụ, đã đề cập đến những chân lý cơ bản này trong cuốn sách tuyệt vời Great Fast được xuất bản hơn 50 năm trước. Điều tác giả thực hiện, ngay từ trang mở đầu, là trình bày một nhận thức đầy thách đố, thậm chí có một chút gây ngạc nhiên về Mùa Chay, bắt đầu với đòi hỏi cơ bản là phải ăn năn. Schmemann lưu ý rằng cuộc sống của chúng ta thường bận rộn đến mức chúng ta “chỉ đơn thuần cho rằng tất cả những gì chúng ta phải làm trong Mùa Chay là kiêng bớt một số loại thực phẩm, và cắt giảm sự ‘giải trí’” – hoặc, theo thuật ngữ ngày nay, trên mạng xã hội – là “đi xưng tội, được linh mục tha tội”, và sau đó tiếp tục con đường của mình. Theo Schmemann, Mùa Chay là một “trường học sám hối”, một hành trình tâm linh, mà đích đến là Lễ Phục Sinh, “Lễ trọng trên hết các Lễ”.
Tất nhiên, đây không phải là điều mới mẻ đối với những tín hữu ngoan đạo. Nhưng Schmemann chỉ mới bắt đầu, vì ông lặn sâu, rồi sâu hơn, đôi khi đến mức người đọc cảm thấy cần phải ngoi lên mặt nước để thở hổn hển. Một trong nhiều giá trị tuyệt vời của tác phẩm là sự suy xét sâu sắc về cái chết mà chúng ta thường ít khi lưu tâm cách thấu đáo và cử hành Sự Phục Sinh của Đức Kitô “như một điều đã xảy ra và vẫn đang xảy ra với chúng ta”. Nói cách khác, chúng ta không sống sự sống thần linh được ban tặng khi lãnh Phép Rửa. Chúng ta để sự sống thần linh dần dần mờ nhạt do sự lười biếng và thờ ơ; chúng ta nhìn sự sống thần linh đâm sầm vào những tảng đá dục vọng và kiêu hãnh, biến mất trong dòng nước tối tăm của sự tuyệt vọng và ích kỷ của chúng ta. Trong sự yếu đuối, chúng ta quên mất sự sống thần linh, chúng ta trở nên lãnh đạm với sự sống thần linh. Schmemann diễn đạt điều này bằng những thuật ngữ rõ ràng và đau đớn:
Chúng ta cố gắng quên đi cả cái chết, và rồi đột nhiên, giữa lúc chúng ta đang “tận hưởng cuộc sống”, thì cái chết đến với chúng ta: thật khủng khiếp, không thể tránh khỏi, và vô nghĩa. Đôi khi, chúng ta nhìn nhận và thú nhận những “tội lỗi” khác nhau của mình, tuy nhiên chúng ta không còn hướng cuộc sống của mình đến sự sống mới mà Đức Kitô mạc khải và ban tặng cho chúng ta. Thật vậy, chúng ta sống như thể Đức Kitô chưa hề đến. Đây mới là tội lỗi thực sự, là tội trên hết mọi tội, là nỗi buồn và bi kịch vô tận trên danh nghĩa Kitô giáo của chúng ta.
Chúng ta sống như thể Đức Kitô chưa bao giờ đến. Thật quá dễ để sống như thể Đức Kitô chưa bao giờ sống lại từ cõi chết, chưa bao giờ chiến thắng sự chết, và chưa bao giờ thực sự thiết lập một Giáo hội có khả năng chống chọi với những bão tố từ bên ngoài và những sự phản bội từ bên trong. Nhưng, như thánh Phaolô đã khuyên các Kitô hữu đang gặp khó khăn ở Corinthô, Sự Phục sinh thực sự là một đề xuất hoặc là được tất cả hoặc là không có gì: “Mà nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cor 15,14).
Vậy làm sao để khôi phục lại tầm nhìn về cuộc sống mới – quả thật là chúng ta, những người đã lãnh Phép Rửa trong sự chết của Đức Kitô – để chúng ta có thể bước đi trong cuộc sống mới (Rm 6,1ff), và rằng chúng ta, nhờ ân sủng dồi dào và đáng kinh ngạc của Thiên Chúa, trở thành con cái thực sự của Thiên Chúa (1 Ga 3,1ff)? Câu trả lời của Schmemann dành cho câu hỏi này rất đơn giản: đó là việc thờ phượng mang tính phụng vụ của Giáo hội. “Và ở trung tâm của đời sống phụng vụ đó, như là trung tâm và đỉnh cao của nó, như là mặt trời chiếu sáng khắp mọi nơi, chính là lễ Vượt Qua”.
Và ở trung tâm của trung tâm, là Thánh Thể, bí tích cánh chung – tức là sự nếm trước đích thực và thực sự về Nước Trời và tiệc cưới Con Chiên.
Giáo hội luôn ‘tỉnh thức’ – Giáo hội mong đợi Đức Lang quân và chờ đợi Người trong sự sẵn sàng và hân hoan. Như vậy, việc chay tịnh hoàn toàn không chỉ là việc ăn chay của các phần tử của Giáo hội; chính Giáo hội cũng ăn chay khi mong đợi Đức Kitô đến với mình trong Thánh Thể, Đấng sẽ đến trong vinh quang vào ngày cánh chung.
Tại điểm này Schmemann phát triển một số dòng suy tư nhưng có một dòng được quan tâm đặc biệt: Đâu là điểm độc đáo về việc chay tịnh của Kitô hữu. Điều này bắt nguồn từ những sự kiện được mô tả ở phần đầu của Cựu Ước và Tân Ước. Trước hết là việc Ađam “phá vỡ sự chay tịnh” trong Vườn Địa Đàng – tức là tội của Ađam khi ông và Eva ăn trái cây cho biết điều thiện điều ác, điều mà Thiên Chúa đã cấm họ (St 2, 8-17; 3,1-7). Trước khi sa ngã, sự “chay tịnh” của Ađam là từ chối bám vào bất cứ điều gì có thể cắt đứt mối tương giao của ông với Thiên Chúa; nói một cách tích cực thì đó là mối tương quan một lòng một dạ và diện đối diện với Thiên Chúa, bắt nguồn từ sự tin tưởng, tình yêu, và trung thành. Khi phá vỡ sự chay tịnh ấy, Ađam đã phá vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa và bị trọng thương.
Biến cố thứ hai là sự cám dỗ của Đức Kitô trong thời gian 40 ngày ở hoang địa, vốn là nền tảng cho 40 ngày Mùa Chay của Giáo hội. Schmemann tóm tắt sự khác biệt giữa Ađam Cũ và Ađam Mới như sau:
Ađam bị cám dỗ và ông đã bị khuất phục trước cám dỗ; Đức Kitô bị cám dỗ và Người đã vượt thắng cám dỗ. Hậu quả của sự thất bại của Ađam là bị trục xuất khỏi Vườn địa đàng và phải chết. Thành quả của chiến thắng của Đức Kitô là sự tiêu diệt cái chết và đưa chúng ta trở về Thiên Đàng.
Trong bối cảnh này, việc chay tịnh không chỉ đơn thuần là một nghĩa vụ hoặc thậm chí là một kỷ luật nhưng “gắn liền với chính mầu nhiệm sự sống và sự chết, sự cứu đô và án phạt”. Tội lỗi không chỉ là việc vi phạm các quy tắc hay từ chối các quy tắc đạo đức, mà còn là “sự làm tổn thương đến sự sống do chính Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta”. Và đây là lý do tại sao Schmemann lập luận rằng câu chuyện nền tảng về sự sa ngã được thể hiện qua hành động ăn uống. Con người, khi quay lưng lại với Thiên Chúa và bám lấy một cuộc sống “tự do” khỏi sự sống của Thiên Chúa, đã tự tuyên bố mình sống “chỉ nhờ cơm bánh”. Do đó, con người đã đánh mất sự sống thần linh và tình yêu thần linh, nên chỉ sống một cuộc sống tự nhiên, phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên, và phải chết vì xa cách Thiên Chúa. Tôi nói “và tình yêu thần linh” bởi vì cốt lõi tội của Ađam là việc quay lưng lại với tình yêu thần linh, và kiêu ngạo bám lấy tình yêu bản thân. Thực ra, việc biến mình chìm đắm trong ích kỷ này là một cách hiểu về hoả ngục, đó là sự cắt đứt mối tương quan một cách ngạo mạn – không chỉ với Thiên Chúa, mà còn với tất cả mọi người, và cuối cùng, với mọi sự.
Theo Schmemann, bi kịch của Ađam là việc ông ăn thức ăn vì chính nó, tách khỏi Thiên Chúa và độc lập với Nguồn cội của mọi sự sống và tình yêu. Ađam không nhận ra rằng thế giới và mọi sự tốt đẹp của nó – kể cả thức ăn – được tạo ra để con người có thể hiệp thông với Thiên Chúa. Và khi làm như vậy, Ađam cho thấy rằng “ông tin rằng thức ăn tự nó có sự sống và rằng khi ăn thức ăn đó, ông có thể nên giống như Thiên Chúa” – tức là có sự sống nơi chính mình. Trong một cụm từ nổi bật, Schmemann nói rằng Ađam “tin cậy vào thức ăn, trong khi đối tượng duy nhất của niềm tin, của đức tin, của sự phụ thuộc là chính Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi”.
Chúng ta vẫn là nô lệ của “thức ăn”, của tất cả những thứ mà chúng ta cố ý hay vô tình đặt niềm tin cậy vào và chống lại Thiên Chúa. Chay tịnh và cơn đói đi kèm với nó giúp chúng ta thoát khỏi sự lệ thuộc đó, cho thấy cơn đói nhức nhối và sự phụ thuộc thiết yếu của chúng ta vào Thiên Chúa. Như chúng ta đọc thấy:
Ma quỷ nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho hòn đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu trả lời: “Có lời viết: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà thôi” (Lc 4,4-5).
Nhưng chưa hết! – chúng ta cố gắng để sống chỉ nhờ cơm bánh mà thôi. Chỉ nhờ tiền mà thôi. Chỉ nhờ quyền lực mà thôi. Chỉ nhờ tình dục và thú vui mà thôi. Tuy nhiên, chỉ có Đức Kitô mới cứu chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi và sự chết. Và chay tịnh, điều rất cần thiết đối với Mùa Chay, đó là “việc chúng ta bước vào và tham gia sự trải nghiệm về chính Đức Kitô, nhờ đó Người giải thoát chúng ta khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn, vật chất, và thế gian”.
Việc chay tịnh lương thực tự nhiên đòi phải gia tăng lương thực siêu nhiên. Và cơn đói mà chúng ta cảm thấy trong cơ thể mình sẽ làm tăng thêm cơn đói của chúng ta đối với Lời Chúa, với Thánh Thể, và với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích trong Thông điệp cuối cùng của ngài, Ecclesia de Bisitacia (2003), chúng ta đang sống với một “căng thẳng cánh chung” sâu sắc giữa lần đến thứ nhất và lần thứ hai của Đức Kitô Vua. Là những người lữ hành trên trần gian, chúng ta được mời gọi trở thành công dân Nước Trời; Là công dân của thế giới này, chúng ta phải lớn lên trong ân sủng và trưởng thành về mặt tâm linh để có thể hoạt động tốt hơn cho cả công lý ở thế giới này và ơn cứu độ ở thế giới mai sau. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan II đã viết:
Đó chính là một khía cạnh của Bí Tích Thánh Thể phải được chú ý: khi cử hành hy tế của Con Chiên, chúng ta cùng hợp với phụng vụ thiên quốc, chúng ta liên kết với đoàn người đông đảo đang tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,10). Bí Tích Thánh Thể thực là một góc trời mở ra trên trần gian! Chính là một tia vinh quang của thành Giêrusalem thiên quốc, đang xuyên qua những lớp mây của lịch sử chúng ta và rọi sáng cuộc hành trình của chúng ta.
Một hệ luận khác rất có ý nghĩa của chiều hướng cánh chung trong Bí Tích Thánh Thể là sự thúc đẩy bước chân lữ hành của chúng ta trong lịch sử, làm nảy sinh một mầm hy vọng sống động cho mọi người hằng ngày tận tụy với nhiệm vụ của mình. Quả thật, nếu nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới” (x. Kh 21,1), điều đó không làm suy yếu, mà thúc đẩy tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất của chúng ta. Tôi muốn tái khẳng định điều này một cách mạnh mẽ vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, để các Kitô hữu, hơn lúc nào hết, cảm thấy càng phải dấn thân chu toàn những bổn phận công dân trần thế của mình. Họ có nghĩa vụ phải đóng góp, dưới ánh sáng của Tin Mừng, vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người và đáp ứng đầy đủ chương trình của Thiên Chúa (các câu 20-21).
Tóm lại, chúng ta phải sống như thể Đức Kitô đã đến, vì đúng là Người đã đến. Và Mùa Chay là thời điểm hoàn hảo để tái tập trung vào việc Đức Kitô đến trong quá khứ, đến trong hiện tại, và đến trong tương lai vinh quang của Người.
Carl E. Olson
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicworldreport.com (11. 02. 2024)